Vua Tự Đức với việc bảo vệ an ninh biên giới phía Bắc (1848- 1878)

Thời Nguyễn, Việt Nam đã trở thành một quốc gia thống nhất về mặt lãnh thổ. Triều Nguyễn trong quá trình xây dựng và củng cố chính quyền luôn đặt vấn đề duy trì vào bảo vệ vững chắc cương giới làm nhiệm vụ hàng đầu. Tuy nhiên, trên thực tế rất nhiều vấn đề nảy sinh khiến triều đình gặp khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng đó. Trong khoảng thời gian 1848- 1883, thời trị vì của Tự Đức, tình trạng mất ổn định về an ninh quốc phòng đã diễn ra một số tỉnh biên giới phía Bắc: Cao Bằng, Lạng Sơn, Hưng Hoá (1), Tuyên Quang và Quảng Yên (2).

Các tỉnh biên giới phía bắc của nước ta đều nằm ở vị trí có đường biên giới giáp với phía nam Trung Quốc. Qua biên giới các tỉnh này, việc thông thương với Trung Quốc tương đối thuận tiện, song những vùng này có địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, dân cư thưa thớt; là địa bàn quan trọng trong việc xây dựng hệ thống phòng thủ về quân sự, nhưng do địa hình hiểm trở nên cũng hạn chế tầm nhìn, tầm bao quát của nhà nước phong kiến trung ương, các nhóm phản loạn vì vậy dễ có điều kiện trú ẩn lâu dài.

Tỉnh Quảng Yên vừa có đường biên giới phía Bắc giáp Trung Quốc, lại có bộ phận phía Đông nam giáp biển Đông. Nơi hội tụ nhiều dạng địa hình khác nhau, đồng bằng, đồi núi và hệ thống hải đảo, được coi là địa bàn điển hình nhất về dạng địa hình của các tỉnh biên giới phía Bắc.

Sau khi kế vị năm 1847, Tự Đức đã dành sự quan tâm đặc biệt đến các tỉnh biên giới phía bắc. Kế thừa kinh nghiệm xây dựng hệ thống quân sự ở thời Minh Mạng, ông tiếp tục củng cố ở tỉnh Quảng Yên nhiều ải và bảo lớn. Mặt khác, Tự Đức còn bổ nhiệm các chức quan từ Kinh thành làm tổng đốc ở các tỉnh Hưng Hoá, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Cao Bằng để giữ yên biên cương phía bắc.

Giai đoạn 1848- 1878 cũng là thời điểm xảy ra nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân ở Trung Quốc. Phổ biến là phong trào ở các tỉnh Quảng Tây, Vân Nam, Quý Châu. Song điển hình nhất vẫn là những tổ chức lấy danh nghĩa tôn giáo để tập hợp nông dân chống lại triều đình. Sau một thời gian, triều đình Mãn Thanh tập trung quân đội đàn áp, các nhóm quân rơi vào thế đường cùng buộc phải tràn sang biên giới Việt Nam tìm nơi trú ẩn.

Hoạt động của nhóm Tam Đường:

Tiền thân của nhóm Tam Đường là tổ chức Thiên Địa hội ở Trung Quốc. Trong những năm 1807- 1851, Thiên Địa hội là một tổ chức lớn tiêu biểu cho các nhóm quân nổi dậy chống triều đình Mãn Thanh. Sau nhiều lần tập trung quân truy quét lực lượng này, nhà Thanh về cơ bản đã loại bỏ được những hạt nhân quan trọng của Hội Thiên địa. Những tướng lĩnh cầm đầu của tổ chức này đã bàn kế hoạch sang Việt Nam: Quảng Nghĩa Đường Lý Đại Xương, Đức Thắng Lưu Sỹ Anh, Lục Thắng Đường Hoàng Nhị Vãn (3).

Nhóm Tam Đường tiến hành gây rối ở các tỉnh biên giới phía bắc nước ta bắt đầu bởi sự kiện tháng 11- 1858, quân của Lục Thắng Đường quấy nhiễu ở Thất Khê (tỉnh Lạng Sơn). Sau đó cánh quân của Hoàng Nhị Vãn nhân cơ hội tiến nhanh sang tỉnh Cao Bằng. Với hai nghìn quân, Hoàng Nhị Vãn đã chiếm giữ được các châu Thạch An, Thượng Hạ Pha, Bình Quân. Triều đình nhiều lần tập trung binh lực và điều động các lãnh binh thay phiên nhau truy quét cánh quân của Hoàng Nhị Vãn song vẫn chưa có hiệu quả. Phải mất 7 năm sau, vào tháng  5- 1865 triều Nguyễn mới loại bỏ hoàn toàn các cánh quân này ra khỏi tỉnh Cao Bằng.

