Ba tượng cổ Bắc Hà lưu lạc chùa Phước Sơn, Tây Sơn, Bình Định

Chùa Phước Sơn được lập khoảng đầu thế kỷ XVIII, do tộc Võ – một dòng họ có thanh thế ở địa phương tạo dựng, lúc đầu ở Gò Sộp thuộc thôn Phú Mỹ, xã Bình Phú, cấu trúc gỗ lợp tranh, sau chuyển về xây dựng kiên cố tại vị trí hiện nay – Thôn Phú Mỹ, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn.

Phước Sơn tự do ông Võ Văn Thọ, chánh phái Võ tộc đời thứ hai lập. Ông Võ Văn Thọ là ông nội của dũng tướng nhà Tây Sơn: Võ Văn Dũng, từng giữ chức Đại tư khấu rồi Đại tư đồ. Gia phả tổ đường Võ tộc tại thôn Phú Mỹ, xã Tây Phú có chép: “Đời thứ hai – ông cao cao cao cao cao tổ Tiền hiền chùa Phước Sơn, đập Lộc Đỗng, đập Kiền Giang: Võ Văn Thọ…”. Trải qua gần 200 năm họ Võ tạo dựng, tu sửa, quản lý thờ tự, đến năm 1960 ông Võ Thừa khuông và ông Võ Thừa Ân đã thay mặt họ Võ tiến cúng chùa cho Hòa thượng Huệ Chiếu – trụ trì chùa Thập Tháp. Từ đây, Phước Sơn tự trực thuộc giáo hội phật giáo tỉnh Bình Định quản lý, lễ bái.

Thiền sư Không Hoa, hiệu Huệ Chiếu, đời pháp 41 kệ phái tổ định Tuyết Phong, sinh năm Mậu Tuất (1898). Năm 1923, trụ trì chùa thập Thập Tháp. Năm 1955, làm Trị sự trưởng Giáo hội tăng già tỉnh Bình Định. Năm 1960, thiền sư tiếp nhận chùa Phước Sơn do họ Võ tiến cúng. Trụ trì đầu tiên chùa Phước Sơn là sư đệ của Hòa thượng Huệ Chiếu: thiền sư Không Mật, hiệu Huệ Chánh; trụ trì thứ 2 là thiền sư Như Trung, tự Thiện Chí, hiệu Ấn Tông; đương kim trụ trì là thiền sư Nhật Vinh, tự Thanh Hiền, đời pháp 43 kệ phái tổ định Tuyết Phong, đệ tử đại sư Như Trung, kế vị trụ trì sau khi bổn sư qui tịch năm Bính Tí (1996).

Chùa đã trải qua nhiều lần tu tạo, tuy nhiên riêng khu nhà tổ tọa lạc phía sau chánh điện, quy mô kiến trúc khiêm tốn vẫn được duy tu, bảo dưỡng đến ngày nay. Tại đây, hai bên bàn thờ tổ có hai câu liễn đắp trên trụ vôi nhắc đến lai lịch chùa. Đáng tiếc, liễn không ghi lại khoảng:

Tích Võ tộc tiên linh sáng tạo, tằng ưu tư bách tánh quần sanh câu giác ngộ.

Kim từ tông trưởng lão trùng tu, diệc thiết niệm cửu liên tịnh độ cọng gia hương.

Dịch nghĩa: Xưa tiên linh họ Võ xây to, từng nhiều mong trăm họ mọi loài đều bên bờ giác.

Nay trưởng lão họ Từ sửa lớn, cũng luôn nghĩ sen vàng, đất sạch ấy gọi quê nhà.

Trong nhà tổ chùa Phước Sơn cón có hai thần vị cao 60cm, rộng 20cm, một của tộc Võ và một của Võ Văn Dũng:

Phụng vì Võ tộc tiền hậu hiền chư hương linh chi thần vị

Dịch nghĩa: thần vị tiền hiền, hậu hiền, các hương linh họ Võ cung kính.

Phước Sơn tự chủ tự tánh Võ, tự văn dũng, húy Độ, tịnh hữu công đức chư vong linh chi thần vị.

Tân sửu niên thất nguyệt thập tứ nhật cung tạo

Thường niên tam nguyệt nhị thập nhật kỳ siêu

Dịch nghĩa: Thần vị của vong linh chủ chùa Phước Sơn họ Võ, tên tự là văn Dũng, tên húy là Độ, cúng các vong linh có công đức với chùa.

Năm Tân Sửu, tháng 7 ngày 14 kính cẩn tạo vị

Hàng năm cầu siêu vào ngày 20 thang 3.

Theo trụ trì thứ nhất chùa Phước Sơn – Từ Huệ Chánh (sư ông của đương kim trụ trì – Nhật Vinh, tịch năm 1984) năm 1977 cho biết: với sự trợ giúp của Võ Văn Dũng chùa mới được xây cất tử tế tại vị trí hiện nay.

Đáng chú ý chùa Phước Sơn có 3 cổ vật quý bằng chất liệu gỗ đó là tượng phật A Di Đà, tượng Bồ tát Phổ Hiền và tượng Quan Thánh. Đây là những di vật được thỉnh về từ Bắc Hà, sau khi Võ Văn Dũng theo Bắc Bình Vương – Nguyễn Huệ ra Bắc diệt Trịnh năm 1786.

