Bài viết này một phần dựa vào tài liệu của nhóm “Tìm hiểu tội ác chiến tranh Việt Nam” được lưu tại Lưu trữ quốc gia ở College Park, bang Maryland. Sưu tập này bao gồm tóm tắt của 241 vụ theo thứ tự thời gian về 300 tội ác của quân đội Mỹ đã được chứng minh và 500 tố cáo khác chưa được chứng minh. Lưu trữ này còn chứa những báo cáo về tội phạm chiến tranh của Lực lượng con hổ (Tiger Force) thuộc sư đoàn không vận số 101 mà quân đội xếp vào loại chưa được chứng minh. Những tội ác này đã được công bố trên nhiều số báo năm 2003. Nick Turse, một nhà báo tự do ở New Jersey đã tiếp cận được sưu tập này năm 2002 khi đang nghiên cứu cho luận án tiến sĩ của mình; Deborah Nelson, biên tập viên của tờ Times tại Washington. Chúng tôi xin trích giới thiệu với bạn đọc để chúng ta hiểu thêm về hành động giết hại dân thường của lính Mỹ hiện nay ở Iraq.
Những người lính của đại đội B đang ở trong tình trạng căng thẳng đầu óc. Họ vừa mất năm người trong trận đọ súng ngày hôm trước. Buổi sáng ngày 8 tháng 2 năm 1968, họ nhận được lệnh tiếp tục rà soát vùng ven, một vùng đồng ruộng xanh tốt chạy dọc bờ biển miền Trung Việt Nam. Họ không gặp cản trở nào khi tiến vào một vùng dân cư không có gì là đặc biệt của tỉnh Quảng Nam. Jamie Henry, một lính cứu thương, dựng cây súng của mình trong một túp lều, cởi thắt lưng đeo bao đạn và lấy thuốc lá ra hút. Đúng lúc đó, giọng nói của viên trung uý vang lên trong điện đài. Anh ta báo cáo là đã bắt được 19 thường dân và muốn biết phải xử lý họ như thế nào. Sau này, Henry nhớ lại lời đáp của đại đội trưởng: Giết tất cả những gì động đậy.
Henry bước ra ngoài lều và thấy một nhóm nhỏ phụ nữ và trẻ em. Rồi tiếng súng bắt đầu vang lên. Một lát sau, 19 người dân đã chết hoặc đang hấp hối.
Trở về California, Henry đã đưa ra ghi chép về vụ hành quyết và tổ chức một cuộc họp báo để công bố sự lên án của mình. Nhưng anh và các cựu chiến binh, những người cất lên tiếng nói về tội ác chiến tranh đã bị coi là những kẻ phản bội và bịa đặt. Không hề có ai bị kết án vì vụ thảm sát này.
Giờ đây, 40 năm sau, những tài liệu quân sự được công bố cho thấy rằng những gì Henry nói về vụ thảm sát ngày 8 tháng 2 và hàng loạt các vụ khác mà đại đội B đã làm là sự thật. Những tài liệu này từng thuộc vào loại lưu trữ bí mật được thực hiện bởi lực lượng đặc nhiệm của Lầu Năm Góc vào đầu những năm 1970, khẳng định rằng sự tàn bạo của quân đội Mỹ ở Việt Nam nghiêm trọng hơn những gì đã được biết từ trước đến nay.
Tài liệu cho thấy chi tiết 320 vụ bị lên án đã được các điều tra viên quân đội chứng minh, không kể vụ thảm sát tàn bạo nhất ở Mỹ Lai năm 1968. Mặc dù không phải là một ghi chép đầy đủ về tội ác chiến tranh ở Việt Nam, tài liệu lưu trữ này là một sưu tập lớn nhất thấy được từ trước tới nay. Có khoảng 9000 trang bao gồm tài liệu điều tra, các lời khai được tuyên thệ của nhân chứng và báo cáo tình hình cho quan chức quân sự cấp cao. Tài liệu này miêu tả những cuộc tấn công thường dân Việt Nam, những gia đình đang ở trong nhà của mình, nông dân trên ruộng lúa và trẻ con đang câu cá. Hàng trăm quân nhân đã miêu tả một thiểu số những kẻ tàn bạo đã giết người, hãm hiếp và tra tấn mà không bị trừng phạt. Một nghiên cứu của tờ Times về các tài liệu cho thấy sự ngược đãi không chỉ hạn chế trong một vài đơn vị tồi tệ. Chúng được tìm thấy trong mọi binh chủng của quân đội tham chiến tại Việt Nam. Trung tướng về hưu John H. Johns, một cựu chiến binh từng hoạt động trong lực lượng đặc nhiệm, nói rằng trước đây ông đã ủng hộ việc giữ bí mật những tài liệu trên, nhưng giờ đây ông tin rằng chúng đáng nhận được sự chú ý rộng rãi trong bối cảnh của những cuộc tấn công vào dân thường và ngược đãi tù binh ở Iraq đang bị lên án. Johns, người đàn ông 78 tuổi nói: “Chúng ta không thể thay đổi hành động hiện nay trừ phi chúng ta hiểu biết về quá khứ”.
