Hai tấm bia tại nhà thờ họ Đào làng Khúc Thuỷ quê gốc của nhà sử học Đào Duy Anh

Nhà văn hoá lớn, nhà sử học nổi tiếng Đào Duy Anh (1904-1988), quê gốc tại làng Khúc Thuỷ, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây. Làng Khúc Thuỷ, hiện có 2 họ Đào cùng cư trú hàng mấy trăm năm ở đây, đó là: Đào giáp Bắc (còn gọi là Đào Thắm) và Đào giáp Nam (còn gọi là Đào Phai). Đào Duy Anh thuộc họ Đào giáp Bắc. Thuỷ tổ của dòng họ Đào giáp Bắc này, được Gia phả họ Đào ghi nhận là cụ Cần Tu tiên sinh đã về sinh sống tại làng Khúc Thuỷ vào khoảng đời Trần – Hồ (cuối thế kỷ XIV – đầu thế kỷ XV).

Ngôi nhà thờ họ Đào giáp Bắc toạ lạc tại xứ Hoa Viên của làng Khúc Thuỷ. Nhà thờ còn lưu giữ được một số câu đối, hoành phi, chạm trổ, sơn son thếp vàng khá đẹp. Đặc biệt, có hai tấm bia đá: Đào tộc từ đường ký dựng năm 1897, ghi chép về việc tạo dựng nhà thờ và Đào tộc thế tự đàn bi ký, dựng năm 1938, ghi chép các đời tổ họ Đào.

Trong đợt đi điền dã nghiên cứu làng Khúc Thuỷ, chúng tôi may mắn được đọc hai tấm bia đá nói trên. Nhận thấy đây là một hiện vật quý, một nguồn tư liệu giá trị, góp phần tìm hiểu về tiên tổ, dòng họ của nhà sử học Đào Duy Anh, chúng tôi xin phiên âm, dịch nghĩa để bạn đọc tham khảo:

Nhà thờ họ Đào Giáp Bắc ở Khúc Thủy. Ảnh: H.M.

Nhà thờ họ Đào Giáp Bắc ở Khúc Thủy. Ảnh: H.M.

Bia Đào tộc từ đường ký (Bài ký từ đường họ Đào), làm bằng đá xanh, hai bên không có hoa văn trang trí, trán bia không có chữ. Bia cao: 92cm (cả trán bia), lòng bia cao: 62cm, trán bia: 27cm, rộng: 45cm. Chữ khắc theo lối chân phương, khá to, dễ đọc.

Phiên âm:

Đào tộc từ đường ký

Ngã Đào phả ký, thế đại chi thừa truyền khoa đồ chi tả, diệc phỉ bất kỳ tải từ đường đồ ký, vô chi ích tòng lai thịnh. Duy mạnh xuân nhất tiết vu Hoa Viên cựu chỉ thiết đàn dĩ tế. Dư tự lạp các tiết, quyền tế vu trưởng chi gia.

Ngã tiền nhân luỹ mưu kiến từ nhi lai, quả tuế Thành Thái, Đinh Dậu xuân, tộc nội hiệp hưng tộc hồ !

Thất phẩm Thiên hộ Viên Đằng (1) nghĩ định y cựu chỉ cấu tạo sổ gian, tuế thời tương hưởng, tỵ hữu thường sở tộc nhân giai thoả hiệp, viên triệu công mưu yên, tứ vi chuyên thế, trung dụng thiết mộc, thượng ích dĩ cửu, trị phí tam bách tứ thập nguyên linh. Tộc nhân phụng cúng đắc nhất bách nguyên dư, Thiên hộ Viên lĩnh xuất gia tư dĩ y Dậu niên, Dậu nguyệt, Dậu nhật khởi công.

Duyệt nguyệt nhi từ thành, tịnh trùng tu tiên công kỳ biển dữ chư tế khí, nhất nhất cụ tân.

Khánh thành chi nhật, chư nội ngoại tộc tại giang tả giả, giai lai chiêm bái, tái nghị định tuế dĩ Đông, Xuân nhị lễ, chước lễ hành chi lệnh, nhi hậu hưởng. Thần hữu sở, tự sự khổng minh, giai ngã tiên công yến dực chi di dã. Cố đăng vu thạch tỵ ngã hậu tri ngã tộc từ đường chi thủy.

