Bản thảo ký sự “Thẳng từ biên giới” của Nguyễn Huy Tưởng

Nhân dịp kỷ niệm 51 năm chiến dịch Biên giới, Trung tâm lưu trữ quốc gia I trân trọng giới thiệu tới bạn đọc bản thảo ký sự “Thẳng từ biên giới”(1) của Nguyễn Huy Tưởng. Bài viết như một món quà tri ân gửi tới những chiến sĩ đã chiến đấu hết mình để giành lấy thắng lợi trong chiến dịch này.

Nếu yêu cầu nhà văn là người thư ký trung thành của thời đại và tác phẩm là bức tranh trung thực về đời sống thì ký là thể loại giúp chủ thể sáng tạo hoàn thành sứ mệnh của mình một cách thuận lợi nhất. Với đặc trưng thể loại như vậy, “Thẳng từ biên giới” đã ghi chép một cách chân thật những diễn biến phức tạp, gay go của các trận đánh cũng như bước đường hành quân, chiến đấu của các chiến sĩ và đồng bào trong chiến dịch Biên giới. Tác phẩm vì vậy mang đậm cảm hứng tự hào, ngưỡng vọng, ngợi ca hoà quyện với âm điệu hùng tráng, lãng mạn.

Bước vào cuộc chiến này, người Pháp dựa vào lực lượng quân đội hùng hậu, thiện chiến cùng với sức mạnh vũ khí vượt trội nhưng tại sao vẫn chuốc lấy thất bại? Đọc “Thẳng từ biên giới”, người đọc sẽ có câu trả lời.

Trong 54 trang ký sự, có đến 20 chi tiết thể hiện lòng quyết tâm và 15 câu nói về niềm tin chiến thắng của các chiến sĩ, như “trận này chỉ có thắng, không có thua”, “khó thì khó thật, nhưng đã đánh là phải thắng” (tr.2), “chúng ta quyết đánh thắng trận này” (tr.8) … đó “không phải thứ tin tưởng bằng một lời tuyên bố mà là niềm tin xây dựng trên sự nỗ lực gian khổ của toàn quân dân” (tr.3). Qua đây, chúng ta hiểu: Người Việt Nam không có vũ khí hiện đại nhưng có lòng quyết tâm. Lòng quyết tâm phát triển thành một sức mạnh vĩ đại giúp chúng ta thực hiện được điều không thể. Để rồi, đội quân thiện chiến trên với vũ khí hiện đại đã bị đánh bại.

Hồ Chủ tịch cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Chiến dịch Biên giới.

Hồ Chủ tịch cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Chiến dịch Biên giới.

Còn về phía quân Pháp, khi đã rơi vào thất bại, Sác-tông vẫn không khỏi ngỡ ngàng: “Không hiểu làm sao chỗ nào cũng có chúng nó! Phụ nữ cũng ra trận!”(tr.42). Điều này chứng tỏ người Pháp đã bước vào cuộc chiến mà không hiểu đối thủ. Người Pháp không hiểu rằng, người Việt Nam có một thứ mà người Pháp khi bước vào cuộc chiến này đã không có được: lòng quyết tâm dù phải hy sinh, mất mát. Đúng như nhận định của một chiến sĩ đã được ghi lại trong ký sự: “Chúng biết rằng chúng ta đang sửa soạn gấp. Nhưng cái nỗ lực cách mạng phi thường của chúng ta thì chúng không sao cân được” (tr.2). Và trong khi lính Pháp chỉ nghĩ tới chuyện về nhà thì ngược lại người Việt Nam dồn hết tinh thần vào những gì ở phía trước: “Đi xa, người ta để lại ở nhà những thứ cồng kềnh không cần thiết, thì sắp ra trận người ta cũng trút hết những chướng ngại vật tinh thần…”(tr.4). Chính sự khác biệt này đã tạo nên chiến thắng cho Việt Nam và là lời giải thích cho kết cục của cuộc chiến.

Đọc “Thẳng từ biên giới”, ta thấy muôn vàn cái khó khăn đói, rét, mất ngủ, mệt… không làm chùn bước các chiến sĩ mà trái lại dường như còn thổi bùng thêm ý chí chiến đấu, quyết thắng của họ. Đây là một vài ví dụ trong số rất nhiều đoạn mô tả lại khó khăn và mất mát mà các chiến sĩ đã trải qua: “Băng trắng đã loang lổ máu trong hầm. Người cứu thương lóp ngóp bò. Trên con đường dốc xuống suối, mỗi hòn đá đều loang một giọt máu nhờ nhờ. Một dân công đầu trọc, ngã gục bên một gốc cây, tay ôm đầu. Cạnh đó, một xác tân binh, mặt đầy máu, hai chân gập lại. Nhiều hố cá nhân mới đã được đào, đất đỏ hỏn, cái nông, cái sâu.” (tr.17) “… Muốn lên phải leo dây rừng chằng dọc theo vách đá. Dưới chân là vực thẳm. Họ tuột xuống, lại leo lên. Tay họ run run, máu chảy ròng ròng. Bàn chân không giày đau nhức móc vào các khe, các hốc. Báng súng va vào vách, chực đẩy họ xuống vực. Một anh yếu quá rơi xuống vực sâu, không một tiếng kêu” (tr.38). Sự hy sinh của các đồng chí cứ thế thầm lặng không chút riêng tư. Tất cả đều vì mục tiêu phía trước: Tổ quốc. “Đêm nay trời mưa, các đồng chí ướt mệt, nhưng lửa của người chiến sĩ vệ quốc, của người chiến sĩ cách mạng hun nấu tinh thần xung phong của các đồng chí”(tr.38).