Các vụ đã được chứng minh trong tài liệu lưu trữ bao gồm:
7 vụ thảm sát từ năm 1967 đến 1971 làm ít nhất 137 dân thường thiệt mạng.
78 vụ tấn công khác vào những người không có vũ khí làm ít nhất 57 người chết, 56 người bị thương và 15 người bị xâm phạm tình dục.
141 lần lính Mỹ tra tấn dân thường bị bắt hoặc tù binh chiến tranh bằng nắm đấm, gậy gộc, nước hoặc giật điện.
Các điều tra viên đã xác định được bằng chứng chống lại 203 binh lính bị cáo buộc đã gây hại tới thường dân Việt Nam hoặc tù binh, đủ mạnh để kết án họ một cách chính thức. Các vụ này đã được chuyển tới cấp trên của số binh lính đó để giải quyết. Đáng tiếc, tài liệu cho thấy chỉ có 57 người trong số đó đã ra toà án binh, và chỉ 23 người bị kết án. 14 người lãnh án tù từ sáu tháng đến 20 năm, nhưng hầu hết đều được giảm án một cách đáng kể sau khi kháng án. Bản án cứng rắn nhất được dành cho một nhân viên điều tra xét hỏi thuộc tình báo quân sự bị kết án đã có hành vi khiếm nhã đối với một bé gái 13 tuổi trong một căn lều thẩm vấn vào năm 1967. Tài liệu cho thấy anh ta chỉ ở tù bảy tháng cho án tù 20 năm. Nhiều vụ đã được chứng minh khác được đóng lại bằng một thư khiển trách, một số tiền phạt, hoặc có tới quá nửa trong số các vụ này không có bất cứ một hành động nào được tiến hành. Steven Chucala, người vào những năm 1970 là cố vấn pháp luật cho viên chỉ huy của Ban điều tra tội phạm của quân đội nói rằng đã có rất ít sự quan tâm tới việc kết án tội phạm chiến tranh ở Việt Nam. Ông nói mình không đồng tình với thái độ đó nhưng hiểu được nó. Chucala, người giờ đây là một luật sư dân sự cho quân đội tại khu quân sự Belvoir thuộc bang Virginia nói: “Tất cả mọi người muốn Việt Nam biến mất”. Trong nhiều trường hợp, các đối tượng bị cáo buộc đã rời khỏi quân ngũ. Quân đội không hề có ý định theo đuổi họ, bất chấp một ý kiến được viết vào năm 1969 của Robert E. Jordan, người khi đó là cố vấn chung của quân đội, rằng những cựu binh có thể bị kết án bởi toà án binh, uỷ ban quân sự hay toà án. Jordan, hiện là luật sư tại Washington nói: “Tôi không nhớ tại sao ý kiến này lại chẳng đi tới đâu”. Trung tướng về hưu Robert G. Gard, người phụ trách lực lượng đặc nhiệm trên cương vị thiếu tướng tại Lầu Năm Góc vào đầu những năm 1970 nói rằng các quan chức cấp cao quân đội đáng ra cần đòi hỏi một sự trả lời cứng rắn hơn. “Chúng ta có thể đưa họ ra toà án binh, nhưng chúng ta đã không làm vậy”, Gard nói về những cựu binh bị cáo buộc là tội phạm chiến tranh. “Toàn bộ điều này là một sự bất ổn khủng khiếp”.
