Tiết phụ Võ Thị Quyền (phu nhân Liệt sĩ Trần Cao Vân)

Với cái tên khá thân mật là “Cô Ba Bàn”, bà là vợ của chí sĩ Trần Cao Vân (1866 – 1916), một nhà cách mạng giàu lòng yêu nước và dũng cảm hy sinh vì nước cách nay tròn 90 năm. Bà là ái nữ của ông bà Cai tổng Trung và là em gái của ông Võ Trạch, tự hiệu Thừa Tô, sinh năm Canh Ngọ (1870) tại làng Đại Giang, tục gọi làng Bồ Phan, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Bà có nhan sắc, vừa là nội tướng, vừa là đồng chí chân thành, luôn giúp đỡ chồng, cùng cam cộng khổ với chồng để chồng hoàn thành sứ mạng cứu quốc. Bà là người phụ nữ rất đảm đang, tháo vát trong mọi công việc từ gia đình đến xã hội. Trong những lúc chí sĩ Trần Cao Vân bôn ba ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên, bà luôn có mặt bên cạnh chồng để giúp đỡ chồng, gánh chịu bao nỗi gian lao khổ cực bằng tâm niệm:

Có chồng thì phải theo chồng

Chồng đi hang rắn hang rồng cũng theo.

Hay:

Thương chồng mang gói theo chồng

Đắng cay cam chịu, mặn nồng có nhau.

Tưởng cũng xin được sơ lược nhắc lại mối tơ duyên phận gặp gỡ giữa bà Võ Thị Quyền và liệt sĩ Trần Cao Vân như sau: Nguyên vào khoảng giữa mùa đông năm Ất Dậu (1885), nhà cách mạng Trần Cao Vân giả thầy tu cùng với một gia nhân đến nhà ông Thừa Tô vốn là bạn thân thích cố tri ở lại đó chơi mấy bữa. Sau ông vào chùa Cổ Lâm là nơi vắng vẻ thanh tịnh để tu và tiện bề kết nạp các đồng chí tham gia nghĩa đảng Cần Vương, nhưng cũng không tránh khỏi tai mắt của bọn tay sai của giặc Pháp, nên sau sáu năm, chùa Cổ Lâm bị giặc khám xét, mặc dù giặc không tìm thấy chứng cớ gì, song ông cũng không thể nào lưu lại đó được nữa. Năm Tân Mão (1891) ông bèn đến làng Đại Giang mở trường dạy học và cũng chính năm này, qua sự môi giới cùng chủ trương của ông Thừa Tô đã đưa đến cuộc hôn nhân giữa Trần Cao Vân và Võ Thị Quyền. Ở đó được một năm, nhờ sự giúp đỡ cùng hướng dẫn của các bạn “nghĩa sĩ Cần Vương” cũ, chí sĩ Trần Cao Vân cùng gia quyến và ông Nguyễn Nhuận tục gọi Xã Soạn từ giã Quảng Nam đi vào tỉnh Bình Định nhằm tìm phương kế hoạt động chính trị. Khi đến Bình Định, trọ tại nhà ông Cả gần tỉnh thành để dạy học và đồng thời ông Trần còn làm thầy địa lý đi coi xây hướng nhà hoặc nhắm hướng mộ nhằm che mắt nhà đương cuộc. Ở Bình Định được hai năm, ông Trần không những giao kết được với nhiều thân hào tại đây mà ông còn có thân sĩ Phú Yên nghe tiếng cũng tìm đến. Trong số đó có ông Võ Trứ, vốn sinh quán làng Nhơn Ân, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định vào tu ở Phú Yên. Năm 1889, ông Võ Trứ lãnh đạo cuộc khởi nghĩa của sơn dân Phú Yên gồm tăng đạo và quân người Thượng. Sau nhiều trận giao chiến, quân Võ Trứ thất bại chạy vào rừng sâu. Khi đó, ông Trần cùng bà Quyền và ông Nguyễn Nhuận cũng vào ở trong rừng. Chẳng may ông Trần bị sốt rét nặng, bà Quyền phần thì lo săn sóc hai con thơ dại, phần chăm lo săn sóc cho chồng. Nhưng rồi tình thế lúc ấy không tiện cho ông Trần ở lại chỗ ấy, nên phải chuyển dịch đến Động Bà Thiên, nhờ sự giúp đỡ của nghĩa dân Thượng. Bấy giờ, bà Quyền bất đắc dĩ phải gởi người con lớn 5 tuổi cho gia nhân Nguyễn Nhuận trông nom, còn con nhỏ một tuổi thì bà nhờ tín đồ thân thích cấp dưỡng. Đến Động Bà Thiên, ông Trần lại thêm lâm bệnh phù thủng mà chẳng có thuốc thang cứu chữa ngoài các lá cây, rễ cây của người Thượng. Sau các đồng chí hay tin, liền gởi thuốc đến cứu chữa ông Trần được đỡ bệnh, thì bà Quyền lại ngã bệnh sốt rét rừng. Ông Trần lại săn sóc cho vợ mấy tuần liền. Một hôm, bà Quyền gắng dậy mang bầu ra suối lấy nước, phát hiện trong suối có cua, bà Quyền mải mê bắt cua, khiến ông Trần ở nhà thấy lâu, lo lắng chống gậy ra rừng tìm, đến gần suối thì thấy bà Quyền từ dưới suối khệ nệ mang bầu nước lên cùng với số cua đá bắt được. Nhờ có mấy con cua mà bữa cơm hôm đó trở nên thịnh soạn. Bà Quyền còn để dành lại mấy con trong trã đất, không dè lỡ tay làm rơi bể mất trã cua, xúc cảnh sanh tình, ông Trần bèn ngâm giải muộn bốn câu thơ:

Hầm đúc xưa nay sẵn núi đồng

Ăn rồi trách trã bể vừa xong

Kho lâu rịn nước bầu Nhan Tử (1)

Nấu chín còn manh mẻ Thạch Sùng (2).

Sau khi được tin lãnh tụ Võ Trứ bị bắt đã khảng khái tự nhận hết tội, không khai báo bất kỳ ai trước khi thọ hình. Ông Trần và bà Quyền dự định ly sơn để bồi dưỡng sức khỏe. Ông bà lần mò ra ở trọ nhà một thân chủ gần huyện Đồng Xuân được một tuần thì bị viên tri huyện nghi ngờ ông có liên can vụ Võ Trứ đến bắt giam ông Trần giam vào ngục thất. Bà Quyền ở ngoài hết lòng lo vận động cho chồng mới được tha. Ra khỏi tù, ông mở trường dạy học, tuyên truyền thuyết “Trung thiên dịch”, tín đồ theo khá đông, năm 1900 ông Trần bị tay sai thực dân Pháp bắt giam khép tội “Hoặc thế vu dân, xúi dân phiến loạn”.

Phụ nữ thời chống Mỹ

Trong vụ “Trung thiên dịch” – “Yêu thơ yêu ngôn”, chí sĩ Trần Cao Vân lãnh án 3 năm tù khổ sai, bà và ông Nguyễn Nhuận cũng bị lãnh án mỗi người 2 năm tù ở. Ông Trần bị giải về giam tại lao Quảng Nam, bà Quyền và ông Nhuận sau một năm tù thì được tha, cả hai cũng theo về Quảng Nam.

Ít lâu sau, ông Trần cũng được tha, lại giả tu hành để hoạt động chính trị. Năm 1908, nhân vụ dân Quảng Nam kháng thuế, ông Trần bị bắt, bị kết án chung thân khổ sai đày ra Côn Đảo. Ở tù đày Côn Đảo, ông Trần có bài thơ gửi về an ủi bà Quyền sau:

Xe trở bánh gần hết khúc eo

Trông chồng chi lắm mặt buồn teo.

Thân chàng chắc vững không nao núng

Dạ thiếp đừng lo chút mẻo meo

Trướng liễu xủ màn khuyên hãy giấc

Vườn đào sẵn giống để rồi gieo

Thung dung mặc sức cùng nhau sẻ

Chót núi thôi đừng ngó mỏi theo.

Sau sáu năm tù Côn Đảo, ông Trần được ân xá. Khi về tới Hội An gặp Tết Giáp Dần (1914), bà Quyền cùng các con đến thăm và đón ông về nhà. Sau lễ tang thân phụ Trần Công Trực qua đời (1915), ông tiếp tục hoạt động cách mạng, làm quân sư cùng với liệt sĩ Thái Phiên và các đồng chí thuộc Việt Nam Quang phục Hội. Cuộc mưu khởi nghĩa Duy Tân (năm Bính Thìn – 1916) vì bị lộ nên bất thành, ông và gần 200 đảng viên Việt Nam Quang Phục Hội bị giặc bắt, giam cầm tra tấn dã man. Khi thấy vợ con đến thăm, ông xót xa ngâm mấy vần thơ:

Mắt nhìn trẻ, tay cầm gông đỡ

Đau ruột vì nghĩa vợ, tình con!

