Sự ra đời của báo Tiếng Dân và cuộc gặp gỡ giữa Huỳnh Thúc Kháng với Đào Duy Anh

Vào cuối năm 1925, lần đầu tiên được tiếp xúc với Phan Bội Châu, trên đường bị giải từ Hà Nội về an trí tại Huế, Đào Duy Anh đã có quyết định từ bỏ nghề giáo học ở thị xã Đồng Hới, mà “thoát ngay chốn ao tù để tìm nơi trời cao biển rộng hơn”(1). Biết rằng tình hình ngôn luận ở Sài Gòn có phần hấp dẫn hơn tình hình ngôn luận ở Hà Nội, nên ông đã quyết định đi Sài Gòn làm báo như bao nhà báo xứ Bắc khác đã từng làm như Trần Huy Liệu… Lúc đó ông đã từng tâm đắc với những câu trong bài văn tế Phan Bội Châu viết vào dịp truy điệu Phan Châu Trinh:

Cá chậu chim lồng vơ vẩn thế, áng công danh thôi vất lối tầm thường

Rồng mây cọp gió lạ lùng chi, miền thanh khí thử hô người trung ngoại.

Sau khi ghé qua Huế để đến gặp Phan Bội Châu, tiếp xúc với một số bạn bè ở Huế, trong đó có nhóm của bác sĩ Trần Đình Nam, cùng với những người tham gia thành lập Nữ công học hội Huế do bà Đạm Phương chủ trì, Đào Duy Anh lại vào Đà Nẵng để tiếp tục cuộc hành trình đi Sài Gòn.

Đào Duy Anh (phải) và Đặng Văn Tế khi ở trường Quốc học Huế năm 1923.

Đào Duy Anh (phải) và Đặng Văn Tế khi ở trường Quốc học Huế năm 1923.

Ở Đà Nẵng, Đào Duy Anh có một người bạn thân cùng học ở Quốc học Huế, quê ở Bình Định, cũng đang làm giáo học tại đây là Đặng Văn Tế, nên đã đến ở tạm nhà ông bạn. Đặng Văn Tế đã thân với Đào Duy Anh khi cùng học ở Thanh Hóa, vào Huế học Quốc học lại là bạn cùng phòng ở ký túc xá, lúc đó đang dạy học ở Đà Nẵng, rồi sau này chuyển về Bình Định. Thấy Đà Nẵng “là đất nhượng địa, không khí chính trị có vẻ dễ chịu hơn Huế, cho nên sách báo ngoại quốc có nhiều”, nên Đào Duy Anh quyết định ở lại 3 tháng hè để đọc sách. Vì ông nghĩ muốn viết báo, trước hết phải hiểu tình hình chính trị trong nước và thế giới, vậy không gì hơn là phải tìm đọc trong sách. Ông nhờ Đặng Văn Tế thu xếp cho một chỗ ở tại nhà một người dân chài trên bãi biển Mỹ Khê, cách Đà Nẵng không xa, để có thể mượn sách về đọc trong không khí yên tĩnh. Chính tại đây ông đã được đọc các tác phẩm của Gandhi, tìm hiểu chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Trung Sơn, sự nghiệp cách mạng của thanh niên Thổ Nhĩ Kỳ, và đặc biệt là được đọc cuốn Giai nhân kỳ ngộ của Phan Châu Trinh mà ở Đà Nẵng có người giữ được bản thảo. Sau này Đào Duy Anh đã ghi lại trong hồi ký như sau:

Như thế gần được hai tháng thì một buổi sáng tôi nhận được thư của anh Đặng Văn Tế báo cho biết chiều hôm ấy cụ Huỳnh Thúc Kháng cùng một số bạn bè của anh ở Tourane sẽ xuống Mỹ Khê tắm biển và nhân ghé thăm tôi, anh dặn tôi chuẩn bị cho khách ăn cá biển. Cụ Huỳnh Thúc Kháng đã già, nhưng gặp lại cảnh biển mà cụ từng quen thuộc ở Côn Lôn, cụ rất  thích thú nên bơi và lặn không kém gì thanh niên. Tắm xong tôi mời khách lên nhà, dưới rừng phi lao. Hôm ấy cụ Huỳnh cao hứng đọc thao thao bất tuyệt cho chúng tôi nghe rất nhiều thơ và câu đối cụ và các bạn tù khác làm ở Côn Lôn, cùng những bài cụ mới làm từ sau khi được tự do. Trong khi ăn cơm, cụ Huỳnh hỏi đến tình hình tôi nghỉ mát ở Mỹ Khê. Sau khi tôi bày tỏ ý định vào Sài Gòn làm báo, thì anh Nguyễn Xương Thái – người sau này sẽ từ chức thư ký Thương chính mà theo báo Tiếng Dân – ngắt lời tôi rằng: “Việc gì anh phải đi Sài Gòn, cứ ở đây khắc có báo cho anh làm thôi”. Thế là anh khuyên tôi ở lại cùng với anh em giúp cụ Huỳnh xây dựng tờ báo Tiếng Dân”.

Cụ Huỳnh từng bị đày đi Côn Đảo từ năm 1908, đến năm 1921 thì được phóng thích cùng với nhiều chí sĩ khác. Vừa lúc đó để thực hiện chính sách mị dân, thực dân Pháp cho tổ chức Viện Nhân dân đại biểu ở Bắc kỳ và Trung kỳ để gọi là cho nhân dân thuộc địa có quyền tham dự vào công việc của Nhà nước. Huỳnh Thúc Kháng cùng với một số cựu chính trị phạm ở Côn Đảo khác ra ứng cử đại biểu ở Trung kỳ. Trong khi ở Bắc kỳ, Viện Dân biểu bị bọn tư sản mại bản và địa chủ tay sai của thực dân lũng đoạn, thì ở Trung kỳ các phần tử tiến bộ lại chiếm đa số, gồm những cựu chính trị phạm, một số công chức và quan lại đã từ chức để ra hoạt động kinh tế và chính trị, do đó Huỳnh Thúc Kháng được bầu làm Viện trưởng. Cuộc vận động thành công tốt đẹp như thế là nhờ có sự tham gia của các nhóm thanh niên yêu nước các tỉnh, trong đó ở Huế có nhóm của Trần Đình Nam và ở Đà Nẵng có nhóm của Nguyễn Xương Thái là tích cực nhất.

Trần Đình Nam là một thanh niên trí thức có tiếng nhất ở Huế bấy giờ. Là một y sĩ xuất sắc của bệnh viện Huế, ông đã tỏ ra quan tâm đến việc nước từ khi còn học Trường Cao đẳng Y Dược ở Hà Nội. Bổ làm việc ở Huế, ở đây ông đã tập hợp một nhóm trí thức trẻ thường hội họp trao đổi ý kiến về những vấn đề thời sự và tham gia những việc công ích. Sau khi cụ Phan Bội Châu thoát khỏi bàn tay khống chế của Nguyễn Bá Trác thì Trần Đình Nam với mấy người bạn trong nhóm như Nguyễn Đình Ngân, Lê Ấm (con rể Phan Châu Trinh), Hồ Kỷ, thường lui tới chăm sóc và giúp đỡ cụ về vật chất cũng như về tinh thần. Là một người ái quốc, học rộng, quảng giao, Trần Đình Nam thích tham gia vào những cuộc vận động xã hội và chính trị với thái độ điềm đạm, mực thước, lịch sự, với một sắc thái ung dung cao ngạo riêng biệt của ông ta”. Sau những năm 1930, Trần Đình Nam chuyển về ở tại Đà Nẵng và sống ở đó cho đến khi qua đời trước năm 1975.