Hoạt động của các nhóm giặc Cờ:

Các nhóm giặc Cờ cũng đều có nguồn gốc từ tàn quân của tổ chức Thiên Địa Hội ở Trung Quốc (4). Nhóm Cờ vàng với đại diện là Hoàng Sùng Anh, Bàn Văn Nhị là thủ lĩnh quân Cờ trắng, Lưu Vĩnh Phúc đứng đầu giặc Cờ đen. Tuy nhiên khi dạt sang Việt Nam, sự phân hoá của các nhóm giặc cờ thành nhiều khuynh hướng khác nhau đã gây ra sự căng thẳng ở các tỉnh biên giới. Năm 1868, quân Cờ trắng tập trung cướp bóc ở châu Lục Yên, tỉnh Tuyên Quang. Sau trận này, vì xung đột về quyền lợi và phạm vi chiếm đóng, quân Cờ trắng đã bị quân Cờ đen loại bỏ.

Đứng đầu quân Cờ vàng là Hoàng Sùng Anh, hay còn gọi là Hoàng Anh. Trong năm 1862, quân Cờ vàng của Hoàng Sùng Anh hoạt động mạnh ở tỉnh Tuyên Quang. Sau 4 tháng, nhận thấy tình hình cướp bóc ở Tuyên Quang không đem lại kết quả, đến tháng 4- 1862, Hoàng Anh vờ đưa ra kế hoạch đầu hàng triều Nguyễn. Nhưng đến tháng 6- 1868, quân của Hoàng Sùng Anh lại hợp sức với quân Cờ đen tấn công thành Lào Cai. Hoàng Sùng Anh tạo phản, bị triều đình truy đuổi, năm 1869 buộc phải rút hết quân về tỉnh Cao Bằng. Liên tiếp bị quân và dân địa phương Cao Bằng đánh đuổi, cánh quân Cờ vàng buộc phải trú ẩn ở Bảo Thắng (tỉnh Hưng Hoá). Sau 5 năm, triều đình vẫn chưa thể truy quét tận gốc cánh quân cướp bóc này. Đến tháng 8-1874, không chịu nổi sự truy kích của triều Nguyễn, Hoàng Anh lại xin hàng.  Nhưng sang năm 1875, nhóm quân của Hoàng Anh lại tạo phản. Tháng  6- 1875, triều Nguyễn tập trung lực lượng tấn công nhiều phía, kết hợp với nhóm người Thổ ở địa phương, điều động Tuần phủ tỉnh Hưng Hoá là Nguyễn Huy Kỷ cùng quan sở tại Nguyễn Văn Giáo nhằm tiêu diệt hoàn toàn tên đầu sỏ này. Đến tháng 8- 1875, Hoàng Sùng Anh bị tiêu diệt.

Quân Cờ đen bắt đầu gây sự ở Lào Cai vào tháng 6- 1868. Tuy nhiên, như trên đã khẳng định, quân Cờ đen không phải một mình làm chủ vùng đất này mà ở Lào Cai cũng có sự có mặt của quân Cờ vàng. Quân Cờ đen đã loại bỏ quân Cờ trắng của Hoàng Nhị Vãn và không thôi hi vọng làm bá chủ. Sự tồn tại của quân Cờ Vàng đã cản trở mục tiêu chiếm đóng của quân Cờ đen, vì vậy quân Cờ vàng nhanh chóng bị quân Cờ đen gây áp lực phải chuyển địa bàn sang nơi khác. Mâu thuẫn giữa hai cánh quân diễn ra gay gắt, đặc biệt là sau năm 1870, quân Cờ đen công khai chống đối các nhóm quân khác nhằm tranh giành quyền lợi ở các tỉnh biên giới phía bắc.

