Cải tổ trong giảng dạy môn sử ở Trung Quốc

Trong điều kiện kinh tế phát triển nhanh chóng hiện nay, tác động nhiều đến tình hình chính trị xã hội, giới lãnh đạo Trung Quốc thấy cần phải triển khai một số biện pháp điều chỉnh. Một trong những biện pháp đó là đưa một bộ sách giáo khoa mới về môn lịch sử giảng dạy ở bậc trung học. Xin trích giới thiệu bài viết của phóng viên thường trú tại Bắc Kinh của The New York Times về vấn đề này. Đầu đề là của chúng tôi.

Mùa khai giảng năm nay tại các trường trung học Thượng Hải, khi giở sách giáo khoa, học sinh hẳn không khỏi ngỡ ngàng. Trong giáo trình lịch sử tân biên, các cuộc chiến tranh, các triều đại và cuộc đại cách mạng vô sản đã nhường chỗ cho các kiến thức kinh tế, công nghệ, tập tục và công cuộc toàn cầu hóa.

Những thay đổi này nằm trong khuôn khổ chương trình thí điểm được thực hiện từ niên học trước tại một số trường ở Thượng Hải, nơi đang mong đợi những tài năng trẻ cho nền kinh tế tri thức. Cho dù đô thị này ban đầu khá dè dặt trong chỉnh sửa giáo án và học liệu, đã gặt hái được các kết quả khích lệ. Chính phủ Trung Quốc đang chỉ đạo nhân điển hình này trên các địa phương trong cả nước.

Học sinh Trung Quốc – Ảnh tư liệu

Cải tổ này đã được xem xét kỹ ở cấp cao, là một phần của các nỗ lực sâu rộng cho một quan điểm có cân nhắc nhằm làm dịu bớt sự quá khích khi xem xét lịch sử Trung Hoa. Bộ giáo trình hướng vào giảm thiểu việc giáo dục ý thức hệ, cốt sao phù hợp với các mục tiêu kinh tế và chính trị của đất nước hôm nay.

Những người cổ suý cho rằng lần đại tu này sẽ chấn hưng quy trình giảng dạy môn lịch sử, giúp học sinh thích nghi với cuộc sống toàn cầu hóa hiện nay. Trước đây những giáo trình cũ thay đổi rất ít trong cả một phần tư thế kỷ cải cách kinh tế. Chúng không còn ăn nhập gì với thực tế mà các sinh viên sẽ phải đương đầu ngoài đời.

Trong sách giáo khoa mới đầy rẫy các quan niệm và thuật ngữ mà các phương tiện truyền thông đại chúng vốn do chính phủ chỉ đạo ưa dùng: tăng trưởng kinh tế, đổi mới ngoại thương, coi trọng bản sắc văn hóa và duy trì ổn định chính trị. J.P. Morgan, Bill Gates, thị trường chứng khoán New York, vệ tinh con thoi và tàu hỏa siêu tốc của Nhật được nêu bật. Lại có cả bài giảng vì sao cà vạt trở thành thời trang.

Sách giáo khoa của cả hai cấp trung học đồng thanh nhấn mạnh tầm nhìn về kinh tế của Đặng Tiểu Bình, người đề xướng cải cách theo định hướng thị trường. Sử trong sách giáo khoa mới không hề được viết lại, chỉ đơn thuần được rút gọn. Đảng cầm quyền đang muốn người dân nhìn về tương lai hơn là ngoảnh lại quá khứ.

Chủ nghĩa xã hội vẫn được đề cập như một “ngày mai tươi sáng”. Nhưng khái niệm này đã giảm từ 52 chương xuống còn một chương ngắn trong toàn giáo trình trung học phổ thông. Cách mạng XHCN không còn là trọng tâm, vị thế này nay thuộc về cách mạng công nghiệp và cách mạng tin học. Định hướng cộng sản chủ nghĩa ở Trung Hoa trước cải cách kinh tế, được khởi sự vào 1979, nay được gói gọn trong chỉ một câu. Học sinh trung học cơ sở thời nay vẫn cần suy tôn Mao Trạch Đông như người sáng lập nước Trung Hoa hiện đại, nhưng tư tưởng của ông không còn là kim chỉ nam cho mọi chủ trương chính sách. Cấp trung học phổ thông chỉ chớp nhoáng nhắc tên Mao trong nghi thức treo cờ rủ của ngày quốc tang, mượn dịp ông từ trần năm 1976 làm ví dụ.