Hoàng triều Thành Thái vạn vạn chi cửu niên, cửu nguyệt, nhị thập lục nhật lập.

Đồng tộc chí.

Dịch nghĩa:

Bài ký từ đường họ Đào

Phả ký họ Đào ta ghi chép đường khoa cử thừa truyền các đời, mà sơ đồ nhà từ đường lại bỏ không thấy chép, vì vậy cho nên không cho thấy được cái thịnh đạt tiếp theo. Chỉ có đến tiết Mạnh Xuân (tháng Giêng) thì ở vị trí cũ của Hoa Viên đặt đàn để tế. Ngoài ra, vào dịp tế Lạp (tháng Chạp), các tiết thì các nhà Trưởng chi thay nhau mà tế tạm.

Người trước của họ ta đã nhiều lần suy nghĩ đến việc dựng nhà thờ, đến nay kết quả vào năm này, tức là năm Thành Thái (1889-1907), Đinh Dậu (1897), mùa Xuân, thì trong nội tộc hợp sức dựng nhà thờ, như thế đã đến lúc họ ta hưng thịnh vậy chăng?

Ông Thất phẩm Thiên hộ Viên Đằng bắt chước theo vị trí cũ, dựng lên mấy gian nhà thờ, hằng năm thì tế. Điều đó khiến cho người trong họ thoả thuận với nhau mà triệu tập thợ để bàn, bốn phía có thềm bằng gạch, ở trong thì sử dụng gỗ lim, đưa lên có chín cái xà, chi phí là ba trăm bốn mươi (340) đồng lẻ. Người trong họ cúng được hơn một trăm đồng, ông Thiên hộ Viên lĩnh xuất gia tư, để đúng ngày Dậu, tháng Dậu, năm Dậu khởi công.

Qua một tháng thì nhà thờ làm xong, lại trùng tu cờ biển và các đồ tế khí của tiên công mọi thứ đều mới.

Nhà thờ họ Đào Giáp Bắc

Nhà thờ họ Đào Giáp Bắc

Ngày khánh thành, các người nội ngoại bên tả sông [Nhuệ] đều đến chiêm bái, rồi lại bàn định là hằng năm cứ đến mùa Đông, mùa Xuân thì sắm hai lễ, đặt ra cái lệ rót rượu trước rồi hưởng sau. Tại nơi thờ thần, việc thờ phụng là việc to lớn và minh bạch, đó đều là sự may mắn tốt đẹp của cánh chim én của tiên công ta (ý muốn nói những người giúp đỡ, phù trợ – TG).

Bởi vậy, ta khắc vào đá này, để cho đời sau biết sự bắt đầu của từ đường họ ta.

Lập bia ngày 26 tháng 9 năm thứ 9, đời vua Thành Thái (1897) triều Nguyễn.

Bia Đào tộc thế tự đàn bi ký (Bia Tế đàn các đời tổ họ Đào), bia đá xanh, không trang trí hoa văn, không có trán bia. Bia rộng 40cm, cao 75cm, được gắn vào bờ tường hậu (trên ban thờ) của nhà hậu cung. Chữ Hán khắc trên bia theo lối chữ chân phương, dễ đọc. Toàn bộ bia (trừ hàng tên của bia) có tất cả 21 hàng chữ (tính theo lối viết chữ Hán, tức theo chiều dọc của bia).

Để dễ theo dõi, trong phần dịch nghĩa dưới đây, tôi cứ theo đúng số hàng, số chữ trong mỗi hàng của bia mà dịch. Như vậy, nếu cần đối chiếu bản dịch với nguyên bản trên bia sẽ thuận tiện hơn. Phần dịch theo thứ tự: từ hàng 1 đến hàng thứ 21. Có điều cần lưu ý là:

– Từ hàng thứ 2: Chép về vị Thủy tổ Cần Tu đến hàng thứ 8 chép về vị tổ thứ 7 là Nhân Chính thì mỗi hàng chỉ chép về một người cùng với phu nhân.

– Còn từ hàng thứ 9 trở đi đến hàng thứ 14 thì trên mỗi hàng lại chép về hai vị tổ (thí dụ : hàng thứ 9 chép về vị tổ thứ 8 là Trung Hiền và vị tổ thứ 9 là Phúc Tăng… Hàng thứ 14 chép về vị tổ thứ 18 là Phúc Chí và vị tổ thứ 19 là Phúc Từ).

