Mùa hè năm 1981, trong chuyến cùng các cụ ở Câu lạc bộ Thăng Long về tham quan Thái Bình, tôi có dịp gặp bác Nguyễn Cao Luyện. Thấy bác đứng thơ thẩn ngoài sân, tôi lại gần chào hỏi:
– Thưa bác, bác còn nhớ anh Biên không? Tôi là em ruột anh Biên. Anh Biên đã ở nhà bác nhiều năm hồi học trường trung học Nam Định.
Bác có vẻ sửng sốt:
– Thế à? Quên làm sao được thằng Biên! Biên là con cụ cử đậu đồng khoa với ông thân sinh tôi. Hai cụ rất thân nhau nên đã gửi con cho nhau và còn định kết thông gia với nhau, vì cô em gái tôi cũng trạc tuổi nó.
Hình như cho việc gọi anh tôi như vậy là suồng sã, không lịch sự nên sau bác cứ phàn nàn với người khác rằng:
– Tôi thật có lỗi khi gọi anh chị ấy bằng thằng. Toàn ở tuổi bảy, tám mươi, đáng cụ cả rồi mà gọi nhau như thế thật thất lễ…
Để chấm dứt sự áy náy kéo dài, một hôm tôi phải nói với bác:
– Bác đừng bận tâm. Chính tôi thấy gọi như thế lại thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa hai gia đình. Sao lại có thể phật lòng vì câu nói thốt ra xuất phát từ tình cảm thân thiết?
Bác có vẻ tâm đắc với sự thông cảm chân thật của tôi.
Từ đó, về Hà Nội, bác luôn đến chơi nhà tôi. Nhiều bữa trưa hè nắng chang chang, bác đến mồ hôi vã đầm đìa, tôi sửng sốt:
– Trời đất! Nắng nôi thế này bác lặn lội làm gì? Bác làm chúng em thêm băn khoăn. Chúng em ít tuổi, còn khỏe hơn bác nhiều, lẽ ra chúng em phải đến thăm bác mới phải!
Bác xua tay cười hiền hậu:
– Không sao! Biết chị bận nhiều việc nhà… Tôi rỗi hơn tôi đến thăm chị là phải.
Biết bác có nhiều kiến thức, kinh nghiệm phong phú về kiến trúc kết hợp cả phong cách của Đông và Tây, những kiến thức mang đậm màu sắc dân tộc, rất dễ bị mai một, nên nhiều lần trò chuyện tôi động viên khuyến khích nên giành thời gian, sức lực viết lại, dù bây giờ chưa sử dụng được, song để cống hiến cho mai sau. Bác bảo bác đã viết, đang viết và sẽ viết, song tiếc sức lực không còn nhiều. Một lần bác đem đến nhà cho tôi xem cuốn Từ mái nhà tranh, bác bảo đó là cuốn sách duy nhất còn lại có chữ đề tặng con trai bác là kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện. Đọc cuốn sách, tôi càng thấy rõ sự thông tuệ của bác, đặc biệt là khiếu thẩm mỹ mang đậm màu sắc Á Đông. Nhà tôi xem xong cuốn sách đã nói với bác:
– Bác viết về kiến trúc với tâm hồn thơ. Đọc cuốn sách này, người ta thấy phải trân trọng và bảo toàn những cái gì là tinh hoa của dân tộc.
Bác kể cho nghe những tinh hoa trong kiến trúc phương Tây mà bác đã khổ công sưu tầm trong hàng trăm pho sách lớn.
Có lần, vào ngồi nghe bác phân tích sự kỳ diệu của các bậc đá và ánh sáng buổi sáng, buổi chiều, rọi chiếu vào các pho tượng Phật chùa Tây Phương, để thấy bàn tay và khối óc tuyệt duyệt của các nghệ nhân ngày xưa, đồng thời nghe bác phân tích về những vẻ đẹp và phản mỹ thuật trong nhiều công trình kiến trúc đương đại, bác có vẻ buồn. Một lần tôi tinh nghịch hỏi bác:
– Trong đời bác đã góp nhiều công sức xây dựng nhiều công trình, song có bao giờ bác được ở trong ngôi nhà do tay bác thiết kế?
