Thư Hà Nội của Jean Tardieu

Ngày 16-5-2006, bà Alix Turolla Tardieu, con gái nhà văn Jean Tardieu, đã đến Hà Nội để giới thiệu cuốn sách tập hợp hai bức thư dài của cha mình gửi các nhà văn Pháp, lần đầu tiên được dịch sang tiếng Việt. Bà Alix còn có buổi giới thiệu sách tại Trung tâm Văn hóa Pháp ở Hà Nội và gặp gỡ một số họa sĩ, cựu học sinh Trường Mỹ thuật Đông Dương cùng các nhà hoạt động văn hóa tại Thư viện Quốc gia Hà Nội ngày 18 tháng 5.

Ký họa của Jean Tardieu

Ký họa của Jean Tardieu

Tác giả là con của họa sĩ Victor Tardieu, đã đến Việt Nam năm 1927 sau khi tốt nghiệp Đại học Văn khoa Paris, và bắt đầu xây dựng sự nghiệp văn học của mình. Tại đây ông phải thực hiện nghĩa vụ quân sự, nhưng vẫn được ở gần người cha đã sáng lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1924. Bức thư thứ nhất gửi Roger Martin du Guard, nhà tiểu thuyết được giải Nobel, một con người nổi tiếng có tư tưởng chống đối chủ nghĩa thực dân. Thư thứ hai gửi Jacques Heurgon, giáo sư Văn minh Latinh ở Đại học Sorbonne, là người bạn vong niên của tác giả.

Sức hấp dẫn lớn của những bức thư này là đã gợi tả môi trường, khí hậu, phong cảnh và hội họa phương Đông và vai trò của các yếu tố này trong việc tự khám phá bản thân tác giả. Và nói như bà Alix con gái tác giả, thì: “Độc giả sẽ khám phá ra một Jean Tardieu là tác giả thư tín xuất sắc, cũng là người phê phán nghiêm khắc hiện tượng thực dân chủ nghĩa, đồng thời ông vẫn coi trọng một vài người Pháp cao thượng ông gặp ở Hà Nội, ví như người vợ tương lai của ông. Ông tỏ ra nhạy cảm trước tình bạn của những nghệ sĩ trẻ, học sinh của trường, trước các truyền thống của họ, cả trước các hình thái và màu sắc của xứ sở này”.

Nhân dịp này chúng tôi xin trích giới thiệu vài đoạn trong những bức thư trên*.

 

