Huyền thoại Vũng Rô

Thời chiến tranh Vũng Rô (Phú Yên) được chọn là một trong những bến tiếp nhận những con tàu không số chi viện trực tiếp cho chiến trường miền Nam bằng đường biển. Vũng Rô đi vào lịch sử như một huyền thoại sau khi bị lộ chuyến tàu thứ tư mà kẻ địch hốt hoảng gọi là “Sự kiện Vũng Rô” tháng 12-1965. Năm 1998, Vũng Rô được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Ngày 23-10-2001, nhân kỷ niệm 40 năm “Đường Hồ Chí Minh trên biển”, quân chủng Hải quân đã quyết định xây dựng bia di tích bến Vũng Rô cùng với ba bến khác ở miền Nam. 

Năm 1963, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Trần Suyền nhận được lệnh của Trung ương và Khu ủy V tìm địa điểm mở bến ở tỉnh Phú Yên để đón các con tàu không số từ miền Bắc chi viện cho chiến trường Khu V.

Hàng loạt các vị trí dọc 189 km bờ biển của tỉnh Phú Yên đều được đưa ra xem xét và cân nhắc. Cuối cùng, các vị lãnh đạo tỉnh Phú Yên và Liên Tỉnh ủy 3 (Phú Yên, Khánh Hòa, Đắc Lắc) quyết định chọn bến Vũng Rô nhằm tạo yếu tố bất ngờ và cũng thuận tiện trong việc tổ chức hành lang vận chuyển về phía sau để chi viện vũ khí cho chiến trường ba tỉnh.

Theo yêu cầu của Trung ương, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên đã chọn năm cán bộ thông thạo nghề biển là Lê Kim Tự, Nguyễn Văn Xuân, Trần Văn Hiền (quê ở xã Hiệp Hòa, huyện Tuy Hòa), Trần Mỹ Thành, Phan Văn Dợn (quê ở Xuân Thịnh, Xuân Thọ, huyện Sông Cầu) vượt Trường Sơn ra Bắc để dẫn tàu vào.

Tháng 10-1964, trong gian nhà nhỏ cuối thôn Lạc Long nhìn ra hạ lưu sông Bàn Thạch, đồng chí Trần Suyền cùng Ban chỉ đạo bến làm việc với đại diện Huyện ủy và Bí thư Chi bộ xã Hòa Xuân, Hòa Hiệp để kiểm điểm công tác chuẩn bị mở bến.

Ngày 16-11-1964, tàu 41 anh hùng do đồng chí Hồ Đắc Thạnh – một người con ưu tú của quê hương Tuy Hòa – chỉ huy đã xuất phát từ cảng Hải Phòng chở hơn 60 tấn vũ khí, thuốc chữa bệnh theo con đường mòn Hồ Chí Minh trên biển chi viện cho chiến trường Nam Trung Bộ. Chiếc tàu không số đầu tiên cập bến Vũng Rô an toàn vào lúc 1 giờ sáng ngày 28-11-1964.

Hàng của chuyến thứ nhất đang còn rải dọc đường từ bến về kho, từ kho Bãi Bàng vượt qua hành lang Hòa Xuân vận chuyển về tuyến sau, thì Ban chỉ huy bến cùng quân dân Hòa Xuân, Hòa Hiệp đón chuyến thứ hai cập bến Vũng Rô vào đêm 25-12-1964.

Cuối năm 1964, sau khi đã đưa hai chuyến tàu vũ khí vào bến Vũng Rô thắng lợi, đồng chí Hồ Đắc Thạnh – thuyền trưởng tàu 41 được Tư lệnh quân chủng Hải quân gọi lên giao nhiệm vụ: “Đảng ủy và Tư lệnh quân chủng quyết định tàu các đồng chí phải khắc phục mọi khó khăn trở ngại, đúng giao thừa có mặt tại Vũng Rô”.

*

*       *

Tiếp thu ý kiến của đồng chí Trần Văn Nhợ, một số thủy thủ chuẩn bị bánh chưng quà tết để đón giao thừa tại Vũng Rô, gồm: “30 chiếc bánh chưng, bánh tét, 10 gói kẹo, bánh quy, 5 gói chè, 50 gói thuốc lá, 40 chai bia và một cành đào. Tất cả đều không có nhãn hiệu, như con tàu không số của ta”.