Nghe tôi hỏi, bác chỉ cười không trả lời. Bác gái ngồi bên lên tiếng:
– Có đấy. Trước ngày toàn quốc kháng chiến chúng tôi xây dựng một biệt thự nhỏ trên Hồ Tây, có vườn tược cây cối đàng hoàng. Hòa bình lập lại, trở về ở ngôi nhà cũ, nhưng một cơ quan xây một loạt nhà xí ngay trước mặt sân, cực quá không thể ở được, cơ quan bố trí cho gia đình về ở phố Trần Hưng Đạo một thời gian rồi lại về đây. Nhà xây hướng tây nóng lắm.
Bác vẫn cười không nói gì. Tôi biết bác không muốn nói tới những thua thiệt của bản thân. Một đồng chí lão thành cách mạng cho tôi biết thời Pháp thuộc, bác tham gia nhiều phong trào và bác là cơ sở cách mạng của đồng chí Nguyễn Lương Bằng nhưng bác không khai. Phải chăng đó là biểu hiện lòng tự trọng, là sĩ khí của con nhà nho? Mặc dầu được đào tạo và tiếp thu ảnh hưởng của nền văn hóa Tây phương, song bác vẫn mang nặng chất nho trong mạnh máu.
Mấy lần bác phấn khởi cho biết chẳng những con trai bác theo nghề kiến trúc, mà còn cháu nội đang du học, cũng rất say mê kế tục sự nghiệp của ông. Tôi cũng rất vui mừng trước sự nối tiếp và kế thừa di sản quý báu của gia đình. Tôi chắc rằng đó là nguồn vui vô tận của bác.
Một ngày Tết, chị Cả, chị Lan và tôi đến chúc Tết bác.Bác có vẻ vui vẻ lắm, bác nói nhiều về những triết lý cao siêu và huyền bí của đạo Phật, ý nghĩa của thiền và các câu kinh. Tuy là một người hào hoa phong nhã, song việc đón Xuân tại nhà bác xem ra rất sơ sài. Tôi biết bác gái luôn đau yếu, bác đã cao tuổi lại nặng về cuộc sống nội tâm nên không quan tâm đến các sinh hoạt bình thường. Thỉnh thoảng tôi lại mua giúp bác các thức ăn theo phép dưỡng sinh. Sợ bác đi lại nhiều vất vả, tôi thường sai các cháu mang đến tận nhà. Con gái tôi cũng rất kính trọng bác nên đề xuất với bác:
– Cháu ghi cho bác số điện thoại cơ quan cháu, khi nào bác cần gì mẹ cháu, bác cứ gọi điện cho cháu, cháu sẽ truyền đạt cho mẹ cháu, bác khỏi phải đi xa. Bác già yếu rồi đi lại nhiều mệt lắm.
Hai năm sau bác đã yếu lắm, mấy lần bác gọi điện nhắn cháu và nhiều lần bác nhờ cơ quan cho xe đưa bác đến nhà chơi. Hai tháng trước khi bác mất, tôi đến thăm bác, bác dẫn tôi đi xem cách thiết kế đồ đạc trong phòng con bác và dẫn tôi đi xem vườn trước vườn sau. Khi tôi định về, bác lại trước vườn hái tặng tôi một bông hoa nhài rất to đẹp, bác mở cổng ra đường và nói:
– Để tôi tiễn chân chị một quãng.
Tôi kiên quyết từ chối, nhưng bác cứ đi. Đến một quãng xa, tôi năn nỉ mãi bác mới quay về. Không ngờ đó lại là lần tôi gặp bác cuối cùng. Hôm nghe tin bác mất, tôi thấy nao nao một niềm tiếc thương vời vợi và một nỗi buồn chống chếnh như mất một chỗ tựa nương. Thế là từ nay tôi đã mất một ông anh độ lượng, một người bạn vong niên trí tuệ uyên bác, tinh tế và chí tình.
Tôi rất biết ơn Đài Truyền hình Trung ương đã giành một tiết mục giới thiệu con người và sự nghiệp của bác, tuy rất sơ lược, nhưng cũng giúp tôi được gặp lại bác, được nhìn thấy phong thái ung dung đôn hậu của bác để nghĩ đến truyền thống nhân nghĩa, đạo lý ở đời. Tôi cứ bâng khuâng. Trong xã hội thực dụng hiện nay, trong cõi đời nóng lạnh bất thường này, tìm được người bạn vong niên có đủ phẩm chất chân, thiện, mỹ đâu phải là dễ?
Mùa đông năm 1992
Nguyễn Thị Bình Thủy