Về cuốn Tư Trị Thông Giám

Muốn hiểu lịch sử Trung Quốc, có hai cuốn sách không thể không đọc: một là Sử ký của Tư Mã Thiên, tác phẩm lịch sử vĩ đại nhất của Trung Quốc cổ đại, là bộ truyện ký đầu tiên thể thông sử; hai là Tư trị thông giám của Tư Mã Quang, cũng là một tác phẩm lịch sử nổi tiếng, là bộ biên niên thể thông sử đầu tiên hoàn thiện nhất của Trung Quốc cổ đại, đã từng được coi là sách giáo khoa bắt buộc cho vua, tôi, kẻ sĩ. Xét về tác dụng và ảnh hưởng đối với lịch sử và văn hóa, có thể nói Tư trị thông giám không kém Sử ký.

Tác giả Tư trị thông giám là Tư Mã Quang (1019 – 1086), người làng Thúc Thủy, huyện Hạ, Thiểm Châu (nay là huyện Hạ, tỉnh Sơn Tây). Bố Tư Mã Quang là tiến sĩ Tư Mã Trì, làm quan đến chức Phó sứ Tam ty. Tư Mã Quang theo học từ nhỏ, thích môn lịch sử, học vấn uyên bác. Năm 20 tuổi, ông đỗ tiến sĩ, sau đó ra làm quan, là nhà chính trị và nhà sử học nổi tiếng thời Bắc Tống.

Cuối đời Tống Nhân Tôn, Tư Mã Quang lập chí viết một bộ thông sử, lấy việc tổng kết sự hưng, vong, được, mất của các thời đại để cho những người cai trị lấy làm gương. Năm Trị Bình thứ ba, đời Tống Anh Tôn (1066) ông hoàn thành Thông chí gồm 8 quyển, ghi chép sự việc lịch sử từ Uy Liệt Vương nhà Chu đến Nhị Thế đời Tần, dâng lên vua, và được lệnh của Tống Anh Tôn thành lập Thư cục, tiếp tục viết lịch sử từ đời Tây Hán trở về sau. Năm sau, Tống Thần Tôn lên ngôi, đặt tên sách là Tư trị thông giám. Sau này Tống Thần Tôn dùng Vương An Thạch thi hành Tân chính. Tư Mã Quang giữ thái độ phản đối, xin được rời bỏ triều đình. Năm 1070, ông về Tây An, sau đó về ở Lạc Dương và chuyển cả Thư cục về đó, chuyên vào việc viết sách. Đến năm thứ bảy đời Nguyên Phong (1084), toàn bộ cuốn sách được hoàn thành (với sự trợ giúp của ba trợ thủ là Lưu Ban, Lưu Thứ, Phạm Tổ Ngu).

Từ lúc làm đề cương cho lúc viết thành sách không có việc nào là Tư Mã Quang không tự làm. Làm việc hết ngày này sang ngày khác, tổng cộng là 19 năm. Khi sách làm xong, ông đã 65 tuổi, hai mắt mờ, răng chỉ còn mấy chiếc, sức nhớ suy giảm, hẳn như đã hiến dâng toàn bộ tâm huyết cho cuốn sách. Hai năm sau, ông từ trần.

Tư trị thông giám là một tác phẩm khổng lồ. Sách bắt đầu được viết từ thời Đông Chu (năm thứ 23 đời Uy Liệt Vương nhà Chu, tức 403 trước công nguyên) đến đời Ngũ Đại (năm  Hiển Đức thứ 6), Thế Tôn Hậu Chủ, tức 956 sau công nguyên), bao quát công việc lịch sử trong 1362 năm. Bộ sách này đã thu nhặt lượng tài liệu cực lớn: chỉ riêng chính sử, trong thời đại Tư Mã Quang đã dùng tới 19 bộ, từ Sử ký đến Tân Ngũ đại sử tất cả là hơn 1900 quyển, hơn 28 triệu chữ. Ngoài ra còn sử dụng khoảng 300 loại tạp sử, truyện, văn, gia phả v.v… đến nay có loại còn chưa làm rõ được. Riêng toàn bộ Tư trị thông giám gồm 294 quyển, hơn 3 triệu chữ. Đó là những tinh hoa được chắt lọc qua công tác biên tập khổng lồ.

Kết cấu của cuốn Tư trị thông giám tương đối chặt chẽ. Nó ghi chép sự việc thuận theo thời gian ngày, năm, tháng, lời văn mạch lạc rõ ràng. Những sử liệu không rõ ngày thì ghi vào cuối tháng đó; những sử liệu không rõ tháng thì ghi vào cuối năm đó. Những sự kiện trọng đại liên quan đến trước, sau nhiều năm thì dùng phương pháp thuật lại hoặc trình bày bổ sung để giới thiệu đầu đuôi câu chuyện nhằm làm rõ toàn cục.

