Cam chịu tội để cứu muôn người

Lịch sử cho ta nhiều bài học quý, nhiều tấm gương sáng. Nguyễn Phục là một trong ngàn vạn tấm gương lấp lánh đó, ông quê ở xã Đoàn Tùng, huyện Gia Phúc, phủ Hạ Hồng sau cải là xã Đoàn Luân, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, nay là huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Đỗ tiến sĩ khoa Quý Dậu niên hiệu Thái Hòa thứ 11 (1453) đời Lê Nhân Tôn. Khi Thánh Tôn lên ngôi, ông được bổ chức Tham chưởng ở Viện Hàn Lâm rồi chính sự viện Tham nghị chính sự. Năm 1467 làm Thừa tuyên tham nghị Thanh Hóa. Vua có dụ rằng: Năm trước sai người đi sứ phương Bắc, được mạnh khỏe mà về. Năm nay cho gọi, lại dâng lời nói hay, đáng khen. Nay sai Giám thần Nguyễn Lôi mang bạc lạng thưởng để nêu lòng trung, hết tình của ta, nên nhận lấy (ĐVSKTT).

Ông có 3 lần đi sứ Trung Quốc. Khi về được phong Đại lý tự khanh tra xét các việc kiện tụng trong thiên hạ. Lại giữ chức Tả tham nghị ở hai viện Binh, Chính rồi làm chức Thân quân ty cấm y vệ Đô chỉ huy sứ ty Thiêm sự. Năm 1468 có lần vua bảo ông: Ngươi là trời chăng? Là quỷ thần chăng? Sao lại biết trước thế?

Năm 1470, vua Thánh Tôn thân đi đánh Chiêm Thành vì Trà Toàn hung bạo, kiêu ngạo, khinh rẻ và làm nhục sứ thần của ta và xâm nhiễu dân vùng biên giới. Vua cử ông làm Phi vận tướng quân chuyển thâu đội Tán lý đem lương thực đi đường biển. Đoàn thuyền lương của ông vào đến cửa biển Tư Khách ở Quảng Nam thì gặp bão to, sóng lớn, thuyền bè không thể nhích đi được, tiến trình thật gian lao vất vả. Quân lính sợ tội vì chậm trễ gắng sức chèo nên có thuyền đã bị đắm. Ông nói: Thà để một mình ta trái mệnh cam chịu tội dưới ba thước gươm, chẳng nỡ để lương thực quý giá bị lấp dưới làn sóng dữ và bao người vô tội bị làm mồi trong bụng cá.

Lúc ấy, trong quân viễn chinh thiếu lương thực vì thuyền lương thực chậm vào. Vua nổi giận, những kẻ hầu cận nhà vua lại đem lời gièm pha, nên nhà vua ra lệnh đem chém.

Khi vua nguôi giận, biết rõ sự thực vội tuyên chỉ tha tội cho ông, nhưng tiếc thay lệnh trước đã thực thi. Vua hối hận bèn phong làm Phúc thần, cho lập đền thờ ông.

Sau đó, ở 12 cửa biển miền Trung, 43 xã thôn của 3 phủ Hà Trung, Thiệu Hóa, Tĩnh Gia thuộc Thanh Hóa (nơi ngài đã làm quan trước đây), tại Nội am xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội và Ngọc Nữ Phúc Động xã Tiền Phong huyện Thường Tín Hà Tây cũng như ở quê hương Tứ Kỳ, Hải Dương đều đã lập đền miếu thờ ngài.

Khoảng năm Cảnh Thống (1498 – 1504) Ngài được tặng Văn trung chính nghị. Triều Nguyễn lại gia phong bốn chữ: Minh Đạo Hiển Ứng. Có nhiều chuyện nói về sự linh ứng của Ngài trong dân gian và được khắc cả vào bia, chép vào các sách như Ô châu cận lục, Tang thương ngẫu lục, Bắc thành địa dư chí lục, Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, Thông quốc thần kỳ…

Đền thờ Ngài lấy tên hiệu của ngài là Tùng Giàng từ, tại quê hương lâu ngày hư đổ, đến năm Vĩnh Tộ thứ 4 (1622) có viên Đồng tri phủ bản hạt đã cùng các nhà nho của huyện Gia Phúc, Tứ Kỳ, Vĩnh Lại đứng ra tu tạo lại, và dựng bia ghi sự tích Ngài. Bia này do Tiến sĩ khoa Nhâm Thân (1592) Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu, Tán trị Sơn Nam xứ Thừa chánh sứ, tước Lương Xuyên bá Phạm Đôn Phu soạn.

Qua lời nói của Nguyễn Phục, qua cái chết oan mà ngài đã nhận để đề cao quân pháp há chẳng phải là một tấm gương của người xưa để lại cho chúng ta soi chăng? Sống và làm việc theo pháp luật phải chăng là như vậy.

Hoàng Lê