Raymond Aubrac là một người bạn tin cậy của Hồ Chí Minh, mặc dầu hai người chỉ mới biết nhau nhân chuyến đi thăm nước Pháp cùng với phái đoàn Việt Nam DCCH của Hồ chủ tịch năm 1946. Tuy chỉ mới gặp lần đầu, nhưng Hồ chủ tịch đã nhận lời mời của R. Aubrac về ở tại nhà ông trong thời gian diễn ra cuộc đàm phán Việt-Pháp ở Fontainebleau. Chúng tôi đã giới thiệu về cuộc gặp gỡ đó trên Xưa & Nay số 89 (tháng 4-2001). Tiếp sau đây là phần trích trong hồi ký của tác giả nói về những diễn biến xảy ra sau khi hội nghị Fontainebleau thất bại*. Đầu đề và chú thích là của chúng tôi.
Tôi không tham gia vào cuộc đàm phán ở Fontainebleau mà tôi đã nghe nói đến và theo dõi qua báo chí diễn biến của nó. Khi Jean Sainteny đến Soisy (1), tình bạn cũ đã cho phép chúng tôi trao đổi một vài cảm tưởng. Ông mong muốn biết được thái độ người khách của chúng tôi, mà đối với chúng tôi ông hoàn toàn tỏ ra bình tĩnh. Có hai lần, vào cuối cuộc đàm phán bi đát đó, không những người Việt Nam, mà cả những người Pháp cũng bất bình trước chủ trương phá hoại của đô đốc Thierry d’Argenlieu ở Sài Gòn và Đà Lạt, Sainteny thúc tôi nên thuyết phục Hồ Chí Minh trở về nước sớm để trấn an tình hình. Những ý đồ dè dặt của tôi đã không có hiệu quả.
Khi cuộc đàm phán ở Fontainebleau kết thúc, bác Hồ để cho phái đoàn trở về và kéo dài lưu lại Pháp để thiết lập với Marius Moutet một văn bản mập mờ, gọi là Modus vivendi (tạm ước), đặt ra một vài cái mốc để tiến tới một hiệp nghị tương lai và nhằm cứu vãn hòa bình, điều đó đã khiến cho khi trở về ông Hồ gặp phải khó khăn về phía những người bạn cực đoan của mình. Ngày 19 tháng 9 ông xuống tàu ở Toulon và chúng tôi nhận được một lá thư ngắn thân mật gửi đến khi tàu cặp bến ở Port-Said.
Như vậy là tôi đã sống cùng với con người đó cùng với các bạn của ông trong khi đang diễn ra cách đấy vài cây số, một cuộc gặp gỡ không có bạo lực nhưng không có lối thoát, như là sự mở màn cho thảm họa sẽ đem đến nhiều đau khổ cho cả hai đất nước: sự kết thúc của đế chế Pháp và cuộc chiến tranh đầu tiên ở Việt Nam để giành lại nền độc lập.
Cảm giác của chúng tôi là gì? Chúng tôi có trước mặt một nhóm những người lãnh đạo rất thấm nhuần văn hóa Pháp, nhưng nói lên tiếng nói nhân danh một dân tộc ở tận cùng thế giới mà chúng tôi chỉ hiểu biết mơ hồ qua sách giáo khoa. Người ta có thể, người ta có phải đồng thuận với họ không? Chúng tôi đã một trăm lần đặt câu hỏi đó và luôn luôn trong tâm khảm mình chúng tôi đều có một niềm xác tín như nhau: phải nói có với nền độc lập và thống nhất của đất nước đó, và phải xây dựng với họ một cái gì mới.
Năm mươi năm sau, câu trả lời có vẻ như là tất yếu mà hầu như mọi người đều chia sẻ. Nhưng hồi đó không phải như vậy. Những người cầm quyền hồi đó ở nước chúng tôi đã chiến đấu vì tự do và độc lập cho nước mình. Nhưng để xua tan mối nhục mà nước Pháp phải chịu đựng năm 1940, nhiều người muốn đất nước phải tìm lại sự huy hoàng của thời xưa, bao gồm cả đế chế của nó. Ý chí đó có lẽ đã khiến cho họ mù và điếc trước phong trào của thế giới đang tiến tới độc lập ở những nước đã bị đô hộ về chính trị. Người Anh sáng suốt hơn, và không bị thất bại trong Đại chiến, đã thừa nhận nền độc lập của tiểu lục địa Ấn Độ bằng cách duy trì được ảnh hưởng chính trị và ưu thế về kinh tế ở một mức độ khả quan. Hoa Kỳ, chưa trở thành người đi đầu trong chiến tranh lạnh, cũng ủng hộ phong trào giành độc lập ngay ở Việt Nam, với hy vọng sẽ tìm được lợi ích lâu dài.
