Già Lý trong Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch và Già Lý trên phim “Hương Cảng kỳ án”

Tên Việt của phim “Hương Cảng kỳ án” (vụ án ly kỳ ở Hương Cảng) là “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông” do hãng phim Hội nhà văn, liên kết với hãng phim Trung Quốc Châu Giang sản xuất, chiếu từ năm 2005.

Trong phim này của hãng phim Hội nhà văn có “Già Lý”, một “người bạn” của Tống Văn Sơ đã “ra tay” (giang hồ – đại nghĩa) đánh một xe ngựa, cứu Tống Văn Sơ ra khỏi nhà tù Victoria của Anh ở Hồng Kông. Ông già Lý cầm cương ngựa, đánh ngựa phi nước đại, chạy như bay qua nhiều con đường gập ghềnh nguy hiểm để đưa “bạn” Tống Văn Sơ đến nơi an toàn.

“Nghĩa cử” này của ông Già Lý buộc Tống Văn Sơ – trong kịch bản phim – và đã thể hiện  – sau đó đã được cắt bỏ – phải mỗi tối “cám ơn các đồng chí đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, Đảng Cộng sản Trung Quốc, các bạn Trung Quốc (trong đó có Già Lý?) đã xả thân cứu tôi”.

Nhiều người xem phim ngạc nhiên về ông Già Lý này, nên phải tìm đọc lại “nhân vật tốt bụng đã “cứu một người con ưu tú của nước Việt Nam”.

Mở sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, xuất bản lần đầu ở Việt Bắc vào năm 1948.

Tác giả sách là Trần Dân Tiên – một bút danh qua nhiều năm còn giữ bí mật nay đã công khai công bố là một bút danh của Hồ Chí Minh.

Vậy Hồ Chí Minh đã viết về nhân vật già Lý trong sách của mình như thế nào?

Xin mở trang 92, sách nói trên:

“Hai người bị bắt làm ông chú ý hơn cả: một em bé học nghề mười ba tuổi đã giết một em bé học nghề khác… Và một tướng cướp già bị bắt vì bạn tố giác. Người này độ sáu mươi tuổi, hòa nhã, mưu trí, gan góc… Y tự cho mình là một anh hùng và cho ông Nguyễn (Tống Văn Sơn – Nguyễn Ái Quốc) cũng là một anh hùng… Già Lý làm chúa một dãy núi. Có gia đình và một đội quân nhỏ, chặn khách qua đường và bắt nộp tiền mãi lộ…”.

Còn việc cứu Tống Văn Sơ ra khỏi nhà tù? Trang 94 sách đã dẫn viết: “Việc đi trốn được tổ chức rất chu đáo. Mật thám Pháp rình mò chung quanh nhà tù, sở cảnh sát trung ương và nhà ông Lô dơ bi (Loseby) mà không hay biết gì hết. Ông Nguyễn trốn đi đóng vai một nhà buôn to Trung Quốc. Từ Hương Cảng đến một nhà người bạn thân của ông Lô dơ bai ở một thành phố khác… Ông Nguyễn nhớ ơn ông Lô dơ bi và gia đình ông. Không có người luật sư tốt này có lẽ ông Nguyễn đã chết rồi”.

Sách Nguyễn Ái Quốc và vụ án Hồng Kông năm 1931 với lời giới thiệu của GS, Nhà giáo nhân dân Đinh Xuân Lâm xuất bản năm 1993 – hơn 10 năm trước khi phim “Hồng Kông kỳ án” ra đời, do nhà xuất bản Lao động thực hiện (năm 2010, Nxb Trẻ tái bản lần thứ 5, đưa vào bộ sách Di sản Hồ Chí Minh), trang 66 viết: (Sau khi Tống Văn Sơ bị bắt lại) “để tránh những con mắt cú vọ của mật thám, luật sư Lôdơbi… đã đưa ông Tống (Tống Văn Sơ vào ở nhờ ký túc xá “Thanh niên Thiên chúa giáo Trung Quốc”. Sau khi nhận được trang phục của bà luật sư Lơdơbi gửi vào ký túc xá…”. Một chiều muộn, ký túc xá có nhiều người ra vào. Và trong số đó có một người với trang phục giáo sư… ung dung ra khỏi cổng đi về phía một bãi trống có một ô tô du lịch đang đợi…”.

Đó chính là luật sư mang xe ô tô đón chứ không phải già Lý đánh xe ngựa đón Tống Văn Sơ…

* *      *

Như vậy là, nếu không có tư liệu gì mới, phản bác, bạn đọc, bạn xem phim “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, ngoài một số sự kiện, con người nữa không có trong lịch sử vụ án – đã có ba con người tiêu biểu trong “danh sách ảo” này.

Không nên trách đoàn làm phim, kể cả đạo diễn, biên tập, diễn viên người Việt, người nước ngoài. Nếu có trách là trách những người quản lý, lãnh đạo (Cục điện ảnh, Bộ trưởng Văn hóa, Trưởng ban Tuyên giáo, Bộ Tài chính… đã duyệt chi gần 25 tỷ).

Kinh nghiệm to nhất là nếu “chính trị can thiệp vào lịch sử – lấy ý thức hệ bắt lịch sử tuân theo – thì không còn là lịch sử, con người, sự kiện, tinh thần lịch sử nữa” (như ông Hữu Thỉnh đã nhắc nhở). Về con người, tất cả mọi người, dù là ai đều bình đẳng trước lịch sử, đều được nhà viết sử xem xét, phê phán, ca ngợi sòng phẳng, không thiên vị ai.

Thủy Trường