Mục đích chủ yếu của Tư Mã Quang khi viết cuốn sách này là muốn những người thống trị lấy lịch sử đời trước làm răn, khảo sát cải tiến chính trị đương thời để đạt đến thiên hạ thái bình. Điều này nhất trí với tên gọi Tư trị thông giám. Toàn bộ sách đã lấy sự yên, loạn, thịnh, suy của các đời làm đầu mối, đồng thời với việc ghi chép lịch sử, đã phân tích đạo đức, tư cách thiện ác của nhà vua và bề tôi, sự được mất về những việc lớn của đất nước với chính sách, tổng kết nguyên nhân và bài học về sự thay đổi của các triều đại. Cũng có thể là vì duyên cớ đó, mà chính trị và quân sự đã trở thành trọng điểm của Tư trị thông giám.

Tư Mã Quang là một học giả nghiêm túc. Trong quá trình biên tập Tư trị thông giám, ông đã khảo đính sử liệu một cách cẩn thận, lấy hoặc bỏ điều gì đều có lý do đầy đủ. Ông đã tập hợp những khảo chứng đó thành 30 quyển Thông giám khảo dị, hoàn thành cùng một lúc với Tư trị thông giám. Ông còn là người không thích cải cách, từng phản đối dữ dội biến pháp của Vương An Thạch. Lập luận lịch sử của ông thường nhấn mạnh “Đạo của thánh nhân”, tôn vua trọng lễ… Nhưng điều này đã hình thành phong cách của Tư trị thông giám là nghiêm túc, giản dị, chính thống. Tuy vậy lời văn của ông lại rất đẹp và rất sinh động.

Tư trị thông giám chắc chắn là cuốn sách được nhiều bậc đế vương, khanh tướng nhiều đời ở Trung Quốc tìm đọc. Những nhà lãnh đạo nổi tiếng của Quốc dân Đảng và Đảng Cộng sản sau này cũng không ngoại lệ. Xin kể mấy ví dụ:

Tháng 8 năm 1945, khi Mao Trạch Đông từ Diên An đến Trùng Khánh để tham dự cuộc hội đàm Quốc – Cộng, và ở lại đây 43 ngày. Trong một buổi sáng sớm, Mao Trạch Đông vừa cầm một cuốn sách vừa đi dạo trong vườn tình cờ gặp Tưởng Giới Thạch cũng vừa cầm một cuốn sách vừa đi dạo ở đó. Khi gặp nhau, hai người đều giấu cuốn sách ra sau lưng. Khi Tưởng Giới Thạch đề nghị: hãy cho nhau biết là xem cuốn sách gì, thì hóa ra cả hai người đều cầm Tư trị thông giám trong tay.

Riêng với Mao Trạch Đông, Tư trị thông giám là cuốn sách gối đầu giường, ông đã đọc nát bộ sách này, nhiều trang phải dùng băng dính dán lại. Có những thời gian ông mê mải đọc hàng mấy giờ liền. Theo lời ông nói với thư ký cơ yếu thì ông đã đọc Tư trị thông giám tới 17 lần và lần nào cũng thấy hiệu quả. Chính ông là người đã giải thích vì sao Tư trị thông giám lại mở đầu vào năm thứ 23 đời Uy Liệt Vương nhà Chu. Đó là vì năm đó trong lịch sử Trung Quốc xảy ra một sự kiện lớn – hoặc là do Tư Mã Quang cho rằng đã xảy ra một sự kiện lớn – thiên tử nhà Chu phong ba nước Hàn, Ngụy, Triệu làm chư hầu, coi việc 3 họ này chia nhau nước Tấn là hợp pháp. Tư Mã Quang cho rằng đó là một điều then chốt chứng tỏ nhà Chu đã suy vong. Tư trị thông giám lấy việc đó làm thiên mở đầu là đã nói rõ ý nghĩa chủ yếu. Mao Trạch Đông còn cho rằng Tư trị thông giám kết thúc ở đời Ngũ Đại mà không viết đến đời ông là vì “Người đương thời viết lịch sử triều đình sẽ gặp một số việc không tiện nói, hoặc không dám nói” (1).

Theo lời Đặng Dung, con gái Đặng Tiểu Bình thì “ông đặc biệt thích Tư trị thông giám; trong nhà có hai bộ, không biết là ông đã đọc bao nhiêu lần, nhưng có thể nói là đọc thuộc” (2).

Sách Sử ký của Tư Mã Thiên đã có nhiều bản dịch sang tiếng Việt. Riêng với Tư trị thông giám chỉ có các nhà sử học thuộc thế hệ xưa thông thạo Hán học, là có tham khảo. Thiết tưởng Viện Sử học nên tổ chức dịch để làm tài liệu cho giới sử học Việt Nam.

 

  1. Theo Cuộc sống cuối đời của Mao Trạch Đông, Nxb Khoa học giáo dục, 1993.
  2. Theo Tân Hoa Văn Trích, số 20, năm 2004.