Hà Nội, 24 tháng Giêng 1928

Để có thể nhất quán với tính tiền hậu bất nhất của tôi bỗng nhiên tôi tự hỏi: có lẽ có thể đúng là dân Việt Nam sung sướng hơn từ khi chúng ta che chở họ (hơi theo kiểu Arnolphe che chở tuổi trẻ của Agnès!) (1). Các khoảng cách ghê gớm về giàu nghèo trước đây tồn tại giữa các đẳng cấp khác nhau của vương quốc cũ có hơi giảm đi; một người An Nam, nhân viên nhỏ trong một cơ quan Pháp, chắc chắn giàu hơn, tự do hơn, sung sướng hơn so với khi làm thư lại phục vụ một quan lại. Và lại còn y học. Rõ ràng là dịch bệnh giảm xuống. Dân số An Nam tăng lên khá hơn căn cứ trên thống kê. Và thực sự thì người nông dân hèn kém nhất nếu bị ốm, thay cho những loại thuốc dựa trên kinh nghiệm chủ nghĩa, có thể được một thầy thuốc người Pháp tốt săn sóc không mất tiền. Nhưng đây chính lại là vấn đề: một con người có sung sướng hơn khi phục vụ một ông chủ hiền lành và khoan dung nhưng lại là một người nước ngoài, không hiểu gì anh ta so với việc phải chịu những đòn roi mây quen thuộc từ phía một ông chủ tàn ác nhưng cùng giống nòi, có cùng tập quán và cùng nói ngôn ngữ với nạn nhân của ông ta không? Và có phải được chết bằng một vị thuốc đã lần lượt giết hết các tổ tiên anh ta (2) từ hàng trăm thế hệ này, còn hơn là khỏi bệnh trong một nhà thương xa lạ, trong một không khí khiến anh khó chịu so với các thói quen suy nghĩ và nhìn nhận của anh không? Có lẽ có một cách để hợp tác với dân tộc này, điều khiển không thô bạo, tìm cách đi theo hướng của họ chứ không phải buộc họ về phía mình, không để họ cảm thấy áp lực quyền uy, tranh thủ được lòng tin của họ. Nhưng như vậy phải có rất nhiều sự tinh tế và trí thông minh, một lòng tốt không nhu nhược, một ý chí muốn thích nghi, mà những người ở đây đã không có. Lý ra phải cử đến ở đây, không phải những kẻ tầm thường, những người “trung bình”, mà những con người hành động và những quan chức hành chính giỏi nhất. Có bao nhiêu quan điểm sai, bao nhiêu lầm lẫn người ta đã bắt họ phải nuốt cho kỳ được. Thật đáng buồn khi nghĩ rằng ở Đông Dương không còn những trường trong đó có dạy chữ nho, rằng ký ức về tinh thần và nghệ thuật của nước Trung Hoa, trong nền văn hóa Việt Nam trước đây, vốn đóng vai trò giống như văn hóa cổ đại Hy Lạp ở nước chúng ta, đã mất dần, và thay cho nhiều tính trí tuệ đến vậy, thay cho bao nhiêu sự cao thượng tinh thần ấy, người ta lại nhét vào óc trẻ con tất cả những cái gì xoàng xĩnh tẻ nhạt nhất của nền dân chủ những ông Homais – tinh thần “trường xã”, các “nguyên lý bất diệt của năm 89” và quy tắc động tính từ mà những đầu óc thiên về tỉnh lược này chẳng biết dùng làm gì. Trong khi một thực dân thực thụ, nếu ông ta muốn con cái người bồi của ông ta biết đọc trong nguyên văn thơ của André Theuriet và nắm được ngày tháng chiếm lĩnh La Rochelle, thì ông ta lại chẳng quan tâm gì đến việc hiểu biết xứ sở nơi ông ta đang sống: người ta đã xây những biệt thự trung cổ, vạch những đại lộ gợi nhớ nhiều nhất tới những con “đường dạo chơi Victor Hugo” muôn thuở, hay “phố Jules Ferry” của các tỉnh lẻ của chúng ta: người ta có những khách sạn với cầu thang máy, những quán cà phê có trò chơi bi-a – tất cả những cái đó để giấu đi vẻ duyên dáng thầm kín của các ngôi chùa, những phố Tàu quanh co ầm ĩ, tóm lại, để quên đi được nhiều nhất xứ sở này nơi người ta biết rõ là dù sao vẫn đang sống tại đấy. Có quan trọng gì nếu các cây “tiêu huyền” viền quanh đại lộ này thực ra là những cây bạch đàn hoặc cây cao su (3) nếu, hơi nhấp nháy mắt, người ta đã tưởng như đang ở tỉnh lỵ Pontoise.

Jean Tardieu (thứ 3 từ phải sang) cùng với bạn học Trường Mỹ thuật - Ngồi hàng đầu là Lê Phổ

Jean Tardieu (thứ 3 từ phải sang) cùng với bạn học Trường Mỹ thuật – Ngồi hàng đầu là Lê Phổ

29 tháng Giêng

Một ví dụ nữa của khí hậu thất thường này: trong ba ngày vừa qua là một thời tiết Thiên đường thực sự, một nhiệt độ nếu ở Pháp sẽ là của một mùa hạ nóng nực nhưng còn ở đây lại thật tuyệt diệu vì người ta đã quen rồi, cảm giác là cuộc đời không còn trở ngại gì, thân thể như tắm trong luồng ánh sáng và sự trong suốt, cứ giãn ra với một niềm vui gần như cây cỏ. Người ta không còn hiểu từ cái nhà có nghĩa gì nữa – đi đâu “ở” nếu không phải trên mặt đất đẹp đẽ, dữ dội và rực sáng này? Tại sao phải trốn sau những bức tường thành? Trong không trung, chỉ còn nghe những lời hạnh phúc và nhân từ và đêm đến, bầu trời này đẹp với những ngôi sao âu yếm, dường như rất gần ta! Đêm vừa qua, vậy vẫn còn là mùa hạ. Sáng nay, trời đầy mây và một cơn gió lạnh dữ dội như gió mixtran gió càng thổi, từng giờ từng giờ nhiệt độ lại hạ xuống. Ngày hôm qua, nhiệt kế chỉ 31o dưới ánh mặt trời giữa trưa; hôm nay cũng đúng giờ đó nó xuống còn 17o. Một chênh lệch 14o trong hai mươi bốn tiếng. Lúc này đây, tôi đang phải đốt lửa trong lò sưởi phòng tôi… Tuy nhiên tôi phải đổi đề tài: cái tôi đang viết cho ông đây không phải là một lá thư, ông kính mến, mà là một thông báo thời tiết…

