Đánh bằng trí tuệ của nhân dân Việt Nam

Biết anh Hoàng Minh Giám ốm. Hai tuần trước, tôi đến thăm anh hai lần. Bỗng nhận được thư anh mời tôi đến gặp anh. Anh ở một biệt thự phố Tăng Bạt Hổ. Đúng hẹn, lúc tôi đến, người nhà đã chờ ở cửa và đưa tôi lên gác.

Anh đang nằm trên ghế vải. Thấy tôi anh cười, tự chống tay vào thành ghế ngồi dậy và đi lại phía bàn. Sau khi cùng tôi uống chén nước chè nóng mới pha, anh nói: “Lại sắp đến ngày kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ, mình định viết một bài về Bác, nhưng tay run quá không viết được nên mời anh đến tôi kể để anh viết”.

Tôi hỏi: Viết đề tài gì về Bác?

Chuyện Bác gặp Paul Mus, đặc phái viên của Cao ủy Pháp Bollaert đầu tháng 5-1947 ở Việt Bắc.

 

Năm 1947, Hoàng Minh Giám là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, chỉ có Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Ngoại giao tiếp Paul Mus. Tài liệu về cuộc tiếp xúc ấy, chắc chắn sẽ hấp dẫn.

Tôi chuẩn bị giấy bút và nghe anh nói:

– Ngày 25-4-1947 Chính phủ ta gửi thông điệp cho Bollaert đề nghị hai bên ngừng bắn, gặp nhau bàn lập lại hòa bình ở Việt Nam. Bollaert trả lời trên đài sẽ cử một phái viên đến gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh để chuyển thông điệp của Bollaert.

Sau khi nhận được tin trên, Bác đã gọi tôi và anh Phan Mỹ đến để giao nhiệm vụ.

Bộ trưởng Hoàng Minh Giám dẫn đầu Chính phủ

Bộ trưởng Hoàng Minh Giám cầm đầu phái đoàn Chính phủ đi kinh lý ở Liên khu 10 trong kháng chiến chống Pháp (người hàng đầu cầm mũ trắng).

Bác nói ngay, cuộc họp này không có kết quả gì đâu, nhưng về phía ta có dịp cho phái viên Pháp thấy rõ toàn thể nhân dân Việt Nam cùng Chính phủ Việt Nam quyết tâm chống xâm lược. Bằng những sự thực mắt thấy tai nghe, phái viên này sẽ báo cáo cho Bollaert và Bộ Tham mưu của chúng biết.

Bác nhìn về phía anh Phan Mỹ.

Chú được cử đi đón phái viên của Bollaert và đưa đến gặp tôi. Đang chiến tranh phải giữ bí mật nên chỉ đi đêm, ngày nghỉ. Phái viên sẽ thấy mọi sinh hoạt của nhân dân ta như sản xuất, buôn bán làm ăn đều chuyển hướng theo thời chiến và sẵn sàng chiến đấu.

Còn chú Giám chú chọn một địa điểm ở một đô thị nào đó để tôi và chú tiếp khách vào một buổi tối. Buổi tiếp đơn giản nhưng văn minh lịch sự như hồi chúng ta ở Hà Nội.

Điểm hẹn gặp nhau ở phía Bắc Cầu Đuống vào hồi 13 giờ một ngày đầu tháng 5-1947. Ngày hôm đó cả hai bên Việt Pháp ngừng hoạt động quân sự trên đất, dưới sông và trên không ở khu vực đó.

Gần đến giờ hẹn, đồng chí Phan Mỹ và hai dân quân từ một cái lán ở chân đê đi lên đường về phía Cầu Đuống. Về phía nam cầu, một người cầm cờ trắng đi trước, có hai người theo sau.

Gặp nhau, đồng chí Phan Mỹ tự giới thiệu, tôi Phan Mỹ, Chánh văn phòng Phủ Chủ tịch được lệnh đón phái viên của Cao ủy Bollaert.

Một người Âu tự giới thiệu, tôi Paul Mus, đặc phái viên của Cao ủy Bollaert được cử đi gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh để trao bức thông điệp của cao ủy.

Đồng chí Phan Mỹ chỉ con đường số 1 và số 3 đã phá và nói: Các đường lớn của chúng tôi đều như thế, nên không có xe đưa ông đi. Chúng ta đều đi bộ và đang chiến tranh nên chỉ đi đêm, ban ngày nghỉ. Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ tiếp ông ở một nơi cách đây chừng 5, 7 chục cây số.

