Doanh nhân Bổi Lạng

Khi nói đến người giàu có nhất thời xưa, dân gian thường nhắc đến ba người: Cô Đỏ Thanh Hoa, Bổi Lạng và Thạch Sùng. Cô Đỏ Thanh Hoa là ai, đến nay chưa xác minh được. Thạch Sùng là nhân vật có thực ở Trung Quốc đời Tấn (thế kỷ III). Riêng Bổi Lạng, cũng là một nhân vật có thực ở Hải Dương thời Lê – Trịnh.

Theo truyền thuyết dân gian, thì Bổi Lạng, người làng Bình Lãng (nay là xã Bình Lãng, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương), giàu vào hàng thứ hai đất nước thời Lê Trịnh, giàu đến mức chúa Trịnh đương thời cũng phải ngạc nhiên. Một hôm chúa dẫn quân sĩ xuống tận Bình Lãng, nôm gọi là làng Lạng, thuộc huyện Tứ Kỳ, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương là quê hương của Bổi Lạng để xem xét sự thật ra sao. Đoàn tùy tùng khá đông, lại còn quan quân của trấn, phủ hộ tống, tính ra đến ngót nghìn người. Bổi Lạng cả mừng, thấy mình chỉ là một kẻ giàu thú quê mà được Chúa hạ cố đến thăm thật là hân hạnh. Bà tiếp chúa thật ân cần và trọng thị, dẫn Chúa đi thăm gia cảnh và những công trình do bà công đức xây dựng, đến đâu cũng thấy ruộng vườn tươi tốt, nông phu lao động cần mẫn, thóc lúa đầy kho, trâu bò, lợn gà, dê chó nhiều vô kể, quan quân đều thán phục, thật xứng đáng là người giàu có vào bậc nhất xứ Đông, lời đồn quả thật không ngoa. Bổi Lạng có nhã ý xin Chúa cho bà được phép khao toàn bộ quân sĩ tùy tùng ba ngày để tỏ lòng biết ơn Chúa. Chúa Trịnh nhận lời. Bà liền hạ lệnh cho gia nhân làm cỗ thật thịnh soạn và dặn trước, quan quân ăn xong không phải rửa bát đĩa, mọi người có thể đập phá tùy thích để mua vui. Suốt ba ngày ăn uống linh đình, mỗi bữa vài trăm mâm, bát đĩa đập phá nghe cứ như pháp rền, quan quân chúa Trịnh bái phục, tuy ở chốn kinh kỳ, mang tiếng phồn hoa đô hội mà chưa thấy ai làm được như thế.

Tương truyền, khi bà qua đời, người ta dựng rạp che nắng từ nhà ra đến lăng mộ, trên lợp toàn bánh đa, xong việc phát hết cho trẻ con cả làng.

Để giải thích về sự giàu có của Bổi Lạng, dân gian thật nhiều huyền thoại.

Những người vốn xuất thân nghèo hèn, chuyên mò cua bắt ốc sống qua ngày thì cho rằng: Bổi Lạng thuở nhỏ rất nghèo khổ, nhưng chịu khó làm ăn, vui vẻ và tự tin, hàng ngày chuyên mò hến bắt ốc, bán ở chợ làng để nuôi mẹ. Một hôm, vào buổi chiều tối, bà mò ở một đoạn sông gần làng được tới một thúng hến, con nào cũng to, vỏ hanh hanh vàng, bà thích quá, cho vào chậu, đổ nước ngâm, chờ sáng mai đi chợ sớm. Mờ sáng hôm sau, thức dậy, bà đổ hến vào thúng đi chợ, thì lạ thật, không còn tin vào mắt mình nữa, tất cả những con hến tối qua, sáng nay đều thành những thỏi vàng rực rỡ dưới nắng mai. Một thúng vàng thì nhiều lắm, xưa nay vùng này chưa ai có thế bao giờ. Bà trở nên giàu có nổi tiếng một vùng. Từ đó, bà thường công đức bắc cầu, dựng quán, chu cấp cho người nghèo có hoàn cảnh như bà khi xưa.