Hệ thống báo động sớm
Vào tháng 3 năm 1968, các thành viên của sư đoàn bộ binh số 23 đã giết hại khoảng 500 dân thường Việt Nam trong một làng nhỏ tại Mỹ Lai. Phóng viên Seymour Hersh đã vạch trần vụ thảm sát một năm sau đấy. Khi đó tướng William C. Westmoreland, chỉ huy quân đội Mỹ tại Việt Nam vào thời điểm vụ Mỹ Lai đã trở thành Tổng tư lệnh quân đội. Một lực lượng đặc nhiệm được thành lập với các thành viên là cộng sự của ông để giám sát những tố cáo về tội ác chiến tranh và hoạt động như một hệ thống báo động sớm. Trong vài năm sau đó, thành viên của nhóm “Tìm hiểu tội ác chiến tranh Việt Nam” đã xem xét các điều tra quân sự, viết những báo cáo và tóm tắt cho quan chức quân sự cấp cao và Nhà Trắng. Các tài liệu này được công bố vào năm 1994, sau 20 năm như luật định, và được chuyển tới Lưu trữ quốc gia tại College Park, bang Maryland, nơi mà chúng phần nhiều không được để ý tới.
Tờ Times đã nghiên cứu hầu hết số tài liệu này và chụp lại được khoảng 3000 trang, khoảng một phần ba tổng số các trang tư liệu, trước khi nhân viên nhà nước chuyển chúng ra khỏi khu vực tủ sách công cộng, nói rằng những tài liệu này có chứa thông tin cá nhân được miễn bởi điều luật về Quyền tự do thông tin.
Ngoài 320 vụ đã được minh chứng kể trên, các ghi chép còn chứa đựng tài liệu liên quan đến 500 vụ tàn sát được báo cáo mà nhân viên điều tra không tìm được bằng chứng buộc tội hoặc là đã không đếm xỉa đến. Johns nói rằng nhiều tội ác chiến tranh đã không được đưa vào lưu trữ. Một số đã được xét xử mà không được coi là tội ác chiến tranh, như điều lệ của quân đội. Một số khác chưa từng được báo cáo. Trong một lá thư gửi cho Westmoreland vào năm 1970, một trung sĩ giấu tên đã miêu tả hiện tượng giết hại dân thường phổ biến trong các thành viên của sư đoàn bộ binh số 9 tại đồng bằng sông Cửu Long, và đổ lỗi cho sức ép từ cấp trên trong việc phải có số lượng thi thể cao. “Một tiểu đoàn có thể giết khoảng 15 đến 20 dân thường mỗi ngày. Với bốn tiểu đoàn trong một lữ đoàn thì có thể có khoảng 40 đến 50 thường dân mỗi ngày hay là từ 1200 đến 1500 người mỗi tháng bị giết một cách dễ dàng,” người trung sĩ giấu tên viết. “Nếu tôi chỉ đúng khoảng mười phần trăm thôi, và hãy tin tôi, sự thật là hơn thế nhiều, thì tôi đang cố gắng để nói với ông rằng có khoảng 120 đến 150 vụ giết chóc, hay là một Mỹ Lai mỗi tháng trong vòng hơn một năm”.
Một quan chức quân đội cấp cao đã xem xét bức thư này và trích dẫn “tính chất mạnh mẽ”, “ngay thật” và “lôgic không thể bỏ qua” của nó, và đề nghị Stanley R. Resor, lúc đó là Thư ký quân đội (cố vấn cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, trình bày và đánh giá các chính sách, kế hoạch, chương trình và ngân sách quân đội cho Bộ trưởng và Quốc hội), phải đảm bảo rằng việc thúc đẩy để có số lượng địch quân bị tiêu diệt có thể kiểm chứng đã không “cổ vũ xu hướng của binh lính là nâng cao số lượng bằng việc vi phạm những nguyên tắc cam kết đã được xây dựng”. Theo một ghi chép vào tháng 8 năm 1971 gửi cho Westmoreland, các điều tra viên đã cố gắng tìm kiếm người viết bức thư và “ngăn chặn lời phát biểu của anh ta không cho đến” với Ronald V. Dellums, khi đó là nghị viên (đảng Dân chủ, tại Oakland). Tài liệu đã không nói gì về việc có tìm thấy người viết thư hay không, và cũng không có bằng chứng gì trong tài liệu này cho thấy rằng những điều anh ta phản ảnh được tiếp tục điều tra sâu hơn.
