Xứ Nhu với cuộc khởi nghĩa năm 1930 ở Phú Thọ

Xứ Nhu với tổ chức Việt Nam Quốc dân Đảng 1930

Xứ Nhu tên là Nguyễn Khắc Nhu quê ở Bắc Giang. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình Nho học có truyền thống yêu nước. Từ nhỏ ông đã được cha đẻ và thầy dạy hàng ngày kể cho nghe về những tấm gương anh hùng bất khuất của Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Trung Trực, Hoàng Diệu, những câu chuyện đó khắc sâu trong tâm khảm, củng cố thêm lòng yêu nước, chí căm thù giặc của ông.

Ông tìm đến Yên Thế ra mắt Đề Thám, song vì là một nho sinh trẻ tuổi chưa đủ độ chín nên không được tin dùng. Sau này mỗi khi kể lại chuyện cũ trong sự nuối tiếc, ông nói: “Tôi chưa từng được cầm một tên quân để đương đầu với kẻ thù”.

Hoàng Hoa Thám bị sát hại, cuộc khởi nghĩa Yên Thế thất bại. Muốn hoạt động chống giặc lúc đó phải tìm đến anh em binh sĩ người Việt trong hàng ngũ quân đội Pháp. Cuộc binh biến Thái Nguyên (1917) và cái “Tổ chức nhỏ” yêu nước của anh em binh lính và sĩ quan trong đồn Bắc Giang đã gợi mở cho ông con đường đó. Cái tổ chức nhỏ này lại có liên hệ mật thiết với Nam Đồng thư xã ở Hà Nội, họ đã ước hẹn cùng nhau khởi sự nhưng do sơ suất, thời cơ mất đi, cuộc bạo động không nổ ra được, song hai tổ chức này vẫn tồn tại, phát triển và ngày càng gắn bó với nhau; qua tổ chức nhỏ ở xứ Bắc Giang, Xứ Nhu đã đến với Nam Đồng Thư xã. Nam Đồng Thư xã là tiền thân của Việt Nam Quốc dân Đảng. Xứ Nhu đã có mặt ngay trong Hội nghị chuyển tổ chức Thư xã thành một đảng cách mạng.

Xuất thân Nho học, ông không có quan niệm về Đảng như chúng ta được học về sau này (là đội tiên phong của một giai cấp), theo ông thì Đảng đại loại như là một cái hội kín bao gồm những người chung một chí hướng hợp sức lại với nhau để mưu cầu việc lớn.

Trước khi chuyển thành Việt Nam Quốc dân Đảng, Thư xã thực chất là một nhà xuất bản nhỏ do ba ông: Nhượng Tống (Hoàng Phạm Trân), Dật Công (Phạm Quế Lâm) và Phạm Tuấn Tài lập ra để in ấn những trước tác của họ; dịch và phát hành những sách báo tiến bộ của nước ngoài, nêu những tấm gương dũng cảm ngoan cường nhằm động viên tinh thần yêu nước của đồng bào.

Trụ sở của Thư xã đặt tại một căn gác nhỏ trong khu Nam Tràng bên bờ hồ Trúc Bạch, đây chính là nơi gặp gỡ trao đổi và kết nối những người cùng chính kiến; từ con số ba ban đầu Thư xã đã mở rộng thu hút thêm người (chủ yếu là thanh niên) yêu nước như Nguyễn Thái Học, Hồ Văn Mịch, Phó Đức Chính, Nguyễn Khắc Nhu v.v… trong đó có hai sinh viên là Nguyễn Thái Học (Cao đẳng thương mại) và Hồ Văn Mịch (Cao đẳng sư phạm) dọn đến ăn ở ngay tại trụ sở, họ trở thành những nhân vật thường trực đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền và phát triển lực lượng.

Từ ba nhân lên hàng chục, hàng trăm và hơn nữa, cái vỏ Nam Đồng Thư xã không chứa đựng nổi; vả lại sự hoạt động của Thư Xã cũng không tránh được sự dòm ngó, hăm dọa của kẻ thù. Muốn tồn tại thì phải có một tổ chức chặt chẽ hơn với một phương thức hoạt động thống nhất hợp lý, đó là lý do chuyển Thư Xã thành Việt Nam Quốc dân Đảng.