Paul Mus nhận lời, chỉ đề nghị trong những ngày đi đường được cung cấp sinh hoạt. Đồng chí Phan Mỹ chấp nhận.

Đồng chí Phan Mỹ, Paul Mus cùng hai dân quân quay lại đường số 3 đi khoảng hơn một cây số thì rẽ xuống con đường nhỏ, hai bên đường là đồng ruộng. Đi thêm độ bốn cây số, người dân quân đưa Phan Mỹ và Paul Mus vào một nhà trong một xóm nhỏ, xung quanh trồng tre. Trong nhà không có người và đồ vật gì, ngoài hai cái giường.

Đồng chí Phan Mỹ nói: Đây là vùng chiến sự dễ lan đến, nên nhân dân đã mang đồ đạc chuyển đi xa, tối mới về làm công việc đồng ruộng. Mời ông đi nghỉ đến tối sẽ đi.

Đúng 7 giờ tối đồng chí Phan Mỹ nói với Paul Mus:

Đây là lần đầu tiên ông phải đi bộ xa ở Việt Nam. Chúng ta đi một giờ được khoảng 4 cây số, nghỉ 15 phút rồi đi tiếp. Đi 3 giờ nếu ông khỏe thì đi thêm một giờ nữa.

Paul Mus trả lời, cứ đi 4 tiếng, tôi đủ sức khỏe đi với ông.

Bộ trưởng Hoàng Minh Giám ở Liên khu 10. Ảnh tư liệu của Hoàng Vĩnh Hạnh.

Bộ trưởng Hoàng Minh Giám ở Liên khu 10. Ảnh tư liệu của Hoàng Vĩnh Hạnh.

Đêm mùa hè bầu trời nhiều sao, lại có mảnh trăng khuyết, nên không tối lắm. Paul Mus thấy nhiều bóng người, xung quanh làng và cả nơi xa có nhiều người đang làm việc trên những cánh đồng.

Gần một giờ đêm, người dân quân đưa đồng chí Phan Mỹ, Paul Mus và hai người giúp việc vào một ngôi nhà ở ngay đầu làng. Đồng chí Phan Mỹ và Paul Mus ngủ ở nhà ấy. Hai người giúp việc đi nhà khác. Đến sáng, chủ nhà là một nông dân đến chào hai ông khách và hướng dẫn khách ra nơi rửa mặt và tắm ở một bể nước cạnh nhà. Nhà tắm làm bằng tre sơ sài. Xa xa là khu vệ sinh, rồi đưa khách ra vườn trồng cây ăn quả. Trong vườn đã đào sẵn mấy hố để khi có máy bay thì có chỗ tránh.

Gần nhà là đình của làng, có sân rất rộng. Đông đảo thanh niên đang được hướng dẫn luyện tập quân sự.

Quá trưa, người chủ nhà bê một cái khay, có mấy cái bắp ngô luộc và hai bát nước ngô nóng, mời khách. Đồng chí Phan Mỹ nói với Paul Mus: “Đây là hai bát nước ngô mới luộc có vị ngọt của thiên nhiên, người Việt Nam ưa uống nước này, vừa bổ lại vừa mát!”. Paul Mus uống, gật đầu khen ngon và cảm ơn chủ nhà.

7 giờ tối lại đi. Qua mấy đêm Paul Mus nhận thấy càng đi sâu vào vùng kháng chiến, sự hoạt động của mọi tầng lớp nhân dân càng nhộn nhịp. Đã có những khu phố mới hình thành ở cạnh đường. Nhìn cách ăn mặc thì biết ngay là người Hà Nội. Họ buôn bán đủ các thứ hàng hóa. Có cả những quán giải khát, quán cơm và quán phở. Rất nhiều người đi lại tấp nập. Có từng đoàn xe đạp thồ những bao nặng hai bên xe. Paul Mus đoán là gạo hoặc muối. Nhiều lần qua những ngã tư, có dân quân ngăn đường, để bộ đội hành quân, mà Paul Mus và những người đi đường phải đợi rất lâu. Đi trong đêm tối các khách bộ hành mang nặng hàng hóa, nhưng họ vẫn cười nói vui vẻ.

Một đêm, trước khi gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Phan Mỹ và Paul Mus được dẫn vào ven một đô thị.

