Chấn hưng Phật giáo – Đổi mới và phát huy bản sắc

Nhân dịp 100 năm ngày sinh của Samôn Trí Hải (1906-2006) và 86 năm ngày khởi đầu công cuộc chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam (1920-2006), ngày 27 tháng 6 năm 2006, tại Hội trường Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Hà Nội, Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức cuộc hội thảo khoa học: “Samôn Trí Hải và phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam”.

Chủ trì cuộc hội thảo là Thượng toạ Thích Gia Quang – Phó phân viện trưởng Thường trực Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội; Tiến sĩ, Đại đức Thích Đức Thiện – Chánh Thư kí Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội; Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Quang Hưng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo; Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tuấn – Trưởng phòng Nghiên cứu Phật giáo, Viện Nghiên cứu Tôn giáo.

Hội thảo diễn ra trước sự chứng minh của Hoà thượng Thích Thanh Sam, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Tham dự cuộc hội thảo có các chức sắc, các nhà nghiên cứu Phật học của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội, Thành hội Phật giáo Thành phố Hà Nội, Thành hội Phật giáo Thành phố Hải Phòng, Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Hà Tây, Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh; các nhà nghiên cứu tôn giáo học, sử học, nhà quản lí của Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Sử học, Viện Triết học (thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam), Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hải Phòng, Ban Tôn giáo Chính phủ, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Ban Dân vận Trung ương, cùng một số cơ quan báo chí trên địa bàn Hà Nội.

23 tham luận, trong đó 17 tham luận trình bày trực tiếp tại hội thảo, tập trung vào 3 chủ đề chính: Thứ nhất, phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc Kỳ (miền Bắc) những thập kỉ nửa đầu thế kỉ XX trong mối quan hệ với cả nước và quốc tế; Thứ hai, thân thế và sự nghiệp của Hoà thượng Thích Trí Hải; Thứ ba, ý nghĩa của phong trào chấn hưng Phật giáo và những hoạt động cũng như hoài bão của Hoà thượng Trí Hải đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay.

Chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc hai trong các tham luận đọc tại hội thảo.

Chùa Keo Thái Bình

Chùa Keo Thái Bình

Theo dòng lịch sử

Trong bối cảnh quốc tế nói chung và bối cảnh chính trị xã hội của Việt Nam nói riêng, vào khoảng nửa đầu thế kỷ XX đã xuất hiện một phong trào mới trong Phật giáo tại Việt Nam trên cả ba miền Bắc – Trung – Nam được biết đến trong lịch sử là Phong trào chấn hưng Phật giáo (1).

Sự đổi mới trước thực tế của xã hội lúc đương thời cũng là sự thể hiện và phát huy truyền thống đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam, tinh thần nhập thế của Phật giáo Lý – Trần trong lịch sử. Thực tế cho thấy rằng, bức tranh chính trị xã hội và văn hóa Việt Nam vào những năm đầu thế kỷ XX đã phản ánh những mâu thuẫn xã hội sâu sắc giữa các phong trào giải phóng dân tộc, đấu tranh chống đô hộ xâm lược của đế quốc Pháp và sự đòi hỏi phải lựa chọn con đường và tư tưởng để giải quyết mâu thuẫn đó. Phật giáo hơn lúc nào hết đã xác định vai trò của mình đối với vận mệnh lịch sử dân tộc qua phong trào chấn hưng Phật giáo. Các nhà lãnh đạo của phong trào Duy Tân, phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục cũng đã phải thừa nhận vai trò của Phật giáo trong việc tập hợp sức mạnh toàn dân tộc là yếu tố cần thiết nhất trong phong trào đấu tranh cứu nước và giải phóng dân tộc đang đặt ra. Phan Châu Trinh nhận định: “Nước Đại Nam chúng ta ngày nay sở dĩ yếu hèn là vì thiếu tinh thần tôn giáo, chúng ta không biết cương cường xả thân vì nghĩa, chỉ bo bo giữ cái lối riêng của mình. Nay bà con thử xét, đời Trần sao dân tộc ta hùng dũng như vậy: quân Nguyên thắng cả Á cả Âu, nuốt trọn Trung Hoa mà qua đến nước ta thì bại tẩu; nào bị cướp sáo ở Chương Dương Độ, nào bị bắt trói ở Bạch Đằng, như vậy chẳng phải là nhờ đạo Phật ở ta thời đó rất thịnh ư? Nhờ cái tinh thần tôn giáo của ta ư?” (2). Phan Bội Châu trong Hải ngoại huyết thư đã thể hiện tinh thần chủ đạo của các phong trào Duy Tân và Đông Kinh Nghĩa Thục là tinh thần bất bạo động, tinh thần của văn hóa và triết lý Ahimsa của Đạo Phật (3). Như vậy cho thấy các nhà lãnh đạo Duy Tân và Đông Kinh Nghĩa Thục đã rất tin tưởng vào phong trào chấn hưng Phật giáo và kêu gọi việc chấn hưng Đạo Phật để hỗ trợ cách mạng giải phóng áp bức của thực dân phong kiến.