Được hai nhóm thanh niên này tận tình ủng hộ, cụ Huỳnh đã nhận đứng ra lập một tờ báo làm cơ quan bênh vực quyền lợi cho nhân dân, làm hậu thuẫn cho hoạt động của Viện Dân biểu. Báo Tiếng Dân được manh nha từ đó, và Đào Duy Anh trở thành một trong những người sáng lập sau cuộc gặp gỡ với Huỳnh Thúc Kháng, mà ông cho rằng “tình cờ chẳng hẹn mà nên, cái cơ hội để thực hiện hoài bão bấy lâu bỗng tự đến trước mắt tôi, không chờ anh em phải nói nhiều, tôi nhận lời ngay[…]. Từ nay tôi đã là người cộng tác với cụ Huỳnh Thúc Kháng tổ chức tờ báo đầu tiên của xứ Trung Kỳ”.

Để ra tờ báo, những người chủ trương thấy phải thành lập một công ty hợp cổ (Société en commandite par actions) gọi là “Công ty Huỳnh Thúc Kháng”, Đào Duy Anh tham gia cùng mọi người khởi thảo điều lệ của công ty và tiến hành việc tuyên truyền cùng huy động vốn. Nhưng điều hành một tờ báo phải như thế nào, không một ai trong những người sáng lập có kinh nghiệm về nghề nghiệp, vì vậy mọi người đồng ý cử Đào Duy Anh đi Sài Gòn tìm hiểu công việc làm báo, nhất là cách tổ chức bộ biên tập. Lúc đó là cuối mùa hè năm 1926. Ở Sài Gòn, chừng ba bốn tháng, Đào Duy Anh trở lại Đà Nẵng để tiếp tục cùng mọi người tổ chức công ty.

Mùa đông năm 1926, Toàn quyền Varenne về Pháp, Khâm sứ Trung kỳ Pierre Pasquier được thăng quyền Toàn quyền Đông Dương (Gouverneur général par intérim), phó Khâm sứ Trung kỳ là d’Elloy nhậm chức quyền Khâm sứ. Đường lối mị dân của Varenne đã được thay thế bằng chính sách bóp nghẹt chặt chẽ hơn của Pasquier, việc cụ Huỳnh được bầu làm Nghị trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ đã làm cho bọn thực dân cáo già tức tối. Nhân việc thấy cụ Huỳnh có ý định ra một tờ báo, d’Elloy liền gửi một thông tư tháng 11-1926 cho toàn thể nghị viên Viện Dân biểu Trung kỳ, trong đó dùng lời lẽ trách móc, thậm chí mạt sát khiến cho ai nấy đều bất bình.

Huỳnh Thúc Kháng với tư cách Nghị trưởng, triệu tập hội đồng bất thường, kịch liệt phản kháng, chỉ trích thậm tệ từng chi tiết trong thông tư này. Cuộc phản kháng này được báo chí tiếng Pháp cũng như tiếng Việt ở Hà Nội và Sài Gòn đăng tải với những tiêu đề lớn “L’affaire d’Elloy-Huynh Thuc Khang” (Vụ d’Elloy-Huỳnh Thúc Kháng). Kết quả d’Elloy bị triệu hồi về Pháp. Toàn quyền Pasquier phải cho mời Hội đồng trị sự Viện Dân biểu để gặp mặt xoa dịu. Tờ báo do cụ Huỳnh chủ trương vẫn được xúc tiến thành lập.

Trong suốt một năm trời, từ mùa hè năm 1926 đến mùa hè năm 1927, công việc thành lập tờ báo ở Đà Nẵng đã thu hút sự quan tâm có thể nói là của tất cả các phần tử tiến bộ ở các tỉnh Trung kỳ. Ở Đà Nẵng thì nhà Nguyễn Xương Thái là nơi Huỳnh Thúc Kháng ở, không ngày nào là không có thanh niên và các nhân sĩ ở Đà Nẵng lui tới thăm hỏi và trao đổi ý kiến xung quanh vấn đề ra báo, mọi người đều háo hức mong chờ. Thỉnh thoảng ở các tỉnh, có những nhóm tiến bộ tự nhiên hình thành và cử người đến Đà Nẵng để thăm và báo cáo với cụ Huỳnh về tình hình ủng hộ của đồng bào tiến bộ ở mỗi nơi. Có thể nói đồng bào đêm ngày chờ đợi báo ra để thực sự có “tờ báo của mình” mà đọc. Ở mỗi tỉnh có những người tự nguyện tuyên truyền cho báo Tiếng Dân và kêu gọi góp cổ phần để thành lập Công ty Huỳnh Thúc Kháng. Đến tháng 2-1927 công ty đã thu góp được một số cổ phần trên 30.000 đồng.

