40 năm trước, cách mạng văn hoá được phát động ở Trung Quốc

Hai nhà sử học – nạn nhân đầu tiên

Ngày 10-10-1965, trong cuộc tọa đàm với các bí thư thứ nhất các Đại khu, Mao Trạch Đông thấy tình hình chính trị trong nước nghiêm trọng hơn trước nhiều. Ông nói: Trung ương xuất hiện chủ nghĩa xét lại, chúng ta làm gì? Nếu như Trung ương xuất hiện chủ nghĩa xét lại chúng ta tạo phản, các tỉnh có “tiểu tam tuyến” (1) thì có thể tạo phản. Trước đây có một số người mê tín quốc tế, mê tín Trung ương. Hiện nay, chúng ta cần chú ý, dù ai nói, Trung ương cũng thế, tỉnh ủy cũng thế, hễ không chính xác chúng ta không chấp hành. Từ cuối năm 1965 đến mùa xuân 1966 ông đánh giá một cách chủ quan: Bắc Kinh có thể phát sinh chính biến. Ông cho rằng chủ nghĩa xét lại không chỉ xuất hiện trong giới văn hóa mà trong Đảng, trong chính quyền, quân đội tất yếu xuất hiện, chủ yếu là Đảng, quân đội, đây là điều nguy hiểm nhất. Theo nhận thức này thì phong trào giáo dục chủ nghĩa xã hội đang diễn ra và cuộc đấu tranh phê phán trong lĩnh vực hình thái ý thức đều không thể giải quyết vấn đề, cần phải quyết tâm áp dụng biện pháp đặc biệt, phát động một phong trào chính trị thật sâu rộng để phòng ngừa chủ nghĩa tư bản phục hồi ở Trung Quốc.

Ngày 10-10-1965, tờ Văn Hối báo ở Thượng Hải đăng bài: “Phê bình vở kịch lịch sử tân biên “Hải Thụy bãi quan” (Bình tân biên lịch sử kịch “Hải Thụy bãi quan”).

“Hải Thụy bãi quan” do Ngô Hàm, nhà sử học nổi tiếng, nguyên Phó thị trưởng Bắc Kinh, viết ngay sau khi Mao Trạch Đông đề xướng học tập Hải Thụy. Tháng 4-1959, trong hội nghị công tác Trung ương do Mao Trạch Đông triệu tập, ông đã nêu ra việc phê bình khuynh hướng không lành mạnh, sợ nói thật, sợ nói đúng; cần học tập Ngụy Trưng và Hải Thụy dám nói thật, không sợ cảnh cáo, không sợ cách chức, không sợ giáng cấp, không sợ khai trừ Đảng, không sợ ly hôn, không sợ chém đầu, dám giữ vững chân lý, cần xả thân quên mình, dám lôi hoàng đế xuống ngựa. Ngô Hàm theo lời kêu gọi của Mao Trạch Đông lần lượt viết mấy bài “Hải Thụy mắng hoàng đế”, “Bàn về Hải Thụy” và kịch bản “Hải Thụy bãi quan”.

“Hải Thụy bãi quan” viết xong cuối năm 1960, đầu năm 1961 bắt đầu công diễn. Kịch bản có 9 cảnh, chủ yếu thông qua sự kiện Hải Thụy trong thời gian làm Tuần phủ Ứng Thiên từ mùa hè năm 1569 đến mùa xuân năm 1570, đã dám xử tội chết con trai thứ ba của Tể tướng Từ Giới là Từ Anh (vốn là tên ác bá chiếm đoạt ruộng và con gái dân thường), ông còn ra lệnh trả lại ruộng v.v… Kịch bản tuyên dương tinh thần Hải Thụy cương trực không a dua, không sợ cường bạo, dám đấu tranh…

Từ năm 1962 sự chia rẽ về nhận thức trong Đảng ngày càng tăng về vấn đề “Đại nhảy vọt” cùng với hậu quả của nó và việc sửa sai, biện pháp thực hiện phù hợp để khắc phục khó khăn. Mao Trạch Đông từng nghiêm khắc phê phán cái gọi là “làn gió đen tối” (hắc ám phong), “làn gió làm ăn riêng lẻ” (đơn cán phong), “làn gió đòi hủy án” (phiên án phong). Trong tình hình đó, Giang Thanh nhiều lần nêu ra ý kiến “Hải Thụy bãi quan” có vấn đề, cần phải phê phán. Năm 1964, Khang Sinh lại thưa chuyện này với Mao Trạch Đông, cho rằng “Hải Thụy bãi quan” của Ngô Hàm có sự liên hệ với Hội nghị Lư Sơn, là đòi hủy án cho Bành Đức Hoài. Lúc đầu Mao Trạch Đông không đồng ý nhưng về sau vẫn bị Khang Sinh thuyết phục.

Năm 1965 Giang Thanh giấu giếm tất cả Ủy viên Bộ Chính trị, trừ Mao Trạch Đông, trong trạng thái bí mật tuyệt đối, cùng bàn mưu với Trương Xuân Kiều để Diêu Văn Nguyên viết bài “Phê bình vở kịch lịch sử tân biên Hải Thụy bãi quan” (Bình tân biên lịch sử kịch Hải Thụy bãi quan). Trong bài viết “Hải Thụy bãi quan” này Diêu Văn Nguyên liên hệ lại việc “trả lại ruộng”, “phê phán án oan” cùng với cái gọi là “làn gió làm ăn riêng lẻ”, “làn gió hủy án”, rồi quả quyết nói rằng “trả lại ruộng”, “phê bình án oan” chính là tiêu điểm đấu tranh của giai cấp tư sản đương thời chống lại chuyên chính vô sản và cách mạng xã hội chủ nghĩa. “Hải Thụy bãi quan” “là một cây cỏ độc”. Mao Trạch Đông chưa thông qua tập thể Bộ Chính trị nghiên cứu thảo luận đã phê chuẩn công bố bài viết này, ông còn bật đèn xanh cho báo chí toàn quốc đăng tải.