Quân Cờ đen được coi là nhóm quân hoạt động mạnh nhất ở khu vực biên giới phía bắc. Thủ lĩnh quân Cờ đen là Lưu Vĩnh Phúc (5). Năm 1868, ông chỉ huy quân Cờ đen tràn sang các tỉnh biên giới phía bắc nước ta. Đương thời, những hoạt động của quân Cờ đen đã được diễn tả lại trong một số câu thơ:

Bao giờ cho hết khoá này

Cho dân khỏi phải khổ lây vì giời (vì vua)

Bao giờ sắt nặng biết bay (có máy bay)

Cờ đen hoạ có đến ngày phải tan (6).

Để loại bỏ tận gốc cánh quân Cờ vàng, điều cần thiết cho quân Cờ đen là phải có một địa bàn an toàn hoạt động lâu dài. Vì vậy, nhân cơ hội triều Nguyễn dụ hàng, Lưu Vĩnh Phúc đã chấp nhận. Tự Đức ban cho Lưu Vĩnh Phúc làm Đề đốc trấn hạt Thập Lục Châu, cho tự do thu thuế. Trong quá trình hoạt động, quân Cờ đen đã tạo những bước chuẩn bị cần thiết về lực lượng, căn cứ, nhanh chóng loại bỏ quân Cờ vàng. Năm 1875, quân Cờ vàng bị quân Cờ đen tiêu diệt hoàn toàn.

Địa bàn hoạt động của quân Cờ đen ngày càng rộng lớn và sức ảnh hưởng của nhóm quân ngày càng mạnh. Năm 1829, quân Cờ đen đánh bại Hà Quân Xương, một tên cầm đầu các nhóm cướp bóc ở Bảo Thắng (Hưng Hoá), chiếm lấy thị xã Lào Cai làm căn cứ (7). Quân Cờ đen làm chủ hoàn toàn vùng biên giới, tự thu thuế của cư dân các vùng xung quanh. Sau này, Lưu Vĩnh Phúc đã phối hợp với quân của Hoàng Thủ Trung, Phùng Tử Tài  và oaHoa Hoa

Hoàng Kế Viêm đánh dẹp các nhóm cướp bóc ở các tỉnh biên giới phía Bắc. Đội quân Cờ đen trở thành lực lượng đắc lực chống Pháp và đã giành thắng lợi ở hai trận Cầu Giấy (1874, 1883). Năm 1877, Lưu Vĩnh Phúc đã xin triều Nguyễn ở lại Bảo Thắng (tỉnh Hưng Hoá) sinh sống. Sang năm 1878, quân Cờ đen buộc phải rút hết về Trung Quốc theo yêu cầu của Pháp (8).

Các thủ lĩnh quân sự khác:

Cùng thời điểm với các hoạt động của nhóm Tam Đường, Tạ Văn Phụng cũng gây rối tại tỉnh Quảng Yên. Tạ Văn Phụng trước đó là lính mộ của Pháp, năm 1861 mạo danh là dòng dõi nhà Lê và tự xưng là minh chủ. Tạ Văn Phụng lợi dụng sự bất mãn của dân nghèo vùng biển đối với triều Nguyễn  lôi kéo họ nổi dậy ở phía Bắc, tạo điều kiện cho Pháp xâm lược nước ta ở phía Nam. Cuối năm 1863, Tạ Văn Phụng đã tập hợp hơn 500 chiếc thuyền ở đảo Cát Bà, vùng núi Đồ Sơn, chủ trương tiến đánh kinh thành Huế nhưng không thành. Tán tương Trần Huy Sách đem quân chặn đánh quân của Tạ Văn Phụng ở La Khê (tỉnh Quảng Yên) bị thua nặng, tất cả đều hi sinh. Tháng 5- 1865, Tạ Văn Phụng bị Tán lý Đặng Trần Chuyên, Đốc binh Ông Ích Khiêm đem quân truy đuổi. Trên đường trốn thoát, Tạ Văn Phụng bị bắt về Kinh xử tử.