Bối cảnh quốc tế cũng là một động lực nữa thúc đẩy sự diễn ra phong trào chấn hưng Phật giáo ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Khởi đầu tại Ấn Độ, David Hewavitarane, người Tích Lan, sau này xuất gia thành đại đức Dharmapala đã dấy lên vận động phong trào trùng tu các thánh tích Phật giáo tại Ấn Độ và thành lập hội Mahabodhi Society, xuất bản tạp chí Phật học, thành lập trung tâm Phật học và tu viện Phật giáo (4). Phong trào chấn hưng Phật giáo tại Ấn Độ đặc biệt phát triển khi tiến sĩ Ambedkar đề xướng phong trào quy y Đạo Phật.

Tại Trung Quốc, phong trào chấn hưng Phật giáo thực sự có ảnh hưởng mạnh mẽ tới xã hội kể từ năm 1912 khi Thiền sư Thái Hư lập Phật học viện Vũ Xương, và tiếp theo đó nhiều Phật học viện được tuần tự thiết lập tại Trung Quốc, xuất bản tạp chí Phật học (5). Các hiệp hội Tăng Giáo Dục, Phật Giáo Hợp Tiến, Phật giáo Tổng hội, Phật giáo Liên hiệp, Phật giáo Cư Sĩ Lâm… thi nhau ra đời. Tạp chí Giác Xã ra đời năm 1918 do Thái Hư chủ trương, ít lâu sau biến thành nguyệt san Hải Triều Âm, là một trong những cơ quan ngôn luận Phật giáo có ảnh hưởng tới phong trào chấn hưng Phật giáo tại Việt Nam.

Trong lúc ấy, tại các nước Miến Điện, Tích Lan và Nhật Bản, một ngọn gió mới cũng thổi vào nền Phật giáo cố hữu. Động cơ của sự phục hưng này không phải chỉ do phong trào học Phật ở Ấn Độ và Trung Hoa mà còn do sự hâm mộ của người phương Tây về Phật giáo nữa (6). Như vậy phong trào chấn hưng Phật giáo là một phong trào có tính chất quốc tế vào thời gian đó.

