Từ một năm nay, ở Nhật Bản, người ta tổ chức một cuộc triển lãm lưu động nói về tội ác của đơn vị 731 trong thời gian chiến tranh. Triển lãm mở đầu bằng lời kể của một nhân chứng: “Người ta tiêm vi trùng dịch hạch cho một người Trung Hoa. Khi các hiện tượng bênh lý xuất hiện, họ trói anh ta vào giường rồi nhét một cái khăn vào miệng cho khỏi kêu. Rồi một bác sĩ Nhật Bản mổ lồng ngực từ cằm đến bụng, ông lần lượt lấy ra từng bộ phận cơ thể. Khi lôi quả tim ra, nó còn đập”. Là một trong những người tổ chức cuộc triển lãm này, ông Keiichi Tsuneishi, giáo sư lịch sử các môn khoa học ở Đại học Kanagava, đã dành phần lớn thời gian để điều tra về đơn vị 731, đã tiến hành ở Mãn Châu những thí nghiệm y học trên cơ thể con người. Dựa trên những tư liệu mới phát hiện trong hồ sơ của Mỹ và Nga, Tsuneishi và người Mỹ Sheldon Harris đã chứng minh cho công chúng Nhật thấy lại một tội ác ghê tởm của cha ông họ mà đơn vị 731 là một bộ phận trong guồng máy công nghiệp chiến tranh khổng lồ tập hợp những nhà quân sự, chính trị và y học lớn nhất của Nhật Bản thời đó.
Sự việc bắt đầu năm 1932, khi thiếu tá Ishii Shiro đi thăm Mãn Châu đang bị quân Nhật xâm chiếm. Ở tuổi 40, Ishii là một thầy thuốc giỏi, chủ nhiệm khoa miễn dịch học ở trường quân y Tokyo, có tham vọng lập một chương trình thí nghiệm về vũ khí sinh học. Từ năm 1928 y đã tiếp xúc với nhiều tướng lĩnh trong quân đội để thuyết phục xin tài trợ cho dự án sản xuất vũ khí sinh học.
Năm 1933 y đạt được ý muốn. Trung tâm nghiên cứu đầu tiên được lập tại làng Beiyinye thuộc vùng Cáp Nhĩ Tân sau bức tường có hàng rào điện là một nhà tù nhốt từ 500 đến 600 “tên phiến loạn cộng sản, bọn du đãng và kẻ cướp” cùng với những phòng thì nghiệm và một lò thiêu xác. Người ta gây bệnh dịch hạch, thổ tả và nhiệt thân cho tù nhân. Sau khi nghiên cứu phản ứng của họ xong, chúng giết chết người bệnh bằng tiêm một liều thuốc độc rồi cho thiêu xá. Để nghiên cứu não, chúng dùng búa bổ đầu, lấy bộ nào còn nóng hổi đưa về phòng thí nghiệm. Chúng còn thí nghiệm phản ứng của cơ thể đối với nhiệt độ thấp và các dòng điện chạy qua (từ 4500 đến 20000 vôn).
Mùa thu 1934, lợi dụng lúc lính gác Nhật Bản uống rượu say, tù binh nổi loạn và chạy trốn. Mười hai trong số họ đã trốn thoát. Bí mật của Ishii có nguy cơ bị tiết lộ. Ít lâu sau một vụ nổ có tính toán đã phá hủy toàn bộ nhà tù, Ishii trở về Nhật, tiếp tục những chuyến đi nói chuyện nhằm thuyết phục quân đội hưởng ứng dự án của hắn. Đồng nghiệp gọi hắn là “nhà giải phẫu điên”.
Ngày 1 tháng 7-1936, Ishii được bổ nhiệm làm giám đốc “Văn phòng làm sạch nước” ở Mãn Châu. Dưới cái vỏ đó, y cho xây một trung tâm thí nghiệm lớn ở Pingfang, cách Cáp Nhĩ Tân 24 km, gồm 76 tòa nhà, chiếm diện tích 6km2, ngang với trại tập trung Auschwitz của Đức. Tại đây có 3000 người Nhật được chọn lọc kỹ đến làm việc. Trung tâm có sân bay và phi đội riêng. Khoảng 1500 đến 3000 người Trung Hoa làm công việc quét dọn, người nào có ý định trốn sẽ bị lính Nhật bắn chết hoặc cho chó cắn.