Nhóm sáng lập công ty cũng là nhóm chủ chốt của tờ báo gồm 5 người:

Huỳnh Thúc Kháng là linh hồn của tờ báo; Trần Hoành, tức Cửu Lai, hiệu Phúc Bình, là một bạn tù ở Côn Đảo với cụ Huỳnh, nhận ra giúp cụ làm quản đốc nhà in. Trần Hoành là chiến sĩ Đông Du, đã ba lần vượt ngục, một lần ở nhà lao Nghệ An, hai lần ở Côn Đảo, đều bị bắt lại và được trả tự do một lần với cụ Huỳnh; Trần Đình Phiên là một nhà nho từng tham gia phong trào Duy Tân ở Phan Thiết khoảng trước năm 1908, là sáng lập viên Hội Liên Thành, đã thôi việc để ra Huế giúp cụ Huỳnh quản lý nhà in và tòa báo; Nguyễn Xương Thái, vốn là thư ký Sở Thương Chính Đà Nẵng, cũng bỏ việc để ra giúp cụ Huỳnh trong việc văn thư; Đào Duy Anh, giúp cụ Huỳnh trong việc tổ chức bộ biên tập.

Trong năm người sáng lập công ty, thì không ai có đồng nào để góp cổ phần. Thế là những người có nhiều cổ phần, trong đó phần lớn là những người đã tham gia công việc kinh doanh ở Phan Thiết, đã cho năm người này mượn cổ phần của họ để có điều kiện hợp pháp mà đứng chân sáng lập viên.

Nhận thấy một tờ báo không có nhà in riêng của mình thì không thể giữ trọn độc lập được. Vì vậy mùa hè năm 1927, cụ Huỳnh cùng với các ông Nguyễn Xương Thái và Đào Duy Anh ra Hà Nội để mua nhà in. Được bạn bè ở Đà Nẵng cho mượn một chiếc xe ô tô, ba người lên đường ra Bắc, qua mỗi tỉnh đều ghé lại ở mấy ngày để tiếp xúc với những người hâm mộ và vận động ủng hộ tờ báo. Đến đâu cụ Huỳnh cũng được hoan nghênh nhiệt liệt. Có những người ở xa tận đầu tỉnh hay cuối tỉnh, thậm chí ở sát miền thượng du, cũng lặn lội tìm về tỉnh lỵ để ra mắt cụ. Đây cũng là một dịp tuyên truyền cho tờ báo sắp ra, tên tuổi của Huỳnh Thúc Kháng vốn đã được đồng bào biết đến, thì nay lại càng có dịp đi sâu vào mọi miền.

Đến Hà Nội đoàn ở lại hai tuần. Trong thời gian đó, mọi việc giao dịch mua nhà in và thuê công nhân, đều có những người nhiệt tình ở Hà Nội tự nguyện đứng ra lo liệu. Lúc bấy giờ ông Mai Du Lân, chủ nhiệm báo Thực Nghiệp tại Hà Nội có nhã ý nhường lại cho cụ Huỳnh một máy in còn mới và nhà in Nghiêm Hàm cũng ở Hà Nội ủng hộ bằng cách đưa thợ nhà in vào Huế trợ lực(2). Cụ Huỳnh và hai người cùng đi chỉ có việc ngồi nhà tiếp khách. Đây cũng là dịp để cụ Huỳnh tiếp xúc với các danh sĩ Bắc Hà, mở rộng quan hệ xã hội sau này. Mua nhà in xong, ba người về thẳng Huế để bắt tay vào công việc ra báo.

