Dân tộc và độc lập dân tộc là cảm hứng sâu xa của Hòa thượng Tố Liên

Kỷ niệm 30 năm ngày viên tịch của Hòa thượng Tố Liên (1903 – 1977), Học viện Phật giáo Việt Nam và Viện Nghiên cứu Tôn giáo đã tổ chức cuộc hội thảo vào ngày 30 tháng 3-2007 tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, với chủ đề “Hòa thượng Tố Liên trong sự nghiệp xây dựng Phật giáo Việt Nam và Phật giáo thế giới”. Chủ trì hội thảo là Thượng tọa Thích Gia Quang dưới sự chứng minh của các vị Hòa thượng Thích Phổ Tuệ và Thích Thanh Tứ. Chúng tôi xin lược đăng tham luận của TS Nguyễn Quốc Tuấn, thay mặt Viện Nghiên cứu Tôn giáo.

Do một số lý do khách quan, chúng ta chưa có được sự tôn vinh đúng mực và kịp thời về thân thế và hành trạng đa diện và đầy công trạng của ngài đối với Phật giáo Việt Nam trong lúc đất nước ta trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp cho đến năm 1954. Thời gian đã cho thấy, bằng những hoạt động và trước tác trong một khoảng thời gian khá mật tập (1950-1952), một thái độ chính trị, một tình cảm dân tộc, trung thành với chân lý của đức Phật, một tài năng và bản lĩnh ngoại giao có thể được coi là hiếm hoi, để ngày nay ta có quyền nhắc đến sự thật ẩn giấu đã lâu rằng ngài là một người yêu nước sâu sắc và đã góp phần làm hiển danh tên tuổi của một nước Việt Nam mới trên trường quốc tế. Thế nhưng hẳn nhiên có những lý do để cho một thời chúng ta ngại ngần nói lên điều này. Dường như hai nhân vật nổi bật của phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc là Hòa thượng Trí Hải và Hòa thượng Tố Liên đã không được hiểu và đánh giá một cách công tâm và bình tĩnh về những đóng góp của hai ngài trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, mà tuy không nói ra, song là bởi hai ngài ở lại Hà Nội sau khi toàn quốc kháng chiến diễn ra. Đúng như thế, các nhà sư có thể tham gia kháng chiến bằng nhiều cách thức, phù hợp với tình hình và phù hợp với bản tính người con Phật nơi các ngài. Xông ra trận tiền, bị giặc giam cầm tù đày là một cách thức dễ làm lay động lòng người như Hòa thượng Thiện Chiếu, Hòa thượng Thanh Tứ và các nhà sư cởi áo casa để đánh giặc đã minh chứng. Nhưng cách thức như Hòa thượng Trí Hải, Hòa thượng Tố Liên giữ gìn đạo mạch trong khi chùa chiền và Phật tử đang trong vòng cương tỏa của thực dân là một biểu hiện khác mà ta cần ghi nhận.

Các đại biểu đọc tham luận (từ trái sang): Thượng tọa-TS Thích Đồng Bổn, Thượng tọa Thích Minh Trí.

*

Chúng tôi nghĩ có thể nói về chủ đề này mà không sợ bị hiểu sai quá nhiều so với ý nghĩ của ngài khi dựa cuốn Ký sự phái đoàn Phật giáo Việt Nam đi Ấn Độ và Tích Lan  (1) do chính tay ngài viết sau khi thăm viếng và tham dự Đại hội Liên hữu Phật giáo tại Colombo, Sri Lanka năm 1950. Thông qua cuốn ký sự, ta có thể thấy tình cảm lay động lớn lao dường nào khi ngài thăm lại các cổ Phật tích xa xưa, khiến ngài có được niềm tin sâu xa rằng con đường ngài đi theo lời chỉ dẫn của đức Phật là đúnghợp thời không chỉ cho riêng mình mà cho cả nhân loại – chúng sinh và dân tộc, song không bao giờ lại quên một sứ mệnh cao cả là đem đến một hình ảnh Việt Nam có thực và đang đấu tranh vì độc lập Tổ quốc đối với tối thiểu là các bạn Ấn, rồi sau đó là bạn hữu Đông Tây khác. Để hiểu rõ hơn, hãy lần lượt đọc một số trích đoạn của ngài:

6. Ngài thủ hiến Bengale hỏi về Phật giáo và chính trị Việt Nam

Ngài Thủ hiến nói: “Tôi tuy không chính thức quy Phật, nhưng tôi rất tin Phật và rất mộ giáo lý của Phật, vì Phật dạy: Hạng người nào cũng theo được”. Ngài hỏi: “Bên Việt Nam cuộc chiến tranh Việt – Pháp đã yên chưa?”.