Năm 1867, tàn quân cũ của khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc là Ngô Côn đã tràn sang biên giới phía Bắc nước ta. Ngô Côn tập hợp quân tấn công và chiếm được tỉnh thành Cao Bằng. Với 2000 quân, trên đà thắng thế Ngô Côn chia quân cướp bóc ở tỉnh Lạng Sơn. Đối phó với tình hình này, Tự Đức đã đưa ra nhận định: “Trẫm liệu tính thì lũ Ngô Côn gian giảo lắm, nhưng chúng cũng ngại chết, đã bị quan quân nước Thanh bức bách không có lối về, cho nên tràn sang nước ta, cũng là cầu một chỗ dung thân, việc xin hàng của hắn cũng là một cái thật ở trong cái dối, mà sự thế hiện nay của ta bất đắc dĩ mới phải dùng quân,…..Cho Phan Khắc Thận đeo ấn Hữu Tướng quân đi ngay xem xét tình trạng của chúng ra sao? Nên xử trí thế nào để tâu về xét định” (9). Đồng thời ông lập bổ nhiệm các chức quan ở địa phương: Phạm Chi Hương làm Tổng đốc Lạng Bằng quân vụ đại thần, Tiễu phủ sứ Ông Ích Khiêm làm Tán lý quân thứ; yêu cầu quan lại ở Bắc Kỳ tập hợp quân địa phương để dự trữ phòng bị.

Các tướng lĩnh chỉ huy quân sự cũng gặp khó khăn trong việc đối phó với Ngô Côn. Đoàn Thọ, Vũ Trọng Bình và Lê Bá Thận nhận thấy với địa thế hiểm trở ở các tỉnh biên giới, lại thêm khí hậu rất khắc nghiệt, binh lính không hợp với địa hình, nên rất khó có thể tiêu diệt hoàn toàn Ngô Côn. Tháng 3- 1869, Ngô Côn đã chiếm giữ Đồng Đăng, Kỳ Lừa (tỉnh Lạng Sơn) nhằm phục vụ âm mưu chặn đường vận lương của quân doanh Lạng Sơn, Thái Nguyên. Triều đình buộc phải lập tức điều động nhiều cánh quân từ Kinh thành và địa phương, kết hợp với sự  trợ giúp của Phùng Tử Tài – thống lĩnh quân nhà Thanh để đối phó. Đến năm 1870, tướng giặc Ngô Côn bị tiêu diệt hoàn toàn.

Những tháng cuối năm 1862, thủ lĩnh Tô Tứ bắt đầu hoạt động ở Tiên Yên (tỉnh Quảng Yên). Tỉnh thần Đặng Xuân Bảng đã cấp 500 phương gạo và 500 quan tiền cùng thuốc đạn, ống phun lửa, tập hợp nhân dân chống lại. Song đến năm 1866, Tô Tứ lại chuyển hướng sang hoạt động ở tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn. Tự Đức lo ngại lập tức sai Thống quản thị vệ đại thần Đoàn Thọ ra Bắc Kỳ làm Tổng thống quân vụ đại thần, quan Hà Ninh Tổng đốc Vũ Trọng Bình kiêm chức Tuyên Thái Lạng quân thứ khâm sai đại thần cùng kéo quân lên Lạng Sơn dẹp giặc. Nhưng Đoàn Thọ vừa tới Lạng Sơn thì bị quân của Tô Tứ vây thành vào ban đêm. Vũ Trọng Bình chạy thoát, quan quân triều đình ở Lạng Sơn bị thương rất nhiều. Tự Đức xuống dụ: “Bọn giặc Tô Tứ không có mấy, mà đã bao lâu chưa bình được cũng đáng quái lạ. Xét bản đồ thì nơi ấy núi khe hiểm cao, quân ta chỉ đi đằng trước và bên tả hữu xa ngăn chặn, bọn giặc giữ chỗ hiểm chống cự, con đường sau có nhiều ngả, không đoái hoài lo đến. Nay nên sức cho hào lý sở tại mộ lính Thổ dõng, tìm con đường tắt, chia ra ngăn chặn hoặc sức người Thổ trước đến đấy mượn hộ lính dõng người nước Thanh, thẳng đánh vào con đường sau, quân ta ở mặt nước đánh giáp lại, có thể một trận đánh dẹp tắt được” (10). Mặt khác, Tự Đức  cử thêm Thượng thư Lê Tuấn làm khâm sai Thị sư đem quân ra Bắc phối hợp với quân của Hoàng Tá Viêm truy quét. Tháng 10- 1871, Tô Tứ âm mưu chạy về trấn Đông Hưng (Trung Quốc) bị quan quân triều đình chặn đánh và tiêu diệt.

