Ngôi trường làng Khóng

Quán triệt chủ trương của huyện ủy Đức Thọ “trường học cho trẻ em”, năm 1932, chi bộ làng Khóng (tức làng Nghĩa Yên, nay là xã Đức Yên) đề ra nhiệm vụ truyền bá quốc ngữ cho thanh thiếu niên trong làng nhằm chống chính sách ngu dân của nhà nước bảo hộ Pháp và chính phủ Nam triều. Các gia đình có điều kiện lúc bấy giờ muốn cho con học Hán Nôm. Các gia đình nghèo đành để con thất học. Vận động cho con em đi học chữ quốc ngữ quả không đơn giản, đòi hỏi đảng viên và quần chúng cảm tình phải kiên trì giải thích, tổ chức tương trợ, làm gương đi trước để làng nước theo sau. Bước đầu có 15 học sinh tham gia. Lớp học được mở tại nhà Cố Lục theo hình thức “gia đình học hiệu”. Đồng chí Nguyễn Văn Giảng được phân công làm giáo viên. Phụ cấp ít ỏi do chi bộ thu xếp. Học sinh đi học không mất tiền. Dân làng hưởng ứng nhiều. Bà con công giáo các làng bên cũng tham gia. Học sinh ngày càng đông. Năm học 1933 – 1934, số học sinh đã lên đến 50. Các bậc bô lão ưng thuận cho chuyển ra học tạm ở Nhà Trù, bên cạnh đền làng. Những con em không có điều kiện đến trường thì tổ chức học ban đêm, người biết chữ dạy cho người chưa biết. Thanh niên, nam nữ hăng hái tham gia phong trào truyền bá quốc ngữ. Học trong lúc làm lao động, học trong làng, học cả ở ngoài đồng lúc chăn trâu, cắt cỏ… Khó khăn bộc lộ rõ là thiếu một ngôi trường đủ đáp ứng tình hình phát triển.

Năm 1936 Mặt trận Bình dân Pháp giành được thắng lợi. Thực dân Pháp ở Đông Dương và chính phủ Nam triều phải nới tay. Đồng chí Trần Đình Giáp, bí thư tỉnh ủy lâm thời Hà Tĩnh về Đức Thọ chỉ đạo phong trào. Nhiều tổ chức công khai hợp pháp và nửa hợp pháp như hội ái hữu, hội truyền bá quốc ngữ, hội ca kịch, hội thể thao thể dục… được thành lập và hoạt động sôi nổi. Đồng chí Trần Đình Giáp chỉ đạo Đức Thọ xây dựng một số trường học. Chủ trương này đáp ứng nguyện vọng của nhân dân làng Khóng (Nghĩa Yên). Đại hạn gặp mưa, các đồng chí đảng viên cộng sản như mở cờ trong bụng, họp bàn quyết định xây một ngôi trường. Một phương án được vạch ra tỉ mỉ. Đông đảo nhân dân ghé vai góp sức cùng làm. Chính quyền địa phương thì khỏi lo vì là người của Đảng. Thời kỳ 1930 – 1931 và các năm sau đó, ông Nguyễn Sử, do chi bộ Đảng bố trí làm lý trưởng, ra sức bảo vệ cách mạng nên phong trào ít bị tổn thất. Đến lượt ông Nghiêm Thái làm lý trưởng, tích cực thực hiện chủ trương của chi bộ, quyết tâm xây dựng trường. Xin phép quan huyện và tên đại lý người Pháp là vấn nan giải, được giao cho các ông Nghiêm Trúc, Nghiêm Sĩ Sành, Nghiêm Thưởng giải quyết trót lọt nhờ có quan hệ rộng rãi và có uy tín với các nhà đương cục. Quyền hành cho đất làm trường nằm trong tay các bậc bô lão. Nghĩa Yên là làng nghèo, bình quân ruộng đất đầu người chỉ 1 sào, công điền công thổ ít, xắn một miếng cho trường không dễ. Đảng viên và quần chúng cảm tình phải phân công nhau đến từng nhà tỉ tê đánh lẻ với các cụ. Kết quả là làng cấp cho mảnh đất bắc mạ, nằm lọt vào giữa vùng ruộng sâu lầy lội. Thiết kế do đồng chí Nghiêm Ký chủ trò, cùng một số anh em có kinh nghiệm dân gian, đo bò làm chuồng cho phù hợp với khoảnh đất và túi tiền.