Qua bàn bạc trù bị, rất nhiều người muốn được tham dự Hội nghị nhưng do luật của bọn thực dân lúc đó, ban tổ chức chỉ triệu tập có 19 người (dưới 20) dù là họp kín nhưng cũng phải đề phòng những bất trắc xảy ra.

Với con số hạn hẹp đó, những người được triệu tập phải thực sự là đại biểu tiêu biểu, riêng với Xứ Nhu, ban tổ chức có phân vân vì ông là thành phần cựu học; tuổi đã cao lại từng trải qua nhiều hụt hẫng cay đắng nên có ý kiến cho rằng cứ thành lập Đảng xong xuôi rồi báo cho biết, nếu ưng thuận thì ông xin vào cũng chưa muộn, nhưng đa số cho rằng ngoài khí phách cao cường, ông còn có cái uy của vị đầu xứ. Ông đã trở thành một đại diện duy nhất của xứ Bắc Giang tham dự đại hội thành lập Đảng.

Đúng 8 giờ 30 tối Noen 25-12-1927, Hội nghị khai mạc tại  nhà cụ cả Tân bên bờ hồ Bảy Mẫu Hà Nội. Đến dự Xứ Nhu vận quốc phục (áo gấm, khăn xếp) khiến ông vừa lạc lõng lại vừa nổi trội trong một tập thể hầu hết là thanh niên mặc lễ phục tân tiến.

Hội nghị nhất trí bầu Nguyễn Thái Học làm Chủ tịch và sau đó ông lại được bầu giữ chức Đảng trưởng. Mọi vấn đề đặt ra đều được bàn bạc thấu đáo rồi dùng hình thức biểu quyết. Quyết định theo đa số, có lẽ ở trong nước Việt Nam ta đây là lần đầu tiên xuất hiện (dù là manh nha) hình thức dân chủ đại nghị. Hai vấn đề thu hút sự chú ý được mọi người thảo luận sôi nổi là: Thứ nhất – Cứ duy trì Thư Xã hay thủ tiêu nó để lập một tổ chức cao hơn. Đại diện cho nhóm muốn giữ hình thức Thư Xã là Nhượng Tống. Ông nói gay gắt: “Nếu bỏ Thư Xã thì chôn các anh đi một thể”. Thái độ đó cũng dễ hiểu thôi vì ông là người lập ra Thư Xã, vả lại là người đọc nhiều, chịu ảnh hưởng khá sâu sắc chủ nghĩa cải lương của Khang Hữu Vi, và chủ nghĩa bất bạo động của Găngđi. Đại diện cho nhóm đòi xóa bỏ Thư Xã để thành lập tổ chức mới, người phát biểu đầu tiên là Trương Đình Bảo, nói dứt khoát: “Nên bỏ hẳn cái tính cách bè bạn đó đi”. Tuy ông được đa số ủng hộ, nhưng nhiều người vẫn còn phân vân chưa quyết. Xứ Nhu liền đứng lên xin phát biểu: Tôi xem các ông là những gương mặt dũng cảm hơn đời, mong có ngày cùng nhau mưu bàn việc lớn. Kết thúc, ông nhấn mạnh: “Đến hôm nay mới tính đến chuyện lập Đảng thật không phải là sớm vậy”. Hình ảnh, lời nói của ông thu phục mọi người, quyết định thành lập Đảng được thông qua nhanh chóng.