 

Ngày 5 tháng Giêng – 10 giờ đêm

Tôi càng ngày càng tới gần các bạn – cuối cùng thì mùa đông, một mùa đông thật sự đã bộc lộ rõ ràng: từ năm ngày nay, nhiệt độ dừng lại khoảng 13 độ; ngay ở Pháp thế cũng đủ để người ta buộc phải đốt lửa. Ở đây, độ ẩm của không khí tăng cảm giác lạnh lên gấp mười, ta lạnh như thể ở không độ tại châu Âu. Thú vị cực kỳ (…). Vì chiều nay, tôi đã xin được phép nghỉ đêm vĩnh cửu của tôi, sáng mai, lúc 7 giờ rưỡi tôi lại rất nhẹ nhàng đi tới Bộ Tham mưu. Ôi, rất đơn giản thôi: tôi chỉ việc đi từ đầu đến cuối đại lộ Gambetta (!) dài khoảng một cây số hoặc một cây số rưỡi. Bạn đừng cười, con đường này xứng đáng được gọi là Đại lộ: dài như bạn thấy đấy, nó rộng bằng, có lẽ còn rộng hơn đại lộ Victor Hugo nữa, một mặt đường phẳng lì, khum khum hết ý – ở giữa, cứ năm mươi mét lại có một đèn điện đặt trên một chỗ tránh xe nhỏ. Phía hai bên là những vỉa hè rộng viền những hàng cây lớn tỏa bóng, những ngôi nhà “đẹp nhất” – nghĩa là uy nghiêm nhất – của Hà Nội, mỗi ngôi nhà đều có một khu vườn nhỏ phía trước – thôi cứ cho rằng: một Đại lộ Bois nhỏ! Nhưng bạn đừng nghĩ đó là con phố lớn duy nhất của Hà Nội. Thành phố Âu được xây dựng có phần theo kiểu Mỹ: nó chủ yếu gồm một vài đại lộ lớn thực sự là đẹp, dài và rộng, cắt nhau theo đường thẳng góc. Con phố cuối cùng của các phố song song lớn nhất, phố Paul Bert, phố của những cửa hàng sang, dừng lại để mở ra với một trong những nơi đẹp nhất thành phố: hồ “Petit-Lac” (Hồ Bé nghĩa là hồ Hoàn Kiếm, N.D.), đúng ra là một hồ khá lớn, có hình gần như chữ nhật, chung quanh là vườn và cây đẹp đẽ, cúi mình xuống một làn nước trong veo, một màu xanh lục đẹp tuyệt: ở giữa, một hòn đảo bé tí ở trên một tháp nhỏ cổ kính, đơn giản, quyến rũ cực kỳ, không chút trang trí. Nếu nhìn từ phố P.Bert, ta thấy tận cuối hồ, một hòn đảo lớn hơn trên đó có một ngôi đền quan trọng, đền Bút Tháp xung quanh có hai, ba cụm cây, sắp xếp hài hòa và nối với hai bờ là một cái cầu Nhật Bản bé tí hình cong. Không ngày nào mà hồ nước và các ngôi đền không đổi màu, nhưng vẫn luôn ở trong các sắc yên bình, mờ ẩn, sáng nhẹ, vốn là đặc trưng của đất Bắc. Phía bên kia cái hồ nhỏ, bắt đầu thành  phố An Nam và Trung Quốc, và nơi này thực sự là huyền diệu. Ta có thể đi ngày lại ngày, từ quán hàng nọ đến quán kia, giữa những phố ồn ào, đầy một đám đông đang lao động. Tại đây những ngành nghề bé mọn đích thực của phương Đông vẫn còn được coi trọng. Phố Hàng Đồng, từ đầu đến cuối phố, sáng chói đủ mọi loại đồng – đỏ rực, xanh lục, vàng – ấm nụ, thau chậu, bát đĩa, cái đựng thìa đũa. Phố Bát Đàn, xanh lơ từ đầu đến cuối phố. Phố Thuốc Bắc, nơi cân đong mọi thứ bùa yêu chống lại mọi tác hại của tà ma và của các mùa v.v và v.v… Các cửa hiệu chẳng có cửa mà cũng chẳng có cửa kính, giống những ô mở, ngăn bằng tường, kết thúc bằng những bậc, phía trên là mái nhà độ nghiêng rất thấp: có thể coi đấy là những dãy hộp hơn là những ngôi nhà, mà người ta đã lấy mất cái thành hộp phía mặt đường – trong hộp đầy ắp người bán và người thợ, khiến cho khách qua đường có thể chứng kiến toàn bộ cuộc sống của cửa hàng – bạn hiểu rằng sự tò mò có thể được thỏa thích đến mức nào. Tại đó, có cả một nghệ thuật không sao sánh nổi trong việc quyến rũ người mua đang đi long rong, khiến anh ta vui và ham thích. Tất cả dẫn đến cảm giác về vô số những đồ vật – nhưng không hề lủng củng bởi không chỉ mỗi một cửa hiệu, mà tất cả các cửa hiệu của một con phố đều chuyên bán một thứ hàng hoặc làm một nghề. Như tôi đã nói, một trong những phố thú vị nhất là phố Bát Đàn: mỗi cửa hiệu đều ngổn ngang, đầy ắp từ trên xuống dưới những chồng bát ăn cơm nhỏ, đĩa, thìa chan nước mắm, lọ đựng dấm, ấm trà bằng sứ mỏng An Nam màu trắng có hoa xanh… Cũng có cả phố Tàu, phố của người Quảng Đông, nhưng lại khác hẳn: ngay từ những cửa hàng đầu tiên, tuy được tổ chức trên cùng bình diện với cửa hiệu Việt Nam, người ta đã dự cảm thấy lao động của một dân tộc mạnh  – nhất là của một