Công nhân hỏa xa Trường Thi đi vào kháng chiến

Nhà máy Trường Thi thuộc loại nhà máy lớn của Hỏa xa Đông Dương trước đây, chuyên sửa chữa toa xe, đầu máy và sản xuất phụ tùng đường sắt. Công nhân Trường Thi có truyền thống đấu tranh kiên cường và hầu hết có tay nghề khá, đã từng sát cánh cùng nông dân Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên… làm nên Xô viết Nghệ Tĩnh lẫy lừng.

Từ sau Cách mạng tháng Tám, cán bộ, công nhân ở đây ra sức làm việc, khôi phục lại hoạt động của nhà máy, tham gia vào sự nghiệp kiến quốc và bảo vệ đất nước trong tình hình mới.

Hoạt động của công binh xưởng trong kháng chiến. (Ảnh lưu trữ của người nước ngoài tham gia kháng chiến)

Mọi việc đang diễn ra bình thường thì ngày 10-12-1946, đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Thường vụ Trung ương, Bí thư Khu ủy 4 triệu tập cuộc họp khẩn cấp bàn việc di chuyển nhà máy ra khỏi thành phố, lên rừng núi. Đến dự có đồng chí Trần Mai, đại diện UBND tỉnh Nghệ An, Nguyễn Tấn, Giám đốc Nha Tài chính Trung Bộ; kỹ sư Bùi Văn Các, quận trưởng Hỏa xa quận 1; Nguyễn Song Tùng, Trưởng ty Lao động tỉnh; Nghiêm Khắc Cơ vừa được Bộ Quốc phòng bổ nhiệm làm Trưởng ty Quân giới khu 4, thay đồng chí Phan Trọng Quang đi nhận công tác khác.

Đồng chí Hoàng Quốc Việt cho biết tình hình rất khẩn trương, thực dân Pháp đang âm mưu mở rộng chiến tranh ra cả nước. Các tỉnh Khu 4 đều phải chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu cao độ, trong đó có việc phải di chuyển nhà máy Trường Thi ra khỏi thành phố, lên miền tây Nghệ An để “bảo toàn thực lực”, chuẩn bị cho cuộc chiến đấu lâu dài chắc chắn sớm muộn sẽ xảy ra. Tuy nhiên mọi việc chuẩn bị phải diễn ra khôn khéo, bình tĩnh, kỷ luật, bí mật vì lúc này quân Pháp đã có mặt ở Vinh và bọn tay chân Tàu Tưởng vẫn lảng vảng theo dõi mọi động thái chuẩn bị chiến đấu của ta.

Hội nghị tập trung bàn các biện pháp nhanh chóng đưa nhà máy lên miền tây Nghệ An, làm tốt công tác tư tưởng để công nhân hiểu rõ tình hình, cử bộ phận tiền trạm lên miền tây nghiên cứu địa hình đặt xưởng, nghiên cứu đường, phương tiện di chuyển, thời gian triển khai v.v…

Công việc di chuyển nhà máy diễn ra khẩn trương nhưng hết sức bình tĩnh, kỷ luật. Cho đến chiều 19-12-1946, máy móc, vật tư thiết yếu đều được đưa lên các toa tàu, trong đó có những máy lớn như máy tiện bánh xe lửa, đội đầu máy kéo ra ga Yên Lý. Tại đây, Ty Giao thông vận tải đã bố trí sẵn hàng chục xe tải lớn vận chuyển lên miền tây. Không còn đường ô tô, công nhân sử dụng xe bò, xe trâu, xe quệt, gồng gánh vận chuyển lên Trạm Lụi, từ đó lại chuyển xuống thuyền, xuôi sông Hiếu về Sẻ, thuộc làng Tri Chỉ, huyện Nghĩa Đàn. Cuộc di chuyển thật gian nan vất vả, cuối cùng đã hoàn thành tốt. Một chiến công đầu trong chiến tranh.