Trong ký sự này, tác giả cũng đã tường thuật lại tuy không nhiều nhưng khá rõ nét tấm gương các anh hùng như La Văn Cầu, Trần Cừ đã chiến đấu quên mình vì Tổ quốc. Qua đó, thế hệ hôm nay càng thấu hiểu về sự hy sinh, mất mát quá lớn của thế hệ cha anh để từ đó nhắc nhở chúng ta không bao giờ được quên về sự tàn ác của chiến tranh, không được quên về cái giá phải trả bằng máu và nước mắt để có được thắng lợi.

Qua “Thẳng từ biên giới” ta cũng sẽ thấy bài học “lấy dân làm gốc” từ các thế hệ đi trước vẫn luôn được các chiến sĩ dưới sự chỉ đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa và phát huy. Thêm một lý do quan trọng giải thích cho kết cục của cuộc chiến: tại sao ta đã thắng lợi? Trong ký sự, ta thấy đồng bào Mán, Thổ, Nùng… xuống núi đi vận tải, đập đá, sửa đường, khiêng hòm đạn. Các chị dân công cứu thương, nấu cơm, giặt giũ, chăm sóc các thương binh… Qua đó toát lên mối quan hệ khăng khít của tình quân – dân. “Con đường ra tiền tuyến nắng gắt. Dân công tấp nập sửa đường. Lại các chị Thổ, chị Nùng, chị Mán, chị Mèo. Họ đập đá… Một vài em gánh đá. Mấy người đàn ông có tuổi, cuốc đất xuống đường” (tr.10), “Rồi lại những người lệch vai vác hòm đạn. Rồi lại các chị Thổ khiêng hòm đạn nặng. Rồi lại các anh Mán, cổ đeo vòng bạc, mồ hôi như bôi dầu. Người vừa đi vừa hát. Người vừa gánh vừa hò” (tr.11), “Các chị đi, hành quân dài và lủng củng, ngoằn ngoèo, nối rừng nọ với rừng kia, đèo này với đèo khác, ngày đêm không nghỉ. Không phải là vòng vây thép, dễ phá vỡ hơn, mà là vòng vây của muôn hạng người chung một ý chí giết giặc, của người Kinh từ miền xuôi lên, của người Mán từ những đỉnh chon von xuống, của người Ngái, người Thổ, người Nùng từ các bản, các lán, các hang, các hốc đổ ra. Cái trật tự im lìm của núi rừng bị phá vỡ. Người ta có cảm tưởng không phải họ theo núi rừng đi, mà núi rừng theo họ khép chặt lại những thị trấn Cao Bằng, Đông Khê, Na Sầm, Đồng Đăng, mỗi ngày một cô độc, một hoảng loạn”(tr.2). “Trong hang phẫu thuật của trung đoàn, các chị dân công tình nguyện ở lại để săn sóc thương binh. Đêm đêm, các chị thức đến một, hai giờ. Mờ sáng các chị đã có nước sôi đưa anh em uống suốt lượt, nước nóng tự tay các chị rửa mặt cho anh em. Nghỉ tay đun nước, các chị lại hấp lại bông băng. Những ống tre của anh em đi đái, các chị luôn luôn xách đi đổ. Quần áo chăn màn đẫm máu mủ của anh em mới đến, các chị giặt giũ ngay. Sau bữa cơm của anh em, các chị lúi húi ăn ở một xó hang. Những buổi trưa thường thấy các chị cặm cụi vá quần áo rách cho các chiến sĩ” (tr.36). Khi nói chuyện với các chiến sĩ trong chiến dịch này, Hồ Chủ tịch đã nhấn mạnh rằng ta có được chiến thắng là nhờ dân: “Bác nói về nhân dân. Lời Bác rung lên khi Bác nói đến những nỗi khổ của nhân dân, đến những hy sinh lớn lao, những đóng góp vô lượng của nhân dân, đưa lên cho Chính phủ từng hột cơm, hạt gạo để Chính phủ đánh giặc, Bác nói thêm rằng ta thắng lớn vì chỉ huy sáng suốt và kiên quyết. Bác khuyên các chú phải kính dân, yêu dân, tin dân” (tr.50).

Với “Thẳng từ biên giới”, độc giả cũng sẽ hiểu cặn kẽ hơn về con người Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại với lối sống mẫu mực; với những trăn trở, suy tư vì nước, vì dân cũng như vai trò của Bác trong chiến dịch này.