Năm 1941 Trung tâm đổi tên là Đơn vị 731, thu hút những nhà nghiên cứu ưu tú của Nhật Bản. Bảy người phụ trách là thành viên Đại học hoàng gia Kyoto. Tất cả có 300 đến 500 bác sĩ làm công việc nghiên cứu trên cơ thể con người. Vật thí nghiệm được chở bằng tầu hỏa hay xe tải từ Cáp Nhĩ Tân tới, gồm có người Trung Hoa và cả người Nga theo bảo vệ, người Do Thái, lính Liên Xô bị bắt trong các cuộc phục kích ở biên giới, người Triều Tiên, Mông Cổ… Họ được cho ăn uống tốt nhưng không sống được lâu.
Tại đây chúng tôi đã nghiên cứu các bệnh thương hàn, kiết lỵ, uốn ván, hoại thư, lao và bạch cầu. Chúng tiêm nước đái ngựa vào thận, chích mầm viêm não của chuột vào mạch máu người. Chúng thí nghiệm liều gây chết người của bạch phiến và dầu hải ly. Chúng thí nghiệm Socola, bánh ngọt, bia, chứa vi trùng dịch hạch và thổ tả. Và chúng huênh hoang công bố hàng trăm công trình được thực nghiệm trên “Chúng tôi có thể cung cấp 300 kg vi trùng dịch hạch và 800kg mầm thương hàn mỗi tháng”. Nhiều nhân vật cao cấp của quân đội đã đến thăm Ping Fang. Hoàng thân Higashigumi Naruhiko, chú và bạn thân của Nhật hoàng, cùng nhiều nhân vật khác trong hoàng gia đã có mặt tại đây. Ishii trở thành người được coi trọng, y sống cùng gia đình trong một trang trại lớn ở Cáp Nhĩ Tân, có máy bay riêng và đi xe bọc thép.
Không ai lên tiếng ngăn cản khi chúng quyết định thí nghiệm trên thực địa. Máy bay Nhật đã ném các loại bom chứa vi trùng dịch hạch hay hơi gây hoại thư xuống An Đại. Chúng đã đầu độc hàng nghìn nguồn nước và giếng bằng vi trùng thương hàn. Ở Nam Kinh chúng phát hiện trẻ em kẹo chứa vi trùng mụn nhọt. Chúng tung rận và chuột mang vi trùng dịch hạch ở Cát Lâm và Trường Đức. Mỗi lần như vậy, các nhà khoa học Nhật Bản theo dõi sự lan truyền của các bệnh dịch, tính đến hàng trăm người chết, rồi viết báo cáo.
Sau 10 năm thí nghiệm, năm 1942 Ishii được điều đi Nam Kinh. Có lẽ là do việc này gây nên cái chết của 1700 lính Nhật vì bệnh thương hàn sau một cuộc thí nghiệm. Người kế nhiệm y là Kitano Masaji, đồng thời là giáo sư trường ý khoa Phụng Thiên (Mãn Châu). Kitano đã từng thủ tiêu hàng nghìn người Trung Hoa và Triều Tiên trong các cuộc thí nghiệm. Thành tích lớn của y là gây nên bệnh dịch bằng phun thuốc từ máy bay xuống ở Thượng Hải năm 1944.
Đơn vị 731 là một mắt xích trong dây truyền thí nghiệm. Đơn vị 100 ở Trường Thuận, nơi vua bù nhìn Phổ Nghi ở, cũng gây nên những tội ác không kém. Dưới danh nghĩa tiêm phòng dịch, chúng đã chích vi trùng dịch hạch cho dân chúng cả một thành phố. Cả hai đơn vị đều có khoảng một tá chi nhánh rái rác khắp Trung Quốc. Ở Nam Kinh đơn vị 1644 chuyến thí nghiệm trên đàn bà trẻ con và dùng các thứ thuốc độc như nọc rắn, thạch tín, axit xianhydric. Giám đốc đơn vị mà là Matsuda đã được chuyển đến Miến Điện năm 1942 để chỉ đạo một trung tâm “phòng dịch” miền Đông Nam Á.