Vào một đêm tối cuối năm 1964, dưới trời mưa phùn gió bấc, các đồng chí Tư lệnh quân chủng, đoàn trưởng và Chính ủy đoàn ôm hôn thắm thiết cán bộ, chiến sĩ của tàu: “Chúc tàu 41 hành trình thuận buồm xuôi gió. Bộ Tư lệnh chờ đón tin thắng lợi báo về”. Tình cảm hậu phương lớn làm ấm lòng các chiến sĩ trên đường về tiền tuyến lớn.

Sau ba ngày vượt sóng to gió lớn, tàu 41 lách tránh các tuyến tàu tuần tiễu của địch, chiều 30 tháng Chạp, tàu chuyển hướng vào bờ. Toàn tàu dồn hết sức lực, tinh thần, ý chí quyết tâm và lòng dũng cảm sẵn sàng đối phó với địch. Thành bại của chuyến đi quyết định ở hướng đi này. Bữa cơm “tất niên” được thuyền phó sắp xếp cho tàu ăn trước 12 giờ trưa để kịp làm công tác chuẩn bị chiến đấu. Cũng thịt mỡ, dưa hành, nhưng thiếu câu đối đỏ. Không nêu, không pháo, có bánh chưng xanh nhưng để dành khi vào bến. Toàn tàu đang ăn cơm, bỗng từ đài quan sát, chiến sĩ trực canh báo cáo: “Mạn phải 30 độ, cự ly ba hải lý, phát hiện hai tàu địch di chuyển về phía Nam”. Lệnh chuẩn bị chiến đấu được phát ra, tất cả về vị trí. Lớp ngụy trang trên những khẩu súng được kiểm tra sửa lại để vừa che mắt hai tàu địch vừa có thể nhanh chóng tung ra khi có tình huống chiến đấu. Qua chiếc ống nhòm có bộ số cao, thuyền trưởng nhìn rõ hai tàu tuần tiễu địch. Chỉ huy cho tàu thay đổi hướng đi song song để tránh tàu địch, tạo khoảng cách xa để thời gian tiếp xúc rất ít. Nhìn đồng hồ đã 16 giờ rồi, chỉ còn tám tiếng đồng hồ nữa thôi tàu phải có ở Vũng Rô.

Sau khi xác định vị trí tàu trên hải đồ, đồng chí thuyền phó báo cáo: “Tàu ta cách Đá Bia hơn 60 hải lý nữa, khả năng vào bến trễ giờ”. Thuyền trưởng cho mời máy trưởng lên đài chỉ huy và quyết định sử dụng tốc độ dự bị.

23 giờ 50 phút, tàu 41 thả trôi giữa Vũng Rô. Chỉ huy cho tàu thả xuồng và cử người vào bến tìm bộ phận đón. Đang loay hoay thả xuồng thì cũng vừa lúc thuyền của các đồng chí ở bến cặp mạn tàu. Cán bộ, chiến sĩ của ta ôm hôn cán bộ, chiến sĩ của bến. Niềm vui ngập tràn vô tận. Đồng chí Hồ Đắc Thạnh ôm hôn đồng chí Sáu Suyền mà hai hàng nước mắt chảy ròng và nghẹn ngào không nói nên lời. Bỗng từ phía bờ, hàng loạt súng pháo đủ các cỡ nổ vang đan chéo bầu trời. Những chiếc đèn dù xanh đỏ từ đồn dốc Pơ-tí phụt lên treo lơ lửng một khoảng trời Vũng Rô.

Lộ rồi sao? Địch đã phát hiện tàu ta chăng?

Từ dưới phòng báo vụ, chiếc đài bán dẫn vang lên lời Bác Hồ chúc Tết.

Giao thừa! Phút giao thừa xuân năm 1965 đã tới. Phú Yên ơi! Chúng con đã về đây! Về giữa mùa xuân tràn đầy sức sống.

