Lịch sử sổ gạo

Những thế hệ trẻ hôm nay có thể không còn biết thế nào là chế độ cung cấp, chế độ thu mua nghĩa vụ, thu mua khuyến khích, cũng không thể hình dung được thế nào là sổ gạo, phiếu đường, tem thịt… Đối với họ, mua, bán là chuyện bình thường, là thuận mua, vừa bán và giá cả chẳng có gì khác hơn là giá thị trường. Họ đâu biết rằng đã có một thời cả đất nước gian nan bởi tem, phiếu, bởi giấy giới thiệu, bởi tiêu chuẩn A, B, C, D, E, bởi cơ chế thu mua theo nghĩa vụ, cơ chế hợp đồng hai chiều, cơ chế đối lưu, bán thưởng…

Một trong những hiện tượng tiêu biểu của thời bao cấp trên miền Bắc đất nước ta đó là Sổ gạo.

Đã có một thời mà “sổ gạo” gắn liền với sự sống còn của người dân, như một “vị cứu tinh”, một bùa hộ mệnh.

Theo từ điển Bách khoa toàn thư, Sổ lương thực, hay nôm na là sổ gạo, là một quyển sổ ghi chỉ tiêu lương thực của một hộ gia đình được mua hàng tháng, trong thời bao cấp. Hàng tháng, người dân thành phố được mua một số lượng gạo và chất độn nhất định tùy theo tiêu chuẩn được ghi trong sổ. Sổ này do Sở Lương thực cấp căn cứ vào tên, tuổi, nghề nghiệp đăng ký trong sổ hộ khẩu chính thức. Để nhận lương thực, người dân mang sổ lương thực và xếp hàng tại cửa hàng lương thực. (Theo trang web: http://wikipedia.org, cập nhật ngày 10-4-2006).

Mỗi gia đình được cấp một sổ gạo, lấy sổ hộ khẩu làm gốc để xét duyệt.

Nguyên nhân sâu xa của việc hình thành chế độ cấp sổ gạo ở Việt Nam là cung luôn luôn thấp hơn cầu. Tình trạng này xuất hiện ở Miền Bắc từ cuối thập kỷ 50 và kéo dài trong cả nước sau 1975 cho tới khi đổi mới kinh tế.

Những dòng người kiên nhẫn chờ đợi, pha chút mệt mỏi để được mua bất cứ một cái gì… Ảnh: Trịnh Tiến

Những dòng người kiên nhẫn chờ đợi, pha chút mệt mỏi để được mua bất cứ một cái gì… Ảnh: Trịnh Tiến

Sau hiệp định Genève 1954, hai miền bị chia cắt, miền Bắc mất đi một nguồn cung cấp gạo thường xuyên của miền Nam qua cảng Hải Phòng.

Sau chiến tranh, kinh tế miền Bắc chưa phục hồi, lương thực bắt đầu thiếu. Nạn đói đe doạ một số nơi, các thành phố thiếu gạo vì nguồn cung cấp từ miền Nam không còn.

Từ năm 1955, Nhà nước tạm thời bán gạo định lượng cho các hộ gia đình ở thành phố. Mỗi thành phố áp dụng một tiêu chuẩn khác nhau.

Bắt đầu từ ngày 1–3–1957, Nhà nước mới thực hiện chế độ cung cấp gạo ăn hàng tháng cho tất cả bộ đội, CBCNV, học sinh các trường chuyên nghiệp, học sinh trường phổ thông hưởng học bổng toàn phần, bệnh nhân tại các bệnh viện, trạm điều dưỡng… Giá thống nhất và ổn định là 0,4 đ/kg.

Đến năm 1959, Nhà nước đã mở rộng chế độ cung cấp định lượng về gạo cho công nhân, viên chức tại các cơ sở công tư hợp doanh, xã viên hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, nhân dân thành thị và những đối tượng làm nghề phi nông nghiệp ( thợ thủ công, người làm muối, ngư dân, làm nghề rừng…).

Tuy nhiên, đến năm này thì nông nghiệp đã phục hồi, giá gạo trên thị trường còn thấp, có khi thấp hơn giá của mậu dịch quốc doanh, nên sổ gạo  chưa có mấy ý nghĩa.