Tượng Phật A Di Đà cao 80cm, đây là hình ảnh đức Phật đang ngồi tọa thiền, ngồi theo kiểu “Paduasana” (thiền định), bàn tay chắp theo thế “Dyana Mudna” (định ấn), các ngón tay của hai bàn tay khép lại, bàn tay phải để trên bàn tay trái, lòng bàn tay hướng lên. Kiểu tóc ảnh hưởng Ấn Độ (kiểu xoắn ốc), trang phục là áo hở ngực, nguyên có hoa văn hoa lá chạm nổi nhưng tượng sơn nhiều lần nên nét hoa văn nổi bị mờ nhạt, hiện nay tượng được sơn một màu nhũ vàng.

Tượng Bồ tát Phổ hiền cao 80cm, tượng bố cục cân đối, nét chạm sắc sảo, mắt khép hờ nhìn xuống và cũng ngồi kiểu thiền định, trang phục áo hở cổ màu xanh dương có hoa văn hoa lá được chạm nổi màu nhũ vàng. Nhìn chung, tư thế ngồi và trang phục hai tượng: Phật A Di Đà và Bồ tát Phổ Hiền có nhiều điểm tương đồng.

Riêng tượng Quan Thánh khá lạ. có lẽ điểm đặc trưng duy nhất để nhận diện là tượng Quan Thánh đó là mặt sơn đỏ. Tượng không giống tượng và tranh Quan Thánh theo truyền thống mà có phong cách phóng túng giống như tượng Quang Trung trong quần tượng (3 tượng) tại chùa Bộc, Hà Nội. Quan Công ở đây tay trái không vuốt râu, tay phải không cầm sách Xuân thu. Đáng chú ý là tư thế ngồi của tượng Quan Thánh chùa Phước Sơn Bình Định và tượng Quang Trung ở chùa Bộc, Hà Nội rất giống nhau, chỉ khác là tượng Quan Thánh chùa Phước Sơn chân không, bỏ ngoài hia (nhưng tư thế chân đặt giống nhau). Những điểm giống tượng Quang Trung ở chùa Bộc: chân trái cũng hơi đưa ra, mũi hia đưa lên cao, chân phải hơi khép vào trong gối, hai tay cùi chỏ tì lên đùi vòng qua trước bụng, tay trái vòng qua nhiều hơn, hai bàn tay khuất trong tay áo rộng, chỉ để lộ mỗi ngón tay cái của tay phải. Chòm râu không rậm và dài như những tượng Quan Thánh khác, đầu đội mũ, mặc dù áo được sơn màu xanh nhưng ta có thể nhận biết đây là kiểu áo long bào qua họa tiết trên áo được chạm nổi. Nhìn chung, tượng Quan Thánh chùa Phước Sơn, Bình Định và tượng Quang Trung, chùa Bộc, Hà Nội có nhiều điểm giống hhau.

Dưới thời Tây Sơn, trong các pho tượng ở chùa, ngoài nhóm tượng phật A Di Đà, Quan Thế Âm, Đại Thế Chí được tạo tác theo một công thức nhất định với lý tưởng Phật giáo, còn lại hầu hết các pho tượng khác được các nghệ nhân vô danh sáng tác với tình cảm tự do, phóng khoáng, cởi mở, sinh động và hiện thực. Người nghệ sĩ vô danh với lý tưởng nghệ thuật, qua ý niệm Phật giáo, nhuần nhuyễn giữa đạo và đời, họ đã tạc ra những pho tượng không thuần túy là tượng Phật, mà là những mẫu người ngoài xã hội dưới thời Tây Sơn như bộ tượng tổ chùa Tây Phương, đặc biệt là tượng “Đức Ông” / Quang Trung chùa Bộc, Hà Nội và tượng Quan Thánh chùa Phước Sơn, Bình Định.

Căn cứ hai đặc điểm: tượng Quan thánh chùa Phước Sơn không giống tranh, tượng Quan Thánh truyền thống, trang phục kiểu long bào và tượng lại rất giống tượng Quang Trung ở chùa Bộc (Hà Nội), một số nhà nghiên cứu cho rằng rất có thể đây cũng là hình tượng vua Quang Trung được thờ dưới dạng Quan Thánh để tránh sự trả thù của triều Nguyễn, và chùa Phước Sơn là nơi tôn vinh vua Quang Trung ở quê hương Bình Định. Tuy nhiên, để đi đến khẳng định, cần phải có thời gian và được nhiều nhà nghiên cứu khảo sát thẩm định.

Hiện nay, tượng Phật A Di Đà đang thờ tại chánh điện chùa Phước Sơn còn hai tượng Bồ tát Phổ Hiền và tượng Quan Thánh cùng thần vị Võ Văn Dũng được bảo tàng Quang Trung đưa về trưng bày tại Bảo tàng Quang Trung (cách chùa Phước Sơn khoảng 5km về phía Bắc).

Nguyễn Thanh Quang

  1. Tượng A Di Đà
  2. Tượng Bồ tát Phổ Hiền
  3. Tượng Quan Thánh chùa Phước Sơn, Tây Sơn, Bình Định
  4. Tượng Quang Trung ở chùa Bộc, Hà Nội.