Mọi công tác được tiến hành khẩn trương. Sau khi đã bố trí các tổ bám chốt các đồn bót địch và Mũi Điện để kịp thời đối phó, cuộc liên hoan mừng Tết Ất Tỵ, mừng ngày tàu và bến gặp nhau được tiến hành trên nắp khoang hầm hàng hai dưới vòm lá ngụy trang kín đáo. Thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng, bánh tét, kẹo, bia và thuốc lá được bày ra. Cành đào Nhật Tân – Hà Nội bên nhành mai vàng của núi Đá Bia khoe sắc càng thêm hương vị của mùa xuân.

Trong niềm vui chứa chan tình cảm, thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh thay mặt cán bộ, chiến sĩ chúc Tết các đồng chí cán bộ lãnh đạo chỉ huy, chiến sĩ và dân công của bến. Tối mồng một, tàu cùng bến bốc dỡ hàng. Chiếc cầu tàu làm tạm bằng cây rừng không đủ sức cho số đông người đi lại, nên hầu hết anh chị em dân công phải dầm mình dưới nước mới kịp chuyển hàng. Công việc tấp nập, khẩn trương. Hàng bốc dưới tàu lên là vũ khí, thuốc men. Hàng trên bờ xuống là cát để giữ được ổn định khi tàu ra khơi gặp sóng to gió lớn.

Chuyến tàu thứ ba đến Vũng Rô vào đêm ngày 10-1-1965 (mồng một Tết), ba giờ sáng mồng hai Tết, tàu rời bến Vũng Rô. Lúc này tại bến hàng tồn kho còn khá nhiều. Địch càn quét Phú Lạc (Hòa Hiệp) và một số thôn xã Hòa Xuân, dùng máy bay B57, A37, tàu khu trục thả bom bừa bãi giết hại 96 đồng bào vô tội. Có vũ khí trong tay, bộ đội và quân dân ta giáng trả, bắn cháy một chiếc B57. Điều nguy hiểm là máy bay địch quần lượn suốt ngày đêm trên bầu trời các trục hành lang vận chuyển hàng của ta ở Hòa Xuân. Một mặt ta lãnh đạo nhân dân kéo ra quận đấu tranh trực diện, tố cáo tội ác của giặc, đòi chúng bồi thường nhân mạng, mặt khác, quan trọng hơn, đã tập trung toàn lực ngày đêm vận chuyển vũ khí cả trước, trong và sau Tết Ất Tỵ 1965. Trong vòng hơn hai tháng, ba chuyến tàu đã đưa vào Vũng Rô (Hòa Xuân) ngót 200 tấn hàng. Hàng từ bến đưa về kho tạm phải nhanh chóng vượt qua một hệ thống đồn bót địch để chuyển lên phía tây quốc lộ I. Công tác vận chuyển đang tiến triển thuận lợi thì xảy ra sự kiện tàu 143 bị lộ ở Vũng Rô.

Đầu tháng 2-1965 tàu 143 được lệnh chở 63 tấn vũ khí rời cảng Bính Động, có nhiệm vụ vào bến Lộ Diêu (Bình Định). Tàu do đồng chí Lê Văn Thêm làm thuyền trưởng, đồng chí Phan Văn Bảng làm chính trị viên. Đi được hơn một ngày, tàu rẽ vào đảo Hải Nam. Tin tức cho biết những ngày này, tàu chiến của địch hoạt động nhiều nên tàu dừng lại ở Hải Nam mười ngày. Ngày 10 tháng 2, tàu tiếp tục lên đường. Lần này, tình hình mặt biển có nhiều khác lạ. Ban ngày, cứ bốn, năm tiếng đồng hồ lại có một máy bay của địch bay dọc theo thân tàu, có lúc sà xuống rất thấp. Đêm, có tàu thủy đi kèm, chiếc phía trước, chiếc đi sau. Tàu 143 đi trên vùng biển quốc tế, được ngụy trang khéo léo, giống như một tàu khai thác hải sản nên bình thản hành trình.

Tàu đi được nửa đường thì nhận được điện của Sở chỉ huy: “Không vào bến theo dự kiến, mà cho tàu vào Vũng Rô”. Như vậy địa điểm tàu vào đã thay đổi.

Đêm 15 tháng 2, tàu cập bến Vũng Rô, lúc đó là 23 giờ. Bến đã được Bộ Tổng tham mưu báo trước nên khẩn trương tập trung lực lượng bốc dỡ hàng. Lực lượng này gồm du kích Hòa Hiệp, K.60, K.64 và tiểu đoàn 83 hỗ trợ.