Ngoài một số trí thức, những người cộng sản và những người chịu ảnh hưởng của họ, phần lớn những người liên quan đến đường lối chính trị Pháp, trước hết là Charles de Gaulle, đều muốn duy trì trên bản đồ thế giới những dấu vết màu hồng của đế chế Pháp. Về phía mình, chúng tôi tin chắc rằng cái khối liên hiệp Pháp mà Bác Hồ đã nói đến là phù hợp với khả năng và nhu cầu của tình hình sau chiến tranh thế giới. Cuộc cách mạng Trung Hoa đang tiến triển nhanh chóng, chứng tỏ châu Á đang biến đổi. Tại sao nước Pháp lại không thể bắt tay vào hành động đó?
Trong những năm 1943, 1944, 1945, khi chúng tôi tìm cách hình dung một tương lai cho đất nước mình trong thế giới mới sẽ ra đời, điều mà chúng tôi không tính đến, điều sẽ trở thành hiện tượng lịch sử chủ đạo của các thế hệ sau đó, đấy là cuộc đấu tranh cuối cùng sẽ đi đến thắng lợi của tất cả các dân tộc bị đô hộ để giành lại nền độc lập, và đôi khi bằng con đường thương lượng may mắn.
Tầm nhìn hạn hẹp đó, sự thiếu hụt của trí tưởng tượng đó, đối với những ngày cuối đời của mình, đã khiến cho tôi phải nghi ngờ đối với những kẻ muốn dự đoán tương lai để chuẩn bị đón nó. Phải có một tầm nhìn khác, có thể là một ảo vọng, mà các chính khách “thực tiễn” của chúng ta không có, vì đã bị ám ảnh bởi mối tương quan lực lượng lúc đó.
Trước khi trở về nước, Hồ Chí Minh đã để lại ở Paris một phái đoàn với qui chế bán chính thức, gồm ba người: Hoàng Minh Giám, Trần Ngọc Danh và Dương Bạch Mai. Giám đã được nhanh chóng gọi về nước để trở thành bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
Những tháng cuối năm 1946 là giai đoạn xáo động của nền chính trị Pháp. Một bản hiến pháp được biểu quyết cuối tháng 10 kéo theo cuộc bầu cử lập pháp vào ngày 10 tháng 11. Sau đó rất khó thành lập một chính phủ, nhưng Léon Blum đã đạt được khi ngày 17 tháng 12 được sự tín nhiệm của Quốc hội để thành lập một chính phủ gồm những người xã hội đồng nhất… và thiểu số.
Bộ Tái thiết được đặt dưới sự chỉ đạo của bộ trưởng Bộ Công chính Jules Moch. Được sự tín nhiệm của vị bộ trưởng trước Francois Biloux, trách nhiệm của tôi được mở rộng. Tôi không chỉ chịu trách nhiệm về Công việc đối ngoại, mà còn phải lo chuẩn bị cho ngân sách năm 1947, và phải nhanh chóng trình bày cho Quốc hội biểu quyết.
Như vậy là vào đầu giờ chiều chủ nhật 22 tháng 12, tôi đang ngồi trước Jules Moch để trình bày bản ngân sách “của tôi”, trong văn phòng ở đại lộ Saint-Germain. Quan hệ của tôi với ông ấy khá thân thiện, kể từ khi tôi biết ông ở Hội đồng tư vấn lâm thời tại Alger. Vì tôi là một người thân cận ông ủy viên Nội vụ Emmanuel d’Astier, tôi nhận được những bức điện tín gửi đi từ Pháp, hồi đó đấy là một đặc ân hiếm có và đôi khi đau buồn (2). Và như vậy là tôi đã báo cho Jules Moch biết tin một trong những người con trai ông đã bị cảnh sát hay Gestapo sát hại. Quan hệ giữa chúng tôi sau này trở nên khó khăn khi vào năm 1947, lúc nổ ra cuộc đình công, ông đã quyết định giải tán nhiều đơn vị của Lực lượng an ninh Cộng hòa mà tôi đã xây dựng.
Trong khi tôi trình bày với bộ trưởng các đề nghị ngân sách, vừa nói vừa bình luận, thì điện thoại vang lên trên đường dây liên bộ. Léon Blum muốn gặp tôi gấp rút.
