Kỷ niệm những ngày Tháng Tám

Trong khi sưu tập tư liệu về ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Tám, tôi được biết cụ Ngô Quang Châu là một thanh niên đã từng tham gia chiếm diễn đàn cuộc mít tinh ngày 17-8-1945 của Tổng hội viên chức tại Nhà hát lớn để tuyên truyền cho Việt Minh. Tôi tìm đến số nhà 487 Thụy Khuê – phường Bưởi xin phép được phép gặp cụ, xin nghe kể về những ngày tháng Tám năm 1945 mà cụ tham gia.

Cụ Châu hiền lành nói: “Bây   giờ tôi đã già yếu, xin ở ẩn cho vui cảnh già, không muốn nhắc lại chuyện bình thường ngày xưa”, nhưng trước sự nài nỉ của tôi, cụ nể quá, đành nói với cụ bà lấy cho tôi xem một số tư liệu. Cụ bà mang ra một chiếc cặp  đựng những tờ báo in trong thời kháng chiến chống Pháp, ảnh Cụ Hồ thăm triển lãm của Văn hóa Cứu quốc và hai quyển sưu tập Tạp chí Tiên Phong của Hội Văn hóa Cứu quốc năm 1945 – 1946.

Cụ Ngô Quang Châu – kể chậm rãi theo trí nhớ, và tôi ghi lại đây câu chuyện của cụ, góp thêm một nhân vật đã tham gia Cách mạng tháng Tám năm 1945.

– Hồi trước Cách mạng, tôi học tại trường Trung học Thăng Long, tại đây tôi kết thân với anh Lưu Đức Hiểu và được anh Hiểu giác ngộ cách mạng. Ông Hiểu là người cộng sản, đã bị Pháp bắt, đã cùng ông Nguyễn Lương Bằng, ông Trần Đăng Ninh vượt ngục (ông Trần Đăng Ninh trong Hồi ký Hai lần vượt ngục có nêu tên ông Hiểu). Cụ kể tiếp: Hồi đó Đảng Cộng sản Việt Nam còn hoạt động bí mật, công khai có Đảng Dân chủ, Đảng Xã hội tham gia mặt trận Việt Minh.

Tôi cùng với ông Chu Văn Tích, Trần Lâm và bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng tham gia Dân chủ Đảng. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, thì ông Nguyễn Sơn Ngọc (hiện ở số 1 Nguyễn Đình Chiểu) tổ chức cho tôi gặp ông Khuất Duy Tiến. Ông Tiến tổ chức cho chúng tôi vào Hội Văn hóa Cứu quốc.

Cờ đỏ sao vàng trước Nhà hát lớn

Cờ đỏ sao vàng trước Nhà hát lớn

Khoảng ngày 15 hoặc 16-8-1945 nhóm tuyên truyền xung phong của Dân chủ Đảng do ông Chu Văn Tích làm đội trưởng được triệu tập lại, bàn việc phá cuộc mít tinh do Tổng hội công chức bày ra, để nhân cuộc mít tinh đó kêu gọi quần chúng ủng hộ Việt Minh khởi nghĩa. Sở dĩ có sự tín nhiệm này là vì nhóm tuyên truyền xung phong đã làm được mấy việc, trong đó có tuyên truyền tại rạp Tố Như gây tiếng vang lắm.

Cuộc họp phân công: anh Trần Lâm mang lá cờ đỏ sao vàng lên gác hai Nhà hát lớn thả xuống, khi cờ thả thì chúng tôi lập tức chiếm diễn đàn giành lấy micro tuyên truyền, kêu gọi quần chúng khởi nghĩa. Lúc này ở chỗ cửa hàng Kim khí bây giờ là trại lính Nhật, mặc dù quân Nhật đã đầu hàng Đồng minh, nhưng vẫn bố trí đại liên bảo vệ doanh trại, nếu sơ xảy, chúng có thể nổ súng, nên anh em xác định rằng đây là nhiệm vụ quan trọng, cảm tử, ai nấy đều hăng hái nhận nhiệm vụ. Chị Diệu Hồng vốn thuộc gia đình một vị đại thần triều Nguyễn cũng không nề nguy hiểm, cởi bỏ tư trang gửi đồng đội nhận nhiệm vụ diễn thuyết, tôi đi cùng nhóm cướp diễn đàn. Trưa ngày 17-8-1945, nhờ có sự giúp đỡ của các viên chức yêu nước, chúng tôi đã trà trộn vào sát lễ đài, anh Trần Lâm cũng đã lên tới gác hai. Vì hồi đó tổ chức Cứu quốc chặt chẽ, nhóm nào biết nhóm ấy, nên chúng tôi không biết được các nhóm khác đang làm nhiệm vụ bảo vệ chúng tôi. Khi anh Trần Lâm tung được lá cờ đỏ sao vàng cực lớn từ trên ban công xuống, quần chúng reo hò vang dậy, tôi cũng nhanh chóng chạy tới lễ đài. Ở lễ đài lúc đó có các viên chức là các ông: Trần Ngọc Sâm, ông Phạm Văn Sung và ông Nguyễn Văn Minh, nhưng các ông này đứng lặng, không gây rắc rối gì. Ông Nguyễn Văn Dực là người giữ máy tăng âm đưa micro cho tôi. Thế là tôi lấy tờ giấy có in lời kêu gọi khởi nghĩa của Việt Minh ra đọc.