Đêm 19-12-1946, rạng sáng ngày 20-12-1946, bộ đội chủ lực và tự vệ thành đã nổ súng tiến công trung đội quân Pháp đóng ở Sở Canh nông theo mệnh lệnh của Bộ Tổng chỉ huy. Thành Vinh được lệnh “tiêu thổ kháng chiến”. Việc di chuyển nhà máy Trường Thi càng diễn ra triệt để, hết sức khẩn trương.

Công nhân Trường Thi tạm biệt thành phố thân yêu về nông thôn, lên rừng núi, chuẩn bị lập binh công xưởng chế tạo vũ khí, một lĩnh vực mà “mẫu quốc” chưa bao giờ truyền cho họ.

Để phù hợp với tình hình mới, hoạt động trong thời chiến, chuyển hưởng sản xuất từ mặt hàng dân sự sang mặt hàng quân sự, cấp trên ra quyết định thành lập “Ban giám đốc Liên hiệp xí nghiệp đường sắt” do kỹ sư Bùi Văn Các làm Giám đốc, với nhiệm vụ tổ chức các xưởng, phân tán gọi là “xưởng con” nằm trong “xưởng mẹ” Trường Thi, để có sự hỗ trợ và chỉ đạo, chỉ huy thống nhất. Lúc này, nhiều gia đình công nhân cũng từ thành Vinh, gồng gánh lên miền tây, đi theo xưởng, hình thành các làng xóm công nhân, những xóm thợ trong rừng sâu.

Bằng sự nỗ lực cao độ, có sự giúp sức của đảng bộ, chính quyền, nhân dân các địa phương, sau một thời gian ngắn, trong rừng sâu tây Nghệ An, mọc lên một loạt xưởng, từ nhà máy lớn hỏa xa Trường Thi.

Hoạt động của công binh xưởng trong kháng chiến. (Ảnh lưu trữ của người nước ngoài tham gia kháng chiến)

Đó là xưởng Thái Văn Lung ở Tri Lễ, Anh Sơn; xưởng Hoàng Hữu Nam ở hữu ngạn sông Con; xưởng Quách Văn Cự ở Vực Lồ, Nghĩa Đàn; xưởng Huỳnh Thúc Kháng ở Sen Sẻ, Nghĩa Đàn, xưởng Lê Đình Dũ ở Bến Vạn, Tân Kỳ… Phụ trách các xưởng này là các ông: Nguyễn Nghiên, Vũ Khắc Hồi, Nguyễn Tiêu, Trần Đình Bã, Nguyễn Huy Ngọ, Nguyễn Ngọc Lãm, Hồ Bá Hưởng… Chỉ huy chung là kỹ sư Bùi Văn Các, một nhà khoa học tài năng và tâm huyết. Khi các xưởng Trường Thi chuyển sang đội hình quân giới, thì kỹ sư Bùi Văn Các được Bộ Quốc phòng bổ nhiệm làm Phó trưởng ty Quân giới Khu 4. Công nhân Trường Thi trở thành công nhân quốc phòng; các xưởng trở thành binh công xưởng chuyên sản xuất, sửa chữa vũ khí trang bị cho bộ đội và nhân dân đánh giặc: Xưởng Huỳnh Thúc Kháng chế tạo súng cối 60mm; Xưởng Quách Văn Cự sản xuất đạn AT; xưởng Hoàng Hữu Nam sản xuất đạn cối 60mm và mìn; xưởng Lê Đình Dũ sản xuất badôca, cối 50,8mm v.v…  Về sau, các xưởng còn sản xuất bom phóng và nhiều vũ khí công đồn khác.

Công nhân Trường Thi còn tỏa đi khắp các xưởng vũ khí trên địa bàn Khu 4 như xưởng Đặng Thái Thân, Lê Viết Thuật, Rạng Đông, Lê Huy Bình, Phạm Tứ… Đồng chí Đinh Văn Đức, thợ rèn Trường Thi, đảng viên Cộng sản năm 1930, tỉnh ủy viên bí mật, vừa ở nhà tù Buôn Ma Thuột ra được cử làm quản đốc binh công xưởng Đặng Thái Thân, thành lập sớm nhất ở Khu 4 – ngày 1-10-1945.