Tuy nhiên các nhân tố quốc tế không có ảnh hưởng nhiều tới phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam, mà nhân tố chính là xuất phát từ sự phát triển của xã hội Việt Nam. Khi mà nền cựu học Nho giáo sụp đổ và nền tân học Tây phương đang phát triển, chữ Hán được thay thế bằng chữ quốc ngữ thì các Tăng ni Phật tử cũng đòi hỏi phải có một sự đổi mới trong sinh hoạt tâm linh và hoằng dương chính pháp. Những trăn trở và giải pháp đã được báo Viên Âm đăng tải dưới nhan đề Xương minh Đạo Phật ngày nay đã phải thời chưa? viết: “Sự sụp đổ của niềm tin quốc dân nơi những giá trị cổ truyền do ý thức hệ Nho giáo đại diện đã tạo nên một hoang mang lớn. Văn hóa cũ đã suy sụp mà văn hóa mới chưa được hình thành dù đã trải qua gần năm mươi năm tiếp xúc với Tây phương. Đạo Phật đã chứng tỏ rất thích hợp với tinh thần và ước vọng người Việt, lại có tính cách dung hợp cởi mở, có thể đóng vai trò dung hợp cũ mới, bảo tồn những giá trị cũ và thu nhập những giá trị mới. Vì vậy xiển minh đạo Phật tức là xây dựng nền tảng cho một nền văn hóa dân tộc vừa tiến bộ vừa không mất gốc” (7). Phật giáo được xem như là nhu cầu đáp ứng cho khát vọng về tư tưởng để theo của xã hội lúc đó. Nhưng Phật giáo đã thực sự đáp ứng được chưa thì lại là một vấn đề và thực tế Đạo Phật lúc này cũng đang nằm trong tình trạng suy đồi và điều này đã được đề cập trong tạp chí Duy Tâm. Do vậy hơn lúc nào hết Phật giáo cần một sự đổi mới để đáp ứng nguyện vọng của xã hội.

Phong trào chấn hưng Phật giáo tại Việt Nam phát triển trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Từ đó đưa đến sự thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam tại miền Bắc vào năm 1934 đặt trụ sở tại chùa Quán Sứ, và xuất bản tạp chí Đuốc Tuệ. Ở miền Trung, Hội An Nam Phật học cũng ra mắt tại chùa Từ Đàm và cho xuất bản tạp chí Viên Âm vào 1934, đặc biệt Hội đã mở các Phật học viện cho tăng chúng tu học như phật học đường Báo Quốc và Kim Sơn, Trúc Lâm và Tây Thiên. Ở Bình Định có Hội Phật học Bình Định, ở Đà Nẵng có Hội Phật học Đà Thanh, ra tạp chí Tam Bảo. Tại miền Nam, năm 1920, Hội Lục Hòa được thành lập để đoàn kết và vận động phong trào chấn hưng Phật giáo. Hội nghiên cứu Phật học Nam Kỳ ra đời, đặt trụ sở tại chùa Linh Sơn, xuất bản tạp chí Từ Bi Âm (1932). Năm 1933 Liên đoàn Học xã ra đời. Năm 1934, Hội Phật học Lưỡng Xuyên ra đời, xuất bản tạp chí Duy Tân Phật học và mở Phật học đường Lưỡng Xuyên (8). Ở Nam Kỳ và Trung Kỳ tiến hành chấn hưng Phật giáo sớm hơn Bắc Kỳ, nhưng ở Bắc Kỳ đạt được nhiều thành tựu hơn và đặc biệt là suy tôn được ngôi Thiền gia Pháp chủ. Mục đích của phong trào chấn hưng Phật giáo đã được Sư tổ Thanh Hanh nêu ra trong bài phát nguyện tại lễ suy tôn Thiền gia Pháp chủ, Sư tổ Thanh Hanh đã phát nguyện: “Năm vừa qua, Hội Phật giáo Bắc Kỳ tiến được một bước lên con đường tiến bộ Phật giáo, nhưng theo ngu ý của tôi thì nơi chấn hưng ấy mới chỉ là hình thức… chỗ cốt yếu của Đạo Phật là ở nơi xiển dương giáo lý, tế độ chúng sinh; ngày nào mà Hội còn chưa đạt tới cái mục đích ấy thì chúng tôi cũng còn không khỏi tự thẹn với cái chức Thiền gia Pháp chủ mà Hội tặng cho” và Pháp chủ kêu gọi các sơn môn hãy noi theo nguyên tắc “Lục Hòa” của Phật Tổ dạy mà bỏ hết mọi sự hiềm khích của tông nọ, phái kia để hết lòng chấn hưng Phật giáo (9).