Đô thị cũ đã bị phá nhưng nhiều phố có nhiều nhà mới làm bằng tre lợp lá cọ. Nhà nào cũng thắp đèn sáng để bán hàng. Rất đông người đi lại mua bán. Một đô thị buôn bán sầm uất như những khu phố ở ngoại thành Hà Nội mà Paul Mus đã biết. Mãi về sau, Paul Mus mới biết nơi đó là thị xã Thái Nguyên.

“Phần việc của tôi – anh Hoàng Minh Giám nói – Sau khi trao đổi với một số cơ quan, chúng tôi chọn thị xã Thái Nguyên là nơi Hồ Chủ tịch tiếp phái viên của Cao ủy Bollaert và được Bác đồng ý”.

Chúng tôi chọn một công sở còn lại một nền nhà lát gạch rộng chừng 50m ở một phố vắng. Các chiến sĩ công binh nghiên cứu, chuẩn bị nguyên vật liệu và dựng một ngôi nhà che kín bốn mặt bằng vải bạt trong 3 giờ trước khi Paul Mus đến.

Một căn phòng rộng có chiếc bàn to, hai bên có ghế để Hồ Chủ tịch và tôi tiếp đặc phái viên. Một phòng nhỏ hơn, có đủ tiện nghi để bộ phận lễ tân làm việc.

Khoảng 9 giờ tối ngày 12 tháng 5, người lính cảnh vệ đứng gác bên ngoài mở cửa để đồng chí Phan Mỹ và Paul Mus bước vào rồi lại đóng cửa ngay.

Dưới ánh đèn măng sông, Paul Mus thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Hoàng Minh Giám ngồi ở phía trong.

Paul Mus xúc động khi bắt tay Chủ tịch, thấy Người vẫn giản dị lịch sự như lúc ở 12 phố Ngô Quyền, nơi mà trước đây ông đã được gặp.

Người nói:

– Ông mới ở xa đến, chắc còn mệt. Ông hãy nghỉ một lát và mời ông uống nước chè đường cho lại sức.

Mười lăm phút sau, Người nói:

– Ông chuyển cho tôi bức Hoàng điệp của ông Bollaert?

Paul Mus cảm ơn Hồ Chủ tịch đã vui lòng tiếp ông và xin phép đọc thuộc lòng bản thông điệp không có văn bản của Bollaert, trả lời bức thư đề nghị ngừng bắn của Chính phủ ta đề ngày 25-4-1947.

Thông điệp của Bollaert nêu bốn điều kiện cho ngừng bắn, trong đó điều thứ tư là Chính phủ Việt Nam phải trao cho Pháp tất cả những người nước ngoài (ý nói: Người Nhật và người Pháp) đã chạy sang phía Việt Nam.

Sau khi nghe những điều kiện ngạo mạn của Cao ủy Pháp, Hồ Chủ tịch nghiêm nét mặt, ôn tồn nói:

– Ông Mus! Tôi nghe nói ông đã tham gia cuộc kháng chiến chống Hitler của nhân dân Pháp, điều đó có đúng không?

– Thưa Chủ tịch, đúng.

– Vậy, nếu ở địa vị tôi, ông sẽ có thái độ như thế nào với bản thông điệp của ông Bollaert? Ông có thể nhận những điều kiện đó không?

Paul Mus lúng túng… Bác nói tiếp:

– Tôi nghe nói ông Bollaert cũng tham gia cuộc kháng chiến chống Hitler và có thành tích. Những điều kiện ông ấy đưa ra để ngừng bắn có nghĩa gì? Có nghĩa là ông ấy đòi chúng tôi phải đầu hàng. Lại còn điều liên quan đến những người nước ngoài, đứng trong hàng ngũ kháng chiến Việt Nam chống thực dân. Phải là một con người hèn mạt mới chấp nhận điều đó. Nếu chúng tôi chấp nhận chúng tôi sẽ là kẻ hèn nhát. Trong Liên hiệp Pháp không có chỗ cho những kẻ hèn nhát (1).

Paul Mus im lặng, gật đầu, tỏ ý đồng tình. Rồi nói:

– Tôi hiểu. Thưa Chủ tịch tôi hiểu – Thế rồi ông ta không nói đến bản thông điệp nữa.

Bác giải thích về lập trường của Chính phủ và nhân dân ta, yêu chuộng hòa bình, muốn có quan hệ với nhân dân Pháp nhưng kiên quyết kháng chiến để bảo vệ độc lập và thống nhất của Tổ quốc mình.

