Mối tình đầu thời cách mạng

Cụ Nguyễn Hữu Đang đang mệt nặng, trí nhớ không còn minh mẫn. Nhưng cụ vẫn còn nhớ để trao cho chúng tôi những trang hồi ký do cụ chép tay từ lâu. Đáng tiếc là bản thảo đã mất trang đầu nên có một vài nhân vật không hiểu rõ xuất xứ. Chúng tôi xin đăng nguyên văn những trang hồi ký còn lại.

Trước đấy, tôi vẫn được bạn bè xếp vào loại thanh niên có trái tim cứng rắn. Qua thử thách chín năm hoạt động công khai ở Thủ đô, không thiếu gì những cảm tình nồng hậu của các cô gái hấp dẫn, tôi vẫn né tránh được vòng tục lụy yêu đương. Ngờ đâu giữa lúc còn đang cần rảnh mình để toàn tâm phục vụ, tôi bị sắc đẹp phi thường của Huyền Nhiên khuất phục đến thành say mê.

Huyền Nhiên năm ấy mười chín tuổi. Cô là con một gia đình thương nghiệp trung lưu sống theo nền nếp cổ truyền. Nhiên chưa học hết bậc Thành chung, phong cách thùy mị, đoan trang, chỉ chơi thân với một người bạn gái cùng lứa tuổi, cả hai đều không thích đua đòi. Đối với tôi lúc ấy, sắc đẹp là tất cả, biết bấy nhiêu về Nhiên đã là thừa. Không cần biết gì về Nhiên mới đúng. Có ai lại ngớ ngẩn đi chú ý tới tài năng đạo đức, học vấn, gia sản, lý lịch của Hằng Nga, Tiên Nữ bao giờ?

Không phải là tôi quí Huyền Nhiên mà là tôi kính trọng Huyền Nhiên. Nhớ lại ngày bắt đầu làm quen với văn học Pháp, đọc một cuốn sách của E.Renan, tôi phải lấy bút ghi một câu nói sắc đẹp của phụ nữ là ân huệ lớn mà Thượng đế ban cho loài người, chúng ta có nghĩa vụ kính trọng người phụ nữ đẹp. Không theo sách mà theo lòng mình, tôi kính trọng Huyền Nhiên có lẽ còn quá ý muốn của nhà học giả lão thành, tới mức yêu nhau nửa năm trời tôi chưa từng dám chạm vào thân thể Huyền Nhiên, dù chỉ cầm tay cũng đã coi là xúc phạm, còn nói chi đến ôm hôn!

Cụ Nguyễn Hữu Đang gặp các nhà sử học nhân dịp kỷ niệm Ngày Độc lập năm 1995 tại Hà Nội. Từ phải sang, hàng đầu: Phan Huy Lê, Nguyễn Hữu Đang, Trần Văn Giàu, Dương Trung Quốc.

Tôi đang ở lứa tuổi ba mươi, trẻ trung, năng động như một sinh viên, có thói phong lưu hình thức tuy nghèo. Chưa lập gia đình riêng, tôi cũng không cảm thấy cô đơn vì hòa mình vào những phong trào sôi nổi ở đấy tôi được thương yêu, giúp đỡ. Nhưng xu hướng lãng mạn trong con người tôi không nhỏ. Mặc dầu chưa có ý định thôi sống độc thân, tôi cũng đôi khi để ý đến các cô gái vừa xinh, vừa ngoan, mường tượng một cuộc tình duyên thơ mộng kiểu Bích câu kỳ ngộ. Kể chi những nụ hoa không nở, bóng mát bên đường, thiện chí mới thoảng qua, tình cảm chưa lắng đọng.

Số phận đã cho tôi gặp Huyền Nhiên, phải chăng đời tôi đã đến một bước ngoặt? Khốn nỗi, thăm dò ý kiến Nhiên nhiều lần, bao nhiêu tặng phẩm tôi đề ra cô đều kiếm lý do từ chối. Tại sao? Tôi không hiểu. Chẳng lẽ Nhiên lại kiêu hãnh với mình? Ôi, Huyền Nhiên dại dột, em chỉ khó tính chút nữa là anh sẽ tủi thân, chán nản, em có biết không?