Tôi rất ngạc nhiên. Tôi đã gặp Léon Blum một hai lần trong văn phòng của tờ Populaire (Bình dân), và tôi đã từ chối lời đề nghị thân mật của ông mời tôi gia nhập hàng ngũ đảng của ông (3). Ông ta muốn gì ở tôi gấp rút thế, mà lại vào một ngày chủ nhật? Tôi hỏi Jules Moch, thì ông nói có lẽ liên quan đến Việt Nam, mà những tin tức từ mấy ngày nay khá quan ngại.
Léon Blum tiếp tôi một cách thân mật trong phòng khách nhà ông. Ông trao cho tôi nhiều bức điện đến trong 24 giờ cuối cùng. Tôi đọc lướt qua cả tập. Người ta đang đánh nhau ở Hà Nội. Jean Sainteny, ủy viên nước Cộng hòa và là người ký hiệp nghị 6 tháng 3, bị thương nặng. Những bức điện do Cao ủy ở Sài Gòn đánh đi, nói về cuộc đánh úp bất ngờ của Việt Minh, và phản ứng của quân đội Pháp. Tôi hỏi Léon Blum xem ông có thể phân tích trách nhiệm thuộc về ai để đưa đến tình hình nghiêm trọng đó.
Một tháng trước, ở Hải Phòng, một cuộc đụng độ đã xảy ra về việc một chiếc thuyền chở vũ khí. Việt Minh đã lập chiến lũy ngăn thành phố, nhiều trận chiến dữ dội đã nổ ra, và cuối cùng hạm đội Pháp nã pháo lên thành phố của người bản xứ, gây nhiều tàn phá và hàng nghìn dân thường bị hại. Từ nhiều tuần lễ, báo chí Pháp công bố những lời tường thuật khủng khiếp và mâu thuẫn nhau, ít ra là về trách nhiệm của những kẻ gây nên.
Léon Blum trả lời tôi: “Cả hai phía đều tích cực chuẩn bị chiến tranh. Tôi sợ rằng chính quân đội chúng ta đã đổ dầu vào lửa. Nhưng vấn đề bây giờ đã bị vượt qua. Ông biết rõ Hồ Chí Minh. Tôi cũng vậy. Tôi không nghĩ rằng ông ấy muốn chiến tranh, và tôi cũng muốn tránh nó. Ông có lời khuyên gì đối với tôi không?”
Tôi nhanh chóng nhớ lại bác Hồ trong vườn nhà tôi. Tôi nhớ lại những hy vọng của ông về một liên hiệp Pháp. Tôi biết những nỗ lực của ông để duy trì công khai một hình thức đàm phán ở Paris, và những lời phê phán gay gắt của một số bạn ông. Sau giây lát suy nghĩ, tôi đưa ra hai đề nghị:
– Có một việc mà ông phải làm, và một việc mà ông phải tránh. Việc thứ nhất là cử ngay đến với ông Hồ Chí Minh một người mà ông hoàn toàn tin cậy, và phải là một người bạn của ông. Hãy chọn một chiến hữu cũ trong đảng của ông, tôi tin rằng có nhiều người như vậy. Điều phải tránh bằng mọi giá, là để cho đô đốc d’Argenlieu trở lại Sài Gòn. Ai cũng biết ông ta chỉ mơ tưởng chinh phục lại Đông Dương.
– Về điểm thứ nhất, Léon Blum nói với tôi, ông hoàn toàn có lý. Tôi đã yêu cầu ông Marius Moutet sang bên đó.
– Theo tôi đó là một sự lựa chọn tốt.
– Về điểm thứ hai, tôi không thể làm theo lời khuyên của ông. Ngày hôm nay tôi đã nhận được nhiều thư khẩn của ông đô đốc, ông ta muốn trở lại Sài Gòn. Nếu tôi ngăn cản, chính phủ của tôi sẽ bị lật đổ.
– Điều đó sẽ nghiêm trọng, nhưng không nghiêm trọng bằng một cuộc chiến tranh.
– Ông không hiểu đấy thôi. Đây là lần đầu tiên nước Pháp có một chính phủ của đảng Xã hội. Tôi không có quyền làm biến mất niềm hy vọng mà nó đang mang theo. Ngày mai tôi sẽ giải thích trước Quốc hội. Hãy đến nghe tôi nói. Hãy gặp tôi vào đầu buổi chiều.
