Ba Vân tên thật là Nguyễn Văn Vân. Ông sinh trưởng trong một gia đình khá giả làm nghề buôn bán lá cọ ở làng Mè, ngày nay thuộc nội thị, thị xã Phú Thọ, là con thứ hai, nhưng lại gọi là Ba: “Ba Vân làng Mè”. Có lẽ là theo như cổ lệ ở đất Bắc, con trai tất sẽ trở thành ông chủ, cha là chủ nhất, trưởng là chủ nhì, do vậy nên gia nhân và dân làng mới gọi ông là Ba Vân.
Sống trong thời loạn, người có của ăn của để. Muốn giữ được sản nghiệp phải có lực lượng.
Làm nghề buôn bán lá cọ giao du rộng. Từ chốn rừng núi đến vùng đồng bằng khiến cho những ông chủ lá thường có tính phóng khoáng và một chút máu giang hồ, đó là những nhân tố góp phần tạo nên đội quân nhà Ba Vân được liệt vào hạng nổi tiếng trong vùng.
Sau khi người cha – rồi đến ông anh cả lần lượt qua đời, lại gặp lúc quê hương lâm vào tình trạng nước sôi lửa bỏng, giặc Pháp đánh chiếm thành Hưng Hóa (4-1884) sau đó triều đình ký hòa ước Patenôtre (6-1884) công nhận quyền đô hộ của Pháp trên toàn cõi Việt Nam, lập tức Pháp đem quân lên đóng đồn ở bến đò ghềnh Ngọc Tháp chặn con đường huyết mạch của cả vùng, ông Ba và nhiều gia đình sống bằng nghề buôn bán, hết đường làm ăn.
Vốn có lòng yêu nước, sẵn có lực lượng trong tay lại bị lũ giặc xâm lược đẩy vào con đường cùng, ông quyết định cùng nhân dân đứng dậy khởi nghĩa.
Suy tính, Ba Vân thấy muốn làm nghiệp lớn, thì không thể “đơn thương độc mã” mà phải đứng vào dưới cờ của quan Hiệp thống Bắc Kỳ quân vụ đại thần Nguyễn Quang Bích (nguyên họ Ngô), là đại diện cho phong trào Cần Vương của vua Hàm Nghi ở ngoài Bắc. Được tướng quân thu nhận và dặn dò hướng dẫn Ba Vân trở lại làng Mè dựng cờ đại nghĩa hưởng ứng phong trào Cần Vương.
Một khí thế mới dâng trào, những cuộc chiến đấu ác liệt đang chờ đợi, cuộc đời Ba Vân bước sang một trang mới.
Trận phục kích ở cầu Quan Tiên Phú
Việc làm đầu tiên của ông Ba là tìm gặp chánh Vùng và thủ lĩnh quân sự các làng, cùng nhau ước hẹn chấm dứt xung đột, hợp tác chống Pháp. Sau đó là lo tuyển mộ và luyện tập nghĩa quân. Để che mắt địch ông thường đưa lực lượng vào vùng núi Thắm Võ Lao, Quảng Nạp, nói thác là đi săn, song thực ra là phối hợp với lực lượng các xã sở tại tập đánh tập kích, phục kích vây hãm công đồn.
Giặc nghi ngờ, chúng sai bọn tay chân dòm ngó theo dõi. Biết rõ tâm địa đó, ông liền thân hành đến nhà đội Mai, một tên tay sai của Pháp mời hắn cùng đi săn. Mừng quýnh, Đội Mai vội bẩm báo với Tây rồi hắn mang theo một tiểu đội trang bị “đến tận răng” tham gia cuộc săn bắn mà thực chất lợi dụng cơ hội để điều tra theo dõi mọi hành vi của Ba Vân. Công việc đi săn diễn ra suôn sẻ, cả hai bên đã bị cuốn hút vào cuộc chơi, phía đội Mai có phần buông lơi nhiệm vụ, nhất là sau bữa rượu buổi trưa do lý trưởng Quảng Nạp khoản đãi thì sự nghi ngờ đã dần nhường chỗ cho mối thân tình, họ bèn bàn bạc với nhau dồn vũ khí lại cho một số người vác. Còn những người khác thì khiêng lợn vác cầy săn được trở về.
