“Phụ Nữ Tân Văn- Phấn son tô điểm sơn hà“. NXB Văn hoá Sài Gòn, Công ty Sách Thời đại, TPHCM, 2010, 320 trang khổ 16 x 24. Tác giả: Thiện Mộc Lan
Báo chí là một nguồn tư liệu lịch sử và văn hoá nói chung, văn học nói riêng. Phụ Nữ Tân Văn là tờ báo dành cho nữ giới ra đời sau tờ “Nữ Giới Chung”. Số đầu tiên ra mắt vào ngày 2-5-1929 với tôn chỉ “là một cơ quan độc lập, chuyên tâm khảo cứu những vấn đề quan hệ tới đàn bà tức là quan hệ tới quốc gia xã hội…, không đảng phái chỉ thờ chơn lý làm thần minh, Tổ quốc làm tôn giáo…
Tờ báo thu hút nhiều cây bút thuộc nhiều tầng lớp khác nhau với nhiều tên tuổi như Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Văn Trường, Trần Trọng Kim, Diêp Văn Kỳ, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Phan Khôi, Nguyễn Phan Long, Đạm Phương nữ sĩ, Huỳnh Thị Bảo Hoà, Trịnh Đình Thảo… Bộ Biên tập gồm những cây bút sáng giá như Nguyễn Đức Nhuận, Đào Trinh Nhất, Bùi Thế Mỹ, Hồ Biểu Chánh, Bửu Đình, Nguyễn Thị Kiêm (Nguyễn Thị Manh Manh), Phan Thị Nga…
Tờ báo phản ảnh nhiều sự kiện, hiên tượng và những vấn đề của xã hội miền Nam nói riêng và Việt Nam nói chung vào một thời điểm mà ý thức dân tộc đang chuyển từ truyền thống sang hiện đại, tiếp thu nhiều thay đổi mới mẻ… Sách đề cập tới nhiều sự kiện như Hội Dục Anh, Vụ án Đường Barbier, Việt Nam Quốc dân Đảng và Khởi nghĩa Yên Bái, Đạo Cao Đài, Phong trào Thơ mới v.v…
Sách giới thiệu và phân tích những giá trị của tờ báo như một nguồn tư liệu quý cho lịch sử xã hội và văn hoá, gắn với các nhân vật lịch sử báo chí và văn chương. Tác giả Thiện Mộc Lan (tên thật là Đinh Công Thành) ở Đông Tháp là tác giả sách biên khảo về Nữ sĩ Nguyên Thị Manh Manh và nhà báo Trần Tấn Quốc.