Từ sự kiện Tiên Lãng, nhớ lại và suy ngẫm

Là nhớ lại và suy ngẫm về sự kiện Thái Bình 15 năm trước, 1997. Vâng, đúng 15 năm! Bao nhiêu nước chảy qua cầu!

Có lẽ trước khi sự kiện Thái Bình bùng nổ, ít ai nghĩ rằng tại nơi đây, quê hương của lá cờ đầu sản xuất nông nghiệp “chị Hai năm tấn quê ở Thái bình”, nơi đây cũng là lá cờ đầu của “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” trong kháng chiến, lá cờ đầu của hầu hết các hoạt động, từ sản xuất đến văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, xây dựng đời sống mới… Thái Bình tự hào về người quê mình từng có mặt tại những điểm hẹn của lịch sử: bắt sống tướng Đờ Cát tại Điện Biên Phủ tháng 7 năm 1954, cắm cờ trên Dinh Độc lập vào trưa ngày 30/4/1975, cũng là người Việt Nam “chân dép lốp mà bay vào vũ trụ”…

Ấy thế rồi những ngày cuối cùng của tháng 6 năm 1997 có tới 5 trên 7 huyện và thị của tỉnh gồm xã Quỳnh Phụ, Hưng Hà, Tiền Hải, Ðông Hưng, Thái Thụy có khiếu kiện tập thể của bà con nông dân về những vấn đề dân chủ và công bằng xã hội trong nông thôn. Không được tiếp nhận và giải quyết thỏa đáng, những sự biến xảy ra dồn dập hơn, mãnh liệt hơn, và có chiều hướng bạo lực từ cả hai phía: chính quyền và dân. Và rồi, sự xuất hiện của cảnh sát cơ động đã đặt các cuộc biểu tình ôn hòa và hợp thức vào tình thế bế tắc. Xu hướng bạo lực ngày càng gia tăng. Sự kiềm chế và tính tổ chức ở những người biểu tình càng giảm sút thì các sự biến xã hội càng khó kiểm soát.

Hiện đại hóa – bà con nông thôn chẳng được hưởng là bao. Ảnh: Ngọc Thái

Hiện đại hóa – bà con nông thôn chẳng được hưởng là bao. Ảnh: Ngọc Thái

 

Một cuộc khủng hoảng chính trị xã hội thực sự trong nhiều xã và huyện của nông thôn Thái Bình đã bùng nổ

Trung ương đã thành lập Tổ công tác đặc biệt do đồng chí Phạm Thế Duyệt, Thường trực thường vụ Bộ Chính trị phụ trách về Thái Bình để kịp thời xử lý tình huống và đưa ra những quyết sách. Theo cách nhìn và phong cách làm việc của mình, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cùng với việc theo sát những nhận định và quyết sách của Tổ công tác trên, đã chỉ thị cho Tổ nghiên cứu Đổi mới [thường gọi tắt là Tổ tư vấn của Thủ tướng, sau này là Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ], cử một nhóm các nhà khoa học về một điểm nóng ở Quỳnh Phụ, từ góc nhìn xã hội học để đưa ra những nhận xét và kiến nghị về sự kiện Thái Bình. Viện trưởng Viện Xã hội học, thành viên của Tổ Nghiên cứu Đổi mới của Thủ tướng được trao trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ đó.

Một nhóm về ở ngay trong lòng điểm nóng: xã An Ninh gồm bốn người do Viện trưởng Viện Xã hội học phụ trách. Một nhóm khác gồm ba cán bộ, do một Phó Viện trưởng phụ trách cùng hai cán bộ nghiên cứu, đều là người quê ở Thái Bình, đi theo tuyến rộng, dọc theo đường Hà Nam, Nam Ðịnh, qua Tiền Hải, vòng về thị xã, qua Ðông Hưng, Thái Thụy, Quỳnh Phụ, Kiến Xương để tìm hiểu âm vang và độ nhiễm cảm của các sự kiện bạo động trong tỉnh. Một nhóm khác nữa xuất phát sau một tuần, đến huyện Thái Thụy nơi có điểm nóng Thái Thịnh để đo sự diễn biến sau sự kiện An Ninh và dư luận quần chúng về các giải pháp của chính quyền tỉnh đã áp dụng. Ðồng thời với các nhóm đi khảo sát tại Thái Bình, nhóm nghiên cứu về hộ kinh tế gia đình và địa vị của người phụ nữ tại Hải Hậu, Nam Ðịnh được trao nhiệm vụ kết hợp khảo sát thêm về chủ đề mà nhóm nghiên cứu ở Thái Bình đang tiến hành. Một nhóm nữa đang nghiên cứu tại 10 xã trong ba tỉnh (Hà Nam, Nam Ðịnh, Ninh Bình) về đề tài biến động dân số cũng được trao nhiệm vụ thu thập thêm tư liệu về chủ đề như đã nghiên cứu ở Thái Bình.

Vì thế, bản báo cáo tổng kết dựa trên tư liệu thu thập được qua phỏng vấn sâu, quan sát trực tiếp, các văn bản của tỉnh, huyện, xã (băng ghi âm ghi lời người được hỏi và tập hồ sơ ghi lại nội dung đã thu vào băng) cùng với 8 báo cáo của các cán bộ đi khảo sát và sơ kết của nhóm khảo sát. Cũng do đó, báo cáo về “Sự kiện Thái bình” được hình thành trên cái nền nhận thức của những người nghiên cứu về nông thôn, đặc biệt là nông thôn vùng đồng bằng Sông Hồng.