Phiên âm:

Đào tộc thế tự đàn bi ký

Hàng 1:  Đào thị chi tiên, uyên hồ ! trục hỹ, việt tự:

Hàng 2: – Thủy tổ Cần Tu tiên sinh.

+ Tỷ, hiệu Hằng Trinh, ấp vu Khúc Thủy thực thủy ngã tộc.

Hàng 3: – Đệ nhị: truyền tiên tổ Đào Phúc công, hiệu: Trực Ngu tiên sinh.

+ Tỷ, hiệu Nhu Hòa.

Hàng 4: – Đệ tam: truyền tiên tổ: khâm tứ Chánh thị Đại phu Anh Nghị Tướng quân khinh xa Đô úy Đồng quản lĩnh, Uy Dũng hầu, Đào tướng công, thụy Trung Liệt tiên sinh.

+ Tỷ, hiệu Nhu Thuận Trinh nhân.

Hàng 5: – Đệ tứ: truyền tiên tổ Sĩ vọng khoa Tiến sĩ, Triều liệt Đại phu Thuận Hóa đẳng xứ, Tán trị Tuyên Hiến sứ ty, Tham chính kiêm Tri Quốc tử giám, thụy Văn Chính tiên sinh.

+ Tỷ, Nguyễn thị, hiệu Từ Huệ linh nhân.

Hàng 6: – Đệ ngũ: truyền tiên tổ Nhâm Thìn khoa, Đồng Tiến sĩ xuất thân, Gia Hạnh đại phu. Binh bộ Tả thị lang, Hưng Hóa xứ Thừa Tuyên sứ ty, Tham chính, Vĩnh Giang hầu, thụy Hoằng Đạo, hiệu Đống Xuyên tiên sinh.

+ Tỷ, Nguyễn thị, hiệu Từ Ân trinh nhân.

Hàng 7: – Đệ lục: truyền tiên tổ Giáp Thìn khoa Tiến sĩ xuất thân, Gia Hạnh đại phu, Binh bộ Tả thị lang, hành Tuyên Hiến sứ ty, Tham chính, hữu công, tứ Quốc tính, Lê Công Thích, Thanh Giang hầu, thụy Chính Đạo tiên sinh.

+ Tỷ, hiệu Từ Nguyên trinh nhân.

Hàng 8: – Đệ thất: truyền tiên tổ An Vệ sở Đề lĩnh, hiệu Nhân Chính tiên sinh.

+ Tỷ, Đặng thị, hiệu Từ Mỹ.

Hàng 9: – Đệ bát: truyền tiên tổ, hiệu Trung Hiền tiên sinh.

+ Tỷ: hiệu Từ Hòa.

– Đệ cửu: truyền tiên tổ Chiêu Văn quán Nho sinh, hiệu Phúc Tăng tiên sinh.

+ Tỷ, hiệu Từ Duyên.

Hàng 10: – Đệ thập: truyền tiên tổ Quốc tử giám sinh, hiệu Phúc Thiện tiên sinh.

+ Tỷ, Hoàng thị, hiệu Từ Quý.

– Đệ thập nhất: truyền tiên tổ phủ Tường sinh, hiệu Phúc Toàn tiên sinh.

+ Tỷ, Trịnh thị, hiệu Từ Lý.

Hàng 11: – Đệ thập nhị: truyền tiên tổ, phủ Tường sinh, hiệu Phúc Long tiên sinh.

+ Tỷ, hiệu Từ Quang.

– Đệ thập tam: truyền tiên tổ, hiệu Chính Trực tiên sinh.

+ Tỷ, hiệu Từ Thuận.

Hàng 12– Đệ thập tứ: truyền tiên tổ, hiệu Phúc Xuân tiên sinh.

+ Tỷ, Vũ thị, hiệu Thục Hạnh.

– Đệ thập ngũ: truyền tiên tổ, hiệu Phúc Đức tiên sinh.

+ Tỷ, Trịnh thị, hiệu Từ Đạo.

Hàng 13: – Đệ thập lục: truyền tiên tổ, hiệu Phúc Nhân tiên sinh.

