Tiễn Bá Tán (1898 – 1968)

Người Đào Nguyên thuộc tỉnh Hồ Nam, vốn là người tộc Uigua, sinh ngày 14 tháng 4 năm 1898. Năm 1916 ông thi đỗ vào trường Thương nghiệp Vũ Xương, mùa hè năm 1924 sang nước Mỹ, theo học chuyên khoa kinh tế học tại trường California. Tháng 1 năm 1926 trở về Bắc Kinh, từng nghiên cứu chủ nghĩa Mác và lịch sử Trung Quốc tại Bắc Kinh, Thiên Tân, Thượng Hải. Năm 1937 trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong thời gian này Tiễn Bá Tán xuất bản cuốn Giáo trình triết học lịch sử. Tháng 2 năm 1940, đến Trùng Khánh hoạt động bí mật dưới sự chỉ đạo của Chu Ân Lai. Ông đã viết hơn 60 bài luận văn nghiên cứu lịch sử, phê phán văn hóa theo tư tưởng phái hữu, phê phán thỏa hiệp, đầu hàng, tuyên truyền yêu nước, kháng chiến. Tác phẩm Trung Quốc sử cương 2 tập do Tiễn Bá Tán biên soạn xuất bản thời kỳ này.

Tiễn Bá Tán (1898 – 1968)

Sau kháng chiến chống Nhật thắng lợi, năm 1946 tại Thượng Hải, ông cùng một số nhà sử học như Chu Cốc Thành, Chương Trí Nhượng… thành lập và giữ vai trò lãnh đạo tổ chức Hội hữu nghị liên hiệp Giáo sư Đại học Thượng Hải, đồng thời là Chủ bút tờ nguyệt san Đại học. Năm 1947 Tiễn Bá Tán sang Hồng Kông làm Giáo sư Học viện Đạt Đức kiêm Phó Chủ biên trang Sử địa của báo Văn hối. Tháng 11 năm 1948, ông cùng với Quách Mạt Nhược, Hầu Ngoại Lư rời Hồng Kông về Bắc Kinh, tháng 1 năm 1949, tham gia công tác trù bị Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc, sau được bầu làm ủy viên Ủy ban hiệp thương chính trị toàn quốc lần thứ nhất.

Sau khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời, Tiễn Bá Tán từng giữ chức Phó Hiệu trưởng kiêm Chủ nhiệm khoa Lịch sử Đại học Bắc Kinh, Ủy viên thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Sử học Trung Quốc, Ủy viên biên tập tạp chí Nghiên cứu lịch sử, Phó Chủ biên Thông báo khoa học Đại học Bắc Kinh và trang Sử học trên Quang Minh nhật báo… Từ năm 1950, Tiễn Bá Tán tập trung sức lực vào công tác xây dựng một nền sử học Trung Quốc. Ông là người khởi xướng việc biên soạn Trung Quốc sử tư liệu tùng san (Bộ sách tư liệu lịch sử Trung Quốc) tổng cộng có 11 chuyên đề. Ông trực tiếp chủ biên hai chuyên đề Biến pháp Mậu Tuất Nghĩa Hòa đoàn. Từ mùa xuân năm 1961, ông là tổ trưởng tổ thẩm định giáo trình lịch sử của các trường cao đẳng trong toàn quốc, chủ biên Giáo trình Trung Quốc sử cương Tư liệu tham khảo dạy học lịch sử cổ đại Trung Quốc. Tiễn Bá Tán từng viết bài Ý kiến bước đầu về việc xử lý một số vấn đề lịch sử Vài tồn tại trong việc nghiên cứu lịch sử hiện nay, nhằm phê phán tư tưởng cực tả xuất hiện trong giới nghiên cứu sử học từ sau những năm 50 của thế kỷ XX. Công trình Trung Hoa sử cương của Tiễn Bá Tán đã trở thành tài liệu tham khảo chính về lịch sử Trung Quốc theo quan điểm Mác-xít cho các giảng viên và sinh viên khoa lịch sử ở Hà Nội từ cuối những năm 1950.

Năm 1966 Đại cách mạng văn hóa nổ ra, Tiễn Bá Tán bị gán tên gọi là đại diện cho Quyền uy học thuật phản động của giai cấp tư sản. Đêm ngày 18 tháng 12 năm 1968, ông cùng người vợ yêu thương đã tự vẫn tại Đại học Bắc Kinh mang theo nỗi niềm oan khuất. Ngày 1 tháng 9 năm 1979, Đảng ủy Đại học Bắc Kinh đã tiến hành giải oan cho Tiễn Bá Tán.

NGUYỄN HỮU TÂM

THEO ĐẠI BÁCH KHOA LỊCH SỬ TRUNG QUỐC.