Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà giáo Nguyễn Lân

Mấy bài học lớn từ cuộc đời một người thầy

nhà giáo Nguyễn Lân

nhà giáo Nguyễn Lân

Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương, thành viên của Đại học Đông Dương, đã có một vai trò đặc biệt trong việc đào tạo các nhà giáo dục và nghiên cứu văn hóa dân tộc lỗi lạc, từng bước để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử giáo dục Việt Nam.

Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương so với các trường thành viên khác của Đại học Đông Dương – như Y khoa, Luật và Pháp chính… – thì thành lập muộn hơn (1917). Nhưng đã đào tạo được qua các khóa nhiều giáo sư trung học nổi tiếng, cũng là những nhà văn hóa lớn của nước ta. Có thể kể tên một số người tiêu biểu như Lê Thước, Dương Quảng Hàm, Đặng Thai Mai, Cao Xuân Huy, Tôn Quang Phiệt, Ca Văn Thỉnh, Phạm Thiều, Nguyễn Khánh Toàn v.v… và giáo sư Nguyễn Lân của chúng ta cũng đứng trong đội ngũ những nhà giáo quang vinh đó.

Tìm hiểu về trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương, có một điều kỳ lạ khi nói về chất lượng đào tạo. Đối với hầu hết các khóa của trường, điều kiện nhập học là có bằng Cao đẳng tiểu học (Thành chung) – về hình thức là tương đương với bằng tốt nghiệp Trung học cơ sở ngày nay – mãi tới những khóa sau mới nhận đặc cách một số người có bằng Tú tài (bản xứ hay Tú tài “Tây”, vào thẳng năm thứ 2, nhưng ít năm sau đó chỉ vào năm thứ 1, để tới thời gian chiến tranh thế giới 2 (1939 – 1945) trường đã phải đóng cửa mà nguồn giáo sư từ Pháp sang không còn vì chiến sự, nên chính quyền thuộc địa phải tuyển người có bằng Tú tài (lúc này không còn Tú tài bản xứ nữa, mà chỉ là Tú tài Pháp, hoàn toàn học theo chương trình đào tạo và thể lệ thi cử như bên Pháp) vào dạy các trường Cao đẳng tiểu học.

Giáo sư Nguyễn Lân vào trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương năm 1929 và ra trường năm 1932, sau 3 năm cần cù học tập. Việc ông chọn nghề dạy học là mục tiêu và lý tưởng phấn đấu suốt đời được xác định từ rất sớm. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường trung  học, tấm gương mô phạm của chính thầy giáo của mình là giáo sư Dương Quảng Hàm – cũng là cựu sinh viên Cao đẳng Sư phạm Đông Dương – đã tác động mạnh mẽ đến tâm hồn và lý tưởng của anh học sinh nghèo. Sau này, trong hồi ký đời mình, Giáo sư Nguyễn Lân đã viết: “… Người thầy có ảnh hưởng sâu sắc nhất đến tri thức, tình cảm và ý chí của tôi là cụ Dương Quảng Hàm, một Giáo sư uyên bác và mô phạm về mọi mặt. Học cụ, tôi vẫn tự nhủ là sau này, phải cố gắng theo khuôn mẫu của cụ để trở thành một nhà giáo tiêu biểu như cụ” (Vinh quang nghề Thầy, Nxb Giáo dục, H, 2004). Và thực tế sau đó cho thấy, anh học sinh Nguyễn Lân đã thực hiện đúng và xuất sắc lời tự hứa với mình, quyết tâm phấn đấu đi theo con đường của thầy. Cũng theo Hồi ký trên, năm 1989, khi được phong danh hiệu cao quý “Nhà giáo nhân dân” (trong đợt 1), Giáo sư Nguyễn Lân đã cảm kích: “Đọc một bài thơ về Tình nặng nghĩa sâu, trong đó về cụ Hàm tôi đã nói:

“Trường Bưởi noi gương cụ giáo Hàm

Một nhà học giả thực phi phàm

Làu thông Âu, Á, say nghiên cứu

Ham đọc sử, văn, lợi chẳng ham!”.