+ Tỷ, Vũ thị, hiệu Từ Minh.

– Đệ thập thất: truyền tiên tổ, hiệu Thuần Trung tiên sinh.

+ Tỷ, Vũ thị, hiệu Từ Nhu.

Hàng 14: – Đệ thập bát: truyền tiên tổ, hiệu Phúc Chí tiên sinh.

+ Tỷ, Lê thị, hiệu Từ Tường.

– Đệ thập cửu: truyền tiên tổ, hiệu Phúc Từ tiên sinh.

+ Tỷ, Đặng thị, hiệu Thục Huệ.

Hàng 15: Lưu truyền hậu đại, thế thứ lư liệt, chi phái tường kê, miễn hoài tích lũy chi sơ cơ, báo bản cập thủy, nhân đạo sở dĩ vi đại. Viên kiến đàn vi ấp chi Hoa Viên xứ, tuế dĩ xuân thu nhị mạnh tụy, thiên…

Hàng 16: số, đại chi chiêu minh, huân hao nhi yên tự chi, kỳ hiệu vi đàn, kỳ tế vi thời, hưởng kỳ lễ ý tắc phỏng hồ ! Hợp nhi tham chước yên… Phụng…

Hàng 17: Thủy tổ Cần Tu tiên sinh chính vị, tự đệ nhị truyền chí thập cửu truyền tiên tổ thứ tự chiêu mục tồn, trứ bất vong đối việt như tại, sở dĩ minh tụy, giá chi nghĩa dã. Thế thế vạn tử tôn khảo đạo dĩ vô thất cơ…

Hàng 18: … hữu nghị tắc tế điền, tường khắc bi, âm dụng truyền vĩnh cửu.

Hàng 19: Lê triều Nhất phẩm cung phi hiển tổ cô, Đào quý thị hiệu Từ Thiện, thụy Thục Cẩn đoan nhân.

Hàng 20: Hoàng triều Bảo Đại vạn vạn niên chi thập tam tuế tại Mậu Dần, tam nguyệt, nhị thập bát nhật.

Hàng 21: Bản tộc đồng cung ký.

Dịch nghĩa:

Bia tế đàn các đời tổ của họ Đào

Hàng 1: Thời xưa của họ Đào, sâu kín vì có nhiều mối:

Hàng 2: – Thủy tổ [của dòng họ Đào] là cụ ông Cần Tu tiên sinh.

+ Cụ bà (Tổ tỷ (2)), hiệu là Hằng Trinh, ở xã Khúc Thủy. [Các vị] đích thực là tổ mở đầu dòng họ Đào chúng ta.

Hàng 3: – Đời thứ 2: truyền đến cụ ông Đào Phúc công, hiệu là Trực Ngu (3) tiên sinh.

+ Cụ bà hiệu là Nhu Hòa.

Hàng 4: – Đời thứ 3: truyền đến cụ ông được vua ban tứ cho là Chánh thị Đại phu, Anh Nghị Tướng quân, Khinh xa Đô úy, Đồng quản lĩnh, tước Uy Dũng hầu (4), Đào tướng công, thụy (5) là Trung Liệt tiên sinh.

+ Cụ bà hiệu là Nhu Thuận Trinh nhân.

Hàng 5: – Đời thứ 4: truyền đến cụ ông đỗ Tiến sĩ khoa Sĩ vọng (6). Tổ giữ chức Triều liệt Đại phu, Tham chính Tán trị Tuyên Hiến sứ ty xứ Thuận Hóa, kiêm Tri Quốc tử giám, thụy là Văn Chính tiên sinh.

+ Cụ bà họ Nguyễn, hiệu Từ Huệ linh nhân.

Hàng 6: – Đời thứ 5: truyền đến cụ ông đỗ Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Thìn (1472), Gia Hạnh đại phu, Tả thị lang bộ Binh, Tham chính ở Thừa Tuyên sứ ty xứ Hưng Hóa, tước Vĩnh Giang hầu, thụy là Hoằng Đạo, hiệu là Đống Xuyên tiên sinh (7).

+ Cụ bà họ Nguyễn, hiệu là Từ Ân trinh nhân.