Những người có niềm tin vô hạn vào Trời, Phật thì lại kể rằng: Bổi Lạng thuở nhỏ, nhà nghèo nhưng chịu khó làm ăn và thương người nghèo khổ. Bà lại biết cách làm cho mẹ vui và tin vào tương lai giàu có của mình. Tâm đức của bà thấu đến Trời, Phật. Vào một năm mất mùa, dân làng đói lắm, bà con bao nhiêu thóc gạo dự trữ đem đổi hết cho dân nghèo, chỉ lấy lại những đấu sỏi. Mọi người lấy làm lạ, rất lo cho tương lai của bà. Người ta cầu Trời khấn Phật, mong cho bà trở thành người giàu có để giúp đỡ người nghèo. Lời cầu nguyện thật ứng nghiệm, những đấu sỏi bà nhận của người nghèo đều biến thành vàng và ngọc, thế là bà trở thành một người giàu có. Từ tài sản trời cho này, bà chịu khó làm ăn buôn bán mà trở thành người giàu có nhất nhì đất nước, đến vua chúa đương thời cũng phải nể phục.

Lăng và bia trên cánh đồng làng Bình Lãng

Lăng và bia trên cánh đồng làng Bình Lãng

Những người có chút ít kiến thức lịch sử thì lại kể rằng: Bổi Lạng vốn là một người nghèo khó nhưng chăm chỉ làm ăn, mọi việc đều kín đáo, khôn ngoan. Hàng ngày bà thường ra đoạn sông Thái Bình gần làng, mò hến khi thủy triều xuống. Một hôm vào chiều tà của tháng ba, triều xuống rặc, bãi sông tiến ra xa. Theo mép nước, bà mải mê mò hến thì đột nhiên nhặt được một thỏi vàng, càng mò càng tìm được nhiều báu vật. Bà lẳng lặng mang về nhà. Đó là nguồn vốn vô cùng lớn để bà làm ăn buôn bán sau này. Số vàng bạc châu báu ấy ở đâu ra? Người ta giải thích rằng, vào cuối thế kỷ XVI, quân Lê – Trịnh đánh quân nhà Mạc từng có một trận kịch chiến trên sông Thái Bình, đoạn Bình Lãng, Tứ Kỳ. Số tài sản mà quân Lê Trịnh cướp được của nhà Mạc bị đắm thuyền rơi hết xuống sông. Sau chiến tranh, họ có đi tìm nhưng không được là bao. Dân gian bách nhân bách khẩu, thật khó tin.

Vậy sự thật lịch sử như thế nào?

Phía nam làng Bình Lãng, giữa cánh đồng có một lăng cổ, cảnh quan tiêu sơ, khuôn viên chừng 300m2, có 2 cây bàng chừng 10 tuổi, nhưng cây cổ thụ và cây cảnh xa xưa không còn. Lăng xây bằng đá khối, hình tháp, đáy vuông, cao tới 5-6m, phía trước còn thạch sàng, xa hơn có 2 con chó đá, bên phải có tấm bia hình long đình khá lớn. Trán có dòng chữ:

 

(Sái phụ Nguyễn Thị Trị sản trí phú tự sự bi ký).

Nghĩa là: Văn bia tự sự về tài sản rất giàu có của Nguyễn Thị Trị, vợ người họ Sái.