Cuối cùng, sự dè dặt kéo dài mãi cũng cạn, tôi quyết tâm chấm dứt tình trạng nhùng nhằng đã bắt đầu làm tôi thắc mắc. Một hôm, không cần hỏi trước ý Nhiên, tôi đi mua một bộ vòng xơ-men bằng bạc đựng trong hộp lót xa-tanh trắng, để sẵn trong tủ, chờ một ngày rỗi việc và đẹp trời. Có lúc lấy bộ vòng ra ngắm, tôi lan man nghĩ đến một đội bóng sắp đấu trận chung kết, một thí sinh sắp vào kỳ vấn đáp.

Đã hẹn trước để Nhiên khỏi đi vắng và được nói chuyện riêng hai người, tôi đến nhà Nhiên trong bộ quần áo chững nhất của mình, lòng chứa chan hy vọng. Như mọi khi, Nhiên tiếp tôi thân mật nhưng lịch sự. Ngồi chưa nóng chỗ, tôi lấy hộp vòng từ trong túi ra, đứng lên, hai tay cầm hộp ngang bụng, vẻ trịnh trọng khiến Nhiên ngẩng nhìn bằng đôi mắt ngạc nhiên. Tôi cất tiếng dõng dạc:

– Đây là tặng vật giao ước kết hôn của anh thay cho tục chạm ngõ, bỏ chỗ của các cụ, em vui lòng nhận chứ?

Dứt lời, tôi trao hộp cho Nhiên. Cô vội đứng lên, tủm tỉm cười, đưa hai bàn tay trắng muốt với những ngón búp măng mềm mại vừa đón chiếc hộp vừa nói “cảm ơn anh”. Tôi đã mừng thầm nhưng còn mong Nhiên tỏ thái độ hoan nghênh rõ ràng hơn nữa, nhiệt thành hơn nữa. Cả hai chúng tôi ngồi xuống. Nhiên mở hộp ra, sẽ nhón bộ vòng, ngắm nghía, khen đẹp rồi ướm vào cổ tay… Tôi hồi hộp chờ cái thời điểm thần tiên diễn ra theo tưởng tượng của mình từ hôm mua bộ vòng: Nhiên từ từ chìa cổ tay ngà ngọc cho tôi luồn bộ vòng vào và tôi mạnh bạo nhưng lễ phép đặt môi hôn vào cả bộ vòng lẫn chỗ cổ tay đeo vòng trong khi Nhiên nín thở, má ửng hồng, mắt nhắm lại hay rưng rưng ngấn lệ… Nhưng không. Nhiên lại bỏ vòng vào hộp, đậy nắp, đưa trả lại tôi rồi đăm đăm nhìn tôi, âu yếm nói:

– Anh yêu quý, anh có lòng ấy, em biết ơn anh nhiều lắm. Để đáp lại, em chỉ có một cách là yêu anh suốt đời. Nhất định chúng ta phải thành hôn, phải chung sống với nhau trọn đời. Nhưng…

Đoán ngay là một lần nữa Nhiên tìm cách chối từ, tôi bực tức hỏi vặn:

– Nhưng có gì trở ngại? Hay là em lo anh sẽ không thực hiện được lời hứa? Hay là em không tin cả chính mình? Hay là gia đình em trước đây vẫn đồng ý nay lại đổi thay?

Nghe tôi chất vấn một thôi dài, Nhiên sợ hãi, xua tay:

– Đừng! Đừng! Anh đừng nghi ngờ như vậy, đừng hiểu nhầm em. Em chỉ muốn…

– Em muốn điều gì?

Ngần ngừ một phút, Nhiên ngập ngừng nói nhỏ như tiết lộ một sự bí mật:

– Em muốn anh cho em được hưởng một niềm vui mà em mong mỏi đã lâu. Và để đánh dấu việc giao ước của chúng ta, em xin được hưởng niềm vui ấy vào dịp anh tặng bộ vòng này mà em rất thích.

– Thế là em đặt điều kiện cho việc giao ước rồi! Vậy em hãy nói rõ điều kiện của em. Nếu cần phải chặt một bàn tay, anh cũng chặt.

Nhiên bật cười rồi lấy lại ngay vẻ nghiêm chỉnh, ngồi im, dáng nghĩ ngợi lung lắm. Tôi giục:

– Em nói đi! Nói đi! Anh tin là anh sẽ làm được điều em mong muốn vì anh biết chưa bao giờ em mong muốn điều vô lý.