Sang năm 1960, việc hợp tác hóa nông nghiệp đã hoàn thành, nhưng kinh tế tập thể không có hiệu quả, sản lượng lương thực bắt đầu giảm sút, chính nông dân cũng không có đủ gạo ăn. Nhà nước thu mua rất khó khăn. Do khan hiếm lương thực, giá cả thị trường tự do tăng lên nhanh chóng. Từ đây thì tem phiếu và sổ gạo thực sự có ý nghĩa và trở thành chuyện sinh tử của mọi gia đình. Người ta đua nhau đi xin tiêu chuẩn gạo để được đảm bảo lương thực ăn hàng ngày. Từ đó sổ gạo và tem phiếu trở thành một thứ tiền tệ (Giá thị trường – Giá cung cấp = Giá trị tem phiếu).

Giá thị trường ngày càng vượt xa giá cung cấp: mức chênh lệch năm 1960: khoảng 1,5 lần, năm 1964: 2-3 lần, năm 1970: 5-6 lần, năm 1975: gấp gần 10 lần.

Xếp hàng mua thịt ở Đồng Xuân

Xếp hàng mua thịt ở Đồng Xuân

Từ năm 1963 thì chế độ sổ gạo đã được áp dụng ổn định đối với toàn bộ những người lao động phi nông nghiệp. “Tem lương thực đã trở thành món hàng hóa mua bán với giá rất đắt trong nhân dân, sinh ra lạm dụng và đầu cơ tích trữ tem lương thực”, “Sổ, tem và giấy giới thiệu chuyển lương thực được áp dụng chung trên toàn miền Bắc nước ta, và theo một mẫu thống nhất. Về thời gian thi hành, sẽ do Tổng cục lương thực quy định sau.” (1). Nhà nước đã lập một cơ quan chuyên trách cả việc thu mua lẫn phân phối, đó là Tổng cục Lương thực, trực thuộc Hội đồng Chính phủ.

Định lượng cung cấp như sau:

+ Công nhân viên chức, hành chính sự nghiệp: 13,5 kg/người, tháng.

+ Công nhân sản xuất trực tiếp: 15kg/người, tháng.

+ Người ăn theo, tùy độ tuổi : 4-15kg/người, tháng.

+ Nhân dân thành thị (trên 18 tuổi) : 13,5 kg/người, tháng.

Dần dần, do tình hình lương thực ngày càng khó khăn nên trong định lượng có độn thêm: bột mì, mì sợi, bánh mì, ngô, khoai, sắn…

Năm 1967 chiến tranh phá hoại của Mỹ tàn phá nặng nề, viện trợ của các nước anh em cũng không đủ cho nhân dân ăn nên tình hình lương thực trong nước lại càng thêm khó khăn, vì thế trong năm này, bột mì chiếm tỉ lệ tới 30% định lượng hàng tháng (trừ trẻ em dưới 3 tuổi thì được mua 100% gạo)…