Văn bia do Thám hoa Nguyễn Quý Đức soạn, thợ đá An Hoạch (tức núi Nhồi, Thanh Hóa) và Kính Chủ (Hải Dương) khắc dựng vào tháng 4 năm Canh Tý, Vĩnh Thịnh 16 (1720). Bia 4 mặt, kiểu long đình, cao 155cm, thiết diện vuông, mỗi mặt rộng 64cm. Mặt 1 và 2 là lời tựa, mặt 3 ghi việc phân chia ruộng đất, mặt 4 ghi năm khắc dựng, tên và chức danh người soạn, viết và khắc bia và dựng am đá tức lăng của bà Nguyễn Thị Nghĩa. Văn bia khoảng 2300 chữ, xin tóm tắt như sau:

Vào cuối thế kỷ XVII, tại làng Bình Lãng, thuộc huyện Tứ Kỳ, phủ Hạ Hồng, có một người con gái họ Nguyễn. Thuở nhỏ, cô có tên là Thuyết(1), khi trưởng thành, đổi tên là Trị. Từ khi ra đời, cô được trời phú cho trí thông minh mẫn tiệp và giàu tình cảm. Cô làm việc cần mẫn, thận trọng. Sinh hoạt kiệm ước, nhưng không bần tiện. Thật xứng danh là một cô gái tiết hạnh. Mẹ là Nguyễn Thị Xướng. Cha cô chưa từng ai nói đến bao giờ, hai mẹ con sống trong một ngôi nhà nhỏ, bốn vách xác xơ, cột kèo xiêu vẹo; ruộng vườn chỉ có vài sào bạc màu. Nhà nghèo, hai mẹ con sống nương tựa vào nhau. Là phận gái, sống trong cảnh bần hàn từ nhỏ, cô quạnh, nhưng cô rất tự tin. Hàng ngày chăm chỉ làm lụng, chăm sóc mẹ già, luôn luôn suy nghĩ làm thế nào cho mẹ con sống trong cảnh nghèo mà vẫn vui. Dân làng khen ngợi là người con gái chí hiếu.

Năm ngoài hai mươi tuổi, cái tuổi mà người con gái nào cũng cần phải có gia thất, nhưng duyên phận cứ như nước chảy bèo trôi, biết đậu ở bến nào. Thế rồi như duyên trời đã định, cô gặp một người con trai họ Sái(2), tên là Đắc Lộc, quê xã An Ấp, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Hai người kết duyên chồng vợ. Tâm đồng, ý hợp, vợ chồng quyết chí làm nên sự nghiệp.

Sống trong vùng đồng bằng châu thổ, bà chọn nghề buôn bán lúa gạo để lập nghiệp. Ngày xưa, đất đai tuy màu mỡ, nhưng kỹ thuật còn lạc hậu, khả năng chống thiên tai còn hạn chế nên thường xảy ra mất mùa cục bộ, giá thóc gạo giữa các vùng thường rất chênh lệch, đó là cơ hội làm ăn của nghề buôn bán lương thực, một nghề vừa có khả năng cứu giúp những người nghèo khó khỏi cơn hoạn nạn, vừa có khả năng làm giàu nhanh chóng. Có những năm mất mùa, giá thóc gạo như châu báu. Vào những lúc như thế, bà bán hết gia sản lấy tiền làm vốn. Khi được thu lãi, bà mang tiền tậu ruộng, chăn nuôi gia súc. Ngày qua tháng lại, chẳng bao lâu sau, bà trở thành người giàu có nhất một vùng. Ruộng có hơn nghìn mẫu, tiền có trên vạn xâu; thóc lúa, gia súc nhiều đến mức không thể đếm xuể. Tuy giàu có nhưng bà là người hiếu thảo, nuôi hai con trai trưởng thành và có nhiều con nuôi, con đỡ đầu, đặc biệt quan tâm đến các cụ bà và những người bạn cũ. Đi đến nơi nào có khó khăn là sẵn sàng công đức. Có một lần bà đi qua xã La Tỉnh, huyện Tứ Kỳ, đến bên sông Vạn. Tại đây, xưa có một cái cầu gỗ lớn, lâu ngày đã hư hại không đi lại được. Việc bắc lại cũng không dễ. Khách qua đường phải lội bùn lầy, rồi bơi qua sông, hoặc phải qua đò, nhiều người ca thán. Thấy vậy, bà liền cho người đi chợ mua gỗ lim phiến, đóng 2 con thuyền, lấy 2 người bản xã là Phạm Cân và Đỗ Văn A làm lái đò lâu dài chở khách qua sông. Bà lại hứa cho mỗi người 5 mẫu ruộng tại bản xã, cày cấy hưởng hoa lợi để chở đò công đức cho dân. Số ruộng đó được chuyển tiếp cho những người chở đò của những thế hệ sau thừa kế.