Trong lối sống, Bác luôn giản dị, tiết kiệm: “Hồ Chủ tịch cũng lên thăm mặt trận. Câu chuyện trao đi, đổi lại : Bác đi từ dưới ấy lên có tám ngày cả thảy. Bác đi bộ… Bác đi đất, lúc nào gặp chỗ có đá nhọn mới xỏ dép, đến chỗ dễ đi lại cho dép vào ba lô… Bác đem cả chiếu… Bác cũng đeo gạo” (tr.7), “Bác đi bộ tới giữa lúc các chú không ngờ… Bác không đứng trên diễn đài. Bác đi thẳng xuống bãi cỏ. Bác không đội mũ. Mặt Bác xạm phong trần. Đầu hoa râm đã bạc nhiều. Bác mặc áo hở ngực. Quần Bác nhầu. Chân Bác đi dép cao su trắng, đứt quai sau” (tr.49), Bác quan tâm chăm sóc cả đến giấc ngủ của các chiến sĩ: “lúc Bác đến thì anh em còn ngủ, Bác vén màn từng giường, rồi ra ngồi một chỗ chờ anh em dậy” (tr.25). Gặp gỡ các chú bộ đội, Bác lưu ý nhắc nhở phải tôn trọng của cải tài sản của dân: “Hôm nọ, Bác đi thăm mặt trận. Qua một thửa ruộng bị dẫm nát, Bác đã phê bình bộ đội vô ý thức, không biết tôn trọng của dân. Trận Đông Khê, Bác phê bình bộ đội phí phạm.”. Bác không quên nhắc nhở về việc tiết kiệm: “Các chú nên nhớ rằng nước ta nghèo, dân ta khổ, chúng ta không được phí”, về tình đoàn kết: “Cán bộ phải coi đội viên như tay chân. Đội viên phải coi cán bộ như ruột thịt. Có như thế thì đánh đâu thắng đấy”(tr.50). Bác gửi thư động viên các chiến sĩ trước các trận đánh: “Hỡi các chiến sĩ yêu quí, Vệ quốc đoàn, Bộ đội địa phương, Dân quân du kích, Chúng ta quyết đánh thắng trận này. Để thắng trận này, các chiến sĩ ở mặt trận phải kiên quyết dũng cảm một trăm phần trăm. Ai có công to Chính phủ sẽ thưởng. Hỡi các chiến sĩ yêu quý, Bộ đội này thi đua với bộ đội khác, địa phương này thi đua với địa phương khác. Cuộc thi đua giết giặc lập công và chiến dịch nhất định sẽ thắng lợi. Toàn thể các chiến sĩ tiến lên! Thắng lợi đang chờ các chú. Tôi đang chờ để khen thưởng các chú” (tr.8), “Hiện nay, tình hình rất có lợi cho ta. Vậy các chiến sĩ phải quyết tâm tiêu diệt địch cho kỳ hết để tranh lấy toàn thắng. Bác theo dõi cuộc chiến đấu anh dũng của các chú từng giờ. Bác sẽ có phần thưởng đặc biệt cho những bộ đội và chiến sĩ nào lập công nhiều nhất. Nào, chiến sĩ nào hứa với Bác quyết giật cho được giải thưởng anh hùng Cao – Lạng và đơn vị kiểu mẫu? Bác chờ các chú trả lời ngay” (tr.36). Bác khen ngợi khi các chiến sĩ có nhiều cố gắng, lập được chiến công: “Các chiến sĩ yêu mến! Từ ngày kháng chiến đến nay, trận này là trận đầu tiên bộ đội ta đánh vận động liên tiếp trong mấy ngày. Đó là mấy cuộc thử thách lớn. Các chú không quản mệt nhọc, đói rét, chỉ ra sức thi đua giết địch, các chú đã đánh tan đoàn quân tinh nhuệ của địch. Các chú đã hoàn thành cuộc thử thách bảy phần mười một cách dũng cảm. Bác và tổng tư lệnh khao các chú một bữa thịt bò đó. Bác hôn tất cả các chú” (tr.43).

Cho đến nay có thể nói “Thẳng từ biên giới” vẫn là một trong số ít những tác phẩm viết chi tiết, cụ thể về Chiến dịch Biên giới. Bản thảo tuy chưa thực sự mượt mà về câu chữ nhưng rất có giá trị về nội dung. Với 54 trang, ký sự không đưa ra những phát hiện mới về lịch sử chiến tranh Việt Nam hiện đại nhưng đã làm rõ thêm, bổ sung thêm, cụ thể hóa thêm thực tế cuộc chiến. Qua đây, ta thấy cảm phục về tấm gương các chiến sĩ đã chiến đấu anh dũng, kiên cường. Chúng ta không bao giờ quên về sự nghiệt ngã của chiến tranh, về cái giá phải trả bằng nước mắt, bằng máu, bằng sự hy sinh của lớp lớp những người đi trước vì mục tiêu cao cả – giành lại độc lập cho dân tộc.

 

1.Tr.1, bản thảo ký sự “Thẳng từ biên giới”, hồ sơ số 566, phông Sở Thông tin Tuyên truyền Bắc Việt, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I. Từ các chú thích tiếp theo chúng tôi chỉ ghi số trang của bản thảo (B.T).

Nguyễn Hồng Nhung