Giờ đây, trước sự kiện Tiên Lãng vừa xảy ra mở đầu cho năm 2012 gây bức xúc trong dư luận, nhìn lại “Sự kiện Thái Bình” năm 1997 để suy ngẫm càng thấy rõ cái logic tất yếu của sự bùng nổ từ những nung nấu tiềm ẩn trong đời sống nông thôn và trong tâm trạng của người nông dân bị đẩy đến bước đường cùng. Một điều tưởng như đã chìm vào trong quá khứ: mọi chính quyền nhà nước qua các biến thiên của lịch sử đều phải đối diện với nông dân, nông thôn, nông nghiệp ở một nước mà hệ văn minh lúa nước ở vùng nhiệt đới gió mùa chi phối toàn bộ đời sống.

Từ tháng 8 năm 45, chúng ta cứ ngỡ là với nhà nước được mệnh danh là của dân, do dân và vì dân chắc sẽ không phải lo về sự đụng độ và đối đầu với cái biển nông dân mênh mông và mãnh liệt ấy. Sau bao nhiêu hy sinh xương máu, chiếc đòn gánh tre vẫn “chín dạn hai vai” [Nguyễn Du] người nông dân chân lấm tay bùn để góp phần to lớn vào sự nghiệp “công nghiệp hóa và hiện đại hóa” đất nước với gần 80% dân số sống ở nông thôn. Thế nhưng những thành quả của Đổi Mới, của ‘hiện đại hóa” thì người đô thị hưởng phần lớn, bà con nông thôn chẳng được là bao. Còn hệ lụy của “công nghiệp hóa và đô thị hóa” thì họ gánh đủ.

Nguy hại nhất là đất đai, nguồn sống bao đời và cũng là khát vọng bao đời của họ đang dần dà bị teo lại và có khi mất sạch. Mà đất đai, “quốc gia công thổ” lại nằm trong tay nhà cầm quyền. Nhân danh nhà nước, nhân danh sở hữu toàn dân, họ tha hồ thao túng, mà nông dân thì chỉ còn ngậm đắng nuốt cay để trở lại với câu than thở cho thân phận người thấp cổ bé họng: “Trời sao trời ở không cân. Kẻ ăn không hết, người lần không ra”.

“Trời” nói đây có lẽ là “những ông trời con” đang nắm lấy “cán cân công lý” vào buổi nhiễu nhương pháp luật như trò đùa, muốn nghiêng bên nào cũng được, điển hình là vụ Ba Sương, anh hùng thời kỳ Đổi mới cả cha lẫn con trên Nông trường Sông Hậu, được phong tặng danh hiệu “người phụ nữ tiêu biểu của Đông Nam Á”, là Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯMTTQVN, vì “lực hút của đất” [từ đất nông nghiệp thành đất dự án với lợi nhuận khổng lồ] mà người phụ nữ ấy bị đẩy vào vòng lao lý hơn bốn năm trời, để rồi trước sức ép của dư luận người ta phải buông tha, hủy bỏ bản án!

Nhưng dù sao thì Ba Sương cũng là người có “danh phận” nổi trội để có thể gọi dậy dư luận, còn biết bao thân phận thấp cổ bé miệng khác thì biết kêu ai như bà Vũ Thị Hải ở Nho Quan, Ninh Bình mà báo Đại Đoàn Kết số ra ngày 30/1/2012 vừa nêu. Bà Hải cùng chồng khai hoang, trồng rừng, chồng chết vì tai nạn lao động lúc đào đất, nhưng rồi đất khai hoang của hai vợ chồng bà bị cướp sạch để rồi bà Hải lại trở thành người làm thuê ngay trên mảnh đất rừng vợ chồng bà khai hoang giờ đây chủ mới là ông Bí thư xã!

Và rồi, người nông dân không thể cam chịu. Tức nước vỡ bờ, đó là quy luật muôn đời. Sự kiện Thái Bình năm 1997 và sự kiện Tiên Lãng với cách ứng xử quyết liệt của người cựu chiến binh Đoàn Văn Vươn là sự phát triển logic của cuộc sống. Thật đáng suy nghĩ khi chị  Phạm Thị Hiền, vợ của anh Đoàn Văn Quý, em ruột ông Vươn cũng đang bị tù, nói rằng chị “không ân hận” về những gì xảy ra và gia đình chị “chấp nhận mất” để “xã hội được”. Chị biểu tỏ một thái độ rất đàng hoàng và đúng mực khi không coi vụ cưỡng chế đất đai hôm 5/1 là thi hành công vụ mà là “cướp“, vì vậy gia đình chị chỉ “tự vệ quá giới hạn“. Khi người nông dân nghĩ như vậy, và đã hành động như vậy thì tầm vóc của sự kiện Tiên Lãng diễn ra 15 năm sau sự kiện Thái Bình 1997 đã là một biến thái mới rất đáng suy ngẫm. Còn nhớ, khi nghe báo cáo về cuộc Khảo sát Xã hội học về sự kiện Thái Bình, do người viết báo cáo trình bày, đồng chí Phạm Văn Đồng đã không đồng tình khi người báo cáo trình bày rằng: “ở đây không có chuyện địch ta, mà chỉ là mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân”. Ông yêu cầu chỉnh lại: “Đây là mâu thuẫn giữa một bên là những người cầm quyền hư hỏng, thoái hóa biến chất đè nén, áp bức để dân không còn chịu được nữa, và bên kia là người dân phải vùng dậy đấu tranh. Có phân tích như vậy mới tìm ra được giải pháp đúng”! Quả là một nhận định thật tường minh và chuẩn xác. Đáng tiếc là điều ấy đã không được nghiêm cẩn thực hiện.

Và cái gì phải đến thì đã đến.

Tương Lai