Thượng tướng – GS Hoàng Minh Thảo là người đã sát cánh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ những ngày đầu thành lập QĐND Việt Nam và trải qua suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ. Nhớ lại những ngày đầu cuộc kháng chiến lần thứ nhất, chúng tôi xin trích đăng một số suy nghĩ về chiến tranh nhân dân mà Thượng tướng đã trải nghiệm trong cuộc đời binh nghiệp của mình.
Đến cuối năm 1946, chính phủ Pháp đã lật lọng các thỏa ước, ngả hẳn sang chính sách xâm lược Việt Nam bằng vũ lực. Tháng 11 năm 1946, quân Pháp đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn, đưa thêm quân vào Đà Nẵng, Hà Nội với âm mưu đánh úp cơ quan đầu não ta tại Hà Nội, tiêu diệt chủ lực ta và đánh chiếm cả nước ta bằng chiến lược “chớp nhoáng”.
Chấp hành chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chiều 19 tháng 12 năm 1946 Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra lệnh cho toàn thể Vệ quốc quân và dân quân tự vệ bước vào chiến đấu. Đến đêm hôm đó các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam nổ súng đánh quân Pháp tại Thủ đô Hà Nội và các thành phố lớn, các thị xã trong cả nước. Cuộc kháng chiến toàn quốc bắt đầu.
Chủ trương nổ súng tiến công địch đồng loạt đêm 19 tháng 12 nhằm tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận quân địch ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương; cô lập địch ở Lạng Sơn, Hải Phòng; đặc biệt là các trận đánh giam chân, tiêu diệt địch một thời gian khá dài ở Hà Nội, Nam Định và một số thị xã khác, tạo điều kiện chuyển cả nước vào chiến tranh. Sau đó, ta chủ động rút khỏi đô thị những cơ sở sản xuất thiết yếu và lực lượng về các chiến khu nhằm bảo toàn và phát triển chủ lực, kháng chiến lâu dài. Chủ trương này phản ánh sâu sắc tư tưởng chủ động tiến công. Ta đã đánh trước đẩy địch vào thế bị động, phá tan mưu đồ đánh “chớp nhoáng”, làm đảo lộn những tính toán chủ quan trong kế hoạch xâm lược của Bộ chỉ huy Pháp.
Để thực hiện kháng chiến lâu dài, ngày 22 tháng 12 năm 1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch ra chỉ thị Toàn dân kháng chiến nhằm phát động cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, trường kỳ và dựa vào sức mình là chính. Chỉ thị còn nêu ra cách đánh chung về mặt quân sự và đề ra “chương trình kháng chiến” gồm 12 điểm.
Chỉ thị này là bản cương lĩnh cách mạng đầu tiên của Đảng ta về chiến lược “Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” trong hoàn cảnh “Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”. Tư tưởng của chỉ thị này đã xuyên suốt về chiến lược không chỉ trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mà sau này còn được phát triển trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với mục tiêu là:
– Thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc.
– Kết hợp sức mạnh đoàn kết với dân tộc với sức mạnh thời đại.
– Phát động chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện.
– Vừa chiến đấu, vừa xây dựng bảo vệ chế độ, chính quyền và lực lượng.
– Củng cố hậu phương vững chắc, tự lực về kinh tế và quốc phòng.
Cuộc kháng chiến của ta, lúc đầu nhỏ yếu, nên không tổ chức phòng ngự chiến lược, chiến dịch được. Chỉ có phòng ngự chiến thuật và chiến đấu. Do đó, phải tạm thời rút bỏ các thành phố đô thị để bảo toàn lực lượng; chuyển về nông thôn và các vùng rừng núi, để tiếp tục chiến đấu, xây dựng và phát triển lực lượng. Ta tiến hành đánh du kích và du kích vận động chiến. Với tinh thần chiến đấu kiên cường, với cách đánh du kích, du kích vận động chiến, địch không thể tiêu diệt được ta. Ta đánh tiêu diệt nhỏ và tiêu hao lớn quân địch. Lực lượng địch sẽ ngày càng suy yếu. Lực lượng ta sẽ ngày càng phát triển, lớn mạnh. Dưới sự lãnh đạo chiến tranh của Hồ Chủ tịch và của Đảng ta, kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy để chiến đấu lâu dài. Khi ta đã tổ chức được các đơn vị chính quy rồi, các đơn vị lớn rồi, thì có thể đánh lớn được. Thế và lực của địch và ta tương đương nhau hoặc thế của ta cao hơn địch thì ta có thể mở các chiến dịch vừa và lớn để tiêu diệt lực lượng lớn quân địch như chiến dịch Biên giới năm 1950 và chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.
Để tiến hành trường kỳ kháng chiến chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, Đảng ta và Hồ Chủ tịch đã nhận ra rằng: Muốn tiến lên giành thắng lợi triệt để cho cách mạng, nhất thiết phải tiến hành chiến tranh nhân dân từ chiến tranh du kích tiến lên chiến tranh chính quy; do vậy nhất thiết phải xây dựng căn cứ du kích, căn cứ địa cách mạng và hậu phương vững chắc của cuộc kháng chiến. Không có hậu phương vững chắc thì không thể nào chiến thắng được quân địch. Xây dựng hậu phương vững chắc phải bao gồm một cách toàn diện về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa với quy mô ngày càng phát triển đáp ứng với nhu cầu thực tế của cách mạng.
Ngay từ những ngày đầu của cuộc trường kỳ kháng chiến, đường lối lãnh đạo của Đảng ta là dựa vào sự nỗ lực chủ quan của quân và dân ta là chính. Hồ Chủ tịch nói: “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập” (Hồ Chí Minh, Vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1976, tr.213).