Tháng 9- 1878, Lý Tương Tài thuộc quân của Phùng Tử Tài, người Quảng Đông, (Trung Quốc), đổi tên là Lý Đạt Đình, phao tin Việt Nam là đất tổ, đem hơn một vạn quân tấn công tỉnh Lạng Sơn, sau đó mở rộng phạm vi sang phố Đồng Bộc, Kỳ Lừa. Tự Đức đưa ra biện pháp bổ nhiệm Nguyễn Đình Nhuận làm Bố chính tỉnh Lạng Sơn; điều động quân tại Kinh thành phối hợp với 500 quân Thanh Nghệ và nhờ Triệu Ốc (Trung Quốc) hỗ trợ đánh dẹp. Phùng Tử Tài theo lệnh nhà Thanh một lần nữa mang quân sang nước ta. Sau khi Lý Tương Tài bị quân Thanh bắt sống, giải về nước chặt đầu, toàn bộ quân của Phùng Tử Tài đã rút quân khỏi các tỉnh biên giới phía bắc nước ta. Như vậy, năm 1878 là mốc đánh dấu sự chấm dứt hoàn toàn những hoạt động của các nhóm cướp bóc ở các tỉnh biên giới phía bắc Việt Nam.

Quyết tâm của triều đình Huế:

Hiện trạng xung đột vũ trang giữa quan quân triều đình và các nhóm cướp bóc ở các tỉnh biên giới phía bắc nước ta (1848- 1878) diễn ra khá mạnh mẽ. Giai đoạn từ 1862- 1868, là thời điểm cuộc khởi nghĩa nông dân Thái Bình Thiên quốc và các phong trào nông dân ở Trung Quốc bị triều đình nhà Thanh đàn áp. Các tàn quân bị đẩy xuống phía nam và tiến sang biên giới phía bắc Việt Nam. Một mặt chúng kiếm kế sinh nhai, mặt khác cũng thể hiện mong muốn chiếm đóng và thể hiện phạm vi ảnh hưởng của chúng ở địa bàn này.

Nhìn chung, những hoạt động của các nhóm cướp bóc mang tính chu kỳ, thường tập trung vào những tháng cuối năm là thời điểm tình trạng đói kém xảy ra. Mục đích chính vẫn là cướp bóc để bù đắp tình hình đói kém, vì vậy khi bị quan quân triều đình truy quét, chúng nhanh chóng dạt sang các vùng lân cận. Tuy nhiên, có rất nhiều các nhóm quân khác nhau cùng tranh giành ảnh hưởng và quyền lợi trên địa bàn ở các tỉnh biên giới nên không thể tránh khỏi tình trạng tự bản thân chúng thanh toán, loại bỏ lẫn nhau. Đây cũng là một điểm thuận lợi cho triều đình sử dụng chính sách “dĩ di trị di” nhằm hạn chế bớt thương vong của binh lính.

Thực tế, những hoạt động quân sự ở các tỉnh biên giới đã có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống người dân và gây ra nguy cơ mất ổn định về mặt an ninh quốc phòng. Hiện tượng cướp bóc của các nhóm quân đã khiến triều đình tiêu tốn một khoản chi phí không nhỏ nhằm chẩn cấp cho người dân sau khi các toán quân đã rút đi. Mặt khác, việc điều động quan quân triều đình ở Kinh thành đến các địa phương cũng gây xáo trộn về mặt chính trị ở chính các địa phương đó do bản thân những người được bổ nhiệm còn chưa quen với các vùng biên giới. Triều Nguyễn đã điều khá nhiều tướng lĩnh tài giỏi như Nguyễn Đăng Giai, Lê Tuấn, Nguyễn Tri Phương để đối phó với tình hình hỗn loạn ở biên giới phía bắc, làm phân tán lực lượng chủ lực chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp ở phía nam.