– Thế này anh Đang ạ, em chỉ ước ao được đến gặp Cụ Hồ, được đứng gần Cụ. Mà anh thì đến chỗ Cụ luôn, anh cho em được theo anh đến chỗ Cụ một lần, chỉ một lần thôi.

Tôi thấy ngay sự khó khăn không thể khắc phục, định lái nguyện vọng của Nhiên sang hướng khác, cau mày hỏi gặng:

– Tại sao lại cầu kỳ đến thế?

– Cầu kỳ ư? Có lẽ cả nước cầu kỳ. Em cứ cầu kỳ đấy. Bạn em, các cô ấy đều cho em là thân với anh thì có thể đến chỗ Cụ được, thí dụ đem quà đến biếu Cụ. Em nhớ có lần người ta gửi cam đến biếu Cụ, chẳng những Cụ vui lòng nhận mà còn làm thơ cảm ơn nữa.

– Gửi thì dễ lắm. Còn đem đến thì sẽ có người ra nhận. Có quy định cả rồi. Gặp Cụ Hồ là phải có việc gì quan trọng, mà lại phải đề nghị trước, đợi Văn phòng trả lời.

Nhiên biến sắc mặt, quay nhìn ra cửa sổ, hai hàng mi cong chớp chớp giữ nước mắt, nói nhỏ như nói một mình:

– Việc quan trọng… Việc quan trọng… em làm gì có việc quan trọng, chỉ có một mong ước nhỏ. Thế là hết. Mà thôi, anh cũng đừng bận tâm nữa.

Vừa tự thẹn vì bất lực, vừa thương Nhiên thất vọng, vừa lo cho số phận bộ vòng xơ-men, đầu óc rối bời, tôi muốn tìm một câu an ủi Nhiên mà nghĩ không ra. Tôi im lặng ngồi băn khoăn. Nhiên im lặng ngồi thẫn thờ. Không ai nói với ai. Một sự im lặng nặng nề. Thời gian như ngừng lại. Hồi lâu tôi đứng dậy buồn rầu khất:

– Để anh nghiên cứu. Em đừng nóng vội.

Nhiên hiểu lòng tôi, trở lại bình tĩnh như không có chuyện gì, tiễn tôi ra cửa, tươi cười dặn:

– Anh cố gắng. Em chờ. Cái thói cầu kỳ thật đáng ghét, phải không anh?

Hai nhân chứng của sự kiện giành chính quyền ở Hà Nội và Sài Gòn năm 1945: Nguyễn Hữu Đang và Trần Văn Giàu.

Vào thời gian ấy, tôi là Chủ tịch Ủy ban vận động văn hóa toàn quốc, công việc hằng ngày không nhiều vì thu gọn trong sự chuẩn bị cho một hội nghị toàn quốc tương đối thuận lợi. Thỉnh thoảng Cụ Hồ cho gọi tôi đến nhận một vài nhiệm vụ đột xuất thuộc các ngành văn hóa, xã hội. Ngoài ra, tôi cũng có trách nhiệm chủ động phản ánh hay đề nghị những việc cùng loại, nên thường lui tới Bắc Bộ phủ là nơi đặt văn phòng của ông cụ. Tình hình đó không ngờ đã là nguyên nhân của một chuyện phiền rầy trong quan hệ của tôi với Huyền Nhiên.

Trời vào thu đúng như bài thơ của Tản Đà. Cụ Hồ cả đời vất vả không thể yên tâm vì nỗi mùa rét tới quân đội chưa có đủ quần áo ấm. Cục quân nhu chạy vạy ngược xuôi. Ai đó đã có sáng kiến tổ chức phong trào “Mùa đông binh sĩ” để đồng bào tự nguyện góp phần trang bị quần áo ấm cho Vệ quốc đoàn. Tôi không có trách nhiệm trong vấn đề này nhưng cũng quan tâm theo dõi.

Sáng hôm ấy, tôi vừa tới cửa trụ sở Ủy ban mùa đông binh sĩ, Phạm Thành Vinh, Hội trưởng Tổng hội sinh viên, chạy ra mừng rỡ chào:

– Kìa anh, anh vào đây ngay. Đang cần có anh.

Tôi vui vẻ đáp:

– Cần thì chưa chắc đã cần, nhưng làm được cái gì để góp phần, tôi không dám ngại.