Hàng loạt các bài viết của các tác giả đăng trên tạp chí Đuốc Tuệ đã nêu rõ chủ ý của công cuộc chấn hưng Phật giáo, đặc biệt là những loạt bài viết của ông Trần Trọng Kim, trưởng ban Nghiên cứu Phật học của Hội Bắc Kỳ Phật giáo, là “muốn làm cho sáng cái Đạo đã mờ, muốn trau chuốt nó cho bóng bẩy hơn trước và lại thích hợp với nhu yếu của người đời”. Đó có thể được xem là một bản “tuyên ngôn của phong trào chấn hưng Phật giáo”, với chủ ý phục hưng đạo Phật (“làm cho sáng cái đạo đã mờ”), hiện đại hóa nó (“trau chuốt bóng bẩy hơn trước và lại thích hợp với nhu yếu của người đời”) để Phật giáo có thể đóng vai trò văn hóa dân tộc (10). Như vậy chấn hưng Phật giáo là đổi mới cho phù hợp với thời đại mà vẫn giữ được bản sắc Phật giáo Việt Nam.

Từ bài học lịch sử và vấn đề đổi mới Phật giáo Việt Nam hiện nay

Từ bối cảnh quốc tế và trong nước dẫn đến phong trào chấn hưng Phật giáo, nhìn lại phong trào chấn hưng Phật giáo trong lịch sử cho thấy Phật giáo luôn luôn phải chuyển mình cho phù hợp trước những đòi hỏi của xã hội và thời đại nếu muốn thực hiện sứ mạng “tế độ chúng sinh” của mình. Những gì mà phong trào chấn hưng Phật giáo những năm 1930 của Phật giáo Việt Nam đã làm và đề cương chấn hưng Phật giáo mà cố đại lão Hòa thượng Thích Trí Hải đã trình bày trong hai tác phẩm của ngài là: Hồi ký thành lập Hội Phật giáo Việt Nam và Nhân gian Phật giáo đại cương là những bài học quý giá cho chúng ta ngày nay khi thao thức về một vấn đề là làm sao để Phật giáo Việt Nam thực sự phát huy được những giá trị truyền thống trong lịch sử đồng hành cùng với dân tộc, phát huy tinh thần nhập thế của người tu sĩ Phật giáo trong giai đoạn mới của xã hội Việt Nam trong thế kỷ 21 này. Bối cảnh thế giới đang trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế và khu vực ngày một sâu sắc, Phật giáo cũng đang góp sức mình vào trong quá trình toàn cầu hóa này. Đất nước của chúng ta đang vững tiến trên con đường Đổi mới một cách toàn diện trên mọi mặt của đời sống xã hội, kinh tế, chính trị và văn hóa. Hòa mình cùng với công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của toàn xã hội, Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn hiện nay có thể nói là đang phát triển hơn bao giờ hết, tuy nhiên cũng đặt ra nhiều những thách thức mới đòi hỏi Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải thực hiện đổi mới nếu không muốn nói là “chấn hưng Phật giáo”.