Sau khi thống nhất đất nước vào năm 1975, nhiều người tin tưởng rằng vựa lúa Miền Nam sẽ cứu được Miền Bắc khỏi cảnh sổ gạo. Nhưng ngược lại, khó khăn lại chồng chất khó khăn. Nước ta lại rơi vào khủng hoảng, bóng quân thù lại xuất hiện, toàn bộ biên giới Tây Nam bị quân Pol Pot đánh phá. Lính Khơ me đỏ đã tấn công vào hầu khắp các xã biên giới. Cuối năm 1978 Việt Nam đưa quân sang để dẹp tan ách thống trị của chính quyền sát nhân Pol Pot. Việc duy trì một quân số rất lớn ở trong nước và ở cả Cămpuchia là một gánh quá nặng đè lên một ngân sách quá yếu. Rồi đầu năm 1979 thì chiến tranh lại nổ ra trên biên giới phía Bắc và gây những tổn thất nặng nề. Cũng vào cuối năm 1978 và liên tiếp cả năm 1979, có hai trận lũ lớn ở đồng bằng Nam Bộ cuốn mất lương thực, tài sản, nhà cửa. Hàng trăm ngàn dân rơi vào cảnh màn trời chiếu đất. Phần lớn diện tích canh tác bị ngập úng 5 – 6 tháng. Kinh tế, đời sống nhiều địa phương bị đảo lộn. Rồi việc hợp tác hóa ở Miền Nam làm cho sản lượng nông nghiệp càng giảm sút. Số lượng nông sản mà nhà nước thu mua được của nông dân càng giảm sút mạnh hơn. Năm 1976, sản lượng lúa cả năm là 11.827,2 nghìn tấn. Kế hoạch 5 năm dự định là đến năm 1980 sẽ nâng lên gần gấp đôi, tức là 21 triệu tấn, thì trong thực tế, đến năm 1980 chỉ đạt 11.647,4 nghìn tấn, tức là còn chưa bằng điểm xuất phát năm 1976 (2), trong khi đó dân số vẫn tăng lên. Các thành phố phải ăn độn. Cả thành phố Hồ Chí Minh cũng phải ăn độn hạt bobo, là điều chưa từng có trong lịch sử.

Về mặt lý thuyết, một khi cung < cầu thì có hai cách giải quyết để cân bằng: Một là tăng cung lên để đáp ứng cầu, hai là khống chế cầu… Việt Nam thời kì đó đã chọn cách thứ hai: khống chế cầu bằng tem phiếu!

Khống chế cầu bằng cách đó thì chế độ tem phiếu lại đồng thời có hệ quả kích thích cầu tăng lên. Sự tăng này vừa có nhiều phần giả tạo, vừa có xu hướng vô tận. Chế độ tem phiếu chính là giải pháp phổ biến của mọi nền kinh tế thiếu hụt. Tem phiếu giữ vai trò trung gian, nửa tiền, nửa hàng. Nó không phải là tiền nhưng lại là tiền. Nó không phải là hàng hóa, nhưng nó là một loại vé để lĩnh hàng. Nó được lưu thông song hành với tiền và hàng. Chế độ tem phiếu có rất nhiều chủng loại, mà sổ gạo là quan trọng nhất, không những chỉ bởi vì nó là một loại lương thực chủ yếu, mà còn vì nó phản ánh đầy đủ nhất bản chất của chế độ bao cấp một thời.

Sau Đại hội Đảng lần thứ VI, năm 1986, nhờ có đổi mới mà nước ta đã vượt ra được khủng hoảng kinh tế, đời sống nhân dân được cải thiện một bước. Trong đổi mới, ta đã “chọn” cách thứ nhất để cân bằng cung cầu: Tăng cung –  và thực tế đã chứng minh: cách làm này đúng!. Nhờ chế độ khoán trong nông nghiệp, sản lượng lương thực tăng nhanh. Lại do có bãi bỏ nạn ngăn sông cấm chợ, nên lương thực tự do lưu thông. Từ đó, người dân đã được ăn no, đã không phải lo chạy vạy đi xin phiếu gạo từng bữa, không phải lo xếp hàng để lĩnh gạo…

Kết quả của sự lựa chọn đó thể hiện qua những con số thống kê về sản lượng lương thực quy thóc bình quân đầu người tăng dần qua các năm như sau (xem bảng):

Từ tháng 5 – 1989, giá gạo thị trường xuống còn thấp hơn cả giá nhà nước. Kể từ đó, sổ gạo biến mất. Hình như không có lệnh nào huỷ nó. Mà chỉ là do người dân không ai cần đến nó nữa.

 

CHÚ THÍCH

1/ Chỉ thị số 03 – TTg ngày 14/1/1963 do Phó thủ tướng Phạm Hùng ký về chế độ tem phiếu và lương thực. Công báo 1963, số 2, ngày 6-2-1963, tr. 13.

2/ Niên giám thống kê 1986, tr.44.

3/ 45 năm kinh tế Việt Nam. NXB KHXH, Hà Nội, 1990, tr.280-281. NGTK 1985

4/ Số liệu thống kê nông nghiệp 35 năm, NXB Thống kê, tr.125 – 130.

 

Đặng Phong