Theo Sheldon Harris thì con số nạn nhân bị thủ tiêu trong các phòng thí nghiệm của Ishii lên đến 12000 người. Còn phải kể đến hàng nghìn lao động Trung Hoa bị chết vì kiệt sức và bị thủ tiêu trước khi quân Liên Xô đến Mãn Châu. Lại còn hơn 100.000 người chết trong các cuộc “thí nghiệm” trên thực địa. Nhiều vùng của Trung Quốc xưa nay chưa hề có dịch hạch và sâu quảng vẫn còn bị dị hại sau chiến tranh. Những thành thị vùng Sơn Đông cho đến giữa những năm 50 vẫn chưa thể cư trú được.
Trở lại Nhật Bản sau khi thua trận, Ishii Shiro không phải lo lắng gì. Y đã thỏa thuận với người Mỹ rằng kể lại hết “chiến tích” và đưa các kết luận khoa học của mình. Đánh đổi lại, y sẽ không bị đưa ra xử như tội phạm chiến tranh. Cuộc đổi chác thành công, y đã yên ổn chết tại nhà năm 1958. Những tên tội phạm khác cũng được tha bổng theo kiểu đó. Một đàn em xuất sắc của Ishii ở Đơn vị 731 là Naito Ryoichi, sau chiến tranh đã thành lập công ty dược phẩm Midori Jugi (chữ thập xanh). Kitano Masaji, người kế tục Ishii ở Đơn vị 730 vẫn là người chỉ đạo trong thời gian dài một chi nhánh ở Tokyo. Những tên đầu xỏ của Đơn vị đã chuyển thành những chủ nhiệm khoa ở đại học, cán bộ lãnh đạo của công ty, vụ trưởng ở bộ y tế, chủ tịch Hiệp hội các thầy thuốc. Người em họ của Nhật hoàng thường lui tới trung tâm Ping Fang, trở thành người lãnh đạo Ủy ban Olimpic Nhật Bản chuẩn bị cho Thế vận hội Tokyo. Năm 1983 ông tuyên bố: “tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải nghiên cứu mọi biện pháp để tiến hành chiến tranh”.
Trong 40 năm nước Nhật muốn quên đi hết. Vậy mà từ ba năm nay chính phủ Nhật đã phải thừa nhận là có cưỡng bức 200.000 phụ nữ Triều Tiên, Trung Hoa và Philippin làm gái mãi dâm cho quân đội Nhật. Một số sách giáo khoa Nhật Bản đã phải nói lên vụ thảm sát và cưỡng hiếp 200.000 người Trung Hoa ở Nam Kinh. Tuy nhiên người ta vẫn chưa muốn nói đến hoạt động tội ác của đơn vị 731, và việc một số thị trường ở Nhật từ chối không cho đoàn triển lãm lưu động đến thành phố của mình là một bằng chứng.
Giờ đây, một nhóm nhà khoa học và hoạt động xã hội muốn thức tỉnh người Nhật. Họ muốn những thành viên cũ của Đơn vị 731 phá vỡ sự im lặng đó. Cuối cùng ken Yuasa là người đầu tiên công khai thú nhận tội ác “thí nghiệm” của mình trong một bệnh viện quân y Nhật Bản ở Sơn Tây Trung Quốc. Ở đó Yussa đã cắt và nối lại các xương sườn, ruột và tinh hoàn của 13 người Trung Hoa để làm thí nghiệm, trước khi giết chết họ. Ngày nay, người giám đốc một bệnh viện tư ở Tokyo đã nói trước đám học sinh đến xem triển lãm về đơn vị 731 rằng: “Tôi là một tên tội phạm chiến tranh”
Đào Hùng – Theo L’Evenement du Jeudi