Một con người bị lãng quên

Tin ông Nguyễn Văn Vĩnh qua đời trên núi rừng nước Lào ngày 2 tháng 5-1936 đã khiến mọi người ở Hà Nội bàng hoàng. Quả thật là ai cũng biết một trong những nhà báo và dịch giả văn học phương Tây nổi tiếng của Việt Nam đầu thế kỷ XX, đã gặp những khó khăn nghiêm trọng về tài chính. Ông phải tìm cách để trả những món nợ chất chồng từ cuộc suy thoái kinh tế năm 1929, đặc biệt là những khoản tiền lớn đối với Henri de Monpezat, ông chủ đồn điền nổi tiếng ở Bắc Kỳ. Sự việc tồi tệ đến mức cảnh sát đã được lệnh bắt giữ ông. Tháng 3, ông rời bỏ việc chỉ đạo tờ L’Annam Nouveau, rồi bán của cải, từ biệt vợ con để sang Lào đi tìm vàng cùng với người bạn lâu năm, ông Clémenti.

Mọi người đều chờ đợi ông được vực dậy, như ông đã từng làm trong quá khứ. Nhưng ông lại phải chết vì bệnh lỵ do không được chăm sóc, trong khi vẫn tiếp tục đi tìm vàng. Giống như một nhà văn anh hùng của ông, Alexandre Dumas, ông đã chết không một xu dính túi.

Tại sao lại có sự ngộ nhận đối với Nguyễn Văn Vĩnh?

Nguyễn Văn Vĩnh vốn dĩ là một con người kỳ quặc. Ông là một nhân vật mà mới gặp người ta đã bị hấp dẫn ngay vì đầu óc nhậy bén, vì trí thông minh tuyệt vời, với lòng tự tin kỳ lạ, ngược lại, người ta cũng có thể bị xa lánh vì tính cao ngạo đôi khi cục bộ, và cách ăn nói châm biếm chua cay. Ông thích va chạm với những tư tưởng mới tiếp thu và thích tranh luận. Báo chí là niềm đam mê của ông, là một diễn đàn tranh luận, nơi trao đổi ý kiến, một phương tiện mà ông nghĩ có thể tấn công vào những vấn đề xã hội và chính trị của thời đại.

Tất nhiên ông không phải là người duy nhất. Nhưng nếu Nguyễn Văn Vĩnh là một khuôn mặt xuất sắc của giới văn hóa giữa hai cuộc chiến, thì điều đáng được lưu ý là ông bị giới sử học hiện tại bỏ qua. Đối với sử học Việt Nam sau năm 1954, cuộc đời ông tất nhiên đặt ra những vấn đề gai góc (1). Suy cho cùng, ông đã hợp tác chặt chẽ với chính quyền thuộc địa Pháp, bảo vệ chế độ trực trị của người Pháp ở Việt Nam (và cả Đông Dương). Sự việc ông lui tới các nhóm xã hội thuộc địa đã khiến cho ông không được đồng bào yêu nước của ông chấp nhận. Thậm tệ hơn, dưới con mắt những người quốc gia, ông đã chế diễu không thương tiếc một số phong tục và tập quán Việt Nam mà ông cho là lỗi thời và kém văn minh. Nhưng một sự kiện khiến ông phải trả giá đắt hơn nhiều đối với những bảo vệ ký ức thời hậu thuộc địa: trong một cuộc tranh luận năm 1932 với ông Huỳnh Thúc Kháng, ông Vĩnh đã đả kích kịch liệt trên những trang của báo L’Annam Nouveau một trong những nhân vật yêu nước vĩ đại của Việt Nam hiện đại – Phan Bội Châu – gọi ông là nhà cách mạng nhỡ tàu và là kẻ xu phụ thảm hại (2). Nói tóm lại, thời đó ông Vĩnh đã có nhiều kẻ thù trong những người quốc gia chủ nghĩa.

Ba nhà văn hóa lớn đất Bắc những năm 1920 – 1930. Từ trái sang: Phạm Duy Tốn, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh.

Lại càng khó giải thích sự thiếu vắng rõ ràng của Nguyễn Văn Vĩnh trong những nghiên cứu của người Pháp về văn học và văn hóa Việt Nam. Nếu Phạm Quỳnh luôn chiếm một vị trí đáng kể trong những nghiên cứu đó, thì ngoài cuốn Dẫn luận về văn học Việt Nam mà Maurice Durand có nhắc đến, ta tịnh không thấy cái tên Nguyễn Văn Vĩnh (3). Ngay cả những tác giả đặt vấn đề “viết tiếng Pháp” trong sự tiếp cận lịch sử của mình, kỳ lạ thay cũng không biết đến con người và công trình của ông (4). Sự sơ suất đó thật khó giải thích.

Nguyễn Văn Vĩnh được nói đến nhiều hơn trong các công trình tiếng Anh, dù cho những trích dẫn đó phần lớn chỉ hạn chế trong khái niệm của ông đối với phụ nữ và báo chí (5). Một điều đáng lưu ý: những nghiên cứu tốt nhất về con người và tác phẩm của ông đều được viết sau năm 1954 ở nước Việt Nam Cộng hòa. Một số đặc biệt của tạp chí Văn học (Sài Gòn, 1970) đã dành toàn bộ cho tác gia này, là một minh chứng xuất sắc (6). Dù ở Việt Nam ngày nay đang có ý muốn phục hồi Nguyễn Văn Vĩnh, thì ngoài những nghiên cứu thực hiện dưới thời Việt Nam Cộng hòa, cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Văn Vĩnh vẫn rất ít được biết đến.

