Nhật Bản đối diện với quá khứ chiến tranh

Ngôi đền Yasukuni là một nơi yên tĩnh giữa kinh đô Tokyo náo nhiệt. Ngôi đền Thần đạo này được xây dựng từ năm 1869 để thờ vong linh những người Nhật được phong thánh vì đã cống hiến cuộc đời cho đất nước. Từ thời duy tân của vua Minh Trị cho đến Thế chiến thứ hai đã có 2,5 triệu vong linh anh hùng được tiếp nhận. Ngôi đền là một nơi “tôn vinh quân đội quốc gia”, trong đó có 13.000 người bỏ mình trong chiến tranh Trung-Nhật lần thứ nhất năm 1895 đưa đến việc sáp nhập Đài Loan vào lãnh thổ Nhật Bản. Còn có 80.000 người ngã xuống trong chiến tranh Nhật-Nga năm 1904-1905 giúp Nhật Bản đô hộ Triều Tiên. Nhưng đông nhất vẫn là 2,3 triệu binh sĩ đã bỏ mình trong cuộc “Chiến tranh 15 năm” (1931-1945), một cuộc chiến đưa đến thất bại lớn nhất với hơn 3 triệu người Nhật thiệt mạng. Nhưng gần đây dư luận nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Hàn Quốc, thường lên tiếng phản đối những vụ nguyên thủ quốc gia Nhật Bản đến viếng thăm ngôi đền Yasukuni, coi đó là một sự kiện ngoại giao thù địch. Vậy đằng sau những lần viếng thăm ngôi đền đó ẩn dấu những chuyện gì. Chúng tôi tập hợp tài liệu trên báo Historia nhằm cung cấp cho bạn đọc một số thông tin về vấn đề trên.

 

Các tội phạm chiến tranh Nhật Bản bị đưa ra trước tòa án Tokyo năm 1946

Các tội phạm chiến tranh Nhật Bản bị đưa ra trước tòa án Tokyo năm 1946

Ngày 15-8-1945 Nhật hoàng Hirohito ban bố lời kêu gọi nhân dân chấm dứt mọi hành động đề kháng. Ngày 2 tháng 9 tướng Mỹ Mac Arthur nhận sự đầu hàng của Nhật. Quân Mỹ đã chiếm đóng Nhật Bản cho đến năm 1952 nhưng vẫn còn giữ lại nhiều căn cứ quân sự. Người Mỹ đã áp đặt cho Nhật một Hiến pháp mới, trong đó điều 9 qui định “nhân dân Nhật Bản từ bỏ vĩnh viễn chiến tranh với tư cách là quyền hợp pháp của quốc gia”. Nói rõ là Nhật không có quyền thành lập quân đội, nhưng liền ngay sau đó, trong bối cảnh của chiến tranh lạnh, nó đã được chuyển thành việc xây dựng lực lượng phòng vệ.

Sau chiến tranh, giống như đối với Đức Quốc xã, Mỹ đã đưa ra tòa và kết án những tội nhân chiến tranh Nhật Bản. Cựu thủ tướng Tojo cùng với 28 bị cáo đã phải ra trước Tòa án quân sự quốc tế Viễn-Đông vì các “tội ác chống hòa bình thế giới” (tội ác loại A). Trong số đó có: Tojo, Doihara (trưởng ban tình báo đội quân Quan Đông ở TQ), Igataki, Hirota, Matsưi (chịu trách nhiệm vụ thảm sát Nam Kinh), Homma (chủ mưu vụ “hành quân đến cái chết” ở Bataan) và Kimưra (gây tội ác ở Miến Điện) đều bị kết án tử hình. Những phiên tòa khác xét xử tội phạm loại B (tội ác chiến tranh) và loại C (tội ác chống nhân loại) được các tòa án Đồng minh tổ chức ngay tại nơi chiếm đóng. Tổng cộng có 5.700 tên bị kết án: 700 bị tử hình và 2.500 bị án tù nặng nề. Đến nay không ai đặt lại vấn đề minh oan cho những tội phạm chiến tranh đó, nhưng người chịu trách nhiệm chính tại vị từ năm 1926 là Nhật hoàng Hirohito, tổng tư lệnh quân đội Nhật Bản, lại không hề hấn gì. Vì các phiên tòa đã tạo ra một thỏa hiệp: người Nhật, kể cả hoàng đế, đều là nạn nhân của bọn quân phiệt cuồng tín, những kẻ chịu trách nhiệm chính trong chiến tranh. Họ cũng là những nạn nhân như những nạn nhân khác ở châu Á.