Ông Ngô Tiến Cảnh, một nhà tư sản yêu nước ở Bắc Giang mà tôi quen biết trong phong trào chống nạn thất học, bây giờ là Chủ tịch “Mùa đông binh sĩ”, niềm nở đón tôi và cho biết ngay tình hình công việc khá lắm. Triển vọng là sẽ có hai mươi vạn áo trấn thủ trước mùa đông. Kết quả còn có thể hơn, cứ liên tiếp may cho đến hết khả năng. Mới may được một vạn chiếc. Ông dẫn tôi đến chỗ để những chồng áo xếp thành hàng rồi nói:

– Chúng tôi muốn đến báo cáo với Cụ Chủ tịch mà còn đắn đo, vì Cụ bận nhiều việc quá, không biết có nên làm phiền cụ hay không. Có lẽ phải viết báo cáo gửi đến. Viết không thể trình bày hết được những điều cần nói. Vả lại Cụ còn hỏi những điều mình không nghĩ đến, Cụ còn chỉ bảo thêm. Báo cáo viết không giải quyết được hai vấn đề ấy. Ông nghĩ thế nào? Nếu Cụ Chủ tịch có thể dành cho độ nửa giờ thì hay quá.

Tôi bàn:

– Đến trực tiếp báo cáo, theo ý tôi, là cần thiết. Nhưng đề nghị dứt khoát thì có vẻ nài ép. Tôi cứ phản ánh ý kiến của ông để tùy Cụ quyết định. Như thế Cụ được thoải mái hơn, chúng ta tỏ ra tế nhị hơn.

Cụ Hồ đã sẵn sàng tiếp một đoàn đại biểu “Mùa đông binh sĩ”. Tôi đến báo cho ông Cảnh biết, luôn thể trao đổi ý kiến với Ủy ban về cách bố trí buổi báo cáo. Ông Cảnh chủ trương nên đem biếu Cụ Chủ tịch một áo trấn thủ đã may được. Tôi gợi ý gọi cái áo ấy là “chiếc áo trấn thủ đầu tiên của Mùa đông binh sĩ” cho thêm ý nghĩa lịch sử. Mọi người tán thành.

Tôi nghĩ ngay đến cái nguyện vọng oái oăm của Huyền Nhiên. Thật là cơ hội hiếm có! Trước khi ra về, tôi nói riêng với ông Cảnh:

– Cụ Chủ tịch thích giản dị, xuề xòa, chắc Cụ sẽ tiếp đoàn đại biểu một cách thân mật. Còn về phía chúng ta, chúng ta không coi nhẹ hình thức lễ nghi tối thiểu đối với vị Chủ tịch nước. Khi biếu áo, một người trong Ủy ban hay chính ông nâng hai tay cũng được, nhưng giá đặt áo trên một chiếc khay to, đẹp, cho một thiếu nữ dâng lên thì lịch sự hơn, trân trọng hơn.

Cố nhiên ông Cảnh đồng ý ngay, ông vốn quen xử sự văn minh như thế trong những dịp long trọng của tầng lớp trên xã hội cũ. Để mở đường cho Huyền Nhiên vào chỗ Cụ Hồ, đồng thời một công đôi việc, cũng là giúp Ủy ban một cách thiết thực, tôi nói thêm:

– Ông không phải mất thì giờ tìm người thiếu nữ làm việc ấy. Tôi sẽ đưa đến một cô giúp ông, một cô có đủ tư cách, rất đáng tin cậy.

Tới ngày, giờ Cụ Hồ hẹn, tôi dùng xe hơi đưa Nhiên đến trụ sở “Mùa đông binh sĩ” rồi đến Bắc Bộ phủ. Cụ Hồ ra phòng khách lớn tiếp đoàn đại biểu, trong đó có cả Huyền Nhiên đứng cạnh ông Cảnh tay bưng sẵn chiếc khay trên có một áo trấn thủ. Ông Cảnh nói đến câu “… xin kính biếu Chủ tịch chiếc áo trấn thủ đầu tiên may được…”. Nhiên bước nhanh đến sát Cụ Hồ, khay nâng ngang mặt, dáng điệu uyển chuyển, cung kính. Cụ Hồ cầm áo, xem xét kỹ, khen “tốt lắm” rồi đưa cho Vũ Đình Huỳnh giữ. Với phong cách quen thuộc, ý tứ khuôn mẫu và lời lẽ cân nhắc, Cụ nói chuyện với đoàn đại biểu có vẻ tự nhiên, cởi mở. Rồi như thường lệ, cụ không quên cử chỉ quan tâm đến người con gái vừa dâng áo, hãy còn cầm khay đứng đó, có lẽ đang tìm xem người ta đồn mỗi con mắt Cụ Hồ có hai con ngươi là thật hay bịa. Ông Cụ đặt bàn tay lên đầu Nhiên, vỗ vỗ nhẹ mái tóc uốn, nói dịu dàng:

– Cháu mang đến cho Bác áo chống rét, quà quí của Ủy ban mùa đông binh sĩ, Bác cảm ơn cháu. Cháu sẽ rủ các bạn của cháu cùng với cháu giúp các chiến sĩ bộ đội nhiều hơn giúp Bác, đem lại cho họ những món quà tỏ tình thương yêu của đồng bào. Cháu làm được không?

Tất cả mọi người có mặt đều dồn sự chú ý vào Nhiên và chờ cô đáp lại. Phần vì cảm động quá, phần vì chẳng biết trả lời thế nào, Nhiên e lệ cúi mặt nói yếu ớt, tiếng run run như sắp khóc: “Vâng”. Ông Cụ cười độ lượng, khuyên nhủ ngọt ngào:

– Phụ nữ thời cách mạng phải mạnh bạo. Có mạnh bạo mới đấu tranh được.

Chúng tôi cùng đoàn đại biểu chào Cụ Hồ rồi ra về. Trên đường về tôi không còn nghĩ đến chuyện gì khác ngoài bộ vòng xơ-men. Chắc Huyền Nhiên cũng đang cùng một tâm tư. Khác chăng là tôi phân vân tự hỏi: Nên nói cho vợ chồng Nghiễm biết chuyện cầu kỳ này của Nhiên hay nên dấu? Nếu tôi kể lại với họ, chắc họ thích thú nhưng cũng có thể họ chê trách cả Nhiên và tôi vì lo xa tôi sẽ chiều Nhiên quá đáng. Đã có lần Nghiễm gián tiếp phê bình tôi bằng một câu nói đùa:

– Huyền Nhiên nó mà làm tay sai cho một tổ chức phản động hay gián điệp thì anh khó lòng đứng vững.

Cũng may mà Nhiên là người tốt, chỉ làm nũng một lần duy nhất, đòi hỏi quá cao làm cho tôi phải đau đầu tìm cơ hội linh hoạt kết hợp công, tư mà cũng không dễ gì tránh được tiếng lợi dụng của dư luận nghiêm khắc không tha thứ cho một việc nhỏ tuy trên thực tế là “vô thưởng vô phạt” song về nguyên tắc chưa triệt để “chí công vô tư”.

Ngồi trên xe chúng tôi muốn nói với nhau những cảm nghĩ nóng hổi về sự toại nguyện của Nhiên cũng là sự thành công của tôi, nhưng vì có người lái xe ngồi đằng trước nên không tiện nói. Mãi tới khi xuống xe, bước vào trong nhà, Nhiên mới trao cho tôi phần thưởng:

– Ngày mai anh đem bộ vòng đến cho em. Em muốn có cả mẹ em chứng kiến.

Việc giao ước kết hôn xong gọn. Bộ vòng xơ-men lấp lánh trên cổ tay Nhiên, hằng ngày thầm lặng khẳng định sự hòa hợp của hai tâm hồn. Tôi phấn khởi, tập trung thì giờ, tâm trí vào việc tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc.

Hội nghị khai mạc ngày 21-11-1946. Võ Nguyên Giáp cùng đến dự với Cụ Hồ, rỉ tai tôi: “Pháp đã đánh Hải Phòng hôm qua. Nên rút ngắn chương trình, tạm hoãn thảo luận các vấn đề cho đến ngày họp lại được. Bảo quản tài liệu. Duy trì liên lạc”. Và Hội nghị đã phải bế mạc vội ngay chiều hôm ấy. Mặc dầu, để chào mừng Hội nghị như đã quảng cáo và thông báo trước hàng tháng, ban kịch “Hoa lan” vẫn diễn Lôi Vũ của Tào Ngu, tối hôm ấy và tối hôm sau ở nhà hát lớn thành phố. Tôi mời Nhiên, cô bạn thân của Nhiên, bốn người nữa trong gia đình Nhiên và vợ chồng Nghiễm đi xem Lôi Vũ diễn lần đầu ở Việt Nam, bất chấp chiến tranh đã bùng nổ cách trăm cây số. Có xe hơi đưa, đón khách mời, ai nấy đều y phục sang trọng, Nhiên lại mặc chiếc áo dài màu vàng rực rỡ khác hẳn những áo thường dùng, tôi có ấn tượng một cảnh đám cưới. Có lẽ linh tính báo sự kết thúc bất ngờ cuộc tình duyên của chúng tôi.