Giọng tôi khỏe nhưng hấp tấp nên chưa hay lắm, tôi đưa micro cho chị Hồng và lui ra đứng bảo vệ như sự phân công của tổ chức. Chị Hồng dáng người đẹp, lại có giọng nói thuyết phục nên quần chúng im phắc lắng nghe. Mấy người Bảo an binh đứng gác cũng không dám tỏ thái độ chống đối. Cuộc mít tinh bị phá vỡ và nhanh chóng trở thành cuộc tuần hành của quần chúng. Lúc đó, không biết từ đâu nhiều cờ đỏ sao vàng đến thế.

Nhân dân HN xuống đường

Nhân dân HN xuống đường

Buổi chiều, chúng tôi lại được nhận nhiệm vụ đến tòa soạn báo Tin mới ép chủ báo thay tin đã lên khuôn, đưa tin cuộc tuần hành của quần chúng. Tòa báo Tin mới thuê người Ấn Độ làm bảo vệ, chúng tôi nhỏ bé, nhưng được anh em công nhân ủng hộ, nên chủ báo phải nhượng bộ bỏ bài diễn văn của phe ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim, đưa tin Việt Minh phá cuộc mít tinh, lãnh đạo quần chúng biểu tình. Lúc này cả Hà Nội bừng bừng khí thế, và ngày 19-8-1945 khởi nghĩa đã nổ ra tại Hà Nội. Đó là kỷ niệm sâu sắc của người thanh niên trí thức đi theo cách mạng.

Cụ Ngô Quang Châu kể tiếp: “Giành chính quyền ở Hà Nội xong, nhóm chúng tôi được lệnh tăng cường cho khởi nghĩa tại thị xã Sơn Tây (21-8-1945). Chiếm xong thị xã Sơn Tây, chúng tôi về Hà Nội, chuẩn bị ngày lễ tuyên bố Độc lập 2-9-1945. Anh em lúc đó mới biết ông  Hoàng Tuấn, cán bộ Việt Minh chính là ông Nguyễn Văn Minh đã gặp hôm cướp diễn đàn 17-8-1945.

Cách mạng thành công, Hội Văn hóa Cứu quốc ra công khai, đặt trụ sở tại Nhà Khai Trí Tiến Đức, xuất bản tạp chí Tiên Phong.

Ngày 23 tháng 9 năm 1945, giặc Pháp trở lại xâm lấn Nam Bộ, Hà Nội và cả nước bừng lên đợt sóng ủng hộ. Thanh niên đua nhau đi Nam tiến, Hội Văn hóa Cứu quốc cũng tổ chức một cuộc họp mặt vào ngày chủ nhật 30-9-1945, đại biểu các cơ quan và đoàn thể văn hóa Bắc Bộ đã về dự họp, cuộc họp đã quyết nghị:

  1. Gửi một bức điện văn cho các nhà văn, nhà báo Anh, kêu gọi họ ủng hộ kháng chiến và nền độc lập Việt Nam.
  2. Gửi một bức điện văn cho toàn thể các nhà văn hóa thế giới.
  3. Tổ chức một tuần lễ văn hóa lấy tiền mua vũ khí gửi vào Nam Bộ để tỏ một dấu hiệu ủng hộ thiết thực (trích tạp chí Tiên phong số 2 năm 1945).

Thực hiện quyết nghị này, giới văn hóa đã tổ chức Phòng triển lãm văn hóa tại Nhà Khai Trí Tiến Đức, sau một thời gian chuẩn bị, ngày 7-12-1945 Phòng chính thức khai mạc. Trong ngày khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị Cố vấn, Bộ trưởng đã tới dự. Theo Tạp chí Tiên phong tường thuật: “Trong phòng triển lãm người ta thấy trưng bày những tác phẩm văn hóa xuất bản công khai trong mấy năm gần đây, những tài liệu về nền văn hóa cách mạng ở nước ta (gồm tranh, ảnh, truyền đơn, biểu ngữ in và lưu hành ngấm ngầm trong dân chúng thời kỳ bí mật) và những tác phẩm hội họa, điêu khắc của những nghệ sĩ đã được nhiều người biết tiếng”.

Theo sự phân công của Hội Văn hóa Cứu quốc, cụ Ngô Quang Châu là trưởng ban tổ chức phòng triển lãm – tuần lễ văn hóa, ngày khai mạc đã có vinh dự đón Hồ Chủ tịch và các vị khách đến thăm, một tác giả đã chụp được tấm ảnh ghi lại quang cảnh đó. Đến nay, cụ Ngô Quang Châu và gia đình vẫn gìn giữ như một kỷ vật vô giá. Cụ Ngô Quang Châu còn cho chúng tôi biết: trong kháng chiến chống Pháp, cụ hoạt động ở vùng tự do, giữ chức vụ Giám đốc Nhà xuất bản Văn nghệ đến năm 1952 thì vì sức khỏe, xin nghỉ công tác về sống với gia đình bên đường 12. Các nhà văn Nguyễn Tuân, Xuân Diệu… có dịp lên Việt Bắc thường ghé vào nghỉ chân. Sau năm 1954, gia đình về Hà Nội, cụ đi dạy học các trường, nơi cuối là trường Đại học Ngoại thương, đến năm 1980 mới nghỉ hưu.

Cuối cùng, cụ Ngô Quang Châu nói: “Chúng tôi những thanh niên trí thức theo cách mạng – chỉ mong góp gió thành bão, để thực hiện lý tưởng của mình: đó là giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức của bọn thực dân, phát xít. Đó là khoảng đời hãnh diện của chúng tôi”.

VŨ KIÊM NINH ghi