Thêm hai công trình sử học về triều đại Tây Sơn

Sau cặp công trình nghiên cứu lịch sử gồm 2 quyển Việt Thanh chiến dịchThanh Việt nghị hòa nhận được sự hoan nghênh của đông đảo những người đọc quan tâm, nay tác giả Nguyễn Duy Chính và NXB Văn Hóa-Văn Nghệ lại tiếp tục cho xuất bản liên tiếp thêm hai công trình sử học nữa chủ yếu liên quan đến triều đại Tây Sơn, triều đại gắn với một thời kỳ đầy biến động và mang những nét rất đặc thù trong lịch sử dân tộc cũng như trong mối quan hệ không kém phần phức tạp với nước láng giềng Trung Hoa. Đó là sách Núi xanh nay vẫn đó và “Giả vương nhập cận”, vừa được ra mắt bạn đọc cùng lúc trong mấy ngày gần đây.

     Núi xanh nay vẫn đó là một tập hợp gồm 11 bài biên khảo lịch sử của tác giả, trong đó bài chuyên khảo dài khoảng 70 trang về nước cổ Chiêm Thành “Núi xanh nay vẫn đó” được dùng làm tên chung của sách, mà nhan đề nghe có vẻ lãng mạn này lại được biết vốn lấy từ 2 câu thơ “Thanh sơn y cưu tại/ Kỷ độ tịch dương hồng” trong bài thơ (làm theo thể từ) “Lâm Giang Tiên” nổi tiếng của Dương Thận đời Minh.

     Tổng cộng tập Núi xanh vẫn còn đó dày đúng 600 trang (khổ sách 16 x 24 cm). Ngoài bài viết quan trọng kể trên về nước Chiêm Thành, còn có 10 bài biên khảo nữa chủ yếu xoay quanh những đề tài liên quan đến Nguyễn Huệ/ triều đại Quang Trung, mỗi bài dài chừng vài chục trang, tương đương với một loại “tiểu công trình” về sử, đều được khảo cứu một cách tỉ mỉ, căn cơ, nói có sách mách có chứng, như có thể kể: Tương quan Xiêm-Việt cuối thế kỷ XVIII, Vài sự kiện về bức chân dung vua Quang Trung do họa sĩ nhà Thanh vẽ, Những nghi vấn lịch sử triều Quang Trung: Lá thư gửi La Sơn Phu Tử, Những nghi vấn lịch sử triều Quan Trung: Cầu hôn công chúa nhà Thanh, Từ chiến dịch Ai Lao đến trận thủy chiến Thị Nại…   

     Trong Giả vương nhập cận (Vua giả sang triều kiến hoàng đế) dày 236 trang (khổ sách 16 x 24 cm), với tên gọi đầy đủ Giở lại một nghi án lịch sử “Giả vương nhập cận” có thực người sang Trung Hoa là vua Quang Trung giả hay không?, tác giả đã vận dụng tất cả những sách vở tư liệu lịch sử khá phong phú bằng nhiều loại ngôn ngữ có được trong tay để cố gắng giải đáp thỏa đáng một vấn đề hay nỗi thác mắc khá quan trọng về lịch sử lâu nay rất nhiều người đều có thể nghe qua nhưng chỉ biết loáng thoáng, mà từ trước tới nay vẫn chưa có công trình chuyên khảo nào tập trung giải quyết một cách có ngọn ngành và khả tín .

     Truyền thuyết “Giả vương nhập cận”, theo tác giả Nguyễn Duy Chính, được hình thành qua nhiều thời kỳ. Tuy nhiên dù thật hay giả, người đóng vai “tuy đại do thân”(thay mặt mà cũng như đích thân) Nguyễn Huệ sang Trung Hoa không quan trọng nên tuy cả hai bên “đều biết là giả dối” nhưng chỉ là một trong những thủ tục để vua Càn Long đồng ý phong vương cho Nguyễn Huệ.
Vậy chuyến đi của vua Quang Trung như thế nào?

Vấn đề vua Quang Trung “giả” hay “thật” dẫn đầu phái đoàn sang Trung Hoa không phải chỉ là một vấn đề cá nhân mà còn là một vấn đề quốc thể. Sử sách Trung Hoa viết thời Dân quốc về sau cũng chấp nhận một Nguyễn Huệ giả và hầu như không ai đánh giá lại chuyến công du quan trọng vào bậc nhất trong chính sách ngoại giao đời Càn Long. Biên khảo này nhằm đưa ra một số cơ sở về người dẫn đầu phái bộ sang Trung Hoa năm Canh Tuất (1790) để trả lại một sự thật cho lịch sử” (trích chương VIII: “Tổng luận”, tr. 160).

     Cả 2 công trình vừa giới thiệu sơ trên đây đều được in ấn cẩn thận, với rất nhiều hình ảnh minh họa đẹp và rõ. Riêng cuốn Giả vương nhập cận, ngoài phần chính văn còn có thêm 2 Phụ lục rất cần cho giới nghiên cứu sử, và một bảng Sách dẫn để tiện tra cứu về tên người, tên đất