3 giờ ngày 16 tháng 2, hàng đã được bốc dỡ hết, tàu 143 quay ra thì tời neo hỏng, 5 giờ 30 phút tời neo xong, nhưng trời đã sáng nên tàu 143 đành ở lại bến. Thủy thủ và du kích cho ngụy trang tàu. Địa hình Vũng Rô ba bề vách núi dựng đứng, trên những vách núi đó, nhiều cây mọc, xòe ra sát mép nước. Nước ở đây khá sâu nên tàu 143 dễ dàng ép sát vào chân núi. Nhiều cành cây được chặt xuống phủ phía trên. Tàu 143 chẳng khác một khối đá nhỏ nhô ra biển. Để lại hai người trên tàu, số thủy thủ còn lại lên bờ nghỉ. Trên đèo Cả là đồn địch. Nơi đây là đầu mối giao thông quan trọng: quốc lộ 1. Phía biển là đồn Mũi Điện.

Trung tuần tháng 2, lúc tàu 143 có mặt ở Vũng Rô, cũng là thời điểm lực lượng vũ trang Quân khu 5 tấn công quyết liệt vào căn cứ Dương Liễu và đánh vận động trên đèo Nhông thuộc huyện Phù Mỹ (Bình Định), cách đèo Cả 180 km về phía Bắc. Trong trận này, gần mười xe tăng địch bị bắn cháy. Có vũ khí chuyển vào từ những chuyến tàu trước nên lần đầu tiên quân dân Khu 5 đánh xe tăng và xe bọc thép bằng B.40, B.41. Địch ở Dương Liễu và đèo Nhông thua to, đã phải dùng cả trực thăng để chở lính bị thương vào các bệnh viện Quảng Ngãi, Quy Nhơn và cả các bệnh viện ở Nha Trang.

10 giờ sáng ngày 16-2-1965, một trong những chiếc máy bay tải thương đó bay qua vùng đèo Cả, Vũng Rô, viên phi công tình cờ nhìn thấy “một mỏm đá lạ nhô ra trên vách núi phía tây Vũng Rô” mà những ngày trước không hề thấy. Viên phi công liền báo cáo về Bộ chỉ huy quân đoàn 2 ngụy đóng ở Nha Trang.

11 giờ, máy bay trinh sát lập tức được điều đến khu vực Vũng Rô, lượn nhiều vòng, chụp ảnh. Cơ quan tham mưu của Mỹ – ngụy dễ dàng nhận ra rằng những bức ảnh do máy bay trinh sát chụp được hôm 16 tháng 2 ở Vũng Rô so với những bức ảnh chụp, cũng ở Vũng Rô hôm trước, rõ ràng khác nhau. Đã thấy “một mỏm đá lạ trên vách núi phía tây Vũng Rô” mới xuất hiện từ sáng nay (16-2).

Từ Nha Trang, máy bay trinh sát được lệnh tiếp tục bay về phía Vũng Rô.

14 giờ chiều 16-2-1965, hai chiếc trực thăng vũ trang của địch vòng lượn bắn phá bãi Môn. Một chiếc máy bay trinh sát bay rất thấp từ Hòn Nưa vào Bãi Chùa phóng một quả rốc két trúng tàu, cây lá ngụy trang bay tung, lộ rõ một con tàu. Hai chiếc máy bay khu trục lao đến. Đồng chí Hồ Thanh Bình chỉ huy trưởng K.60 lệnh cho hai khẩu 12 ly 7 ở bãi lau nhả đạn. Toàn khu vực báo động, thủy thủ trên tàu, bộ binh dưới bến phối hợp giáng trả địch. Đồng chí thuyền trưởng Lê Văn Thêm bị thương.

Sau khi dùng hỏa lực mạnh đánh đuổi máy bay địch, ban chỉ huy bến thống nhất với đoàn thủy thủ phá tàu.