Ngày hôm sau, thứ hai 23 tháng 12, trước Quốc hội, Léon Blum bước lên diễn đàn, tôi đứng phía dưới nghe diễn văn của ông. Ông tuyên bố đã cử tướng Leclerc đi làm nghiệm vụ thanh tra, mà người ta biết là có những quan điểm khác biệt với đô đốc d’Argenlieu. Đây là vài đoạn trích bài diễn văn mà tôi đã được nghe:
“Chúng ta bị đặt trước tình huống đối diện với bạo lực […]. Một khi vượt qua được cuộc khủng hoảng đó, mục tiêu của chúng ta vẫn luôn luôn như cũ: không thể làm hài lòng những quyền lợi cá nhân. Lại còn phải quay trở về với những nguyên tắc và những cam kết của chúng ta. Đấy là tiếp tục một cách trung thực sự nghiệp đang bỏ dở, nghĩa là tổ chức lại một nước Việt Nam tự do (có tiếng phản đối bên cánh hữu) trong một Liên hiệp Đông Dương tự do hợp tác với Liên hiệp Pháp. Nhưng trước hết cần phải thiết lập trật tự hòa bình làm cơ sở cần thiết cho việc thực thi những điều cam kết.”
Buổi tối, trước khi từ biệt, Léon Blum đã yêu cầu tôi giữ liên hệ với phái đoàn của chính phủ Hà Nội ở Pháp. Ngày 31 tháng 12 tôi viết cho chủ tịch Blum để yêu cầu cho phép ông Trần Ngọc Danh có các phương tiện thực hiện một chuyến đi nhanh chóng khứ hồi về Đông Dương để tìm các giải pháp trấn an tình hình. Tôi không nhận được trả lời.
Ta thấy ở đây thật dễ dàng bước vào một cuộc chiến tranh – và người ta đã biết rõ, người ta đã hiểu đầy đủ diễn biến của sự kiện Đông Dương – nhưng ra khỏi chiến tranh thật khó biết chừng nào.
Cuộc nói chuyện của tôi với Léon Blum là nguồn gốc của nhiều điều ngạc nhiên. Việc cử Marius Moutet đi không đem lại được gì cả. Ngay sau khi đến Việt Nam, ông hoàn toàn bị thao túng bởi tướng Valluy, tay chân của d’Argenlieu, và những nhân viên dân sự và quân sự xung quanh. Cuối cùng, để hoàn thành sứ mạng, ông đã đến Hà Nội ngày 2 tháng 1-1947; ông chỉ ở đó có 30 giờ đồng hồ. Tôi được biết một cách chắc chắn rằng, 42 năm sau, nhân đọc một bản phân tích trong hồ sơ của Pháp, rằng ông không muốn gặp Hồ Chí Minh, vì bị sức ép của đô đốc d’Argenlieu, mặc dầu ông đã được ông Hồ mời (4).
Còn về đô đốc d’Argenlieu, dù tôi hy vọng mà không thể tin được, rằng ông chủ tịch Quốc hội trong buổi chiều ngày 22 tháng 12, có thể ngăn cản được ông trở lại Sài Gòn, thì ông ta đã xuống tàu sáng sớm ngày 23 tháng 12, nghĩa là trong buổi chiều ngày 22 theo giờ Paris.
Tướng Leclerc, trở về sau chuyến thanh tra, được Léon Blum đề nghị làm tổng chỉ huy Đông Dương, để tiếp tục làm cao ủy ở giai đoạn sau. Biết được ý kiến của tướng de Gaulle, người ủng hộ đường lối của đô đốc d’Argenlieu, Leclerc đã từ chối lời đề nghị đó.
Trong những năm 1947-1954, Việt Nam trở thành nơi diễn ra “cuộc chiến tranh bẩn thỉu” mà đáng lẽ có thể tránh được.
Trong những năm đó, tôi không muốn dính líu vào, ngoài việc hòa tiếng nói cùng với những người, ngày càng đông đảo, để lên án sự vô nghĩa của cuộc chiến tranh và đòi hỏi giải quyết bằng thương lượng.
ĐÀO HÙNG trích dịch
Chú thích:
* Raymond Aubrac, Où la mémoire s’attarde (Ở nơi ký ức dừng chân), Nxb Odile Jacob, Paris, 1996, tr. 186-191.
1/ Đấy là nhà của R. Aubrac tại Soisy-sous-Montmorency, vùng ngoại ô phía bắc Paris, nơi Bác Hồ đã đến sống trong thời gian ở Pháp.
2/ Đây là nói đến thời kỳ nước Pháp bị quân Đức chiếm đóng, Chính phủ lâm thời kháng chiến phải đặt tại Angiêri.
3/ Tức Đảng Xã hội Pháp
4/ Philippe Devillers, Paris-Saigon-Hanoi, 1944-1947, Paris, Gallimard, 1988.