– Thưa Ngài, chưa yên!

Ngài nói: “Tôi đọc các báo có nói nhiều về sự đau khổ của dân Việt Nam, nên tối nào tôi cũng cầu nguyện cho nền độc lập của nước Việt Nam sớm thực hiện cho dân tình đỡ khổ”.

Những câu nói của Ngài Thủ hiến BENGALE vừa nói xong, khiến cho tôi thêm để ý xem dung mạo như thế nào, mà nói những câu thiết tha đối với dân Việt Nam như vậy. Quả nhiên tai to, trán cao, mắt sáng, tiếng nói dõng dạc, tầm người cao lớn, cả tướng mạo đáng kính, vận bộ quần áo vải gai phơn phớt trắng, biểu lộ một tư cách con người có vẻ trầm tiềm, cương nghị và nhân từ, khiêm tốn. Lúc mới tới, Ngài tiếp chúng tôi bằng cách vồn vã và thân mật như tình khế hữu. Tôi nghĩ luôn, Ngài đã kính mộ giáo lý của Phật, lại thân mật với chư Tăng, cố nhiên có tư tưởng mong cho thế giới hòa bình bằng cách không bạo động. Như vậy, những câu mà Ngài tiếp chúng tôi thành thực tự đáy lòng thốt ra”.

“8. Một vị đại đức hỏi về Phật giáo Việt Nam

Một hôm về buổi tối, một vị Đại Đức nguyên là Tiến Sĩ xuất gia đến phòng của tôi nói là sẽ hướng dẫn phái đoàn Phật giáo chúng tôi đi chiêm bái các nơi Phật tích. Theo chương trình thì phải đi tới mười ngày mới về. Tôi cám ơn và mời Đại Đức ngồi nói chuyện.

(…)

– Số Tăng, Ni ở Việt Nam có được bao nhiêu?

– Đích số thì tôi chưa biết rõ, nhưng ở Việt Nam rất ít làng không có chùa, có làng lại có đến hai ba chùa. Mỗi chùa cả thầy lẫn tiểu, ít nhất cũng tới ba người. Nhiều chùa có tới vài ba chục vị. Xem thế thì biết số Tăng, Ni ở Việt Nam không phải là ít.

– Thượng Tọa bao nhiêu tuổi mới xuất gia, tu ở chùa nào, thuộc về pháp phái nào?

– Tôi xuất gia giữa năm 1916, tức là năm lên 13 tuổi, thụ nghiệp Hòa Thượng tôi tại chùa Hương Tích ở tỉnh Hà Đông thuộc về pháp phái Lâm Tế.

– Thượng Tọa theo công cuộc chấn hưng Phật giáo đã được bao nhiêu năm?

– Đầu năm 1935, tôi đang tu niệm ở chùa La Sơn, bỗng bị nghiệp sư bắt ra giúp hội V.N.P.G vì có một số các yếu nhân của Hội đó vào tận chùa Hương Tích thỉnh cầu, nên Hòa Thượng tôi bắt phải ra chùa Quán Sứ để theo đuổi mục đích chấn hưng Phật giáo, chẳng may tôi bị bệnh phải xin tạm nghỉ về chùa Côn Sơn thuộc tỉnh Hải Dương điều trị, nhưng cũng không khỏi, sau lại phải ra bệnh viện Hà nội mổ giữa năm 1945 chính là năm nước chúng tôi bùng nổ cuộc cách mạng do Cụ Hồ Chí Minh lãnh đạo.

(…)

Công cuộc của Ủy ban Tăng già Bắc Bộ đó đang tiến triển thì cuộc chiến tranh Việt-Pháp bùng nổ, dân chúng và các Phật tử ở Hà nội chạy loạn hầu hết còn mấy vị chúng tôi, tử, sinh phó mặc cho định nghiệp, liều chết ở lại chùa Quán Sứ, lẽ cố nhiên phải đương đầu với đầy thảm trạng đau thương, cũng đều trông cậy có Phật lực che chở cho qua cơn sóng gió hết sức nguy nan khủng khiếp mới còn đến ngày nay, lại hân hạnh được sang nước Phật đây để được gặp gỡ các Phật tử thế giới…”.