Binh nhất Henry
James D. Jamie Henry vừa 19 tuổi vào tháng 3 năm 1967, khi quân đội cạo trọc mái tóc kiểu híp pi của anh và đưa anh vào trại huấn luyện. Anh đang sống cùng với mẹ tại quận Sonoma, làm phụ tá tại một bệnh viện và có nghề tay trái là phù rể tại Haight-Ashbury khi nhận được giấy gọi nhập ngũ. Trong khi hàng ngàn híp pi trẻ tuổi khác đổ về San Francisco cho “Mùa Hè Tình Yêu” đang đến, Henry lên đường tới Polk, bang Louisiana. Không bao lâu sau anh đã trên đường tới Việt Nam, là một phần của cuộc rót 100 ngàn quân khiến cho sức mạnh của quân đội Mỹ lên tới 485 ngàn vào cuối năm 1967. Họ tiến vào một cuộc chiến đang trở nên đẫm máu hơn bao giờ hết đối với người Mỹ – 9.378 lính chết trong năm 1967, cao hơn 87 phần trăm so với năm trước. Henry là lính cứu thương thuộc đại đội B, tiểu đoàn 1, lữ đoàn 35, sư đoàn bộ binh số 4. Anh đã miêu tả trải nghiệm của mình trong một bản khai có tuyên thệ trước các điều tra viên quân đội vài năm sau đó, và trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây của tờ Times. Vào mùa thu năm 1967, anh đang trong buổi tuần tra đầu tiên của mình, đi dọc một bờ ruộng tại tỉnh Quảng Nam, khi các binh lính gặp một thiếu nữ. “Người đi đầu lập tức dừng cô bé lại và cho tay vào trong quần của cô”, Henry nói. “Tôi chỉ nghĩ, ‘Chúa ơi, điều gì đang xảy ra vậy?’ ” Một hoặc hai ngày sau đó, anh thấy những người lính đâm chết một con lợn một cách vô cảm. “Tôi nói chuyện với họ về điều đó, và họ bảo tôi rằng nếu tôi muốn sống lâu thì nên câm miệng”, Henry kể với các nhân viên điều tra. Henry có thể đã câm miệng, nhưng anh đã mở to mắt để nhìn và căng tai để nghe.
Vào ngày 8 tháng 10 năm 1967, sau một trận đọ súng gần Chu Lai, thành viên của đại đội anh trông thấy một chú bé 12 tuổi trong cơn mưa bão. Chú bé không mang vũ khí và chỉ mặc một chiếc quần cộc. “Ai đó đã bắt được chú bé trên đồi, họ mang chú ta xuống và người trung uý hỏi ai muốn giết nó”, Henry kể lại với điều tra viên. Hai người tình nguyện bước ra. Một người đá vào bụng chú bé. Người kia nắm phía sau chú bé lắc mạnh và bắn, theo lời khai của Henry. Họ ném xác chú bé xuống sông và báo cáo chú là một địch quân bị giết trong trận chiến. Ba ngày sau, đại đội bắt và đánh một ông già bị tình nghi là ủng hộ quân địch. Ông già rất khó nhọc vẫn không theo nổi những binh lính đang giải ông lên một quả đồi dốc đứng. “Khi tôi quay lại, hai người đang giữ ông ta, một người cầm tay, một người cầm chân, và họ ném ông xuống vào giữa những tảng đá”, Henry khai.