Nguyễn Văn Vĩnh và những tiếp cận khác với “lịch sử thuộc địa” ở Việt Nam

Qua những công trình dịch thuật, những kịch bản, những công trình báo chí, sự vận dụng tinh tế chữ quốc ngữ, Nguyễn Văn Vĩnh đã hành động như một trong những người môi giới quan trọng nhất giữa văn hóa phương Tây được du nhập qua các chương trình thuộc địa, với nền văn minh Việt Nam mà ông tìm cách thay đổi ngấm ngầm. Với hai chân đứng trên hai thế giới đó, Nguyễn Văn Vĩnh đã sử dụng những phương tiện hiện đại của ấn loát và biên dịch để chuyển tải văn hóa phương Tây và phổ biến những tư tưởng hiện đại trong xã hội Việt Nam. Dù cho ông không bao giờ được chấp nhận khi sinh thời, ông vẫn góp phần mở ra con đường đi tới một cuộc cách mạng văn hóa rộng lớn ở Việt Nam vào những năm 1930, một cuộc cách mạng mà trên mức độ nào đó, đã được khởi động lại ở nước Việt Nam XHCN từ khi cuộc Đổi mới đã làm giảm nhẹ phần nào sự kiểm soát chặt chẽ những biểu hiện văn hóa đã được Nhà nước thi hành.

Nguyễn Văn Vĩnh còn khiến ta quan tâm vì ông chủ trương hiện đại hóa Việt Nam phải được thực hiện trong sự liên minh với nước Pháp thuộc địa. Nói như vậy không có nghĩa là hạ thấp Nguyễn Văn Vĩnh, để nhìn ông như một tên tay sai thân Pháp hay ngược lại đưa ông thành một nhà quốc gia chủ nghĩa “nói tiếng Pháp” hay một “nhà cách tân chân chính” không phải cộng sản. Ông quả thật là người phát ngôn chủ chốt và liên minh với quyền lực thuộc địa mà ông không phải là người duy nhất. Nhưng thay vì lên án ông ngay trên quan điểm chống thực dân, thì cần thiết phải đứng trên quan điểm đặt vấn đề lịch sử để hỏi tại sao ông lại quan niệm hiện đại hóa toàn diện Việt Nam dưới hình thức liên minh với các đề án thuộc địa Pháp ở Đông Dương. Ngược lại, chúng ta có thể đặt một cái nhìn mới đối với một nhóm người Việt Nam đông đảo đã chủ trương hiện đại hóa và giải phóng chính trị cho Việt Nam dưới hình thức một khế ước với người Pháp. Chúng ta hãy nghĩ đến Phan Châu Trinh, Bùi Quang Chiêu, Phạm Quỳnh, Huỳnh Thúc Kháng và nhiều người khác (kể cả Nguyễn Ái Quốc trong giai đoạn đầu). Toàn quyền Albert Sarraut đã làm họ tăng thêm hy vọng bằng lời hứa hẹn một sự tiến hóa chính trị đi tới khả năng tự trị, mà ngày nay chúng ta biết, không phải được thực hiện dễ dàng. Nhưng thực ra vào đầu thế kỷ XX không ai biết được.

Nguyễn Văn Vĩnh là một ví dụ rõ rệt về một con người bị cuốn vào trong vòng phức tạp của chế độ thuộc địa. Ông không phải là một nhà cách mạng chống thực dân. Nhưng dù cho chủ nghĩa cộng sản và độc lập dân tộc là những dữ kiện tiên quyết, thì đấy không phải là những chủ đề tranh luận duy nhất, cũng không phải là viễn cảnh tương lai duy nhất: văn hóa, tôn giáo, kỹ thuật, kinh tế và bình đẳng xã hội cũng là những phương tiện hoạt động có tầm quan trọng ngang nhau (7). Chúng ta hãy dành việc nghiên cứu sâu hơn những tư tưởng chính trị của Nguyễn Văn Vĩnh về sau. Điều chúng ta quan tâm ở đây là những hoạt động xã hội-văn hóa của ông giữa những phức tạp của chế độ thuộc địa.

 

Chú thích:

  1. Ta không thấy tên Nguyễn Văn Vĩnh trong Tuyển tập văn học Việt Nam (tiếng Pháp), tập III, Hà Nội, Nxb Ngoại văn, 1975.
  2. Nguyễn Văn Vĩnh, “Phan Bội Châu: nhà cách mạng hối cải”, AN (24-4-1932), (28-4-1932) và (22-5-1932).
  3. Maurice Durand và Nguyễn Trần Huân, Introduction à la littérature vietnamienne, Paris, Maisonneuve et Larose.
  4. Nguyễn Văn Vĩnh không xuất hiện trong công trình gần đây của Bernard Hue, Văn học bán đảo Đông Dương, Paris, Karthala, 1999. Ông cũng vắng mặt trong công trình của Thanh Tâm Langlet và Thu Trang Gaspard, “Các tác giả Việt Nam viết tiếng Pháp: Một ví dụ trao đổi văn hóa”, Études vietnamiennes, số 2 (1998), tr. 90-107. Trong “Nước Việt Nam và tiếng Pháp” của Nguyễn Khắc Viện cũng không nói một câu, cũng như trong “Văn hóa Pháp ở Việt Nam” của Cù Huy Cận, cả hai bài đều đăng trên tạp chí Xưa & Nay, số 45 (11-1997), tr. II-IV và XIII-X.
  5. Neil Jamieson, Alexander Woodside và Hồ Huệ Tâm đã có một cái nhìn sâu sắc đối với công trình của Nguyễn Văn Vĩnh.
  6. Văn học (Sài Gòn), số 111 (tháng 9-1970). Xem thêm Kiêm Đạt, Luận đề Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh, Sài Gòn, Nxb Trẻ, 1958.
  7. Đặc biệt xem David Marr, Vietnamese Tradition on Trial, 1920-1945, Berkeley, University of California Press, 1981.