Tuy nhiên, năm 1978, cốt hôi của 14 tội phạm chiến tranh loại A đã được đưa về đền Yasukuni. Cốt hôi của loại tội phạm hạng B và C đã được đưa về từ năm 1960. Vậy mà từ năm 1975, tất cả những người đứng đầu chính phủ Nhật Bản đều đến tưởng niệm tại đền này, tất cả có đến 14 lần viếng thăm, riêng đối với thủ tướng hiện tại Koizưmi là 5 lần kể từ 2001. Đối với người Trung Quốc, Triều Tiên và nhân dân các nước châu Á khác nạn nhân cuộc đô hộ tàn ác mà quân phiệt Nhật gây nên, thì không thể tôn vinh hương hồn các thủ phạm chiến tranh đó được. Vậy thì người ta chê trách điều gì đối với các nhà lãnh đạo quốc gia Nhật Bản? Có những tội ác nào đến nay người Nhật, hay nói chính xác hơn là một bộ phận người Nhật không chịu thừa nhận? Trong đó nổi lên ba sự kiện như sau.

Vụ thảm sát Nam Kinh

Vụ thảm sát người Trung Quốc ở Nam Kinh

Vụ thảm sát người Trung Quốc ở Nam Kinh

Quân Nhật bắt đầu tấn công Trung Quốc từ năm 1931. Lợi dụng cuộc nội chiến Quốc-Cộng ở Trung Quốc, quân Nhật đã chiếm Mãn Châu, lập nên Mãn Châu Quốc, do đạo quân Quan đông chiếm đóng, biến Mãn Châu thành xưởng vũ khí lớn chuẩn bị cho chiến tranh. Ngày 7-7-1937 sau sự kiện Lư Cầu Kiều (còn gọi là cầu Marco-Polo) cách Bắc Kinh 16km, quân Nhật mở rộng chiếm đóng lên toàn Trung Quốc. Bắc Kinh, Nội Mông và vùng Hoa bắc rơi vào tay Nhật Bản từ tháng 8. Trong cuộc tiến quân này quân Nhật bị thương vong 40.000 người, phía Trung Quốc có 450.000 người thiệt mạng. Tháng 12-1937 quân Nhật đến sát Nam Kinh. Sau 3 ngày nã pháo, ngày 13 tháng 12 quân Nhật tiến vào thành phố, quân Trung Hoa Quốc dân Đảng tháo chạy vứt vũ khí đầy đường.

Trong cuộc chiếm đóng này, quân Nhật đã bao vây và đốt cháy thành phố, tàn sát thường dân không phân biệt một ai. Trong một tháng rưỡi đã có 150.000 đến 300.000 người bị giết trong những hoàn cảnh thảm khốc: phụ nữ bị cưỡng hiếp, trẻ em bị ném từ trên gác xuống, đàn ông bị chém đầu hay chôn sống… Có người còn khẳng định rằng các sĩ quan tổ chức cá cược xem ai chém được nhiều người Trung Hoa nhất trong một buổi sáng. Vụ thảm sát đã được các nhà ngoại giao Đức ghi nhận, khi đó đang cư trú trong khu vực quốc tế. Sau này còn có lời thú nhận của một số tên đao phủ, như một viên trung tá đã thừa nhận có giết 100.000 người. Nhà sử học người Mỹ gốc Hoa Iris Chang đưa ra con số 300.000 nạn nhân gồm dân thường và binh sĩ. Tại tòa án Tokyo, tướng Matsưi bị kết án tử hình vì đã không ngăn chặn cuộc thảm sát đó.

Vụ “phụ nữ mua vui”

Điều gây căng thẳng thứ hai giữa Tokyo với các nước láng giềng châu Á là vụ thân phận những người phụ nữ mà người Nhật gọi là “phụ nữ mua vui”. Từ cuối năm 1930 đến khi thất trận năm 1945, đã có 200.000 phụ nữ Triều Tiên, Trung Hoa, Inđônêxia, Philippin bị đưa vào nhà thổ phục vụ quân đội Nhật tại những vùng đang có chiến sự. Người Việt Nam cũng biết đến những người phụ nữ này khi quân đội Nhật đưa theo những người phụ nữ Cao Ly đến Nha Trang, được tổ chức thành nơi nghỉ ngơi cho quân đội Nhật từ đầu những năm 1940. Đây là vấn đề mà nhiều nạn nhân không muốn nhắc đến, vả lại đến nay bao nhiêu năm đã trôi qua, người ta không muốn khuấy lại cái quá khứ đau buồn đó.