dân tộc tự do: thay vì cho những người bán hàng nhỏ bé người Bắc, tất cả đều có vóc người mảnh mai luôn sẵn sàng phục vụ bạn, luôn nhã nhặn, đây lại là những người Trung Quốc cao và to béo, tầm vóc uy nghi chẳng khác gì người Đức, kiêu ngạo, xấc láo nữa, ngồi oai vệ như thần phía sau quầy hàng trông giống bục tòa án. Vả chăng, phần lớn các cửa hàng đều chỉ là những bàn giấy rộng trần trụi chỉ có vài ghế tựa, bởi người Trung Quốc gần như chiếm hết thương mại lớn, lối bán “buôn”, trong khi người An Nam tội nghiệp lúc nào cũng bị bịp, bị dồn vào buôn bán nhỏ, lao động một cách kiên nhẫn trong những nghề thanh nhã và yếu ớt. Tôi thường thấy trước cửa hàng một người Trung Quốc, bên vỉa hè, một chiếc Rolls – Rolls (sic) của ông chủ. Trong con phố của các thợ rèn nhỏ bé, đột nhiên người ta thấy inh tai lên vì tiếng búa choang choang đập xuống đe: chủ xưởng cầm thanh sắt đỏ rực bằng một cái kìm, tạo hình cho nó trong khi phía hai bên cái đe, hai chú thợ phụ, thường là những đứa trẻ 13 đến 14 tuổi thay nhau quai búa, không lúc nào ngừng, bằng những cái búa nặng. Phố xá ngổn ngang, sống động, ầm ỹ nhưng không bao giờ bẩn thỉu (và đây là một điểm quan trọng và đáng kinh ngạc ở vùng Viễn Đông: hình như nước láng giềng lớn, Trung Quốc để cho cái thành phố đẹp nhất và đáng trọng vọng nhất của mình, chìm trong một bãi những thứ uế tạp hôi hám). Hè phố tắc nghẽn vì vô số những hàng ăn và bán bánh rong – người An Nam ăn suốt ngày và khá là tham ăn: khắp nơi có những người phụ nữ ngồi xổm quạt một lò than nhỏ, nướng bánh đa; và đủ các thứ bánh khác; khắp nơi, nồi của người bán cháo gà bốc hơi nghi ngút – khắp nơi ta thấy băm thịt, băm rau thơm trên những gánh hàng rong – khắp nơi có những bát đầy thịt thái rồi, trên đó có rắc vô vàn những thứ gia vị tuyệt diệu. Mọi thứ đó đều có vẻ ngon lành – và dường như ngon thực sự – nhưng có đổi cả “một vương quốc” tôi cũng không dám nếm, vì ở đây bệnh tả rất dễ mắc. (Nhưng bạn không phải lo sợ cho tôi – trước hết, cái bệnh ghê gớm đó, than ôi, chỉ tấn công vào người dân Việt Nam, sau nữa chúng tôi chỉ ăn những thức ăn nấu chín kỹ và được coi sóc kỹ lưỡng, sau cùng tôi đã được tiêm chủng, cho nên, nếu không may tôi bị bệnh tả, tôi vẫn có cơ may thoát khỏi, nếu được chữa cẩn thận, giống như thoát khỏi bệnh sốt thương hàn). Để kết thúc bức ký họa phố Bắc Kỳ ngắn và vụng về này, tôi nói thêm với ông rằng các con phố nhỏ quyến rũ ta cả lúc nghe lẫn lúc nhìn, cả do cái thứ tiếng ồn nhẹ mà pha tạp, chói tai và vui vẻ, từ đó phát ra – mọi âm thanh đều vẫn ở giới hạn của tiếng hát: bản thân tiếng An Nam cũng gần giống một lời hát uốn lượn trên một số nốt thăng âm của chúng ta nghĩa là phải đến ba mươi hoặc bốn mươi nốt của cái mà ta không biết có nên gọi là thang âm Việt hay không. Cuối cùng là điều kỳ diệu nhất trong mọi thứ trên: tiếng guốc gỗ gõ xuống gạch lát đường. Các đôi guốc này được quết một lớp sơn bóng màu đỏ, vàng hay xanh lục (…) khiến cho gót chân khi chạm tới đất vang lên như tiếng đàn phiến gỗ, và cái thành gỗ nhỏ mà nó tựa lên, trở thành mặt tạo âm khi mỗi bước đi bàn chân lại rời mặt tựa, bởi chỉ đầu mũi chân là được giữ bằng một cái quai da. Tôi nghĩ rằng tiếng nhạc guốc này chắc là một kiểu làm đỏm cố tình của dân chúng. Chỉ cần năm hay sáu khách bộ hành mang guốc cùng đi trên một vỉa hè, là cả phố bắt đầu vang lên như hát. Trong mỗi đôi guốc, tất nhiên từng chiếc lại có tiếng vang riêng: không có gì thú vị bằng nhìn thấy một thiếu nữ lao động người Việt xinh xắn, đoan trang, đi rất thẳng để giữ cho chiếc nón mênh mông của mình không bị chòng chành; bước đi đều đều và mềm mại, cô lần lượt gõ trên nền đất nốt thăng và nốt sol giáng của mình. Một hôm, trước quầy hàng một người bán giầy An Nam, tôi đã dành một thời gian để lần lượt gõ lên hè, gót của chừng bốn mươi đôi guốc – tiếng cười giòn giã vang lên từ trong cửa hiệu: bố mẹ, anh em, thấy tôi làm như vậy đều cười phá lên rất dễ thương, để lộ răng đen nhưng nhức.