Trở về Huế, lại thêm một vấn đề khó khăn đặt ra cho năm người sáng lập. Trong năm người không có ai là người gốc Huế và cũng không có bà con thân thuộc gì ở đây. Trừ Trần Đình Phiên là anh ruột Trần Đình Nam, một bác sĩ có sự nghiệp ở Huế và còn độc thân, nên có thể về tá túc tại nhà ông em, còn những người khác thì chưa biết tìm nhà trọ ở đâu. Lúc đó ở Huế có cụ Trần Kiêm Trình “là một nhân sĩ có danh vọng và đức độ, trước kia có tham gia Hội đồng tư vấn hàng tỉnh đã cho năm người đến ở nhờ nhà mình hàng mấy tháng trời”, rồi lo đi thuê nhà cho mỗi người.

Cùng giúp Trần Kiêm Trình, còn có người cháu gọi bằng cậu là Phạm Đăng Nghiệp (1891-1972), vốn là cháu gọi đức thái hậu Từ Dũ (mẹ vua Tự Đức) bằng bà cô. Cho nên thuở nhỏ ông đã được tập ấm cho vào cung học tập cùng các ông hoàng, rồi tốt nghiệp trường Quốc tử giám nhưng không ra làm quan, mãi đến năm 1939 mới được một danh hiệu là Hàn lâm viện Cung phụng. Chính Phạm Đăng Nghiệp là người lo đi thuê nhà để đặt tòa soạn và nhà in báo Tiếng Dân ở nhà số 123 đường Hàng Bè (nay là số nhà 193, đường Huỳnh Thúc Kháng) rồi sẽ trở thành phó quản lý tờ báo và Công ty Huỳnh Thúc Kháng.

Ở Huế không chỉ có hai người mà còn nhiều nhân sĩ trí thức khác nhiệt tình ủng hộ hoặc bí mật hoặc công khai, chỉ mong cho tờ báo chóng ra mắt. Trong tình hình chính trị lúc bấy giờ, công khai ủng hộ một tờ báo của dân, do một người cựu chính trị phạm chủ trương, bất chấp sự nghi kỵ của nhà cầm quyền phản động, là một thái độ dũng cảm hiếm có. Sau khi tổ chức Đại hội cổ đông của Công ty Huỳnh Thúc Kháng, đến tháng 7 thì báo Tiếng Dân được ra mắt. Từ đây, Huỳnh Thúc Kháng, một nhân sĩ xứ Quảng, đã trở thành nhân vật nổi tiếng của đất Thần Kinh, vừa là viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ (nhiệm kỳ 1926-1928), vừa là chủ bút một tờ báo lớn có tuổi thọ cho đến tận năm 1943.

Để chuẩn bị cho những số báo đầu, cụ Huỳnh đã chuẩn bị một loạt các bài xã luận rất kỹ. Tuy viết văn xuôi, nhưng có xen biền ngẫu, bài nào cụ cũng thuộc lòng và đọc cho mọi người nghe trước để hỏi ý kiến. Theo Đào Duy Anh, tuy cụ mới viết quốc văn lần đầu, văn chương về hình thức thì hơi xưa, nhưng như thế chính lại dễ hấp dẫn người đọc vì nó điêu luyện và chan chứa nhiệt tình. Có lẽ những bài viết của cụ Huỳnh đối với độc giả chắc sẽ có nhiều người thuộc lòng để có dịp thì đọc lại cho nhau nghe, thậm chí người không biết chữ cũng có thể nghe qua lời kể như một loại văn chương truyền khẩu. Cũng theo Đào Duy Anh, thì Huỳnh Thúc Kháng có một trí nhớ đặc biệt, bài văn đọc qua một lần là nhớ ngay. Còn khi hỏi đến sách xưa thì chỉ cần đọc lên một đoạn, là cụ biết ngay rằng câu ấy đoạn ấy là ở chỗ nào và giở ra ngay cho xem. Người ta còn kể khi ở Côn Đảo cụ đã tự học chữ Pháp và học thuộc lòng cả cuốn từ điển Gazier(3). Cho nên dù không nói được tiếng Pháp, nhưng cụ đọc vẫn hiểu được.