Qua lời thuật lại với một vị đại đức, chúng ta đã rõ ngài ủng hộ ai trong cách mạng và kháng chiến của dân tộc chống thực dân Pháp: đó là Chính phủ của cụ Hồ. Và ngài đã tự thuật về việc ở lại Hà Nội như một sự giữ gìn đạo mạch trong cơn lửa khói, có thể coi đó là một sự âm thầm cống hiến cho đạo pháp cũng tức là cho dân tộc.

*

Cần có những thẩm định kỹ hơn các hoạt động của ngài ở Hà Nội, ta có thể dựa vào những tài liệu do ông Nguyễn Đại Đồng tập hợp như sau:

“Năm 1945 Ất Dậu

Cuối thành 12.1944 – tháng 01.1945, Ban Quản trị Hội Phật giáo Bắc Kỳ thỉnh Thượng tọa Tố Liên từ chùa Côn Sơn, Hải Dương về  giúp việc Hội tại chùa Quán Sứ, Hà Nội.

Sang tháng 2 (tức tháng Giêng năm Ất Dậu) nạn đói ngày càng trầm trọng. Thấy việc chỉ giúp quần áo mùa đông thôi là chưa đủ mà phải cứu đói nữa, Thượng tọa Trí Hải (đại diện Hội Phật giáo tại Ban Cứu tế mùa đông) cùng với Thượng tọa Tố Liên và cư sĩ Thiều Chửu thành lập Tổng hội Cứu tế. Tổng hội họp ra mắt ở chùa Quán Sứ, được các thành viên Ban Cứu tế mùa đông cộng tác và sự ủng hộ của các trí thức và nhà từ thiện khắp Bắc Kỳ. Tổng hội Cứu tế do ông Nguyễn Văn Tố một thành viên sáng lập Hội Bắc Kỳ Phật giáo làm Hội   trưởng, trụ sở đặt tại chùa Quán Sứ, Hà Nội.

Tổng hội đã tổ chức quyên góp giúp đỡ những người đói khổ, lập Cô nhi viện tại trường Phổ Quang nuôi hơn 200 trẻ thất lạc, bơ vơ trong nạn đói. Tổng hội cũng lập một trại nuôi đồng bào bị đói ở Ngã Tư Vọng – Giáp Bát (Hà Nội) cứu đói cho hàng nghìn người.

Trong tháng 11/1945, đại biểu Tăng già các tỉnh thuộc Bắc Bộ cùng đại biểu 3 hội: Phật giáo Cứu quốc, Phật tử Việt Nam, Phật giáo Việt Nam đã họp đại hội nghị và đã quyết nghị lập tại Bắc Bộ, trước khi đi đến chỗ đại hội nghị toàn quốc, một Ủy ban chấp hành Tăng già Phật giáo Việt Nam (2) mà hòa thượng Tố Liên được cử làm Phó Chủ tịch (…).

Báo Cứu Quốc số 113 ra ngày 10/12/1945 đăng danh sách 43 vị ứng cử đại biểu quốc hội khóa 1 ở Hà Nội có ông Nguyễn Thanh Lai tức Tố Liên chùa Quán Sứ Phật giáo hội, Nguyễn Hữu Thuyết bác sĩ số nhà 10 phố Hàng Bè, phó Hội trưởng Hội Phật giáo Cứu quốc, Hội trưởng Hội Phật tử Việt Nam, bác sĩ Trần Duy Hưng ở 73 Thợ Nhuộm, một Phật tử.

Năm 1946 Bính Tuất

Ngày 8.5.1946, Báo Diệu Âm cơ quan truyền bá Phật pháp của Ủy ban Tăng già Bắc Bộ ra số đầu tiên. Diệu Âm ra đời sau khi Đuốc TuệTinh Tiến đình bản, mỗi tháng Diệu Âm ra một kỳ (nguyệt san).

Mỗi số đều có Tin tức Phật giáo, đăng tin hoạt động của Phật giáo tại các tỉnh ở Bắc Bộ.

Trụ sở tòa báo tại số 73 phố Quán Sứ, Hà Nội.