Ngày 15 tháng 10, một số lính đang nghỉ giải lao trong chiến dịch “Tìm Diệt” lớn. Henry nghe thấy một trung sĩ báo cáo qua điện đài xin cho phép bắn thử vũ khí của mình, và anh đi xem điều gì đang diễn ra. Henry nói anh thấy hai người lính đang dùng một người đàn ông Việt Nam làm bia tập bắn. Họ tìm được nạn nhân đang nằm ngủ trong một căn lều và quyết định giết ông như một trò thể thao. “Tất cả mọi người đều nhắm bắn ông ta để xem họ bắn chính xác tới mức nào”, Henry kể trong lời khai của mình. Trở về doanh trại ngày 21 tháng 10, các thành viên của trung đội 21 kể với anh rằng họ đã tập kích năm người phụ nữ không vũ khí và báo cáo đó là những địch quân bị giết trong trận đánh. Sau đó, các thành viên của một trung đội khác kể với anh là họ đã nhìn thấy những cái xác đó (…)
Cuộc điều tra
Henry không biết rằng các điều tra viên quân đội đã theo đuổi những tố cáo của anh và truy tìm ra các thành viên cùng đơn vị của anh trong vòng ba năm rưỡi sau đó. Các nhân chứng đã miêu tả vụ giết hại đứa bé trai, ông già bị ném xuống vách đá, người đàn ông bị dùng làm bia tập bắn, năm người phụ nữ không vũ trang, người đàn ông bị xe chở lính chèn chết, và các tội ác khác. Lời khai của họ cũng cung cấp sự chứng thực rõ ràng về vụ thảm sát xảy ra ngày 8 tháng 2 năm 1968. Những người này đã chứng kiến các sự kiện của ngày hôm đó từ nhiều góc độ khác nhau. Trung sĩ Wilson Bullock nói với một nhân viên điều tra tại khu quân sự Carson, bang Colorado rằng trung đội anh đã bắt được 19 người gồm “phụ nữ, trẻ em, và hai hay ba ông già” trong đợt tấn công Tết [Mậu Thân]. “Tất cả những người này bị xếp thành hàng và bị giết”, anh nói trong bản khai có tuyên thệ của mình. “Khi tiếng súng đã ngừng, tôi bắt đầu quay lại chỗ đó và trông thấy một phụ nữ Việt Nam trần truồng chạy từ căn lều tới chỗ nhóm người đang tụm lại và thấy đứa con nhỏ của chị ta đã bị bắn. Chị ta bế đứa bé lên và sau đó chính chị ta cũng bị bắn, còn đứa trẻ thì bị bắn thêm lần nữa”.
Gregory Newman, một cựu binh khác thuộc đại đội, nói với nhân viên điều tra tại khu quân sự Myer, bang Virginia, rằng đại uý Reh đã ra lệnh “tìm, diệt, và giết tất cả những gì động đậy trong làng”. Newman nói rằng anh đang chấp hành mệnh lệnh giết lũ gia súc và vật nuôi của dân làng khi anh trông thấy người phụ nữ trần truồng chạy về phía đám đông thường dân. “Tôi thấy họ đã van xin trước khi bị bắn chết”, Newman nói trong lời khai có tuyên thệ của mình.
Donald R. Richardson kể trong bản khai có tuyên thệ của mình rằng anh đang ở sở chỉ huy bên ngoài làng khi anh nghe viên chỉ huy trung đội hỏi nên làm gì với 19 thường dân qua điện đài. “Viên đại uý nói điều gì đó về việc giết tất cả những gì động đậy và người trung uý phía đầu dây bên kia nói ‘Chúng động đậy’”. “Ngay sau đó tiếng súng vang lên”.
Willam J. Nieset, chỉ huy đội súng trường, kể với các điều tra viên rằng anh đang đứng cạnh người phụ trách điện đài và nghe thấy Reh nói: “Chỉ thị tôi nhận được từ cấp trên là giết tất cả những gì động đậy”.
Robert D. Miller nói sau khi đã tuyên thệ rằng anh là người chịu trách nhiệm về điện đài cho trung uý Johny Mack Carter, chỉ huy của trung đội số 3. Miller nói khi Carter hỏi Reh nên làm gì với 19 người dân, viên đại uý đã chỉ thị cho anh ta làm theo “mệnh lệnh tác chiến”. Carter ngay lập tức tìm hai người tình nguyện ra bắn các dân thường. “Tôi tin rằng tất cả mọi người đều hiểu điều gì đang xảy ra. Vì vậy không ai tình nguyện cả, ngoại trừ một người tôi chỉ biết gọi là ‘Điên’”. “Vài phút sau, khi những người Việt Nam đã được tụm lại thành một vòng tròn, trung uý Carter và ‘Điên’ bắt đầu bắn họ bằng súng tự động M-16”.