Giặc Pháp kiểm soát được Hải Phòng, càng hung hăng khiêu khích, khủng bố ở Hà Nội. Tình hình diễn biến nghiêm trọng. Nhà nước ta khẩn trương chuẩn bị kháng chiến toàn quốc. Tôi được giao trách nhiệm tổ chức tuyên truyền xung phong. Huyền Nhiên phải theo gia đình đi tản cư. Trước khi đi, Nhiên gửi lại cho tôi chiếc xe đạp vẫn dùng kèm theo một thư ngắn trong đó có câu khích lệ chiến đấu bằng một hình tượng cũ kỹ nhưng tình ý gắn bó khiến tôi xao xuyến: “Anh sẽ dùng chiếc xe xấu xí này như Quan Vân Trường dùng con ngựa Xích Thố và mỗi khi ngồi trên xe, anh hãy coi như có em ngồi sau lưng”. Nghiễm cũng đã cho vợ con tản cư. Anh cùng tôi tiễn Nhiên ra ga. Chúng tôi chia tay nhau bình tĩnh, tưởng chỉ tạm xa nhau ít lâu, nào ngờ chiến tranh sẽ kéo dài chín năm, phá tan cuộc tình duyên đầy hứa hẹn.

Năm 1948, từ khu vực Hà Nội, quân Pháp đánh rộng ra các tỉnh xung quanh, càn quét liên miên hai bên các trục đường giao thông lớn. Gia đình Nhiên vẫn tản cư, không chịu nổi gian khổ, trở về Hà Nội. Không thể một mình ở lại vùng tự do, Nhiên đành theo gia đình. Từ đấy, tôi không còn dịp nào gặp lại Nhiên. Chia ly do biến cố lịch sử, chúng tôi làm sao tránh được?

Thời gian đã phủ lên quá khứ tấm màn mờ nhạt. Những say sưa trong hoạt động duy ý chí tưởng chừng đã đẩy cuộc tình duyên vào lãng quên. Vậy mà trong lòng tôi, từng lúc từng lúc lại vang vọng những lời ái ân ngày trước. Còn Huyền Nhiên, có vài lần chị Bách nói cô hỏi thăm tôi và lần nào chị cũng chỉ tỏ ý tiếc cho mối tình của chúng tôi chứ không hề nói Huyền Nhiên cảm nghĩ thế nào. Có lẽ chị dè dặt vì lần nào chị cũng không thấy tôi tha thiết hỏi thêm. Đúng là tôi đã tránh né khơi sâu chuyện cũ.

Năm 1954, chiến thắng Điện Biên Phủ đưa đến Hiệp định Genève, giải phóng miền Bắc. Tôi trở về Hà Nội, trong tòa soạn báo Văn nghệ, có ý định tranh thủ điều kiện hòa bình lập gia đình để bình thường hóa cuộc sống. Nhưng rồi tôi phải trải qua hoàn cảnh khó khăn, ác liệt đến chẳng những không thể mơ tưởng cái hạnh phúc nhỏ nhất với “hai trái tim và một túp lều tranh” mà ngay cái thế giới xung quanh cũng trở thành hoang vắng. Trong nhiều năm, nghe nói Huyền Nhiên đang sống yên lành ở xa, có một gia đình đầm ấm, sinh hoạt đầy đủ nhưng hình dáng khác xưa, sức khỏe sút kém, tôi thông cảm con đường Huyền Nhiên đã bất đắc dĩ phải chọn, cũng chẳng muốn gặp lại Nhiên một cách vô ích, chỉ thêm rắc rối. Dường như không cố ý, tôi thờ ơ với một Huyền Nhiên thông thường ấy để thủy chung với một Huyền Nhiên kiều diễm đã trở thành Giáng Tiên ẩn hiện trong nội tâm, không lệ thuộc xã hội, không có tuổi, không bao giờ chết.