Đổi mới trong công tác đào tạo Tăng ni đóng vai trò quan trọng trong chiến lược và sách lược của Giáo hội Phật giáo Việt Nam vì lực lượng Tăng ni vừa là trụ cột, vừa là những vị thầy tinh thần cho những Phật tử tại gia sống theo chân lý Đạo Phật. Nền giáo dục Phật giáo phải chú trọng về phẩm chất, đạo hạnh và chất lượng của người tu sĩ trong thời hiện đại. Giáo hội cần phải tập trung nghiên cứu và thống nhất chương trình giảng dạy tại các Học viện Phật giáo hiện nay, làm sao thoát ra khỏi những thể chế cổ điển không đủ sức đưa Đạo Phật đi vào trong lòng cuộc đời, cần có những chuyên khoa, chuyên ngành sao cho chương trình đào tạo vừa chuyên sâu về giáo lý Phật giáo, vừa nắm vững kiến thức khoa học kỹ thuật và các ngành xã hội học, tâm lý học và y học… có như vậy thì giáo dục Phật giáo mới đào tạo ra những tu sĩ vững chãi về khả năng diễn giải giáo lý và khả năng áp dụng giáo lý đó vào trong đời sống xã hội hiện đại.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần phát huy những sáng tạo hơn nữa trong công tác hoằng pháp và giáo dục quần chúng Phật tử để làm sao ngôn ngữ Đạo Phật đem lại khả năng chỉ bày cho thế hệ trẻ thấy rõ con đường thực hiện Đạo Phật trong cuộc đời, nghĩa là trên mọi khía cạnh giáo dục, kinh tế, chính trị, văn hóa… của xã hội. Công tác nghiên cứu, phiên dịch kinh điển và hoằng pháp phải làm sao để tạo ra được sự gặp gỡ giữa triết lý của Đạo Phật với kiến thức chuyên môn về những vấn đề có tính cấp thiết của cuộc sống. Đẩy mạnh hơn nữa sự nghiệp Việt hóa kinh điển Phật giáo để thế hệ trẻ có thể dễ tiếp cận, dễ hiểu. Kinh tụng hàng ngày nên ngắn gọn và chọn lọc mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Giáo hội nên mở nhiều lớp bồi dưỡng ngắn hạn và kể cả có chương trình đào tạo dài hạn cho Phật tử. Ngôi chùa không những là nơi thực nghiệm tâm linh mà còn thực sự là một môi trường giáo dục, tích cực tham gia vào phong trào xã hội học tập. Giáo hội cũng nên có định hướng và nhân rộng các trung tâm tu tập, tạo môi trường tu tập cho các Phật tử để mỗi người đến với Đạo Phật là đến với sự thể nghiệm tâm linh và có được sự an lạc trong tâm hồn, có như vậy Đạo Phật mới thực sự đáp ứng nhu cầu tâm linh trong thời đại mới.

Về báo chí Phật giáo, chúng ta đang sống trong thời đại bùng nổ thông tin và phương tiện kỹ thuật truyền thông hiện đại, nên việc phát triển báo chí truyền thông là một đòi hỏi cấp thiết để truyền bá chính pháp của Đạo Phật (…) Về công tác từ thiện xã hội cũng cần có những bước đổi mới trong tư duy và hoạt động (…). Đây là một việc làm hết sức cấp bách của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Chấn hưng Phật giáo thực chất là phong trào đổi mới trong Phật giáo trên tinh thần để đưa ánh sáng giáo lý nhân bản của Đạo Phật vào trong cuộc sống đem lại lợi ích nhân sinh trước những yêu cầu mới của xã hội và thời đại. Đổi mới tổ chức, đổi mới hình thức sinh hoạt tâm linh và truyền bá chính pháp nhưng vẫn phát huy được bản sắc Phật giáo Việt Nam là đồng hành cùng dân tộc, có trách nhiệm với lịch sử và văn hóa dân tộc. Cùng với sự đổi mới của cả nước trong giai đoạn mới, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng có những chương trình đổi mới để phát huy các giá trị quý báu của mình trong lịch sử.

 

  1. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học, Hà Nội, 2000.
  2. Nguyễn Hiến Lê, Đông Kinh Nghĩa Thục, Nxb Lá Bối, Sài Gòn, 1974.
  3. Dẫn theo Nguyễn Lang, Sđd.
  4. Heinrich Dumoulin (ed.), Buddhism in the Modern World (London: Collier Macmillan Publishers, 1976), tr.130.
  5. Holmes Welch, The Buddhist Revival in China (Cambridge, Massachusetts: Harward University Press, 1968), 51 pp.
  6. Nguyễn Lang, Sđd.
  7. Viên Âm, số 2, năm 1934.
  8. Nguyễn Lang, Sđd.
  9. Nguyễn Đại Đồng, “Mười năm phát triển” trong Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 1/2006, tr.30.
  10. Nguyễn Lang, Sđd.

Thích Đức Thiện