Đào Duy Anh đã trực tiếp tham gia việc tổ chức tòa soạn báo Tiếng Dân trong suốt những năm từ 1927 đến 1929. Về chính trị Huỳnh Thúc Kháng theo chủ trương cải lương của Phan Châu Trinh, là lấy việc vận động cải cách dân chủ, chấn hưng dân khí là chính, chứ không chủ trương lập đảng chính trị. Cho nên tuy rất quí trọng Phan Bội Châu nhưng không tán thành tư tưởng bạo động. Tuy về ở Huế, nhưng để tránh không gây phiền phức cho nhau, khiến thực dân Pháp phải điều tra theo dõi, nên hai cụ vẫn không hề đi lại. Trong khi đó thì Đào Duy Anh lại thường xuyên liên hệ với cụ Phan mà ông coi như là người đang giương ngọn đuốc chỉ đường cho thế hệ thanh niên.

Nên biết khi đó Đào Duy Anh đã tham gia đảng Tân Việt từ mùa hè năm 1926, khi đang còn ở Đà Nẵng. Sau khi về Huế làm báo Tiếng Dân, ông còn được đảng giao nhiệm vụ phát triển Tân Việt ở đấy. Bên cạnh đó ông còn đề xuất yêu cầu với đảng cho phép ông tổ chức một nhà xuất bản lấy tên là Quan Hải tùng thư, với mục đích là lợi dụng việc xuất bản hợp pháp để truyền bá trong thanh niên một số kiến thức sơ đẳng về chủ nghĩa Mác cùng với một ít kiến thức mới về khoa học, nhất là khoa học xã hội. Những người đầu tiên cộng tác với Đào Duy Anh để xây dựng nhà xuất bản này là những trí thức yêu nước như Trần Đình Nam, Trần Mạnh Nhẫn, và những đảng viên Tân Việt như Võ Liêm Sơn, vốn là thầy học cũ của Đào Duy Anh ở trường Quốc học, và Phan Đăng Lưu, sau này còn có thêm Võ Nguyên Giáp. Huỳnh Thúc Kháng biết Đào Duy Anh là nhân vật trọng yếu trong đảng Tân Việt, nhưng cụ không hề ngăn cản, mặc dầu cụ không ưa gì các hoạt động “hội kín”. Nhận định về cụ Huỳnh, Đào Duy Anh đã viết như sau: “Cụ là một nhà ái quốc nhiệt tình, nghiêm trang và rất mực liêm khiết, duy có tính hơi “xẵng” và quả đoán. […] Cụ không tin thanh niên nói chung, chỉ sợ thanh niên mà cụ cho là “phù hiêu” vì nông nổi nóng nảy mà sẽ hỏng việc. Nhưng đối với tôi thì cụ cho là làm việc cần cù, chu đáo, cẩn thận có thể tin cậy được. Có một lần, một người bạn tù ở Côn Lôn của cụ ở Hà Nội gởi thư nói thẳng với cụ rằng “đừng có tin thằng cộng sản Đào Duy Anh mà nó sẽ dẫn tờ báo của huynh đến chỗ chết”. Cụ đem cả thư đến cho tôi xem và nói rằng cụ cho tôi xem để tôi dè chừng chứ không phải nghi tôi đâu, mà thực lòng tin của cụ đối với tôi vẫn không thay đổi vì cụ biết chắc rằng tôi vẫn xem việc nhà báo là sự nghiệp của mình”.