Tuy nhiên việc phát hiện hồ sơ quân sự năm 1992 cho thấy trách nhiệm của giới quân nhân Nhật trong việc “khai thác thân xác phụ nữ” này, đã buộc chính phủ Nhật Bản phải thừa nhận sự việc trên. Một phụ lục năm 1998 của Cao ủy LHQ về Quyền con người đã xác nhận tình trạng nô lệ tình dục đối với những người phụ nữ này, thường bị hãm hiếp trong những trại giam giữ. Từ đấy, những nạn nhân còn sống sót đã đòi chính phủ Nhật bồi thường, nhưng đã bị từ chối, lấy cớ là vấn đề bồi thường chiến tranh đã được giải quyết xong: 800 triệu đôla đã trả cho Hàn Quốc từ năm 1965 “bao gồm mọi khoản”.

Vụ nghiên cứu vi trùng của Đơn vị 731

Đây là điểm thứ ba gây nên nhiều bất bình mà người Nhật khó chấp nhận. Đơn vị này được thành lập năm 1932 do nghị định của nhà vua, do một viên bác sĩ quân y trung tá Shiro Ishii chỉ huy. Mục tiêu của nó là bí mật phát triển vũ khí vi trùng. Đóng gần Cáp Nhĩ Tân ở Mãn Châu, từ năm 1936 đơn vị tiến hành thí nghiệm chiến tranh vi trùng trên cơ thể của 3.000 người (phần lớn là thường dân Trung Hoa) do hiến binh Nhật vây ráp về. Các bệnh chính được nghiên cứu là dịch hạch, thổ tả và sốt định kỳ. Vật thí nghiệm là đàn ông, đàn bà và cả trẻ em.

Trong các phòng thí nghiệm nhà tù người ta còn tiến hành thử nghiệm về tác động của khí lạnh đối với cơ thể con người. Đơn vị 731 còn thử nghiệm một số phát minh của chúng tại vùng Nam Kinh bằng cách gieo dịch bệnh bằng đầu độc nước giếng. Thầy thuốc Nhật Nakagawa Yonezo đã thuật lại thời kỳ thực tập của mình như sau: “Huấn luyện viên bảo chúng tôi phải làm test trên cơ thể con người. Trong một đoạn phim chiếu cho chúng tôi xem, người ta tiêm khí nén vào cánh tay một đối tượng để kiểm tra hiệu quả của máu lưu thông. Một số thí nghiệm không có liên quan gì với việc nghiên cứu vi trùng. Đó chỉ là một sự tò mò nghề nghiệp. Chúng tôi tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu chúng tôi làm thế này hay làm thế nọ? Chẳng qua đó chỉ là trò tiêu khiển”. Nhà sinh học Kurumizawa Masakưni cũng thuật lại: “Chúng tôi đang mổ một người phụ nữ mang thai. Bà ta đã được đánh thuốc mê và bụng được mổ phanh. Đột nhiên bà mở mắt và hét to: Con tôi! Con tôi! Giết tôi đi nhưng hãy cứu con tôi! Bà ta đã chết và tất nhiên cả đứa trẻ cũng chết theo”. Còn thầy thuốc Yoshimura Hisato thì nhớ lại rằng ông ta đã lấy một đứa bé 3 tháng tuổi và cắm một cái kim đo nhiệt độ vào cánh tay: “Sau đó chúng tôi ngâm nó vào nước đá và quan sát sự thay đổi của nhiệt độ cho đến khi nó chết”. Nhân chứng cuối cùng là thầy thuốc Yuasa Ken: “Người ta nói có khoảng 20 triệu người chết ở Trung Quốc, nhưng chỉ có từ 10 đến 20 % là chết vì súng đạn”. Sau chiến tranh, người Mỹ đã miễn tội cho Ishii để đổi lại việc ông ta phải trao cho Mỹ các kết quả nghiên cứu. Nhiều cộng tác viên của ông ta đã tiến thân trong các công ty dược phẩm lớn mà không lo lắng gì. Chỉ có Liên Xô mới kết án vài tên sát nhân của đơn vị 731 trong một phiên tòa mở ở Khabarovsk năm 1949.