Mặc dù Đảng ta luôn nhấn mạnh tinh thần dựa vào sức mình là chính, tinh thần độc lập tự chủ, chống tư tưởng ỷ lại, nhưng trong đường lối đối ngoại vẫn không tách rời tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn của nhân dân cách mạng trên toàn thế giới, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại.
Trường kỳ kháng chiến, “Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc” đã trở thành một quy luật tất yếu mà Đảng ta và Hồ Chủ tịch vận dụng trong hoàn cảnh đất nước ta mới giành được độc lập đã phải chống lại một đế quốc lớn, có quân đội viễn chinh thiện chiến, có vũ khí đạn dược tối tân. Vì thế ta phải vừa đánh địch, vừa xây dựng chính quyền và chế độ mới vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm thất bại mọi âm mưu chia rẽ của kẻ thù; giữ vững căn cứ địa, mở rộng vùng tự do để trở thành hậu phương vững chắc nhằm cung cấp nhân tài vật lực cho kháng chiến.
Về chỉ đạo quân sự, Đảng ta đã đề ra đường lối chiến tranh nhân dân với nghệ thuật quân sự của toàn dân đánh giặc, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân bằng ba thứ quân, kết hợp hoạt động tác chiến của bộ đội chủ lực với hoạt động tác chiến của bộ đội địa phương và dân quân du kích, phối hợp chặt chẽ hoạt động tác chiến của ba thứ quân, để kết hợp chiến tranh nhân dân địa phương với chiến tranh của các binh đoàn chủ lực.
Thực tế của 30 năm chiến tranh giải phóng, dân tộc ta đã đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ đã hoàn toàn chứng minh về sự chỉ đạo cách mạng đúng đắn, sáng suốt của Đảng ta và Hồ Chủ tịch ngay từ những ngày đầu toàn quốc kháng chiến. Đó chính là nắm bắt đúng quy luật về sự tồn tại và phát triển của dân tộc ta.
Ngày nay, trong hoàn cảnh đất nước có hòa bình và kiến thiết, Đảng ta đề ra chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc – Dựng nước phải đi đôi với giữ nước. Một mặt phải đổi mới, phải hội nhập với thế giới để xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, để cho dân giàu nước mạnh, nhưng mặt khác vẫn không ngừng nâng cao cảnh giác với những âm mưu thù địch chống phá cách mạng; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân; an ninh nhân dân, giữ vững ổn định chính trị và trật tự xã hội.
Chiến tranh ngày nay nếu xảy ra là chiến tranh công nghệ cao, cơ động cao và hỏa lực mạnh. Muốn chống lại cuộc chiến tranh đó thì phải có chiến tranh nhân dân phát triển cao bằng ba thứ quân và trang bị vũ khí ngày càng hiện đại. Thể hiện về tổ chức là bộ đội chủ lực và khu phòng thủ Tỉnh Thành. Chiến tranh xâm lược không thể thắng được cả một dân tộc cùng chiến đấu. Khu phòng thủ Tỉnh Thành chính là thể hiện điều đó; thể hiện sức mạnh của toàn dân chiến đấu và kịp thời đánh địch ở mọi lúc, mọi nơi. Ba thứ quân cũng phải có sức mạnh chiến đấu. Như thế toàn dân chống xâm lược; có sức mạnh mới trong thời đại ngày nay. Khu phòng thủ Tỉnh Thành phải cùng với bộ đội chủ lực chiến đấu và chiến đấu thắng lợi. Địch đánh vào tỉnh thành nào cũng bị đánh ngay. Khu vực phòng thủ Tỉnh, Thành phải thực hiện đánh tiêu hao, ghìm chân địch lại, có thế chủ lực mới kịp cơ động đến để tiêu diệt.
Quân chủ lực và khu vực phòng thủ làm được, chiến đấu được như thế thì địch phải bị sa lầy và kết thúc cuộc chiến tranh bằng đàm phán hòa bình để rút quân về nước. Xây dựng khu vực phòng thủ Tỉnh Thành là xây dựng hậu phương chiến tranh; là xây dựng thế trận lòng dân trên cơ sở khối đại đoàn kết toàn dân; là kết hợp sức mạnh dân tộc với thời đại; là kết hợp xây dựng kinh tế với quốc phòng nhằm bảo đảm hậu cần kỹ thuật cho quân dân khi tiến hành chiến tranh; xây dựng công nghiệp quốc phòng địa phương để sản xuất và sửa chữa vũ khí, khí tài cần thiết. Tỉnh Thành nào có hang động thì cần lợi dụng các hang động làm nơi cất dấu hậu cần và nơi trú ẩn và làm sở chỉ huy. Chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang làm nòng cốt cho việc xây dựng, củng cố quốc phòng toàn dân. Dựng nước đi đôi với giữ nước có thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh chính trị và trật tự xã hội trên cơ sở khu vực phòng thủ Tỉnh, Thành ngày càng vững mạnh.
Nhân kỷ niệm 60 năm ngày Toàn quốc kháng chiến 19 tháng 12 năm 1946, và 62 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22 tháng 12 năm 1944, chúng ta cùng nhau ôn lại những bài học về chỉ thị “Vừa kháng chiến – vừa kiến quốc” để vận dụng và phát triển trong điều kiện mới, hoàn cảnh mới của chúng ta ngày nay là sự nghiệp đổi mới, hòa nhập, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
THƯỢNG TƯỚNG Hoàng Minh Thảo