Paul Mus thừa nhận rằng đó là những tình cảm và ý chí chính đáng, hứa sẽ báo cáo với Cao ủy Bollaert những ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông ta chúc sức khỏe Bác, và lúc chào từ biệt tỏ ra cảm động thực sự. Lời cuối cùng của ông ta lúc về là: “Xin Chủ tịch hãy dũng cảm” (Du courage Monsieur Le Président).

Bác đáp lại: “Luôn luôn, tất nhiên” (Toujours! Naturellement).

Một sự việc nhỏ, có lẽ đã làm cho Paul Mus ngạc nhiên. Khi cuộc tiếp kiến kết thúc, các đồng chí phục vụ đã bưng ra mấy cốc rượu sâm banh để Bác mời khách uống, trước khi ông ta rút lui vào bóng tối của đêm khuya.

Bollaert và Bộ tham mưu nghe Paul Mus báo cáo tỉ mỉ cuộc tiếp kiến với Chủ tịch Hồ Chí Minh gần hai giờ trong một đêm ở chiến khu Việt Bắc. Đến đoạn Hồ Chủ tịch nói: “Tôi nghĩ rằng trong Liên hiệp Pháp, không có chỗ cho những kẻ hèn nhát”, mọi người đều thấy là Hồ Chủ tịch coi trọng Liên hiệp Pháp, riêng Bollaert lặng người vì hổ thẹn.

Năm năm sau, khi cuộc chiến tranh vẫn tiếp diễn, Paul Mus viết và xuất bản cuốn Việt Nam, xã hội học về một cuộc chiến tranh (2). Paul Mus đã phê phán nội dung bản thông điệp mà ông ta được giao nhiệm vụ chuyển đến Hồ Chủ tịch. Trong cuốn sách, có đoạn viết: “Có một điều cần suy nghĩ. Chúng tôi thấy trên báo hay trên diễn đàn người ta thường tuyên bố một cách ít nhiều bán chính thức, và đôi khi còn hơn thế, rằng chúng ta không phải dùng đến giải pháp hiện nay, vì Chính phủ Việt Nam DCCH đã bác bỏ tất cả mọi điều kiện đàm phán, mà chúng ta đã “không ngừng” nhắc đi nhắc lại, và những điều kiện đó do tự tay tôi đưa đến lần cuối cùng cho Chủ tịch Hồ Chí Minh giữa lòng chiến khu. Những lời cải chính nói rõ lại của tôi không được người ta lắng nghe. Tuy nhiên có một sự kiện lịch sử được đăng trên Công báo, theo lời tuyên bố của một vị Bộ trưởng có trách nhiệm, rằng tháng 4-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh có đưa ra một đề nghị chấm dứt xung đột; lại cũng là một sự kiện, được xác nhận cho một nguồn đó, là thông báo mà tôi đem đến để trả lời hoàn toàn không phải là một “đề xuất” từ phía chúng ta, mà là một sự liệt kê những điều kiện: nếu được chấp nhận, thì nó tương ứng với một sự đầu hàng không điều kiện” (trang 366, sđd).

Đồng chí Hoàng Minh Giám kết luận:

– Giữa năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh là thượng khách của Chính phủ Pháp. Chiều ngày 12-7-1946 Chủ tịch mở cuộc họp báo lần thứ hai ở lâu đài Royal Monceau Paris có một nhà báo Pháp hỏi:

“Thưa Chủ tịch, Chủ tịch tuyên bố nếu Pháp cố tình chiến tranh xâm lược thì quyết đánh lại chứ không sợ. Vậy Chủ tịch đánh bằng gì?”.

Bác đáp đanh gọn: “Đánh bằng trí tuệ của nhân dân Việt Nam”.

Cuộc hành trình qua nhiều vùng kháng chiến, và cuộc tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Paul Mus đã hiểu phần nào câu trả lời của Bác Hồ: Đánh bằng trí tuệ của nhân dân Việt Nam đã thể hiện trong cuốn sách của ông ta viết.

PHÍ VĂN BÁI ghi

 

Chú thích:

  1. Câu trả lời đó đã được nhà sử học Philippe Devillers đánh giá là câu nói lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau này được P.Mus ghi lại và được đăng tải trên nhiều báo: “Si nous acceptions cela, nous serions des lâches. Dans l’Union francaises, il n’y a pas de place pour les lâches”.

(2) Việt Nam – Sociologie d’une guerre, Nxb Seuil, 1952.