Mẹ cha luống những hao mòn!

Để thằng Tứ hải nước non mong chờ

Nào hay mưa gió mịt mờ

Mình đương gánh khổ ra cơ hội này!

Sau ông Trần cùng các nhà yêu nước Thái Phiên, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu bị xử chém tại làng An Hòa (gần kinh thành Huế). Bà Quyền không bị kết án nhưng cũng nhiều lần bị đòi hỏi rất lôi thôi, gia sản bị tịch thu.

Những lần sau khi chồng bị bắt giam vào ngục tù, bà ở ngoài lo buôn bán tần tảo để tiếp tế cho chồng và nuôi nấng 2 con. Bà là người có nghị lực và đảm đang gia chánh. Rồi khi Trần Cao Vân cùng Thái Phiên chủ xướng và lãnh đạo cuộc mưu khởi nghĩa chống Pháp và tay sai năm Bính Thìn (1916) thất bại, Trần Cao Vân cùng Thái Phiên, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu bị xử chém tại làng An Hòa gần kinh thành Huế, gia sản bị tịch thu, bà quyết chí ở góa thờ chồng và chăm chút các con, đưa gia đình vào sinh sống tại tỉnh Bình Định, nơi chồng bà từng có những năm tháng (từ 1892 đến 1900) bí mật hoạt động chống Pháp. Có lần con bà hỏi tại sao mẹ không ở quê nhà để có được sự trợ giúp của nội ngoại, bà con họ hàng mà lại đưa các con vào ở Bình Định. Bà vắn tắt nói với con rằng: “Quê hương là đất tổ thiêng liêng, đó là nơi chôn nhau cắt rún, làm sao mẹ có thể rời bỏ được! Nhưng đối với mẹ, đất Bình Định mẹ xem như là quê hương thứ hai, gắn bó với mẹ nhiều kỷ niệm buồn vui qua tình đồng bào, nghĩa sĩ dân cùng chiến hữu. Sở dĩ mẹ đến nơi ấy cũng là nhằm gợi nhớ lại hình ảnh của cha con vang bóng lúc sinh thời…”. Thế rồi ở tại Bình Định gần 3 năm, lại xảy ra vụ treo cờ ở Phù Mỹ, Phù Cát liên quan đến con của bà là Trần Cao Phong, bà cùng 2 con lại bị giặc bắt giam cầm. Ở tù một năm thì giặc giải giao bà cùng hai con về Quảng Nam cho thân nhân nhận lãnh. Từ đó, bà về quê chồng tại làng Tư Phú, nay thuộc xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tu hành sống quãng đời cuối cùng trong câu kinh tiếng kệ cho đến khi qua đời năm Giáp Thân (1944), hưởng thọ 74 tuổi. Trước đó, vào năm Nhâm Tuất (1922) bà nghĩ đến hài cốt của chồng nằm nơi đất khách, bèn cậy người rình mò hốt trộm hài cốt của ông Trần để cải táng. Song nghiệt ngã thay khi xử chém, giặc chôn chung mấy nhà chí sĩ yêu nước một huyệt, nên người hốt cốt (bà Dương) chỉ biết hốt riêng hai ông Thái Phiên, Trần Cao Vân ra hai tiểu bằng sành, chứ không rõ cốt nào của ông Trần, cốt nào của ông Phiên nên đành chôn chung một huyệt. Cuộc đời của bà Trần Cao Vân phu nhân là một tấm gương bất khuất, xứng đáng với truyền thống yêu nước của phụ nữ Việt Nam.

 

  1. Nhan Tử: Tức Nhan Hồi, người nước Lỗ đời Xuân Thu, học trò giỏi của Đức Khổng Tử. Ở trong cảnh hàn vi mà bao giờ lòng cũng an bần lạc đạo.
  2. Thạch Sùng: Người đời Tấn (TQ), nhờ buôn bán mà trở nên giàu có vào bậc nhất Trung Hoa thời bấy giờ. Tương truyền đấu phú với Vương Khải bị thua trí vì trong nhà không có cái trách đựng mẻ, mất hết sự nghiệp, chết hóa ra con thạch sùng thường tắc lưỡi để tỏ ý tiếc của.

Lê Duy Anh