Triều Nguyễn có vai trò chủ đạo trong việc đưa ra chính sách đối phó đối với các nhóm cướp bóc. Cơ bản nhất vẫn là việc bổ sung binh lính từ Kinh thành đến các địa phương; xây dựng hệ thống đồn bốt phòng thủ; phát huy sức mạnh của nhân dân ở các địa phương. Đặc biệt, bắt đầu từ năm 1868, Tự Đức đã gửi thư cầu viện nhà Thanh mang quân sang nước ta giúp việc đánh dẹp các nhóm cướp bóc. Năm 1878, trong một bức thư gửi tuần phủ Quảng Tây, Tự Đức viết: “Hiện nay quan binh của thượng quốc đã chia ra đóng đồn khắp tỉnh Lạng Sơn, tướng thần cùng binh dũng của hạ quốc cũng đã được phái đi khắp mạn bắc để án ngữ. Nhưng ngặt vì bọn giặc rất đông, lại đều là những quân thuộc đường, đánh giỏi. Đến nay như quan binh thượng quốc xưa nay có tiếng là hùng mạnh, lại đã từng quen thuộc mà bao ngày hết sức đánh dẹp mới có thể đuổi được chúng chạy trốn” (11). Trên thực tế, biện pháp đó đã mang lại những hiệu quả bước đầu, có thể dẹp trừ các nhóm cướp bóc. Nhưng sâu xa, biện pháp cầu viện nhà Thanh sẽ gây nên những yếu tố bất lợi cho tình hình nước ta. Thời điểm nửa đầu thế kỷ XIX, Việt Nam là đối tượng tranh giành phạm vi ảnh hưởng và quyền lợi của rất nhiều thế lực. Sự cầu viện của nhà Nguyễn góp phần tăng thêm mâu thuẫn Pháp- Thanh vốn đã ươm mầm từ nhiều năm trước về vấn đề Việt Nam.

Qua việc tìm hiểu những xung đột vũ trang chủ yếu ở giai đoạn 1848- 1878, có thể thấy rõ ý thức của triều đình mà đứng đầu là Tự Đức trong việc bảo vệ biên cương. Mỗi khi có sự tấn công của các nhóm phản loạn hay cướp bóc, Tự Đức luôn họp bàn với các quan quân để tìm ra phương pháp đối phó. Ông luôn tìm ra những biện pháp cấp bách để có thể đẩy lùi tình trạng bất ổn về an ninh, quốc phòng ở các tỉnh biên giới phía Bắc. Thái độ của Tự Đức cũng như quan quân triều đình và địa phương trước sau đều kiên quyết bảo vệ vững chắc cương giới đất nước.

Mai Thị Huyền

Chú thích

  1. Hưng Hoá: gồm Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Sơn La và một phần Phú Thọ ngày nay.
  2. Quảng Yên: là tỉnh Quảng Ninh ngày nay.
  3. Ba nhân vật này được coi là lãnh đạo chủ chốt của Thiên Địa hội. Thiên Địa hội cũng hoạt động cùng thời với Hội Thượng Đế (do Hồng Tú Toàn sáng lập) nhưng mang màu sắc tôn giáo thần bí hơn. Xem Bạch Thọ Di, Trung Quốc thông sử, tập 19, tr.221, Sở Tiêu Kinh, Thượng Hải ấn hành, 1999
  4. Giặc Cờ bị phân hoá thành nhiều phe phái, thủ lĩnh của đội quân nào thì lấy màu cờ làm tên của cánh quân đó. Quân Cờ đen thì có cờ hiệu màu đen, Quân Cờ vàng có cờ hiệu màu vàng, quân Cờ trắng có cờ hiệu màu trắng.
  5. Lưu Vĩnh Phúc sinh năm 1837, tại Cổ Sâm, châu Khâm, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Trước khi làm thủ lĩnh quân Cờ Đen, ông đã tham gia vào tổ chức Thiên Địa hội của Ngô Á Chung, sau khi bị triều đình Mãn Thanh truy quét phải chạy sang nước ta.
  6. Chế Tuyết, Chiến mưu Lưu Vĩnh Phúc giặc Cờ đen, Vĩnh Yên, 1937, tr 20.
  7. Lưu Chính Lạc, Lưu Vĩnh Phúc tại Thượng Tư, uỷ viên Hội văn sử Chính Hiệp, huyện Thượng Tư, tỉnh Quảng Tây, Nxb Nguyên Lưu, Nam Ninh, 2002.
  8. Văn Tân, “Lưu Vĩnh Phúc tướng Cờ đen và các hành động của ông ở Việt Nam”, Nghiên cứu Lịch sử, số 94, 1962.
  9. Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 7, Nxb Giáo Dục, Hà Nội, 2000, tr 1124.
  10. Đại Nam thực lục, sđd, tr 997.
  11. Thơ văn Tự Đức, Nxb Thuận Hoá Huế, 1996, tr 348.