Carter vừa mới ra quân khi một nhân viên điều tra lấy lời khai được tuyên thệ của anh tại Palmetto, bang Florida, vào tháng 3 năm 1970. Anh ta khai “Tôi không nhớ một thường dân nào bị bắt và dứt khoát nói rằng tôi không hề ra lệnh giết người dân thường nào, cũng như không hề biết người nào đã bị giết hại”.
Một điều tra viên quân đội gọi điện cho Reh tại khu quân sự Myer. Luật sư của Reh đã gọi điện trả lời. Điều tra viên này có ghi chép về cuộc đối thoại: “Nếu như cuộc phỏng vấn Reh có liên quan đến những vụ việc tàn ác ở Việt Nam… thì ông ta đã khuyên Reh không nên nói điều gì cả”.
Về phần trung tá Taylor, hai người lính đã mô tả hành động của ông ta ngày hôm đó. Myran Ambeau, một tay súng trường, nói rằng anh đã đứng cách viên đại uý khoảng gần hai thước Anh (hơn 1,5 mét) và nghe anh ta liên lạc với chỉ huy tiểu đoàn, người đang sử dụng tai nghe trên trực thăng. (Ambeau đã không dùng tên của Reh và Taylor). “Chỉ huy tiểu đoàn bảo viên đại uý “nếu chúng động đậy thì hãy giết chúng”, theo lời khai có tuyên thệ mà Ambeau đã khai với nhân viên điều tra ở Little Rock, bang Arkansas. “Viên đại uý ghi nhận là đã nghe rõ mệnh lệnh, sau đó anh ta chuyển chỉ thị này tới trung uý Carter. “Khoảng ba phút sau, tiếng súng máy vang lên từ phía giam giữ các tù nhân”.
Gary A. Bennet, một trong những nhân viên điện đài của Reh lại có ý kiến khác. Anh nói rằng viên đại uý hỏi chỉ huy tiểu đoàn nên làm gì với số người bị bắt, và người chỉ huy tiểu đoàn trả lời là “nhiệm vụ tìm và diệt”. Bennet không nghĩ rằng mệnh lệnh cho phép giết hại thường dân. Mặc dù có nghe thấy tiếng súng nổ, anh không hay biết gì về vụ thảm sát. Anh đã không đồng ý cung cấp một lời khai có tuyên thệ.
Một điều tra viên quân đội đã gặp Taylor tại Học viện chiến tranh quân sự ở Carlisle, bang Pennsylvania. Taylor nói rằng ông không hề ra lệnh giết thường dân và không hề nghe gì về vụ thảm sát vào ngày được hỏi. Nhưng người điều tra viên đã hỏi Taylor về các sự kiện xảy ra vào ngày 9 tháng 2 năm 1968, một ngày sau khi vụ việc xảy ra.
Ba năm rưỡi sau, một nhân viên đã tìm được Taylor ở khu quân sự Myer và hỏi ông về sự kiện ngày 8 tháng 2. Taylor nói rằng ông không nhớ gì về ngày hôm đó và ông không có thời gian để cung cấp một lời khai có tuyên thệ. Ông nói ông đã “thúc đẩy trận chiến” với “một sĩ quan không rõ tên”, nhân viên này ghi lại. Các điều tra viên viết là họ không thể tìm thấy binh nhất Frank Bonilla, người được gọi là ‘Điên’. Tờ Times đã tìm thấy anh ta tại nhà riêng ở Oahu vào tháng 3. Bonilla, giờ đã 58 tuổi là một nhân viên khách sạn, nói rằng anh nhớ có mệnh lệnh giết những dân thường nhưng không nhớ ai đã ra lệnh. “Một người nào đó nhận điện đài, đưa nó cho một người, có thể là một trung uý, nói rằng người kia không muốn thấy có kẻ nào còn đứng được”, anh nói. Bonilla nói rằng anh đã đáp lời kêu gọi tình nguyện nhưng không hề kéo cò súng. “Tôi không thể làm được. Toàn là phụ nữ và trẻ em. Nhiều người nghĩ rằng tôi đã làm vì họ thấy tôi đi lên đó… Không… Tôi đã rẽ sang hướng khác. Nó giống như ‘không thể tin điều này đang xảy ra’”. Sau đó Bonilla kể, “Tôi nhớ tôi đã ngồi gục đầu vào hai đầu gối của mình. Đây có phải là sự thực không? Có ai đó nói rằng “hãy giữ mồm giữ miệng nếu không thì sẽ không thể trở về nhà’”. Bonilla nói anh không biết ai là người đã nổ súng.