Thứ hai là vấn đề xác định mục đích của Đảng. Mục đích trực tiếp trước mắt là đánh đuổi giặc Pháp giành độc lập cho dân tộc, mọi người đều đồng ý thông qua nhưng khi bàn đến thiết lập thể chế quốc gia thì lại nảy sinh nhiều vấn đề rắc rối. Nhóm Nhượng Tống, Xứ Nhu chủ trương lập chế độ quân chủ lập hiến, nhóm Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính nhấn mạnh phải thiết lập chế độ dân chủ đại nghị, nhóm Lê Văn Phúc, Nguyễn Hồng Sơn muốn gắn vào chế độ dân chủ khái niệm cách mạng xã hội, cách mạng thế giới. Họ cho rằng trong thời đại hiện nay nếu chỉ làm cách mạng quốc gia là chật hẹp, mà phải tiến tới làm cách mạng thế giới mới là hợp thời, chí ít cũng phải làm cho Việt Nam trở thành tấm gương ở Đông Nam Á. Qua tranh luận thể chế quân chủ lập hiến bị loại bỏ ngay vì thực tế ai cũng thấy hầu hết các vua chúa đều hèn nhát hoặc hư vị (bù nhìn). Đối với cách mạng thế giới đa số đều cho rằng còn xa xôi mơ hồ, nhưng do được Xứ Nhu ủng hộ sau khi từ bỏ quan điểm cũ (quân chủ lập hiến), tiến sang ủng hộ quan điểm trước làm cách mạng quốc gia sau làm cách mạng thế giới, nên quan điểm này như có sự hấp dẫn mạnh mẽ. Ý kiến của ông lại được Hội nghị đồng ý thông qua. Nhưng khái niệm sau làm cách mạng thế giới của Việt Nam Quốc dân Đảng khác với tinh thần quốc tế vô sản của Các Mác. Quốc tế như họ nói là mở rộng khái niệm quốc gia… đem sức ta ra giúp các nước bạn bè cùng cảnh ngộ.

Thế là từ lòng yêu nước, Xứ Nhu trở thành một thành viên tham gia sáng lập Đảng Việt Nam Quốc dân Đảng và do những đóng góp rất có ý nghĩa của mình, ông nhanh chóng trở thành một yếu nhân của Đảng này.

Xứ Nhu với cuộc khởi nghĩa ở Phú Thọ năm 1930

Cuộc khởi nghĩa 1930 do Việt Nam Quốc dân Đảng lãnh đạo nổ ra ở nhiều nơi trên đất Bắc Kỳ: Yên Bái, Phú Thọ, Hải Phòng, Hải Dương v.v… do tầm vóc Yên Bái trở thành cái tên chung cho những cuộc nổi dậy đó. Để gây thanh thế cho Việt Nam Quốc dân Đảng rất coi trọng hoạt động ám sát, họ đã lập ra một ban đặc biệt, Đảng trưởng phụ trách ban này. Sau vụ tên mộ phu Bazin bị sát hại, giặc điên cuồng khủng bố trả thù, trong Đảng lại có kẻ phản bội, trưởng ban ám sát Lê Văn Viên bị bắt ngay tại trụ sở của Đảng cùng với một số yếu nhân khác, Việt Nam Quốc dân Đảng đứng trước nguy cơ bị tan rã. Trước tình thế nguy cấp đó, ban lãnh đạo Đảng đã khẩn trương tổ chức cuộc họp ở làng Võng La (Thanh Thủy, Phú Thọ), trong cuộc họp này mọi người đều nhất trí: Để cứu vãn tình thế chỉ còn cách là vùng dậy khởi nghĩa “Nếu không thành công thì cũng thành nhân”. Mặc dù bị tên đội Dương phản bội chỉ điểm, khi giặc kéo đến mọi việc đã được bàn xong. Tuy phải chạy tản mát mỗi người một nơi nhưng do có quyết tâm cao nên cuộc khởi nghĩa vẫn được nổ ra cơ bản đúng như dự định.

Theo sự phân công, Xứ Nhu phụ trách khu vực Phú Thọ, cùng với tiếng súng nổ ra ở thị xã Yên Bái đêm 9-2-1930, ông cho nghĩa quân đào vũ khí chôn ở làng Võng La rồi tiến đánh thành Hưng Hóa. Không còn yếu tố bất ngờ giặc đã chuẩn bị đối phó, lại quá chênh lệch về trang bị và lực lượng nên sau một hồi tiến công quyết liệt nhưng không thể chiếm được đồn, nghĩa quân phải rút ra phía bờ sông củng cố lực lượng chờ tiếp viện.

Được hai cơ sở là Hà Thạch và Xuân Lũng kéo đến hỗ trợ, Xứ Nhu quyết định đổi hướng, tiến đánh phủ Lâm Thao, lính khố xanh canh phủ sợ hãi bỏ chạy, tri phủ Đỗ Kim Ngọc lẩn trốn cùng đám lính, nghĩa quân làm chủ phủ đường. Giá như ông cho thu chiến lợi phẩm rồi rút về phía Đền Hùng, dựa vào thế rừng núi của bốn huyện Phù Ninh, Đoan Hùng, Thanh Ba, Hạ Hòa mà hoạt động thì chưa biết tình thế về sau sẽ ra sao.