Nan giải nhất phải đương đầu là tìm nguồn kinh phí. Chí ít cũng phải có khoảng vài chục tấn gạo mới xong. Cuộc vận động góp công góp của xây dựng trường được nhân dân hưởng ứng nhiệt liệt. Hội lao động tổ chức đi làm ở Voi Bổ lấy tiền góp quỹ. Hội tương tế Nghĩa Yên, làm ăn ở Đà Lạt, trồng các loại rau, hoa quả cung cấp cho thành phố, hàng tháng trích 2% thu nhập gửi về xây dựng trường làng. Hội buôn gồm các ông Đinh Diêu, Nguyễn Kiều, Nguyễn Tùng, Nghiêm Đích, Nghiêm Kính, Nghiêm Thành đóng góp 25 đồng bạc Đông Dương, tương đương với 6 tạ gạo. Nguồn thu nhập quyết định nhất do Đoàn Thanh thiếu niên làng, đứng đầu là anh Nghiêm Nghị (tức Nguyễn Chí Điềm, tư lệnh trưởng đầu tiên của Binh chủng Đặc công sau này) và anh Nghiêm Trúc tạo ra. Với sự cộng tác hết mình của anh Hoàng Nguyên Cát người Đông Thái (xã Tùng Ảnh), anh Đặng Đình Giáp ở Vinh, đoàn ca kịch Thanh thiếu niên được thành lập để biểu diễn trong huyện thu tiền. Sau một thời gian ngắn khổ công luyện tập, buổi tổng duyệt được dân làng và các làng bên đến xem nêm chật cả sân, nhiệt liệt tán thưởng.Ban tổ chức thu tiền không kịp. Kết quả nhiều hơn dự kiến. Được đà phát triển, đoàn ca kịch đi diễn trong huyện. Điểm đột phá là Linh Cảm, nơi đó có viên đại lý và viên trưởng kiểm lâm người Pháp. Các quan lại Tây, ta đến xem đông. Vở kịch hát Nguyễn Trãi, Phi Khanh gây xúc động và gợi lên lòng yêu nước. Các tiết mục xiếc, ảo thuật thể hiện lòng dũng cảm, khéo léo, nhanh nhẹn, rất hấp dẫn. Các vở kịch “Ông huyện hóc xương”, “Ông Hoàng sợ vợ” cù khá giả cười không ngớt. Khán giả đua nhau thưởng tiền. Thừa thắng xông tới, đoàn ca kịch tiếp tục biểu diễn ở thị trấn Đức Thọ và nhiều nơi khác. Cuộc biểu diễn thu được kết quả mỹ mãn.

Các gia đình trong làng có con em đi học cũng tự nguyện đóng góp. Ngoài ra, các anh Nghiêm Sĩ Sành, Nghiêm Trúc còn mở lớp hè cho học sinh con nhà khá giả ở các xã khác, huyện khác đến học. Số tiền thu được đều đem vào quỹ làm trường. Tổng hợp các nguồn đã thu được 800 đồng Đông Dương, tương đương với 20 tấn gạo, đủ mua nguyên vật liệu và tiền công thợ. Còn lao động làm móng, đóng cọc, đắp nền, vận chuyển nguyên vật liệu… đều do Hội lao động, Nông hội đỏ và lực lượng thanh niên cùng các lớp học sinh đảm nhận. Một số thanh niên nơi khác, bạn thân của thanh niên làng, cũng đến tham gia lớp đóng góp như ở Đức Lĩnh, Thượng Nga, Đông Thái và cả ở Phuống Rộ bên Nghệ An. Ngày khởi công, các ông lý trưởng và phó lý đều tham gia đào móng, đóng cọc, gây khí thế ban đầu rất sôi nổi. Nét nổi bật là mọi người đồng lòng dốc sức vào việc chung, một xu của công cũng không bị bớt xén. Không khí đoàn kết tương trợ, chan hòa xóm làng, lao động hăng say. Kể từ khi có đề án cho đến khi hoàn thành là tròn hai năm. Lễ khánh thành được tổ chức trọng thể vào ngày 20-6-1938. Thượng thư Hoàng Mạnh Trí, nghị viên Phạm Văn Quảng, tri phủ Đức Thọ đều đến dự. Đại diện làng Đông Yên, Trung Thịnh, Đông Tứ, Hạ Tứ, Thái Yên, Thanh Lạng đều có mặt. Họ muốn học tập cách thức vận động và tổ chức xây dựng một ngôi trường.Thực tế một số nơi đã theo gương Nghĩa Yên và làm được. Ngày khánh thành trường trở thành ngày hội làng đông vui và tự hào phấn khởi. Từ đó về sau, cứ đến 20-6 là mở hội tưng bừng tổng kết năm học, phát phần thưởng cho học sinh và đề ra chương trình sinh hoạt mùa hè.Thế là trường sơ học Nghĩa Yên chính thức hoạt động với cái tên “Nghĩa Yên – Minh Tân”, gọi nôm na là trường làng Khóng. Hiệu trưởng là đồng chí Đinh Quang Vinh, giáo viên là các đồng chí Nguyễn Văn Giảng và Đinh Hinh. Tất cả đều là đảng viên cộng sản, dạy học không lấy tiền. Tất cả học sinh đều được miễn phí, con em nhà nghèo còn được trợ cấp giấy bút. Mọi chi phí do các hội quần chúng tài trợ. Con em trong làng và các làng bên cạnh, con em xóm giáo đi học rất đông. Trường làng trở thành điểm hòa hợp lương giáo đoàn kết, phát huy truyền thống vốn có. Các em học xong lớp đồng ấu (enfantin) thì lên lớp dự bị (préparatoire), xong dự bị thì lên lớp sơ đẳng (élémentaire) và thi yếu lược rồi lên học trường phủ Đức Thọ. Chương trình học văn hóa của nhà đương cục được thêm bớt nhiều chi tiết, nhất là môn lịch sử, địa lý, tập làm văn, công dân giáo dục… nhằm giáo dục học sinh lòng yêu nước thương nòi, nhận biết được kẻ thù cần phải đánh đổ.