Sau khi công bố bài viết của Diêu Văn Nguyên, nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhất là trong Bộ Chính trị phát sinh chia rẽ. Các ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Trần Vân, Đặng Tiểu Bình… trong một thời gian ngắn tẩy chay bài viết này. Các báo lớn toàn quốc cũng không đăng. 20 ngày sau Nhân dân nhật báo mới đăng, có thêm lời chú của người biên tập được Chu Ân Lai sửa lại. Lời chú nhấn mạnh “Hải Thụy bãi quan” nên coi là vấn đề học thuật đem ra thảo luận, phương châm thảo luận lần này là được tự do phê bình và phê bình lại; đối với ý kiến sai lầm nên dùng cách thuyết phục, cần thực sự cầu thị, lấy lý lẽ thu phục lòng người. Và Bắc Kinh nhật báo theo quyết định của Thành ủy, không đăng bài viết của Diêu. Vì thế Mao Trạch Đông yêu cầu Thượng Hải in bài viết của Diêu Văn Nguyên thành sách khổ nhỏ, Tân Hoa Thư điếm phát hành. Nhưng Tân Hoa Thư điếm Bắc Kinh theo chỉ thị của Thành ủy, không đặt mua, sau bị ép phải mua nhưng không phát hành.

Mao Trạch Đông không hài lòng với cách làm của Bộ Chính trị và Thành ủy Bắc Kinh, cho rằng việc xem xét xác định “Trung ương xuất hiện chủ nghĩa xét lại” đã được chứng thực, ông còn nói một cách sai lầm rằng Thành ủy Bắc Kinh là “Vương quốc độc lập”, “kim chích không nhích, nước dội không trôi”. Ngày 21-12 Mao Trạch Đông lại chỉ ra: Vấn đề lợi hại trọng yếu của “Hải Thụy bãi quan” là “bãi quan”. Hoàng đế Gia Tĩnh bãi chức quan của Hải Thụy, năm 1959 chúng ta bãi chức quan của Bành Đức Hoài. Bành Đức Hoài cũng là Hải Thụy. Sau sự kiện này việc phê phán “Hải Thụy bãi quan” càng đậm thêm màu sắc chính trị. Bài viết của Diêu Văn Nguyên và phong trào phê phán rộng khắp tiếp theo đã trở thành sợi dây dẫn lửa kích nổ cuộc “Đại Cách mạng Văn hóa” (2).

Cùng lúc phê phán Ngô Hàm, lại phát động phê phán nhà sử học nổi tiếng Tiễn Bá Tán. Tháng 12-1965 Tạp chí Hồng Kỳ đăng bài của Thích Bản Vũ nhan đề “Nghiên cứu lịch sử vì cách mạng” lên án ý kiến chính xác của Nguyễn Bá Tán là: Nghiên cứu sử học vốn cần coi trọng quan điểm giai cấp lại phải chú ý chủ nghĩa lịch sử… là quan điểm tư sản “siêu giai cấp”, “khách quan đơn thuần”.

Tháng 3-1966 Thích Bản Vũ lại viết bài gán cho Tiễn Bá Tán là “ông trùm” trong cuộc đấu tranh giữa hai con đường trong lĩnh vực sử học, kiên trì chủ nghĩa duy tâm, kiên trì phương hướng sử học tư sản và sử học phong kiến, chụp cho ông cái mũ “nhân vật tiêu biểu của sử học tư sản”. Đây chính là bước tiếp theo tạo ra dư luận chuẩn bị khởi động cái gọi là “Đại Cách mạng văn hóa”.

NGÔ PHƯƠNG BÁ dịch

 

(*) Ngày 16-5-1966 Mao Trạch Đông ra chỉ thị về việc phát động cuộc “Đại cách mạng văn hóa vô sản” (Cách mạng văn hóa). Ngày 18-8-1966 Hội nghị Trung ương 11 khóa VIII Đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua quyết định của Bộ Chính trị về Đại Cách mạng văn hóa vô sản, thường được gọi tắt là “Nghị quyết 16 điều”. Đây là văn kiện chính thức về cách mạng văn hóa. Cách mạng văn hóa bùng nổ từ cuối tháng 5-1966 ở Trường Đại học Bắc Kinh và lan rộng cả nước từ cuối năm 1966, nhưng thực chất cuộc cách mạng này được chuẩn bị từ trước đó với các sự kiện nổi bật như vu cáo các nhà sử học, tuyên truyền sùng bái Mao Trạch Đông với việc xuất bản hàng chục triệu cuốn sách nhỏ “Mao Chủ tịch ngữ lục”… Đoạn này chúng tôi trích dịch phần đầu của chương 3 “Đại cách mạng văn hóa vô sản”, sách Trung Quốc hiện đại sử, Vương Cối Lâm chủ biên, Cao đẳng giáo dục xuất bản xã xuất bản, bản in lần thứ 5, tháng 7-1992.

  1. Tiểu tam tuyến: Những người không triệt để cách mạng, muốn tìm con đường thứ ba, thực chất cũng là chủ nghĩa xét lại.
  2. Tháng 10-1969 Ngô Hàm bị bức tử.