Chủ nhiệm: Nguyễn Thanh Chân

Chủ bút: Nguyễn Thanh Lai hiệu Tố Liên

Ngày 25/6/1946, Hội Phật giáo Việt Nam ra Thông Bạch về việc muốn tránh những việc vô đạo đối với chư Tăng Ni, chủ các chùa:

Muốn tránh những việc vô đạo đối với các chư Tăng Ni, chủ các chùa, vậy xin yêu cầu ngài nào có đủ tài liệu chứng cứ về những việc đó, xin báo cáo cho Trưởng ban giám sát Hội Phật giáo Việt Nam biết để tìm phương ủng hộ. Nên đề phòng rất ngặt các thứ cờ bạc ở các chùa vì đã có lệnh của Chính phủ nghiêm cấm (…).

Trưởng ban Kiểm soát Hội Việt Nam Phật giáo

Tố Liên

Trong bài Tăng già muốn nâng cao trình độ thời phải nhiệt liệt tham gia vào việc Bình dân học vụ đăng trên nguyệt san Diệu Âm – cơ quan hoằng pháp của Ủy ban Tăng già Bắc Bộ, Thượng tọa Tố Liên viết: Các chiến sĩ quyết hy sinh tính mệnh ra nơi chiến địa, chiến đấu với quân thù để giữ vững non sông đất nước, thì đằng này các giáo viên hy sinh hết tâm lực thì giờ để tiễu trừ giặc dốt cho quốc dân, hai đường đều có công ân cứu quốc cả. Riêng tôi, thì tôi nhận thấy việc BDHV (Bình dân học vụ) còn mật thiết hơn…. toàn cõi Việt Nam mỗi chùa đều lập 1 trường BDHV, trường học đó lại là trụ sở tuyên truyền báo chí, đó là một phương pháp cải tổ nhân tâm rất giản dị mà có rất nhiều hiệu quả. Hầu khắp nước Việt Nam, làng nào cũng có chùa, vị sư chủ chùa nào cũng gắng gỏi cũng nhiệt liệt với công cuộc BDHV như vậy thì chẳng cần phải bỏ bút mặc chiến bào mà vẫn thành công tiễu trừ giặc dốt xóa cái nạn dân ngu như vậy chả là một biện pháp cứu quốc có hiệu lực ư.

Trên báo Diệu Âm số 6 ra ngày 25/7, trong bài Công cuộc cứu tế là bổn phận của đoàn thể Phật tử, Thượng tọa Tố Liên kêu gọi: cách tổ chức Hội cứu tế như sau:

  1. Lập ở mỗi huyện 1 hội do toàn thể tăng ni chủ sự. Ở các chùa và các nhà từ thiện trong huyện tổ chức và đoàn kết. Nếu phủ huyện nào cũng có hội thì tức là toàn tỉnh toàn bộ, toàn quốc đều có để kiểm soát lẫn nhau;
  2. Mỗi hội sẽ có mở nhiều viện cứu tế cho nhi đồng, người già yếu tàn tật. Song buổi đầu chỉ tổ chức 2 viện: 1 viện đồng ấu nam, 1 viện đồng ấu nữ.

Về nền tài chính của Hội: đối với 1 người thì đó là việc to, nhưng đối với toàn thể đồng bào hằng tâm hằng sản thì đó là chỉ là một việc dễ dàng. Các hình thức tạo nền tài chính như sau: 1. Tiền vào Hội. 2. Thóc quyên. 3. Tiền lạc quyên. 4. Tiền trợ cấp và thu được bằng các cuộc vui” (3).

Cho nên, sau ngày toàn quốc kháng chiến, việc ngài ở lại Hà Nội là có những câu thúc về đạo mạch, về Phật tử và tài sản của nhà chùa với một mong muốn là giữ lại những thứ đó cho qua khỏi cuộc chiến tranh. Lời thuật lại của ngài ở trên rất đáng trân trọng vì nó được viết ra trong khi ngài còn chịu phụ thuộc vào danh nghĩa của Chính phủ Bảo Đại thân Pháp để đi Ấn Độ và Sri Lanka.

*

Sự thể hiện lòng yêu quý và tự hào dân tộc của ngài còn ở chỗ ngài có một sự trình bày rất khúc triết về lịch sử Phật giáo Việt Nam. Ta hãy đọc đoạn trích sau:

15. Diễn giảng tại chùa Hội Phật giáo Đại Bồ Đề

Sáng ngày 20 tháng 5 năm 1950 (…).

