Nhớ mãi một chiến sĩ cách mạng

Những ngày Hà Nội bị tạm chiếm, tôi hoạt động trong phong trào sinh viên, học sinh yêu nước, tình cờ có quen biết một người. Anh có cái tên dễ nhớ: Nguyễn Đức Nguyên.

Anh quê ở làng Túc, thời tạm chiếm thuộc địa bàn huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông. Còn tôi, nhà ở ngay cuối phố Khâm Thiên, một phố nghèo, nằm giáp vùng ngoại ô Hà Nội. Nhà tôi diện tích hẹp, vừa đủ để mở một trường tiểu học tư thục cỡ nhỏ. Người thày đầu tiên đến với ngôi trường này chính là thầy giáo Nguyễn Đức Nguyên.

Vào những năm 1949 – 1950, bọn Pháp thua đau ở vùng biên giới phía Bắc. Chúng sợ lực lượng của ta quay về đồng bằng, uy hiếp Hà Nội. Bởi vậy, vành đai quanh Hà Nội, đồn bốt giặc mọc lên nhiều. Dân ta bị chúng quấy nhiễu cực khổ. Nhiều gia đình khá giả gửi con ra Hà Nội để học, phần lớn cũng là để lánh nạn. Trường của tôi nhận được khá đông học sinh đại loại như thế.

Một hôm, trong giờ ra chơi, thày Nguyên ngồi trong lớp chấm bài.Ngoài sân, tôi đang giám sát học sinh vui đùa, chợt có một em lại gần, chỉ về phía thày Nguyên thì thầm:

– Thày ơi, ông ấy là Việt Minh đấy!

Tôi giật mình:

– Sao em biết?

– Tây đồn ở làng em, có bọn chỉ điểm đã bắt thày Nguyên, đánh đòn ghê gớm lắm!

Tôi thật sự bất ngờ, nhưng cũng trấn tĩnh ngay được:

– Này, sẽ mồm chứ! Chuyện động trời đấy! Thế nhưng, bắt người phải có chứng cớ chứ?

Em học sinh nhanh nhảu:

– Bọn chúng khám nhà thày, thấy có cái máy chữ đánh dở dang một tài liệu của cơ quan Huyện ủy Thường tín. Máy chữ để ở trong căn hầm bí mật, cạnh nhà thờ.

Bắt được tài liệu, chúng đánh thày hộc cả máu mồm, quần áo rách tả tơi, nhưng thày vẫn không khai. Đến lượt thằng Tây lùn dùng búa để tra tấn. Thày phát khùng lên, chửi nó bằng một tràng tiếng Tây. Thày gọi chúng là một lũ côn đồ, dã man, vô nhân đạo.

Thằng Tây đồn thấy thày nói tiếng Pháp giỏi quá, biết thày là một trí thức, xoay ra dụ dỗ. Chúng chuyển thày lên Hà Nội thả lỏng, nhưng vẫn có bọn mật vụ rình mò, theo dõi đấy!

Lúc bấy giờ tôi mới vỡ lẽ. Thì ra người bạn thân của tôi lại chính là một cán bộ cách mạng, một người cộng sản kiên cường dưới cái vỏ bề ngoài là một nhà giáo nghèo, phải đi dạy học để kiếm kế sinh nhai.

Biết anh là cán bộ hoạt động bí mật trong vùng địch, tôi thật sự kính nể, nhưng vẫn không dám bộc lộ với anh điều gì. Có những ngày, vào giờ học, anh bỗng vắng mặt. Tôi đã lên lớp dạy thay. Tình bạn giữa tôi với anh ngày càng gắn bó.

Thời gian anh Nguyên làm việc ở Trường tiểu học Lạc Hồng do tôi là Hiệu trưởng, tôi thường xuyên bị bọn cảnh sát, mật vụ đến dò la, quấy nhiễu.

Một lần, ba tên cảnh sát lù lù dẫn xác đến, hách dịch hỏi:

– Tại sao anh không thực hiện nghĩa vụ quân dịch?

– Tôi có bệnh.

Một lần khác:

– Ai xui anh đặt tên trường này là Lạc Hồng?

– Lạc Hồng là nguồn gốc của dân tộc Việt Nam. Điều đó ai cũng biết!

Hắn lại vặn:

– Tại sao trong lớp không treo ảnh Quốc trưởng?

– Luật của ngành giáo dục không cho phép. Bởi tranh ảnh làm phân tán sự chú ý của học sinh.

Có một vài lần, bọn cảnh sát gọi tôi lên đồn căn vặn xét hỏi về lý lịch của thày giáo Nguyễn Đức Nguyên. Tôi thẳng thắn trả lời:

– Ông Nguyên là một người thày có lương tâm với nghề, có trách nhiệm với học sinh. Tôi rất quý điều đó và đã mời ông ấy đến đây để dạy bọn trẻ. Với ông Nguyên, tôi chỉ biết như vậy.

Từ sau những trận đòn tàn bạo của kẻ thù, thày giáo Nguyên nhiễm bệnh phổi. Càng về sau, bệnh tình càng nặng, sức khỏe suy yếu dần. Cho đến ngày tiếp quản Thủ đô, anh phải lui về quê nhà tĩnh dưỡng. Quê anh là một làng quê đẹp, nằm ngay bên bờ con sông Nhuệ. Một miền quê êm ả, không khí thoáng đãng, trong lành. Nhưng cũng nơi đây, vẫn còn hằn lên dấu vết của một thời anh sa vào tay giặc. Bọn chúng đã tra tấn anh cực kỳ man rợ.

Vào thời kỳ cải cách ruộng đất, tôi là một thành viên trong đội về công tác tại xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội. Lúc trở về, tôi có ghé thăm thày giáo Nguyễn Đức Nguyên. Đây là lần cuối cùng tôi được gặp anh. Gặp nhau, câu chuyện vẫn vui, tình bạn vẫn mặn mà như thuở nào chúng tôi mới quen nhau.

Thế nhưng, gặp anh lần này, tôi có cảm giác khác hẳn những năm về trước. Những gì anh giấu tôi trong hoàn cảnh hoạt động bí mật trong lòng địch ngày nào, giờ đây tôi đã hiểu hết cả!

Người bạn của tôi, con người bằng xương, bằng thịt hiện diện trước mắt tôi hôm ấy, vẫn cái bề ngoài khiêm tốn, lịch thiệp, hóa ra lại chính  là một chiến sĩ cách mạng rất đỗi kiên cường mà mãi về sau, tôi mới được biết.

Anh không còn nữa để cống hiến cho Đảng, cho dân. Nhưng tinh thần chiến đấu không chịu khuất phục kẻ thù của anh thì bất tử!

Nguyễn Thế Vinh GHI