Nhân nói về Giáo sư Dương Quảng Hàm, tôi còn nhớ một kỷ niệm là năm 1944, khi tôi đang học lớp triết học văn chương ở trường Khải Định (Huế), vào một giờ Việt văn (mỗi tuần một giờ), Giáo sư Nguyễn Lân đã dành gần trọn giờ để giới thiệu công trình Việt Nam văn học sử yếu của thầy giáo cũ với tất cả sự vui mừng và trân trọng.

Cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sư Nguyễn Lân trước sau trọn vẹn là cuộc đời và sự nghiệp của một nhà giáo, từ khi ra trường (1932) cho đến khi về nghỉ hưu (1971), ông luôn luôn là người trực tiếp làm công tác giảng dạy, ở trường tư cũng như trường công, hết ngoài Bắc đến miền Trung, từ lớp Truyền bá Quốc ngữ đến Trung học, rồi Đại học, trong kháng chiến gian lao cũng như khi hòa bình lập lại, đất nước thống nhất, lúc nào ông cũng hăng hái, nhiệt tình năng động, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ với chất lượng cao nhất, tất cả vì quyền lợi học tập của học sinh thân yêu.

Gắn liền với sự nghiệp giáo dục là sự đóng góp phong phú của Giáo sư Nguyễn Lân về các tài liệu học tập cho học sinh, trong số đó phải kể tới những cuốn sách công cụ như Muốn đúng chính tả, Từ điển chính tả phổ thông… Riêng đối với tôi là người Nghệ Tĩnh phân biệt hai dấu “hỏi, ngã” không rành, viết hay lầm hai dấu đó thì cuốn Mẹo dùng hỏi ngã của ông được phổ biến từ trước Cách mạng tháng Tám 1945 là một cẩm nang vô cùng quý, nhờ nắm được các kinh nghiệm ông đã tổng kết dưới một hình thức đơn giản, dễ nhớ mà chỉ sau một thời gian ngắn tôi đã viết đúng hai dấu đó.

Một điểm nữa cũng cần được nêu lên là theo dõi các sách báo, công trình biên soạn của Giáo sư Nguyễn Lân, từ Ngữ pháp Việt Nam (lớp 3 đến lớp 7), Luân lý lớp 6 phổ thông và lớp 7 phổ thông đến Viết thế nào cho đúng, Một trăm mẩu chuyện cổ Đông – Tây, Tôi yêu tiếng Việt… cấp học nào và loại hình nào cần là ông sẵn sàng đóng góp. Thiết tưởng đó là một bài học lớn về tinh thần phục vụ vô điều kiện, toàn tâm toàn ý phục vụ học sinh của một nhà giáo chân chính.

Trong cuộc đời hoạt động khoa học giáo dục của Giáo sư Nguyễn Lân có một nét tôi cũng vô cùng tâm đắc. Đó là sự gắn bó giáo dục với văn nghệ, dùng văn nghệ để chuyển tải nội dung giáo dục thêm sâu sắc, nhuần nhuyễn. Chúng ta đều biết tới cuốn tiểu thuyết giáo dục Cậu bé nhà quê xuất bản năm 1925 và từ năm 1934 được công nhận là sách giáo khoa cho các trường Pháp – Việt, khi tôi còn ngồi trên ghế nhà trường tiểu học. Nhắc đến cuốn sách này, tôi muốn nhắc tới hai kỷ niệm, một của thời nhỏ là nhờ đọc nhiều lần mà tôi đã thuộc lòng nhiều đoạn, tới nay đã hơn 60 năm trôi qua mà tôi vẫn có thể đọc trầm một số đoạn. Câu chuyện về cuộc đời một em bé nông thôn nhà nghèo, mẹ mất sớm, cha bị tù đày với tất cả những éo le, đau khổ đã cuốn hút tôi. Đặc biệt hình ảnh cụ đồ Cự dạy học ở một vùng nông thôn miền Bắc, hình ảnh cụ nghè Nhân trong Cậu bé nhà quê ngay từ rất sớm đã tác động mạnh mẽ đến tâm hồn non trẻ của tôi, rồi sau đó là các cụ đồ trong Lều chõng của Ngô Tất Tố, Bút nghiên của Chu Thiên chắc hẳn đã góp phần bồi dưỡng và củng cố trong tôi lòng kính trọng và cảm phục sâu sắc đối với người thầy, để rồi từ những ngày đầu sau cách mạng thành công, đã quyết định chọn nghề đó làm lý tưởng sống và phục vụ suốt đời của mình. Kỷ niệm thứ hai, đó là sau ngày tiếp quản Thủ đô (10-10-1954), tôi đã về Hà Nội học Đại học Sư phạm Văn khoa, tình cờ đã “gặp lại người bạn thơ ấu thuở nào”, khi mua được trong mớ sách cũ ở một góc đường phố Hà Nội cuốn Cậu bé nhà quê, và tôi đã trân trọng mang tặng Thầy làm cho Thầy rất vui.

