Giới thiệu tạp chí điện tử

Thế kỷ 20 qua đi cách nay đã 11 năm, một khoảng thời gian để chúng ta có thể định vị được một trăm năm ấy trong tiến trình hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc Việt Nam. Mọi so sánh có thể là khập khiễng nhưng nó lại có thể gợi cho chúng ta một sự nhận thức sâu sắc hơn.

Đó là một thế kỷ dữ dội nhất trong toàn bộ tiến trình lịch sử dân tộc

Nếu không kể đến hơn một ngàn năm Bắc thuộc ở Thiên niên kỷ thứ nhất của Công nguyên, thì cho đến kết thúc thế kỷ thứ 19, chỉ có 2 lần dân tộc Việt Nam bị nước ngoài đô hộ. Đó là hơn 20 năm đô hộ của giặc Minh (1407-1428) và gần 20 năm bị thực dân Pháp biến toàn cõi nước ta thành thuộc địa (1883-1900)..

Nhưng chỉ riêng thế kỷ 20 chúng ta chịu ách đô hộ của thực dân Pháp rồi phát xít Nhật kéo dài đến 45 năm (1901-1945).

Trong 9 thế kỷ trước thế kỷ 20, đã nhiều lần dân tộc ta phải đương đầu với mối đe dọa và các cuộc xâm lăng chủ yếu đến từ phương Bắc nhưng thời gian phải tiến hành chiến tranh nếu cộng cả lại cũng không dài bằng ba cuộc chiến tranh nối tiếp nhau: kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), kháng chiến chống Mỹ (1955-1975), bảo vệ biên giới phía Tây Nam với Campuchia Dân chủ và phía Bắc với Trung Quốc (1975-1989).

Chiến tranh không chỉ kéo dài mà vô cùng khốc liệt với sức tàn phá và hậu quả của nó hết sức nặng nề. Đó là chưa nói đến nạn đói năm Ất Dậu (1944-1945) làm chết 2 triệu đồng bào Việt Nam và những di hại lâu dài của chất độc da cam mà cả những thế hệ sau chiến tranh phải chịu đựng.

Đó là thế kỷ nhiều biến đổi to lớn và cơ bản nhất.

Nếu như chế độ quân chủ trải qua nhiều triều đại khác nhau và nối tiếp nhau có sự thay đổi diễn ra tuần tự, thì chỉ trong 100 năm của thế kỷ 20 Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến đã dành lại quyền tự chủ và xác lập nền “Dân chủ-Cộng hoà” (1945), rồi sau khi thống nhất đất nước trên phương diện chính trị, Việt Nam trở thành “cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (1976) và sau nhiều lựa chọn con đường phát triển đã chấp nhận sự Đổi mới với việc xác lập nền kinh tế thị trường và hội nhập với các thể chế chính trị khác nhau trên toàn thế giới.

Nếu mở đầu thế kỷ có phong trào Duy Tân là biểu hiện của quá trình “hội nhập với một thế giới ngoài Trung Hoa” thì ở cuối thế kỷ này là công cuộc Đổi Mới và Hội nhập với toàn thế giới. Từ một xã hội nông nghiệp truyền thống, với kết cấu bền vững của các làng xã trong điều kiện bị tác động liên tục bởi những biến động chính trị và sự tiếp cận với nhiều nền văn hoá, sự xuất hiện và du nhập những tôn giáo cùng hệ tư tưởng mới và một quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá kéo theo đô thị hoá… Việt Nam đã từng bước hội nhập với thế giới để chia sẻ những giá trị phổ quát của xã hội hiện đại… Đó là một sự thay đổi vô cùng to lớn và căn bản của Việt Nam trong bối cảnh diễn ra những thay đổi mạnh mẽ của hành tinh chúng ta.

Đó lại cũng là một thế kỷ của sự phân hoá và phân tâm trong con người và dân tộc Việt Nam.

Tính khốc liệt của những thay đổi và sự xung đột về chính trị của thế giới đã tác động mạnh mẽ làm phân hoá ngay từ trong tâm thức con người và dân tộc ta. Sự phân chia ranh giới những giá trị đạo đức, tư tưởng và chính trị, cùng với cuộc chiến tranh khốc liệt với hình thái của một cuộc nội chiến bị tác động của một thế giới phân cực về lợi ích và hệ tư tưởng đã làm cho những thành tựu của một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc mà đỉnh cao là sự ra đời của một nước Việt Nam độc lập 1945 nhưng lại khởi đầu cho những xung đột giữa các lực lượng chính trị đối lập trong nước cuốn hút tất cả vào một sự phân tuyến sâu sắc. Và một hệ quả của nó còn dẫn đến những cuộc di dân làm thay đổi bộ mặt dân cư trong nước và hình thành một cộng đồng người Việt Nam sống ở nước ngoài lên đến nhiều triệu người trong khi ở trong nước dân số Việt Nam vào cuối thế kỷ đã trên dưới 80 triệu dân, xếp vị trí quốc gia đông dân thứ 13 trong cộng đồng thế giới…

Chính sự dữ dội, sự biến đổi, sự phân hoá và phân tâm trong cộng đồng dân tộc Việt Nam khiến cho quá trình nhận thức lịch sử của thế kỷ 20 thực khó khăn. Cách viết sử cổ điển bằng những công trình biên soạn của cá nhân hay nhóm tác giả thậm chí mang danh các tổ chức hàn lâm hay nhà nước cũng khó thoát khỏi tính mục đích nhằm trình bày và lý giải lịch sử theo một lợi ích cục bộ chịu ảnh hưởng và phản ảnh sự khác biệt thậm chí đối lập nhau về quan điểm mang dư âm và quán tính của sự phân liệt chính trị trong quá khứ. Điều đó khắc phục không dễ mà sự quên lãng sẽ chiếm lĩnh cùng với thời gian…

Do vậy mà trang Web này ra đời như một thử nghiệm cho một cách chép sử khai thác từ những thành tựu của công nghệ thông tin. Nó sẽ do một nhóm người quản trị nhằm thu thập từng bước theo phương châm “năng nhặt chặt bị” và nhằm thu hút sự đóng góp rộng rãi nhất của mọi nguời để phản ảnh rộng rãi nhất những dữ kiện lịch sử của thế kỷ 20 (nhân vật, sự kiện, những hiện tượng và tri thức), cũng từng bước tạo ra một diễn đàn để sự nhận thức ngày một phong phú và tiệm cận với sự thực hơn…

Còn rất nhiều điều để nói về những ý tưởng khi lập ra trang Web này và sẽ còn rất nhiều vấn để sẽ nẩy sinh trên quá trình vận hành trang Web này. Chúng tôi không ảo tưởng nhưng tin tưởng rằng sự hanh thông sẽ được xác lập khi tìm thấy sự đồng thuận của những người có thiện ý khi tham dự hay tiếp cận với một công cụ (tuy mới mang tính thử nghiệm) để kiếm tìm sự đồng thuận trong nhận thức về thế kỷ 20 nhằm hướng tới một mục tiêu quan trọng hơn là quy tụ lòng người Việt Nam phấn đấu cho tương lai ngay tự bây giờ.

Website này được thực hiện trên tinh thần bất vụ lợi và trong giai đoạn thử nghiệm nó dựa vào sự hỗ trợ của những bạn bè thân hữu. Mong được sự chia sẻ lớn nhất của các bạn tiếp cận với trang web này. Xin nhắc lại cái slogan của chúng tôi là “Năng nhặt chặt bị” và bất vụ lợi…

Dương Trung Quốc (Tổng biên tập Tạp chí Xưa & Nay)