Vừa đi đến dốc Đá Vách quãng đường hiểm nhất thuộc đất Võ Lao, bất thần có mấy tiếng nổ đinh tai, bọn cướp từ trên núi nhảy bổ xuống, bắn chết đội Mai, chém trọng thương Ba Vân, cướp sạch súng ống và chiến lợi phẩm của cuộc đi săn, rồi nhanh chóng như một cơn lốc biến mất. Những người thoát chết, định thần lại vội vã khiêng Ba Vân nhằm hướng làng Mè chạy thẳng. Sự việc được lũ tay chân đội Mai thổi phồng, tô vẽ, khiến cho bọn Tây thấy đây là một mối đe dọa lớn, không hành quân thảo phạt thì không thể yên thân, thế là nhân lúc Ba Vân một con người đáng ngờ giờ đây còn nằm bẹp tại nhà để điều trị vết thương, lại sẵn có bọn sống sót tình nguyện dẫn đường, hai tiểu đội lính Pháp (2/3 lực lượng đóng đồn Ngọc Tháp) cùng với bọn Mã tà, lính tập người Việt, tiến hành một cuộc hành quân vào thẳng đất Quảng Nạp. Ngậm tăm bí mật xuất quân, thế mà khi vào đến nơi, chỉ nhìn thấy mấy người ở rừng thấp thoáng ẩn hiện, muốn có một cái “lưỡi” để tra hỏi cũng không bắt nổi.
Sang trưa, mọi người mệt mỏi chán nản đành coi là đã hoàn thành thắng lợi cuộc hành quân, chúng vội thu quân để kịp rút về tới đồn trước khi trời tối. Để đảm bảo yếu tố bí mật bất ngờ, chúng đã cảnh giác cho quân đi một đường về một lối, đi vào theo đường Yên Lành, Võ Lao, ra về nhằm hướng Chùa Tà, Tiên Phú. Qua khỏi Cầu Quan, bọn giặc dừng lại nghỉ ngơi để lấy lại sức, vừa lúc đứa nằm, đứa ngồi xả hơi thư giãn, thì bỗng phục binh ba bên bốn bề ập tới, súng nổ, tên bay, giáo mác xỉa nốt những tên còn lại, chỉ để cho một con ngựa sống sót làm vật chạy về đồn báo tin, bọn Pháp hoang mang hốt hoảng rút bỏ đồn Ngọc Tháp.
Ba Vân bị thương về nằm điều trị chỉ là “một màn xiếc” che mắt kẻ thù. Vốn là người trầm tĩnh, thông minh và quyết đoán, ông thấy muốn nhổ được đồn Ngọc Tháp, phải làm kế điệu hổ ly sơn, thế là một mũi tên nghĩa quân đã bắn trúng được nhiều đích, vừa diệt được giặc, vừa chặt đứt được chân tay của chúng mà lại không lộ tung tích.
Trận tập kích ở chợ Bờ (Hòa Bình)
Ba Vân mang tin thắng lợi sang bẩm báo với Nguyễn Quang Bích, được cụ khen ngợi và thưởng cho 10 đồng tiền vàng, 10 tấm vải. Trên đà phấn khởi ông hiến kế tiếp, đang lúc giặc Pháp còn hoang mang vừa chạy khỏi đồn Ngọc Tháp, vì chưa bị lộ, ông xin đem lực lượng của mình giả làm chân tay cho chúng, nếu kế này mà thành nghĩa quân sẽ có điều kiện để tăng cường lực lượng.