(…) lễ khai xá lợi cử hành, tuy đơn giản nhưng rất mực trang nghiêm. Sau 10 phút lễ xong, Ông Tổng thư ký Hội Đại Bồ Đề giới thiệu Phái đoàn Phật giáo Việt Nam với cử tọa. Xong, tôi nhân danh Trưởng Phái đoàn tỏ lời cảm ơn và giới thiệu ông Phạm Chữ thay tôi lên diễn đàn dịch bài giảng của tôi nói về “Lược sử Phật giáo Việt Nam” ra tiếng Anh.

Dưới đây là trích đoạn bài diễn văn:

Thưa các Ngài,

Hiện nay Phật giáo đã là thế giới hóa, các nhà học Phật Đông, Tây đều suy tôn Ấn Độ là đệ nhất Tổ quốc Phật giáo, thế là lấy Ấn Độ làm Trung tâm điểm của Phật giáo thế giới. Đến Việt Nam chúng tôi cũng được thấm nhuần với nguồn dòng giáo lý từ bi bình đẳng ấy gần 2.000 năm nay (189-1950) cố nhiên Phật giáo Việt Nam phải có một lịch sử sự thật.

Trước khi bàn đến lịch sử Phật giáo Việt Nam, chúng tôi cảm thấy tận đáy lòng thành thật xin bộc bạch với Quý Ngài rằng: Chúng tôi bao giờ cũng tu trì theo chân lý tuyệt đối của chư Phật, không hề manh tâm tranh giành lấy một thiên lịch sử cho Phật giáo Việt Nam, cũng không dám mong phô trương nền tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam. Chẳng qua vì giữa nhân loại đương xô đẩy nhau đi tìm lịch sử của hiện tượng để nghiên cứu, để học hỏi. Phật giáo cũng đã là pháp môn hiện tượng thích hợp với lòng mong cầu của nhân loại, có đủ phép này phép khác để trị sạch hết hiện tượng thảm họa đương diễn giữa nhân loại. Nói tóm lại Phật giáo đã là pháp môn hiện tượng bao la giữa đại đồng thế giới, đem thu hẹp lại thì Phật giáo cũng đã là một tôn giáo truyền bá vào nước Việt Nam. Chúng tôi là người được thấm nhuần, ngày nay may mắn lại được gặp các Ngài ở đây đều là Phật tử, đều là Phật lữ hay ít nhất cũng đều là người có Phật tính, lẽ nào lại không mạnh bạo đem những chỗ đã nghe, đã học về lịch sử Phật giáo Việt Nam, hầu mong cống hiến Quý Ngài, để đền bù những tấm thịnh tình vô biên của Quý Ngài đối với Phái đoàn Phật giáo Việt Nam chúng tôi, tức là đối với cả dân tộc Việt Nam và tín đồ Phật giáo Việt Nam (…).

Nền Phật giáo lại còn đào tạo nên những bậc Pháp sư kiêm Thái sư giúp vua trị nước, ơn thắm muôn dân ở hai triều Đinh Lê như Khuông Việt Thái sư, giúp vua Lê Đại Hành giữ ngoại giao; như Ngài Đỗ Thuận Quốc sư dự bộ Tham mưu, bàn tính quốc quân đại sự; như Vạn Hạnh Quốc sư giáo dục cho ông Lý Công Uẩn trở nên bậc hiền quân; như Khánh Vân Pháp sư. Ở Việt Nam mà nói đến Phật giáo hết thảy đều tán dương Phật giáo về đời Lý, đời Trần. Vì các đời đó có các vị vua thâm ngộ thuyền tâm như Thánh Tôn, Anh Tôn và Cao Tôn nhà Lý đến nhà vua xuất gia thành Phật như Nhân Tôn nhà Trần, Trạng Nguyên xuất gia chứng ngộ chánh pháp nhãn tạng như Huyền Quang Pháp sư. Còn đến những bậc Tuệ Nghiệp Pháp sư, văn nhân cư sĩ thật không sao kể xiết.

Nước Việt Nam có thể gọi là một nước Phật giáo, vì hầu hết mỗi làng đều có chùa chiền thờ Phật, Tăng Ni tu hành, mặc dầu hơn 300 năm nay, Phật giáo ở Việt Nam đã bị suy kém vì hoàn cảnh nội loạn và ngoại xâm xui nên. Nhưng chỉ suy kém về phần tinh thần giáo lý, còn đến lòng tín ngưỡng của dân chúng nay cũng như xưa. Dân Việt Nam đã có những câu truyền tụng về nỗi trẩy chùa Yên tử cực điểm khó khăn rằng: “Đi như cáy, về như cua – vất gậy mà quơ lấy cành”, vậy mà mỗi năm về tháng hai, hằng ngày ít nhất cũng có tới vài ngàn người trèo non vượt suối lên chiêm bái (…).