Vào đầu năm Vĩnh Thịnh thứ 16 (1720) bà nhờ Thám hoa khoa Bính Thìn Nguyễn Quý Đức, người làng Đại Mỗ, huyện Từ Liêm soạn văn bia tự sự về cuộc đời và sự nghiệp của bà, cùng văn bản phân chia tài sản cho dưỡng tử và nghĩa tử, tài sản cho các làng xã để làm hậu tự cho gia đình, gồm: ông bà nội ngoại, mẹ đẻ, chồng, con và bà khi trăm tuổi. Mọi việc đều rất chu đáo và cụ thể. Có thể coi đây là những lời di chúc. Tổng số ruộng và tiền chia cho 25 xã và con nuôi có tới trên 340 mẫu và hơn 2.000 quan tiền. Nguyễn Quý Đức là người có thế lực và uy tín đương tời, từng giữ chức Thượng thư Bộ Binh, Tham tụng, khi nghỉ hưu được phong Thái phó, tôn vinh vào hàng Quốc lão, người có công lớn trong việc tôn tạo văn miếu Quốc Tử Giám Hà Nội, việc gì ông cũng thận trọng và chí lý, đã viết văn bia cho bà, chứng tỏ uy tín của bà đối với giới trí thức đương thời như thế nào. Nguyễn Quý Đức ca ngợi gia đình bà là một gia đình Tố phong, nghĩa là không quyền cao chức trọng mà được mọi người kính trọng. Đây cũng là một trong những văn bản cuối cùng của Nguyễn Quý Đức, vì cuối năm đó ông đã qua đời.

Khi dựng bia và lăng, Bổi Lạng còn sống, sau đó bà qua đời vào năm nào? Theo những vị cao niên của dòng họ Nguyễn Tá, tức dòng họ của thân mẫu của bà cũng không rõ bà mất năm nào, chỉ biết hàng năm cũng vẫn giỗ bà vào 27 tháng 9. Trên lăng của bà có dòng chữ: Tân Sửu niên, tức năm 1721, phải chăng bà mất vào năm đó?

Như vậy, Bổi Lạng là một nhân vật có thật trong lịch sử, một người phụ nữ tài hoa, đức độ, có nghị lực và tự tin, xứng danh con gái xứ Đông, nhưng chuyện làm giàu và tiêu tiền của Bổi Lạng – Nguyễn Thị Trị thì hoàn toàn khác với những truyền thuyết dân gian. Không chỉ ngày xưa mà ngày nay cũng không ít huyền thoại về những người phi thường, đó chính là sự thăng hoa và phong phú của truyền thuyết dân gian.

Bổi Lạng – Nguyễn Thị Trị, sinh trưởng trong một gia đình nghèo hèn, cô đơn, sống trong xã hội phong kiến đầy nhiễu nhương và bất công, nhưng bà vượt lên số phận, không cam chịu bần hàn, làm giàu chính đáng và cũng biết sử dụng những đồng tiền kiếm được vào những việc có ích cho xã hội. Bà đã bỏ tiền của mình giúp đỡ người nghèo và xây dựng nhiều công trình công ích, trong đó có những chiếc cầu đá còn lại đến nay. Bà không chỉ là một phụ nữ điển hình về việc làm giàu trong lịch sử mà nay vẫn còn là một tấm gương sáng cho doanh nhân đương đại.

Tăng Bá Hoành