Một xưởng vũ khí do Bác Hồ sáng lập

Trong cao trào Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, dưới sự lãnh đạo của các đảng bộ địa phương, khắp nơi thành lập các cơ sở chế tạo vũ khí thô sơ trang bị cho các đội quân cách mạng. Tại Nam Bộ, xưởng tạo tác Mốp Xanh thuộc huyện Thủ Thừa có từ thời Nam Kỳ khởi nghĩa chế tạo được loại súng “vòi siêu” và mìn. Tại Nam Trung Bộ, các “lò rèn Ba Tơ” đỏ lửa ngày đêm, cùng với số súng ta lấy được khi đánh chiếm đồn Ba Tơ (27 khẩu súng và 50 hòm đạn), đã kịp thời trang bị cho các đội du kích đánh Nhật, Pháp. Ở các tỉnh phía Bắc, Xứ ủy Bắc Kỳ thành lập xưởng vũ khí Làng Chè ở chân núi Như Nguyệt, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh do các đồng chí Nguyễn Ngọc Xuân, Ngô Gia Khảm phụ trách. Xưởng chế được lựu đạn vỏ gang kiểu Nhật.

Sản xuất đạn súng cối trong kháng chiến

Sản xuất đạn súng cối trong kháng chiến

Một trong những xưởng vũ khí “Tiền khởi nghĩa” được thành lập sớm là xưởng Lê Tổ ở tỉnh Cao Bằng.

Cao Bằng là tỉnh sớm có phong trào cách mạng. Từ sau những năm 1930, các nhà yêu nước ở đây đã cử đảng viên, quần chúng trung kiên sang Trung Quốc học quân sự và học chế tạo vũ khí. Năm 1931, 1932, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Đình Hùng, Nguyễn Nam Hùng, Đàm Thế Vinh… được chọn đi học chế súng đạn.

Sau khi về nước, tháng 11-1941, Bác Hồ chỉ thị thành lập Đội du kích Cao Bằng, tiền thân của các lực lượng vũ trang nhân dân Cao Bằng ngày nay. Có quân thì phải có súng, Bác chỉ thị xúc tiến gấp việc lập cơ sở chế tạo vũ khí đồng thời động viên nhân dân “sắm vũ khí, đuổi thù chung”.

Năm 1943, ở xã Nà Sác, huyện Hà Quảng đã có tổ sửa chữa súng do vợ chồng Văn Thắng và Chu Thị Lương phụ trách.

Cao trào khởi nghĩa giành chính quyền khắp Cao Bằng dâng lên mạnh mẽ. Bác Hồ giao nhiệm vụ cho đồng chí Đặng Văn Cáp giúp Cao Bằng mở rộng cơ sở chế tạo vũ khí. Đặng Văn Cáp quê ở Nghệ An, vốn là người có hiểu biết về Đông y dược, chuyên lo bảo vệ và săn sóc sức khỏe cho Bác Hồ thời kỳ Bác hoạt động ở Thái Lan với bí danh “Thầu Chín” và thời kỳ Bác hoạt động ở Trung Quốc.

Mùa xuân 1944, binh công xưởng Lũng Hoàng được thành lập trong dãy núi đá Lam Sơn, huyện Hòa An. Xưởng còn có tên gọi là “Lò rèn lô cốt đỏ”. Bác Hồ gọi là “Nhà chữa súng” với nhiệm vụ sửa chữa súng cho du kích và nghiên cứu chế thử mìn, lựu đạn.

Với mấy bộ đồ nghề thô sơ, cọc cạch, xưởng đã sản xuất được lựu đạn “ống bơ”, du kích sử dụng đánh địch trong trận Nà Giàng, bảo vệ được các đồng chí Bằng Giang, Lê Thiết Hùng. Xưởng còn nghiên cứu chế tạo mìn, lựu đạn.

Một xưởng quân giới ở Việt Bắc trong kháng chiến

Một xưởng quân giới ở Việt Bắc trong kháng chiến

Sau 8 tháng ở Lũng Hoàng, xưởng bị lộ, quân Pháp kéo đến định phá xưởng, nhưng nhờ cảnh giác, xưởng đã rút vào sâu trong khu vực núi Kim Đao. Xưởng được bổ sung thêm một số cán bộ, công nhân, trong đó có Vy Nam Sơn trình độ kỹ thuật khá. Cấp trên lại chuyển cho xưởng mấy quả lựu đạn Mỹ vỏ gang để mổ xẻ nghiên cứu. Xưởng có Cao Sơn vốn là thợ đúc lưỡi cày nhiều kinh nghiệm nên đã đúc được vỏ lựu đạn. Từ đó, xưởng có lựu đạn kiểu Mỹ trang bị cho du kích và cán bộ hoạt động bí mật. Các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp đi công tác qua đều ghé thăm xưởng, động viên cán bộ, công nhân phát huy sáng kiến, khắc phục khó khăn, lo việc trang bị cho quân khởi nghĩa.

Đầu năm 1945, đồng chí Đặng Văn Cáp về nhận nhiệm vụ ở Báo Việt Nam Độc lập, cơ quan tuyên truyền của Việt Minh Cao – Bắc – Lạng. Đồng chí Vy Nam Sơn phụ trách xưởng.

Tháng 5-1945, Bác Hồ lại chỉ thị cho đồng chí Đặng Văn Cáp trở lại Cao Bằng mở rộng “Nhà chữa súng” để đón thời cơ.

Từ Kim Đao xưởng chuyển về Nậm Phái. Ở đây, dây chuyền sản xuất lựu đạn vỏ gang đã ổn định, sản lượng tăng từng ngày. Tuy vậy, vẫn nấu gang bằng lò thủ công, dùng bễ kéo, sau dùng quạt quay tay. Việc tìm kiếm nguyên liệu hóa chất tuy khó khăn nhưng cũng khắc phục được.

Cách mạng tháng Tám thành công, xưởng mang tên mới: Quân xưởng Lê Tổ, được Bộ Quốc phòng, tỉnh bổ sung cho nhiều công nhân, máy móc và một chiếc xe tải để vận chuyển vật tư, nguyên liệu.

Xưởng Lê Tổ tồn tại cho đến năm 1954, phục vụ nhiều chiến dịch, đạt thành tích xuất sắc. Đặc biệt, trong chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950, xưởng được Bác Hồ, các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh, Hoàng Văn Thái… đến thăm. Xưởng được Bộ Tổng tư lệnh chọn làm nơi tổng kết chiến dịch Biên giới.