Kết quả
Cục điều tra tội phạm giao cho chuẩn uý Jonathan P. Coulson ở Los Angeles hoàn thành việc điều tra và viết báo cáo tổng kết về vụ “Lời tố cáo của Henry”. Coulson đã gửi báo cáo của mình tới cơ quan đầu não tại Washington vào tháng 1 năm 1974. Báo cáo nói rằng vụ thảm sát đã xảy ra. Công cuộc điều tra cũng chứng thực tất cả các vụ giết chóc khác mà Henry đã mô tả, ngoại trừ có một vụ – đó là vụ ném ông già xuống vách đá.
Tài liệu của nhóm “Tìm hiểu tội ác chiến tranh” không hề ghi lại điều gì về việc các bản án được thi hành đối với một người nào được nói đến trong báo cáo này. Briney, giờ là một luật sư tại Phonix, nói rằng ông không còn nhớ rõ tình tiết của vụ này, nhưng nhớ là có một sự miễn cưỡng trong nội bộ quân đội trong việc thực hiện các án trạng như vậy. “Họ nghĩ rằng cuộc chiến nếu như chưa kết thúc thì cũng sắp kết thúc. Vậy thì tại sao lại khơi lại những chuyện này làm gì?”
Taylor nghỉ hưu vào năm 1977 với quân hàm cấp tướng. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây tại nhà riêng của ông ở miền Bắc Virginia, ông nói “Tôi chắc đã không ra lệnh giết hại dân thường. Tôi không phải là người như vậy. Tôi đã tham gia nhiều cuộc chiến đủ để biết rằng đó không phải là một điều đúng nên làm”.
Reh, đã ra quân vào năm 1978 và hiện sống tại miền Bắc bang California, từ chối không trả lời phỏng vấn của Times. Carter giờ là nhân viên bưu điện về hưu và sinh sống tại Florida nói rằng ông không nhớ gì những trải nghiệm chiến trận của mình. Ông nói “Tôi cho rằng tôi đã gột sạch Việt Nam và những gì liên quan đến nó ra khỏi đầu óc của mình. Tôi không nhớ đã bắn ai hay đã ra lệnh cho ai bắn”. Ông còn nói rằng ông không bàn cãi về việc có vụ thảm sát hay không. “Tôi không nghi ngờ điều đó, nhưng tôi không nhớ được… Nhiều khi con người bỗng dưng như vậy”.
Henry đã được một nhân viên điều tra phỏng vấn lần nữa vào năm 1972 và sau đó không bao giờ được liên hệ lại nữa. Anh xa dần phong trào phản chiến, chuyển đến miền Bắc và trở thành một thợ đốn gỗ tại vùng đồi núi Sierra Nevada của bang California. Anh nói anh không hề biết là mình đã được chứng minh là đúng cho tới khi tờ Times liên hệ với anh vào năm 2005.
Mùa thu năm ngoái, anh đã đọc lại hồ sơ tài liệu về vụ này với một tách cà phê trong phòng ăn nhà mình, nơi anh sống cùng vợ tên là Patty. Trong một bức thư điện tử, Henry viết: “Tôi đã như suy sụp mất vài ngày. Nó giống như là thời gian được gói lại và mang tôi trở về giữa những hỗn độn đó. Những điều đã quên từ lâu giờ sống lại. Một số điều tốt và một số không. Giờ đây cả cuộc chiến hôi hám đã trở lại. Sau khi anh rời khỏi, tôi cứ ngồi trên ghế và run trong vài tiếng đồng hồ. Có phải là một sự chấn động tâm lý? Tôi cũng không rõ, nhưng nó đã nhanh chóng qua đi và tôi quyết định tiếp tục với công việc này. Nếu nó đã là đúng trước đây, thì bây giờ cũng vẫn là đúng”.
ĐỨC HẠNH lược dịch
NGUỒN: TIMES NGÀY 6 THÁNG 8, 2006