Như đã định trước, Xứ Nhu treo ngọn cờ nửa đỏ, nửa vàng lên nóc phủ đường (không phải lá cờ đỏ sao trắng của bọn phản động đội lốt Việt Nam Quốc dân Đảng sau này) rồi trước đông đảo người dân kéo đến mừng quân khởi nghĩa, ông dõng dạc hiểu dụ: nêu rõ nỗi khổ nhục của người dân mất nước, kêu gọi mọi người đứng lên, diệt thù rửa nhục. Việc phải xảy ra đã đến, giặc điều quân bao vây tấn công, thế không chống chọi nổi, cuộc khởi nghĩa bị thất bại. Xứ Nhu bị thương, không chịu để cho giặc bắt, ông rút chốt liền một lúc hai quả lựu đạn nằm đè lên để tự sát, lựu đạn nổ xé nát ngực, bụng ông, máu chảy lênh láng, nhìn thấy cả ruột gan, nhưng éo le thay ông vẫn còn sống, bọn giặc cho băng bó rồi đưa ông xuống thuyền chở đi, lợi dụng lũ lính áp giải chủ quan sơ hở, ông vùng dậy nhảy xuống sông để tự tử một lần nữa như một sự thi gan đọ trí của người anh hùng. Ông vẫn không chết. Sau khi vớt được ông, bọn giặc vội vàng chở ông lên nhà giam Phú Thọ. Ở đây, cố dấn sức còn lại, ông đập mạnh đầu vào tường, lần này đạt ý nguyện. Ông chết, một cái chết lẫm liệt, oai hùng, làm cho bọn giặc bàng hoàng khiếp sợ, đồng bào vô cùng thương xót, tự hào và khâm phục. Cuộc khởi nghĩa Yên Bái đã thất bại, cuộc khởi nghĩa Phú Thọ cũng thất bại, trong ngày hôm sau (10-2), một vài cuộc nổi dậy lẻ tẻ xảy ra ở một số nơi cũng bị dìm trong bể máu, Quốc dân Đảng tan rã, sự nghiệp cách mạng của họ chấm dứt hẳn.

Nhìn vào kết cục thảm bại nhanh chóng cùng với câu nói nổi tiếng của Nguyễn Thái Học “Không thành công thì thành nhân” nên trước đây có quan điểm cho rằng do xuất phát từ chủ nghĩa cá nhân háo danh anh hùng, phiêu lưu mạo hiểm nên mới bị thất bại nặng nề như thế. Trách cứ này nhìn bề ngoài có vẻ hợp lý, song từ góc độ thực tế, đứng trên quan điểm lịch sử chúng ta thấy hầu hết những người ở cương vị lãnh đạo Việt Nam Quốc dân Đảng đều là trí thức, một tầng lớp ưu tú của dân tộc trong mọi thời đại, họ đã phân tích thấu đáo tình hình, suy tính chi li đường đi nước bước rồi mới quyết định hành động. Họ cho rằng những người theo chủ nghĩa dân tộc phải rất coi trọng yếu tố tinh thần, đồng thời cũng biết rất rõ Pháp là nước thắng trận trong chiến tranh thế giới thứ nhất, hiện nay đã phục hồi và đang trên đà phát triển. Để ổn định tình hình cai trị, chúng ra sức vừa tăng cường đàn áp, vừa lừa bịp mua chuộc, muốn chống lại không còn cách nào khác là phải vùng dậy hành động gây nên sự chấn động lớn trong xã hội, khuấy động phong trào yêu nước. Họ biết nguy hiểm mà vẫn dấn thân vào, đổi mạng sống của mình cho phong trào cách mạng. Người xưa có câu: Anh hùng bất luận thành bại; hành động của những người chiến sĩ Yên Bái năm 1930 thật là dũng cảm, đáng mặt anh hùng.

Riêng cái chết của Xứ Nhu, có lẽ từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây chưa từng xảy ra như vậy bao giờ. Nó là sự hội tụ những cách chết bất khuất kiên trung của Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu… anh hùng lẫm liệt xiết bao, khó có thể dùng lời để diễn tả nổi.

Nguyễn Văn Nguyên