Các trường sở có tiếng nhất trên toàn cõi Trung Hoa vừa cất vào kho các pho kinh điển Mác xít, từng chi phối các chuẩn mực của bộ môn lịch sử kể từ đầu thập niên 50 khi CHND Trung Hoa ra đời. Nhiều nhà bác học an ủi rằng chẳng phải luyến tiếc việc đưa chủ nghĩa Marx ra ngoài trang sách giáo khoa, vì nó vẫn được đề cập trong các khóa chính trị chuyên ngành.

Các cuộc cách mạng Pháp và cách mạng Tháng Mười Nga một thời được xem là những bước ngoặt lịch sử, nay ít được chú trọng. Cuộc Vạn lý trường chinh, sự đàn áp dưới thời kỳ thực dân ở Trung Hoa và cuộc thảm sát Nam Kinh được đề cập vắn tắt hơn ở cấp trung học cơ sở. Sự giảm bớt số giờ học lịch sử và thêm thắt các chủ điểm mới như văn hóa và công nghệ đã làm cho việc dạy và học chính sử Trung Hoa càng co lại.

Học sinh Trung Quốc – Ảnh tư liệu

Một số cột mốc trong cổ sử Trung Quốc bị bỏ qua. Học trò ngày nay nay không còn được dạy dỗ rằng Tần Thuỷ Hoàng, người thống nhất Trung Hoa để trở thành Hoàng đế đầu tiên, đã ra lệnh đốt sách và chôn các nho sĩ để triệt tận gốc mầm phản kháng của giới trí thức. Cũng không đả động đến các cuộc nổi loạn của nông dân hay các cuộc binh biến làm rung chuyển hay sụp đổ các triều đại Chu, Tùy, Đường và Minh. Giáo trình mới lờ đi cuộc kháng chiến do cộng đồng người Hán đông đảo nhất Trung Quốc tiến hành chống lại quân xâm lược Mông Cổ của Hốt Tất Liệt và sự thiết lập triều Nguyên. Nhà ái quốc vĩ đại Văn Thiên Tường, tể tướng nhà Tống, người quyết không thần phục giặc Nguyên, đã không được nêu tên.

Việc thay vào các sử liệu và nhân vật lịch sử bằng các phong tục, trang phục cổ đã gây phản ứng rằng sách giáo khoa sử đi lạc đề. Trong một hội thảo trực tuyến, có giáo viên sử đã nói kháy “Liệu các ngài có muốn học sinh ghi nhớ các trang phục cổ hơn là sự kiện nhà Tần thống nhất Trung Hoa năm 221 tr. CN hay không”.

Việc chỉnh sửa sách giáo khoa vẫn chẳng màng gì đến những phàn nàn ở cả trong và ngoài nước về cách dạy sử mang tính áp đặt ở Trung Quốc. Cũng như các học liệu cũ, giáo trình mới tiếp tục làm ngơ về các sai lầm như Đại Nhảy Vọt, về thảm kịch Cách mạng văn hóa, cũng như về vụ đàn áp cuộc biểu tình đòi dân chủ năm 1989.

Giáo khoa của cấp trung học cơ sở hiện vẫn dùng những thành ngữ đanh thép để kết tội Nhật Bản xâm lăng Trung Hoa những năm 1930. Sự phát triển trong hòa dịu và dân chủ ở Nhật Bản thời hậu chiến được nhắc đến qua loa. Tu chỉnh giáo trình lịch sử lần này chưa làm dịu nỗi lo của Tokyo về chuyện hạt giống hận thù với Nhật Bản vẫn được gieo mầm vào lứa tuổi niên thiếu Trung Hoa

Trước khi giáo trình mới được phổ cập cho toàn thành Thượng Hải năm học này, một cuộc tranh luận sâu rộng đã nổ ra. Một số ý kiến phê phán bộ giáo khoa mới đã thu hẹp lịch sử trên toàn cục. Lịch sử Trung Quốc và thế giới vốn được dạy ở cấp trung học phổ thông trong suốt ba năm, nay được nén vào chương trình hai năm. Một năm dôi ra được dành giới thiệu các nền văn hóa, các khái niệm, và các nền văn minh. “Lịch sử bị cắt xén trong giáo trình trung học cơ sở, và bị ỉm đi ở cấp trung học phổ thông”, một giáo viên sử giấu tên đã phê bình như vậy.