16 giờ, đồng chí Nguyễn Long An và một thủy thủ nữa được lệnh tìm cách xuống tàu, đánh bộc phá để xóa bỏ mọi dấu vết, không cho địch lấy tàu. Trong khoang máy đã cài sẵn 500 kg bộc phá, đủ sức để nổ tung chiếc tàu. Vượt qua bom đạn, hai người bơi ra bám lấy thành tàu, leo lên. Nhưng lúc này bom địch thả xuống nhiều đã khiến chiếc tàu nghiêng hẳn về một bên, do vậy, mặc dù đã lặn xuống nước nhiều lần, cố gắng hết mức, hai người không sao vào được khoang máy đành bơi vào bờ.

16 tháng 2, địch thả pháo sáng suốt đêm.

Sáng ngày 17-2-1965, tên tướng ngụy Vĩnh Lộc trực tiếp chỉ huy Trung đoàn 46 ngụy mở cuộc càn quét lớn ở Vũng Rô. Quân ta chặn đánh quyết liệt, diệt hàng trăm tên địch nhưng do địch quá đông nên các chiến sĩ ta phải dùng thuốc nổ phá hủy phần lớn số vũ khí chuyến tàu thứ tư chưa kịp chuyển lên căn cứ. Buổi chiều 27-1-1965, địch ném bom, tăng viện đổ bộ lên Bãi Bàng, bãi Chính. Ta đánh địch quyết liệt, ngăn chúng lùng sục cướp phá hàng.

Tối hôm đó, du kích và thanh niên xung phong Hòa Xuân đưa đồng chí  Thêm – thuyền trưởng tàu không số bị thương nặng về hang đá trạm xá miền Đông.

Sáng ngày 18-2-1965, Ban chỉ huy bến nhận định: Sau khi đổ bộ lên Bãi Chính, thế nào địch cũng phát triển càn quét ra Bãi Xép. Lực lượng chiến đấu của ta, ngoài du kích Hòa Xuân và Hòa Hiệp, chỉ có một trung đội của K.60 và một trung đội K.64 vừa mới được tăng cường. Ban chỉ huy bến lệnh cho du kích Hòa Xuân tiếp tục đánh địch ở bãi Chính, bãi Chùa. Các lực lượng còn lại rút về bố trí đánh địch ở bãi Xép, Bùng Binh để bảo vệ kho. Lúc này lực lượng bảo vệ bến K.60 được tăng cường do đồng chí Nguyễn Bá Võ chỉ huy.

Cuộc chiến đấu ở Bãi Xép, Bùng Binh, Hang Vàng rất ác liệt. Bộ đội và du kích dựa vào thế núi hiểm trở chặn đánh quyết liệt không cho địch tiến vào hang Vàng là nơi đặt kho chính. Địch hò hét quyết chiếm hang Vàng. Ta dùng chất nổ hủy kho, tiêu diệt nhiều tên. Địch phải rút chạy và chấm dứt cuộc càn. Số vũ khí còn lại, dân công Hòa Xuân, Hòa Hiệp tiếp tục vận chuyển về căn cứ phía Tây.

Vài ngày sau, địch dùng máy bay B57 rải bom vào núi dọc các hành lang suốt mười ngày đêm.

Ngày 9-3-1965, địch tổ chức 30 xe bọc thép M.113 chở quân từ Thạch Tuân xuống đồng Hòa Xuân. Máy bay khu trục ném bom phá trong núi, ngoài hang, tiêu hủy toàn bộ thôn Lạc Long. Du kích Hòa Xuân phối hợp với bộ đội chống càn bắn cháy hai xe M.113. Cùng thời gian này, một trung đoàn ngụy có máy bay, đại bác, tàu chiến phối hợp càn quét xã Hòa Hiệp. Quân dân hai xã và bộ đội ta đã chống trả ngoan cường.

“Sự kiện Vũng Rô” đã gây cho địch sự kinh hoàng tột độ. Trong bài báo nói về “Vụ Vũng Rô” tháng 2-1965, đại tá hải quân Mỹ R.Sohresdley thú nhận rằng: “Vụ Vũng Rô như vậy đã khẳng định một số điều rất quan trọng mà chúng ta đã ngờ vực suốt cả một thời gian dài, nhưng từ trước tới nay vẫn chưa có nhiều bằng chứng. Số lượng vũ khí trên chiếc tàu bị đánh và trên bờ Vũng Rô bị phát hiện đã chỉ ra rằng: Vũ khí có số lượng nhiều hơn đã được chở bằng tàu thủy vào trước đó”.