Cuối năm 1939, Mặt trận Bình dân Pháp thất bại, toàn quyền Đông Dương Catroux ra lệnh giải tán các nghiệp đoàn, các hội tương tế ái hữu. Năm 1941, sau vụ tên Pháp chủ đồn điền Sông Con (Phêrây) và tên bang tá Hồ Dũng Tài bị khử, chính phủ Pháp và Nam triều khủng bố dữ dội ở Đức Thọ. Tên mật thám Li-véc-xê mở phòng tra tấn tại Đức Thọ. Bọn quan lại chức sắc đánh hơi thấy trường Nghĩa Yên – Minh Tân có màu sắc chính trị “nguy hiểm”, lập tức ra lệnh đóng cửa. Chúng dán biển niêm phong “École Fermée. Cas politique”. Do cuộc vận động quần chúng lương cũng như giáo đấu tranh bền bỉ, chúng phải cho mở cửa trở lại theo kiểu hương trường và bổ nhiệm thầy Nguyễn Hóa về dạy. Trường Nghĩa Yên – Minh Tân vẫn theo truyền thống cũ, lòng đỏ vỏ xanh, vẫn dạy toàn diện cho học sinh làng những kiến thức yêu nước, yêu độc lập tự do; vẫn do chi bộ Đảng CSVN Nghĩa Yên lãnh đạo sát sao. Thời gian này một loạt bài hát ca ngợi các anh hùng dân tộc và thúc giục đấu tranh đã được phổ biến trong trường như Hoa Lư của Hoàng Quý, Bạch Đằng Giang, Thăng Long, Tiếng gọi thanh niên của Lưu Hữu Phước… Những năm 1943 – 1944 nhiều học sinh đã tham gia cảnh giới cho các đảng viên họp bàn, làm liên lạc cho đảng viên đi các xã khác hoặc rải truyền đơn. Tháng 4-1945, các đồng chí đảng viên đã bí mật truyền tay nhau truyền đơn của Việt Minh và cờ đỏ sao vàng năm cánh. Học sinh Nghĩa Yên – Minh Tân học ở trường Phủ phổ biến những bài ca yêu nước cho bạn bè cùng lứa như bài Tiến quân ca của Văn Cao. Cả làng Nghĩa Yên đứng lên đi theo Việt Minh, cướp chính quyền huyện rồi về lập Ủy ban cách mạng lâm thời. Sau Cách mạng tháng Tám một ít lâu, trường Nghĩa Yên – Minh Tân nhập vào trường tiểu học của xã cùng với việc sáp nhập các làng thành xã Đức Yên.

Ngôi trường vẫn còn đó, khiêm tốn và vững vàng: xây ba gian gác tường, dài 10m, rộng 6,5m, nền cao 0,8m, móng đóng cọc tre đặc. Trải qua mưa nắng phũ phàng của thời gian 65 năm, chiến tranh bom Mỹ nổ kề bên vẫn vững vàng đứng thẳng. Bởi lẽ nó không phải chỉ được xây bằng chất liệu bền lâu mà chính còn là bằng lòng dân thủy chung theo Đảng. Đây là vật chứng sống động, khiêm tốn về thành quả của chi bộ đảng, ngày nay được dùng làm trụ sở của hợp tác xã Yên Long.

Tồn tại độc lập khoảng 10 năm trước Cách mạng tháng Tám, trước khi hòa mình vào trường xã, trường Nghĩa Yên – Minh Tân đã đào tạo cho đất nước nhiều lớp cán bộ có phẩm chất và năng lực. Nhiều anh chị là lão thành cách mạng, đảng viên ưu tú, cán bộ cao cấp, đảm nhiệm các cương vị trọng trách trong các ngành hoạt động của Đảng, Nhà nước và quân đội.

Người viết bài này – học sinh cũ của Nghĩa Yên – Minh Tân – mong cơ quan chức năng của tỉnh Hà Tĩnh về thẩm tra lại để bổ sung vào lịch sử Đảng, công nhận trường Nghĩa Yên – Minh Tân là một di tích cách mạng, cần được tu bổ và bảo quản theo chế độ hiện hành.

Phan Nguyễn