Giáo sư Gerald A. Postiglione, Đại học tổng hợp Hồng Kông, cho rằng các quan chức ngành giáo dục của Đại lục đang tìm các định hướng để giáo dục phổ thông trở nên thích hợp hơn. Ông nhận định “Điều then chốt là làm sao tạo dựng được cho học sinh tư duy cách tân và khả năng thuyết trình tại diễn đàn toàn cầu”.

Giáo sư Zhou Chunsheng, Đại học Tổng hợp Thượng Hải, cho hay việc ông tham gia tu chỉnh sách giáo khoa môn sử là nhằm đề cao vai trò của nhân dân và nền văn hóa, và nhằm cứu môn lịch sử thoát khỏi truyền thống điểm danh lãnh tụ và kể lể về các cuộc chiến. Ông cũng cho rằng bộ giáo trình mới nhằm kế tục ý tưởng của nhà sử học Pháp Fernand Braudel, người khởi xướng quan điểm lịch sử nên phản ánh toàn diện cả văn hóa, tôn giáo, tập quán xã hội, tình trạng kinh tế, và hệ tư tưởng. Quan điểm này đã được phổ biến ở phương Tây hơn một thế kỷ nay. Braudel đã đặt lịch sử lên trên ý thức hệ của bất kỳ dân tộc nào.

Về phần mình, Trung Hoa đã tiến vững chắc trên con đường rời xa tư tưởng cộng sản từng nhiều năm trị vì đất nước. Bộ giáo khoa lịch sử mới được xem như bước đi đầu tiên để thẩm định kỳ tích này, chứ đâu phải để cắt nghĩa một hiện thực. Ông Zhou Chunsheng bộc bạch “Mục tiêu của chúng tôi là làm sao để việc nghiên cứu lịch sử tránh khỏi phiến diện, một chiều, chứ không nhằm làm chính trị …”

Trên thực tế, chính trị và lịch sử đâu phải đã thôi không phối kết hợp với nhau. Đầu năm nay, nhà sử học danh tiếng của Trung Quốc ông Yuan Weishi đã viết một tiểu luận phê phán việc giáo trình lịch sử Trung Quốc để trắng trang nói về Nghĩa Hòa đoàn, cuộc bạo động chống lại ngoại bang đầu thế kỷ XX. Ông đòi hỏi một phân tích có cân nhắc hơn về nguyên nhân gây ra các cuộc can thiệp ngoại bang thời đó. Kết quả là tờ Điểm đóng băng, tờ báo khá phổ cập ở Trung Quốc đã đăng bài viết trên bị tạm đóng cửa, các biên tập viên bị thải hồi. Khi được mở cửa trở lại, Điểm đóng băng đã ra một bài phê phán ông Yuan, cảnh cáo rằng nhiều chủ đề lịch sử vẫn còn là quá nhạy cảm để có thể thảo luận trên phương tiện thông tin đại chúng.

Những người phản bác thì cho rằng các sách giáo khoa mới vẫn ra sức chuyển tải đường lối chính trị. […] Việc làm phai mờ các sự kiện phò triều nọ diệt triều kia, nông dân nổi dậy, kình địch sắc tộc, chiến tranh, vẫn theo các ý kiến phê phán, là nhằm phục vụ ý đồ của giới lãnh đạo. Các quan chức vốn mong người dân nhận thức rằng những chuyện như thế chẳng được tích sự gì, rằng các thế hệ mới chỉ nên chuyên tâm vào đổi mới, công nghệ và làm ăn buôn bán xuyên quốc gia.

Bắc Kinh quả là đang nỗ lực tạo dựng một hình ảnh hài hòa hơn về lịch sử đất nước, chuẩn bị cho thế hệ trẻ bước vào kỷ nguyên mới của Đại Trung Hoa.

LÊ ĐỖ HUY

 TRÍCH DỊCH TỪ NGUYÊN BẢN “WHERE’S MAO? CHINESE REVISED HISTORY BOOKS” BÁO THE NEW YORK TIMES, 1-9-2006