Hàng 7: – Đời thứ 6: truyền đến cụ ông đỗ Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Giáp Thìn (1484), Gia Hạnh đại phu, Tả thị lang bộ Binh, Tham chính ở Tuyên Hiến sứ ty. Vì có công nên được vua ban cho Quốc tính (họ nhà vua), nên gọi là Lê Công Thích, tước Thanh Giang hầu, thụy là Chính Đạo tiên sinh (8).

+ Cụ bà hiệu là Từ Nguyên trinh nhân.

Hàng 8: – Đời thứ 7: truyền đến cụ ông giữ chức Đề lĩnh sở An Vệ, hiệu là Nhân Chính tiên sinh.

+ Cụ bà họ Nguyễn, hiệu là Từ Mỹ.

Hàng 9: – Đời thứ 8: truyền đến cụ ông hiệu là Trung Hiền tiên sinh.

+ Cụ bà hiệu là Từ Hòa.

– Đời thứ 9: truyền đến cụ ông là Nho sinh ở Chiêu Văn quán, hiệu là Phúc Tăng tiên sinh.

+ Cụ bà hiệu là Từ Duyên.

Hàng 10: – Đời thứ 10: truyền đến cụ ông là giám sinh ở Quốc tử giám, hiệu là Phúc Thiện tiên sinh.

+ Cụ bà họ Nguyễn, hiệu là Từ Quý.

– Đời thứ 11: truyền đến cụ ông Tường sinh (9) ở Phủ, hiệu là Phúc Toàn tiên sinh.

+ Cụ bà họ Trịnh, hiệu là Từ Lý.

Hàng 11: – Đời thứ 12: truyền đến cụ ông, Tường sinh ở Phủ, hiệu là Phúc Long tiên sinh.

+ Cụ bà hiệu là Từ Quang.

– Đời thứ 13: truyền đến cụ ông hiệu là Chính Trực tiên sinh.

+ Cụ bà hiệu là Từ Thuận.

Hàng 12: – Đời thứ 14: truyền đến cụ ông hiệu là Phúc Xuân tiên sinh.

+ Cụ bà họ Vũ, hiệu là Thục Hạnh.

– Đời thứ 15: truyền đến cụ ông hiệu Phúc Đức tiên sinh.

+ Cụ bà họ Trịnh, hiệu là Từ Đạo.

Hàng 13: – Đời thứ 16: truyền đến cụ ông hiệu là Phúc Nhân tiên sinh.

+ Cụ bà họ Vũ, hiệu là Từ Minh.

– Đời thứ 17: truyền đến cụ ông hiệu là Thuần Trung tiên sinh.

+ Cụ bà họ Vũ, hiệu là Từ Nhu.

Hàng 14: – Đời thứ 18: truyền đến cụ ông hiệu là Phúc Chí tiên sinh.

+ Cụ bà họ Lê, hiệu là Từ Tường.

– Đời thứ 19: truyền đến cụ ông hiệu là Phúc Từ tiên sinh.

+ Cụ bà họ Đặng, hiệu là Thục Huệ.

Hàng 15: Lưu truyền đến các đời sau, xếp theo các chi phái mà kê ra rõ ràng những điều dắt díu tích luỹ từ xưa. Cái nền được báo ở cái gốc đầu tiên, đó là đạo của con người rất lớn. Bèn xây dựng đàn tế ở xứ Hoa Viên trong ấp, tế vào hai tháng Mạnh (10) của mùa Xuân và mùa Thu (tức tháng Giêng và tháng Bảy – TG). Việc tốt đẹp của nghìn.

Hàng 16: … đời để làm sáng tỏ bằng sự chuẩn bị đồ tế lễ, mà tế Yên (11). Hiệu của tế này gọi là đàn, còn việc tế thì phải theo thời. Ý của việc lễ là để cho các bậc tiên tổ hưởng thì cứ phỏng theo tế Hợp (12) mà châm chước.

Hàng 17: Cụ Thuỷ tổ hiệu Cần Tu tiên sinh ở ngôi chính vị, còn từ vị tổ thứ hai đến vị tổ thứ 19, thì theo thứ tự bên Chiêu, bên Mục (13) xếp đặt rõ ràng, chớ được quên… Còn đối với các bậc chưa rõ ràng thì cứ coi như đang tồn tại ở trước mắt, sở dĩ muốn làm cho việc tế lễ sáng rõ, tốt đẹp, chẳng qua chỉ là mượn nghĩa vậy thôi. Vạn đời con cháu [sau này] phải suy nghĩ về đạo để khỏi mất cơ nghiệp [của cha ông].