Nhưng tại sao lại dừng lại trên những sự kiện nhỏ mọn đến thế: xin bạn đừng tin rằng tôi đã rơi vào cái thói tật thực dân, thường nói về người dân thuộc địa, bị áp bức, với giọng kẻ cả “cha chú” coi những người “bản xứ” như những kẻ bán khai nhỏ bé dễ thương! Tôi luôn gác lại, do lười biếng, việc phải nói về những điểm lớn rõ nét của xứ sở và nòi giống này – bởi vì điều đó khó hơn việc miêu tả tiếng guốc! Sự kỳ vĩ của các dinh thự nghệ thuật An Nam cổ, đền chùa, tăng viện, vẻ đẹp sâu xa, nét buồn mênh mang của phong cảnh, phẩm chất tâm hồn của những người sinh ra tại đấy – đó là những vấn đề cần được lý giải cẩn trọng, tỉ mỉ. Nhưng bức thư này rồi cũng phải gửi đi! Vậy trong thư sau, tôi đành cố thử chuyển cho các bạn dù là xa xôi, dù là phai nhạt, một tia phản chiếu của vài nỗi xúc động lớn về xứ sở này.

 

* Jean Tardieu, Thư Hà Nội – Gửi Roger Martin du Guard và Jacques Heurgon, người dịch Đặng Thị Hạnh, Nxb Phụ nữ, 2006. Sách song ngữ, bản Pháp ngữ: Nxb Gallimard, 1997 (Thư gửi R. M. du Guard), Nxb IMEC, 2004 (Thư gửi J. Heurgon).

  1. Trong vở kịch Trường học làm vợ của Molière Arnolphe, cha đỡ đầu của Agnès là một người độc đoán và thủ cựu.
  2. Ở đây chắc tác giả nói về cách chữa bệnh bằng tàn nhang nước thải theo mê tín dị đoan thời kỳ trước đây.
  3. Tác giả nhầm cây đa với cây cao su.