Còn đối với việc xét xử tướng Masaharư Homma, tác giả của các vụ thảm sát hàng ngàn tù binh Đồng minh ở Philippin thì người Mỹ thực hiện dễ dàng hơn. Bị dồn vào bán đảo Bataan gần Manila năm 1941, quân Mỹ và Philippin phải đầu hàng quân Nhật tháng 4-1942. Bọn Nhật quyết định chuyển 76.000 tù binh trong đó có 12.000 người Mỹ đến cách đó hơn 100km. Hàng nghìn người đã bỏ xác trong cuộc “hành quân đến cái chết” đó.

_____

Theo tài liệu Trung Quốc thì cuộc chiến tranh Nhật-Trung đã khiến 35 triệu người Trung Hoa chết kể cả thường dân. Nhà sử học Mỹ James C. Hsiung thì đưa ra con số 22 triệu, trong đó có 18 triệu thường dân. “Nhân dân Trung Hoa luôn luôn coi cuộc chiến tranh này là lịch sử đau thương và không thể xóa nhòa”, tờ Nhân dân nhật báo gần đây đã viết như vậy. Chính vì vậy mà hồi tháng 4-2005 đã nổ ra ở Trung Quốc nhiều cuộc biểu tình chống Nhật lớn nhất trong vòng 20 năm qua. Nhiều cuộc biểu tình đã biến thành bạo loạn, dân chúng đốt các xí nghiệp và siêu thị Nhật ở Thành Đô, Bắc Kinh, Quảng Châu và Thẩm Quyến, nhiều người Nhật bị tấn công và bị chửi rủa. Ở Hàn Quốc những cuộc phản đối cũng sôi động không kém.

Điều khiến người Trung Hoa và Hàn Quốc bất bình là tính chất xét lại của một số công trình lịch sử Nhật Bản gần đây. Năm 1997 tất cả các sách giáo khoa trung học đều nói đến hành động nô lệ tình dục. Nhưng đến năm 2005 thì không nhắc đến nữa. Trong công trình do “Hiệp hội cải cách sách giáo khoa lịch sử Nhật Bản” đưa ra có viết rằng: Những tội ác và những vụ sát hại do quân đội Nhật gây nên, như vụ thảm sát Nam Kinh, đã được “đặt thành nghi vấn” và cuộc chinh phục đã được hợp thức hóa. Các tác giả, các giáo sư đại học và chính khách cánh hữu đều nói rằng họ muốn đối trọng lại với cách nhìn “tự hành hạ mình” của lịch sử do người Mỹ áp đặt cho người Nhật. Vào giữa những năm 1990, một tác giả vẽ tranh hoạt hình Yoshinori đã đưa vào tác phẩm của mình những lời tuyên bố quân phiệt và quốc gia chủ nghĩa như: “Chúng ta phải hoan nghênh quân đội Nhật Bản đã dạy cho bọn “da trắng” phân biệt chủng tộc Âu-Mỹ đã đô hộ Đông Á và coi các dân tộc da màu như loài khỉ”. Hoặc viết rằng: “Một trong những tội ác bịa đặt ra trong phiên tòa là vụ thảm sát Nam Kinh. Người ta muốn gán cho Nhật một tội ác nghiêm trọng không kém gì vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki làm 300.000 người chết”.

Vấn đề xét lại lịch sử thực ra chỉ liên quan đến một bộ phận chính khách hay một số nhà tư tưởng Nhật Bản ít ỏi. Thực chất của vấn đề đang hằn sâu trong trí óc nhân dân Nhật là những ký ức thời chiến tranh của xã hội Nhật Bản ngày nay đối với thế kỷ 20. Nó không khác gì ký ức của nước Pháp đối với Angiêri hay như mới đây là vấn đề đòi xét lại giá trị của chế độ thuộc địa Pháp đã từng gây tranh cãi tại Nghị viện. Hình như sau chiến tranh, người Nhật không bao giờ muốn đặt lại câu hỏi lịch sử về sự có mặt của họ ở Đông Á và đặc biệt là ở Triều Tiên. Và trong trường hợp này, vai trò của Mỹ đối với Nhật là rất quan trọng.

Đào Hùng lược thuật