Giữa tháng 9-1946, trên đường trở về nước qua hải cảng Toulon ở miền nam nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ghé thăm những người lao động Việt Nam bị động viên sang Pháp trong Chiến tranh thế giới, gọi là trại Công binh chi đoàn ở Marseille. Ngày 17-9-1946, hơn 200 thanh niên Việt Nam đã đứng đón trước sân thể thao của trại, mang theo cờ và biểu ngữ với các khẩu hiệu “Hồ Chí Minh muôn năm!”, “Nam Bộ của nước Việt Nam”, “Việt Nam hoàn toàn độc lập!”, “Triệt để ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh chống đế quốc!”… Trong khi đó hơn 3000 anh em công binh tập hợp theo từng cơ, đứng kín sân vận động.
Đúng 9 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh bước lên diễn đàn giữa tiếng hoan hô của tất cả đồng bào. Thay mặt cho Ban chấp hành trung ương Công binh, anh Hứa Văn Nên đọc diễn văn chào mừng, trong đó có nêu lên nhiều thắc mắc của kiều bào tại Pháp đối với Hiệp định sơ bộ 6 tháng 3 và nhất là đối với tinh thần của bản Tạm ước 14 tháng 9.
Để trả lời những thắc mắc của anh em Việt kiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói đến những khó khăn mà đất nước đang phải đối mặt và nhắc nhở mọi người hãy bình tĩnh trước những thỏa hiệp mang tính sách lược của Chính phủ Việt Nam DCCH, trong đó có đoạn:
“Hội nghị Fontainebleau tuy không thành nhưng là một thắng lợi của Phái đoàn Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Không thành, nhưng hội nghị Fontainebleau là một thắng lợi của nhân dân ta, thắng lợi của toàn thể nhân dân yêu chuộng hòa bình ở khắp thế giới.
Thay mặt Chính phủ và Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do toàn dân bầu cử, tôi khuyên kiều bào là công việc chính trị để cho những người chuyên môn giải quyết, kiều bào hãy cố gắng chăm lo học lấy một cái nghề tinh xảo để góp vào việc kiến thiết quốc gia. Đất nước chúng ta cần đến những người con có nghề nghiệp tinh xảo.
Tôi nhắc lại một ý mà kiều bào đã biết là nước ta như người có ruộng mà không có thóc, nước Pháp là người có thóc mang sang trồng ở ruộng ta, đến vụ gặt hái đem ra chia đôi, hai bên cùng có lợi, có phải như thế không? Kiều bào hiểu chưa?”.
Trước khi trở về nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn gửi đến Việt kiều ở Pháp lá thư sau, nói lên quyết tâm của Chính phủ trước sự nghiệp giành độc lập hoàn toàn cho đất nước:
“Hỡi toàn quốc đồng bào,
Phái bộ ta đã lên tầu Pasteur về nước. Tôi cũng sẽ về trên chiếc tầu binh Dumont – D’Urville. Trong lúc chúng tôi ở Pháp, Chính phủ Pháp và nhân dân Pháp chiêu đãi chúng tôi một cách thân thiện và long trọng xứng đáng với một nước hữu bang. Chúng tôi rất cám ơn. Vì điều kiện khó khăn mà hội nghị Fontainebleau chưa có kết quả như chúng ta trông đợi. Tuy vậy đã có tiến bộ ít nhiều. Nó dọn đường cho cuộc hội nghị giữa Chính phủ Pháp và Chính phủ ta trong tháng giêng sắp đến. Hơn nữa, nó làm cho dân Pháp và thế giới biết rõ nước ta hơn trước. Đó là một sự tiến bộ lớn lao!
Hỡi đồng bào yêu quý!
Trước kia chúng ta trông mong nhiều ở nước Pháp mới. Ngày nay chúng tôi trở về nước chưa mang lại quyền Độc lập và chưa giải quyết vấn đề Nam Bộ vì thế có lẽ đồng bào lấy làm thất vọng.
Nhưng chúng ta phải biết rằng tương lai của một đất nước không thể xây dựng trong mấy tháng mà xong.
Trong các hội nghị thế giới họp tháng này qua tháng khác mà cũng chưa được bao nhiêu kết quả!
Ta phải tin vào lực lượng của ta và lòng kiên quyết của ta. Ta hãy tin vào nước Pháp mới, nó là tiên phong của quyền độc lập và sự dân chủ của các dân tộc.
Trong khi chờ đợi hội nghị Fontainebleau tiếp tục, ta cần làm những việc gì.
Toàn thể quốc dân chúng ta phải nỗ lực làm việc.
Chúng ta phải ra sức tăng gia sản xuất; chúng ta phải giữ gìn trật tự.
Chúng ta phải gây một không khí thân thiện giữa người Pháp và người Việt chúng ta.
Chúng ta phải thực hiện đời sống mới.
Như thế thì chúng ta sẽ thành công sau này!
Lời chào thân ái.
Ký tên Hồ Chí Minh
Chủ tịch nước Việt Nam DCCH.
Theo tài liệu của Đặng Văn Long trong Người Việt ở Pháp 1940 – 1954, tủ sách nghiên cứu, Paris, 1997. (Trang 10)