Lập trường của Huỳnh Thúc Kháng là nhất quán, cụ vẫn kiên trì phương pháp đấu tranh theo đường lối cải cách, khi còn làm viện trưởng Viện Dân biểu cũng như khi điều hành tờ báo. Cho nên không lấy làm lạ rằng trên báo Tiếng Dân đã từng có những bài chỉ trích cuộc bạo động Xô Viết Nghệ Tĩnh của đảng Cộng sản khởi xướng năm 1930, do chính cụ Huỳnh viết. Báo Tiếng Dân vẫn duy trì tôn chỉ cải cách, không xu phụ nhà cầm quyền, giữ tiếng nói độc lập. Nhưng đến khi quân Nhật vào Đông Dương, rồi năm 1943 lại mở tòa lãnh sự đầu tiên tại Huế, thì thực dân Pháp thấy lo ngại, không muốn để một tờ báo đối lập với chính quyền lên tiếng chỉ trích nhà nước, lại thấy có dấu hiệu Kỳ Ngoại hầu Cường Để muốn lôi kéo cụ Huỳnh, nên người Pháp ra lệnh đình bản tờ báo ngày 24-4-1943. Tuy nhiên nhà in báo Tiếng Dân vẫn tiếp tục hoạt động. Năm 1945, sau Cách mạng tháng Tám, khi cụ Huỳnh được chủ tịch Hồ Chí Minh mời ra Hà Nội tham gia chính phủ cách mạng, đại hội cổ đông Công ty Huỳnh Thúc Kháng nhất trí bỏ phiếu cử Trần Kiêm Trình giữ chức quản lý công ty thay thế cụ Huỳnh(4).

Đối với Đào Duy Anh thì tình hình có khác. Giữa năm 1929 đảng Tân Việt bị lộ do có người khai báo, hầu như toàn bộ ban lãnh đạo bị bắt, trong đó có Đào Duy Anh. Nhưng khi đó thực dân Pháp đang quan tâm đến sự ra đời của đảng cộng sản, và cho rằng Tân Việt chỉ là một đảng phái quốc gia, gồm phần lớn các phần tử trí thức, nên có phần nương nhẹ để mua chuộc. Cuối năm 1930, Đào Duy Anh ra tù, trước những thất bại của bản thân, ông thấy “mình quả không đủ tài năng và dũng cảm để gánh vác cái công việc khó khăn và gian khổ mà cách mạng giao cho”. Và ông nghĩ “có thể chọn con đường hoạt động văn hóa mà góp phần phục hồi cái sinh khí của dân tộc đang bị lu mờ dưới chế độ thống trị thực dân”. Tuy nhiên ông vẫn tiếp tục tham gia viết báo Tiếng Dân, nhưng từ nay không phải với tư cách người trong ban biên tập, mà chỉ là một cộng tác viên thông thường, và phần lớn những bài viết của ông sau này được sưu tầm, chỉ đề cập đến các vấn đề văn hóa và lịch sử, dưới nhiều bút hiệu khác nhau. Lúc này mọi hoạt động của Đào Duy Anh đều dồn vào việc dạy học trường tư thục, soạn từ điển và nghiên cứu lịch sử, văn hóa dân tộc. Cuộc hợp tác giữa Đào Duy Anh với Huỳnh Thúc Kháng có thể đến đây là chấm dứt.

  1. Những chữ in nghiêng trong bài là trích dẫn từ cuốn hồi ký của Đào Duy Anh, Nhớ nghĩ chiều hôm, Nxb Văn nghệ, Tp Hồ Chí Minh, 2003.
  2. Tùng Chi, “Báo Tiếng Dân và cụ Huỳnh thúc Kháng”, Xưa&Nay, số 42, tháng 8-1997. Tùng Chi là bút hiệu của ông Võ Như Nguyện, đã cho đăng bài này trên báo Tiếng Sông Hương của Việt kiều tại Pháp.
  3. A. Gazier, Dictionnaire Classique Illustré, từ điển tiếng Pháp, dày khoảng 800 trang, bản in đầu tiên năm 1898, bản lưu hành ở Việt Nam thời đó có lẽ là bản in lại năm 1918.
  4. Tùng Chi, Sđd.