Hàng 18: … Có việc bàn về tế điền cho rõ ràng, vì thế khắc vào bia để lưu truyền, sử dụng mãi về sau này.

Hàng 19: Cụ bà là Hiển tổ cô Đào quý thị, hiệu là Từ Thiện, tên thụy là Thục Cẩn Đoan nhân, là Nhất phẩm Cung phi của triều Lê.

Hàng 20: [Bia này khắc vào] ngày 28 tháng 3 năm thứ 13 đời vua Bảo Đại, tức năm Mậu Dần (1938) dưới triều Nguyễn.

Hàng 21: Bản tộc cùng nhau kính cẩn ghi chép.

 

Chú thích:

(1) Trong bia chữ này bị đục, không còn nhìn thấy mặt chữ nữa.

(2) Nguyên văn chỉ có chữ “Tỷ”, nghĩa gốc là “mẹ đã chết”. ở đây, viết tắt của chữ “Tổ tỷ” tức cụ tổ bà đã mất – (Tổ khảo: là cụ tổ ông đã mất). Tỷ  không nên dịch là “vợ”, như vậy sẽ thiếu trang nhã.

(3) Chữ      Ngu nghĩa là ngu ngốc. ở đây cụ đặt hiệu là Trực Ngu có ý khiêm xưng, nhún nhường.

(4) Chế độ phong kiến Việt Nam và Trung Quốc ban thưởng trước cho người có công lao đặc biệt, các tước (ngũ tước): Công – Hầu – Bá – Tử – Nam. Trước tên tước phong, thường chọn một hoặc hai từ có nghĩa tốt đẹp (mỹ tự) ghép vào như: Uy Dũng, Hạnh Nghĩa, Nhân Chính v.v…

(5) Thụy  là tên được đặt sau khi đã chết, căn cứ vào hành vi, đức độ, công lao lúc sống của người được đặt tên.

(6) Khoa Sĩ vọng: là khoa thi đặc biệt được đặt ra ngoài các khoa thi thường kỳ (chính khoa). Theo Gia phả họ Đào, cụ tổ thứ 4 tên huý là Đào Nam Khang.

(7) Theo Gia phả họ Đào và sách Đăng khoa lục, cụ tổ thứ 5 tên huý là Đào Nam Kiệt.

(8) Theo Gia phả họ Đào và sách Đăng khoa lục, cụ tổ thứ 6 tên huý là Đào Công Thích, con của cụ Đào Nam Kiệt.

(9) Phủ Tường sinh: sách Từ nguyên giải thích “         Tường = Hương học danh; Hạ viết: Hiệu, Ân viết Tự, Chu viết: Tường”. (Nghĩa là: Tường là tên gọi trường học ở địa phương, đời Hạ gọi là Hiệu, đời Ân gọi là Tự, đời Chu gọi là Tường). Như vậy “phủ Tường sinh” nghĩa là Học sinh ở trường học ở Phủ.

(10) Tháng Mạnh: Lịch xưa chia một năm thành bốn mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông. Mỗi mùa gồm có 3 tháng, tháng đầu gọi là tháng Mạnh, tháng thứ hai gọi là tháng Trọng, tháng thứ ba gọi là tháng Quý. Thí dụ:

Mùa xuân:

– Tháng Mạnh Xuân là tháng Giêng.

– Tháng Trọng Xuân là tháng hai.

– Tháng Quý Xuân là tháng ba.

Mùa thu:

– Tháng Mạnh Thu là tháng bảy.

– Tháng Trọng Thu là tháng tám.

– Tháng Quý Thu là tháng chín.

(11) Tế Yên  chữ này cũng đọc là “Nhân” – Cúng tế hết lòng tin thành gọi là Yên.

(12) Tế Hợp: Ông tổ đã mất rồi, đem tế chung ở miếu Thuỷ tổ, gọi là tế Hợp.

(13) Trong nhà thờ, ở giữa là bệ thờ Tổ, ở bên tay trái là bệ thờ  hàng Chiêu, ở bên tay phải là bệ thờ hàng Mục.

 

Nguyễn Minh Tường