Anh Bùi Xuân Nghi, thợ cơ khí chính xác số một của Trường Thi bước vào kháng chiến được giao phụ trách cơ sở sản xuất vũ khí ở Hà Tĩnh rồi Nghệ An (Đến chống Mỹ, anh là chuyên gia vũ khí của quân đội ta, thường trực ở Matxcơva để nhận viện trợ, được đồng đội ca ngợi “thông thuộc các thế hệ vũ khí Tây – ta như thuộc tính nết con cái trong nhà”.

Công nhân binh công xưởng Đặng Thái Thân buổi đầu đều là thợ Trường Thi và học Trường dạy nghề Trường Thi (gọi là ÉA-école apprentissage). Thợ Trường Thi trở thành nòng cốt của các xưởng Quân giới. Họ có tay nghề khá, sử dụng máy công nghiệp thành thạo, làm việc sáng tạo, nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tự chế công cụ, có tác phong công nghiệp, luôn luôn mẫu mực về kỷ luật lao động, an toàn lao động, vệ sinh công nghiệp, đặc biệt quan tâm đến chất lượng vũ khí. Với lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp cao, thợ Trường Thi phản đối thói “làm ẩu”, “làm giả”, họ đề xướng khẩu hiệu: “Tất cả vì bộ đội ở chiến trường”, “Tất cả để chiến thắng”.

Với đôi bàn tay vàng, thợ Trường Thi tham gia tích cực cuộc vận động “Đào tạo thợ trẻ”, “kèm cặp thợ trẻ” bằng nhiều biện pháp như “đỡ đầu, kết nghĩa, truyền nghề” cho lớp công nhân trẻ. Được lớp đàn anh dìu dắt, Ngô Văn Phú, thợ tiện trẻ xưởng Quách Văn Cự đã đưa năng suất vượt 366% trở thành chim đầu đàn, dẫn đầu phong trào thi đua “Phá kỷ lục Ngô Văn Phú” diễn ra sôi nổi trong ngành chế tạo vũ khí ở Liên khu 4 những năm đánh Pháp. Phong trào được đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Bí thư Liên khu ủy Liên khu 4 đánh giá cao, coi đây là “quả bộc phá” đánh tan những lô cốt bảo thủ, khơi nguồn cho năng suất lên cao”.

Qua phong trào, không những lớp công nhân trẻ tiến bộ, mà lớp thợ Trường Thi như Trần Ngọc Cửu, Trần Hậu Khanh, Đặng Văn Đài, Nguyễn Khắc Thân, Nguyễn Khắc Thi, Đặng Tín, Lê Hiền, Đinh Văn Tích… đều tiếp tục dẫn đầu về năng suất và sáng kiến.

Trần Ngọc Cửu là thợ tiện Trường Thi từ năm 1938. Được phân công đứng máy tiện, tiện nòng súng cối 120mm, Cửu thao tác rất điêu luyện, có nhiều kinh nghiệm sử dụng và “tôi” dao tiện phù hợp với công việc, nên đã đưa năng suất lên rất cao, luôn được bầu là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp khu và toàn quân, toàn quốc. Đặng Văn Đài vốn là thợ phay Trường Thi, bước vào kháng chiến tuổi đã cao, nhưng vẫn lao động miệt mài, được anh em ca ngợi là “vua sáng kiến” như làm van cáp cánh đuôi đạn ĐKZ, cối 120mm, chế tạo dụng cụ ren gai ốc, làm bằng mặt cổ lựu đạn, luôn tăng năng suất từ 200% trở lên, nhiều năm là chiến sĩ thi đua, chiến sĩ Quyết thắng, được tuyên dương Anh hùng LLVTND…

Đúng như đồng chí Võ Nguyên Lượng, Ủy viên thường vụ Liên khu ủy, chánh Thư ký Liên hiệp Công đoàn Liên khu 4 phát biểu trong Đại hội công đoàn Liên khu 4: “Truyền thống quật cường Trường Thi – Bến Thủy luôn là bệ phóng để giai cấp công nhân ta làm nên nhiều huyền thoại suốt những năm dài kháng chiến gian khổ nhưng tất thắng”.

Trần Hồ Nam