Gần đây lại nhờ có ảnh hưởng Hội Đại Bồ Đề và Hội Nghiên cứu Phật học ở Đại Ấn đây lan tràn đến, khiến cho từ 20 năm đến nay cơ duyên chấn hưng Phật học ở Việt Nam cũng rất bồng bột, từ các thủ đô lớn đến hầu hết các tỉnh, phủ, huyện, đều có hội chấn hưng Phật giáo. Số hội viên đông đúc không xiết kể. Cuộc Việt Pháp chiến tranh xảy ra gần 5 năm rồi, chùa chiền, bia tháp khắp các nơi cũng mang đầy dấu vết tang thương; nhưng cục diện ở Việt Nam cũng đã hé tia sáng thống nhất độc lập, mặc dầu đang ở vào thời kỳ tinh thần khủng hoảng, cũng như kinh tế quẫn bách. Vậy mà lòng công đức của dân chúng cũng đã gom góp để kiến thiết, tu bổ chùa tháp. Các giáo hội Tăng già cũng như các Hội Phật giáo đương thành lập và đương phục hưng, các trường Tăng Ni học ở các thủ đô lớn cũng đã tổ chức được hơn 10 trường Phật học, số Tăng Ni học sinh trong các trường đó tổng cộng có tới gần 300. Còn về quan niệm tín ngưỡng Phật giáo của dân chúng quả thật là bồng bột, hầu như họ đã qua một cuộc bom đạn, khói lửa khiến cho phần lớn bị cốt nhục ly tán, tài sản tan không, cái thảm họa đó đã khiến họ càng hiểu chân lý vô thượng của Phật dạy, hóa nên không ai bảo ai mà đi lễ bái nghe kinh, cầu đạo lại bắt đầu bồng bột.

Hiện nay dân tộc Việt Nam từ trí thức đến bình dân phần nhiều tin tưởng: Phật giáo Việt Nam có cơ chấn hưng để bồi dưỡng lại tinh thần dân tộc đã có mấy ngàn năm nay.

Ngày nay Phái đoàn Phật giáo Việt Nam chúng tôi sang Quý quốc đây, mục đích trước là để tỏ lòng chiêm bái Phật địa và ca tụng Quý quốc đã sớm thu hồi chính quyền độc lập; sau là ước mong nối lại dây tinh thần văn hóa của Phật giáo đã bồi dưỡng cho hai dân tộc bao nhiêu thế kỷ chung sống trong bầu không khí trong sạch sáng suốt vậy”.

Một đoạn trích dài để chúng ta thấy được sự uyên bác về kiến thức, chủ kiến về chính trị, tiềm năng ngoại giao ở nhà tu hành và đằng sau là một niềm tự hào dân tộc, một viễn kiến tiền đồ nước nhà đã được bộc lộ.

Đọc lại những đoạn này, ta có cảm tưởng đang đứng trước một nhà hùng biện để nghe sự tuyên dương dân tộc và đạo pháp ở người ấy. Phải có một sự am hiểu, một sự vững vàng về lập trường dân tộc và ủng hộ kháng chiến đến thế nào mới hiên ngang nói về dân tộc mình như thế.

Những đoạn trích trên đây và vài suy nghĩ cá nhân đã trình bày khép lại một phần nào sự nghiệp ưu tú của ngài Tố Liên. Chúng ta không còn gì hơn để có một nhận định chắc chắn rằng Hòa thượng Tố Liên đã tham gia vào công cuộc kháng chiến chống Pháp giành độc lập dân tộc bằng chính vai trò và khả năng tuyệt vời của một tu sĩ Phật giáo xuất chúng, mà nay đã đi vào lịch sử.

Chú thích:

  1. Dẫn theo: http://www.phatviet.com.
  2. Báo Cứu quốc số 106 ra ngày 1-12-1945.
  3. Tư liệu chuẩn bị cho hội thảo khoa học Hòa thượng Tố Liên (1903 – 1977) trong sự nghiệp xây dựng Phật giáo Việt Nam và Phật giáo thế giới

Nguyễn Quốc Tuấn