Sau khi lên trường Trung học, tôi vẫn tìm đọc các tác phẩm của Thầy. Về lịch sử, tôi đọc Những trang sử vẻ vang với một niềm hứng thú đặc biệt. Tiếp đến là Nguyễn Trường Tộ. Về văn học, đó là Khói hương, Ngược dòng, Hai ngả. Về sau tôi đã nhận ra một điều – mà điều này đối với tôi là một phát hiện – đó là các tác phẩm của Giáo sư Nguyễn Lân đều có tính khai phá, dự báo bước phát triển sau đó của văn hóa nước nhà. Ông đã tỏ ra nhạy cảm, sớm nắm bắt được đề tài một cách sâu sát để rồi mạnh dạn đi vào vấn đề. Về lịch sử, trường hợp cuốn Nguyễn Trường Tộ xuất bản năm 1941, sau đó một năm lại được tái bản là khá tiêu biểu. Cho đến lúc đó, có thể khẳng định chưa có một công trình chuyên khảo nào về cuộc đời và sự nghiệp Nguyễn Trường Tộ, một vài bài viết sơ lược trên các tạp chí Nam Phong, Tri Tân… Việc nhìn nhận, đánh giá nhân vật lịch sử này vẫn chưa thống nhất. Thế mà Giáo sư Nguyễn Lân đã đặt vấn đề nghiên cứu, rồi xuất bản sách để đến gần hai mươi năm sau mới có nhóm Đặng Huy Vận – Chương Thâu tiếp bước với cuốn Những đề nghị cải cách của Nguyễn Trường Tộ cuối thế kỷ XIX (1961).

Còn về văn học thì với cuốn tiểu thuyết mở đầu là Cậu bé nhà quê (1925) và cuối cùng là cuốn Hai ngả (1938) rồi bẵng đi một thời gian dài, xuyên qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ mới có Hồi ký giáo dục (1996), tác giả Nguyễn Lân đã xác định được một vị trí xứng đáng trên văn đàn. Hãy nêu một lời đánh giá chí tình của một cây bút nữ là Lê Thị Đức Hạnh: “Xuất phát từ lòng yêu nước, yêu văn hóa dân tộc, yêu tiếng mẹ đẻ, ngót 70 năm cầm bút, Từ Ngọc Nguyễn Lân… còn là nhà văn đã đem lại cho văn học Việt Nam trong những năm 20 và 30 của thế kỷ XX mấy tác phẩm có giá… Ông xứng đáng, và cần được có tên trên những trang văn học sử Việt Nam giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám” (Những đóng góp về phương diện tiểu thuyết của Từ Ngọc Nguyễn Lân, Vinh quang nghề Thầy, Sđd).

Tính khai phá, giá trị đón đầu trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học của Giáo sư Nguyễn Lân còn thể hiện rõ rệt trong việc biên soạn các công trình về giáo dục học và đặc biệt về từ điển, sự đóng góp trên hai lĩnh vực này của ông là rất to lớn, có thể xem ông như là một người sáng lập và xây dựng ngành giáo dục học và là một nhà biên soạn từ điển lớn của nước ta trong suốt những năm qua.

Trên cơ sở những đóng góp và thành tựu to lớn về nhiều mặt như vậy, Giáo sư Nguyễn Lân thật sự xứng đáng với lòng tri ân ngưỡng mộ của các thế hệ học sinh – sinh viên, cũng như sự tôn vinh của mọi người. Những bài học lớn rút ra từ cuộc đời hoạt động giáo dục – văn hóa của Giáo sư Nguyễn Lân mãi có giá trị và tiếp tục phát huy hơn bao giờ hết ngày nay.

Đinh Xuân Lâm