Pháp trúng kế, chúng phong cho Ba Vân thay chức đội Mai, cấp cho 50 cây súng với đầy đủ đạn dược, còn quân số thì có thể thu nạp quân cũ của đội Mai gộp lại mà sử dụng, hãy giữ lấy đồn Ngọc Tháp cho chúng.
Sau khi cụ Nguyễn Quang Bích qua đời (12-1890) giặc Pháp tăng cường sức ép dồn quân lên đóng đồn ngay tại làng Mè, Ba Vân bèn rút lực lượng của mình sang Cẩm Khê để phối hợp trực tiếp với Đề Kiều, Lãnh Hoan, Vương Doãn, và Ngô Quang Đoan (ông là người con trưởng của Nguyễn Quang Bích) trong chiến đấu họ đã lập thêm nhiều chiến công, và Ba Vân đã góp phần xứng đáng bằng trận tập kích đồn chợ Bờ.
Đồn này được xây dựng kiên cố, lại ở vào các thế hiểm trở, muốn đánh thì phải dùng mưu. Nhằm ngày chợ phiên, trời lại đổ mưa, nghĩa quân cải trang thành người đi chợ, áo tơi nón lá, gánh hàng tay nải vũ khí dấu kín bên trong. Ông Ba còn chọn một người đóng giả làm cô hàng bánh, gánh vào tận cổng đồn đưa duyên, liếc tình mời chào lính gác, để làm nhiệm vụ do thám, phát ám hiệu cho nghĩa quân hành động.
Chợ họp đang đông bỗng xảy ra ẩu đả, tiếng la hét ồn ào, rồi nghe theo lời can gián, họ đi mua buồng cau, hũ rượu kéo vào đồn thưa kiện, quan đồn được thể bèn ra oai quát nạt. Ngoài cổng đồn có tiếng xì xào bàn tán, tên lính gác tỏ vẻ nghi ngờ. Thấy có nguy cơ bại lộ, “chị bán hàng” liền nổ súng, giết chết tên địch đó và đó cũng là hiệu lệnh tấn công. Trong đồn anh em dùng ngay hũ rượu đập vỡ đầu tên chỉ huy, ngoài xông vào, trong bắn ra tới tấp, lũ giặc đứa chết, đứa xin hàng, nghĩa quân giành toàn thắng thu được 50 khẩu súng, 20 hòm đạn. Đây là một trận đánh rất gọn, thắng rất nhanh mang rõ phong cách Ba Vân, kết hợp chặt chẽ sức lực và mưu lược để đánh giặc.
Ngọn cờ Cần Vương không đủ sức để nuôi dưỡng được phong trào, vì nó nằm trong cái thế đi xuống của chế độ phong kiến lỗi thời. Sau khi Ngô Quang Bích lâm bệnh qua đời, Đề Kiều ra hàng. Ngô Quang Đoan nhờ có nhiều người đứng ra bảo lãnh mới được yên thân, tuy ông vẫn kiên trì hoạt động trong âm thầm đơn lẻ. Riêng Ba Vân bị địch bắt, chúng đầy ông ra Côn Đảo 15 năm trời. Trong lao khổ tù đầy ông vẫn giữ vững khí tiết, khi được trả tự do ông tìm ngay đến nhà Ngô Quang Đoan (Tam Dương – Vĩnh Yên) sau mấy tuần nhang rượu, cúng tế chủ tướng ông xin xẻ chân nhang để thờ vọng Ngô Quang Bích tại nhà mình ở thị xã Phú Thọ.
Ba Vân, một người dân làng Mè khi đất nước bị lâm nguy, đã dấn thân thành đấng “nam nhi hữu trách” trong chiến đấu, nghĩ ra nhiều cách đánh làm cho kẻ địch khiếp sợ, nhân dân hả lòng, gặp khi thất thế sa cơ, ông vẫn trung thành với con đường đã chọn, trọn nghĩa vẹn tình với chủ cũ bạn xưa, thật là một tấm gương xứng đáng lưu danh muôn thủa.