Trước nay khi bàn đến công lao mở đất về phương Nam dưới thời chúa Nguyễn, mọi người đều đề cập đến công lao của công nữ Ngọc Vạn, ái nữ của chúa Sãi Nguyễn Phương Nguyên, người có tầm nhìn chiến lược sâu sắc trong công cuộc thực hiện di ngôn chánh trị của chúa tiên Nguyễn Hoàng, qua cuộc hôn nhân với quốc vương Chân Lạp Chey Chetta II. Nhưng do điều kiện tư liệu, nên tiểu sử của vị công nữ đã từng là thái hậu của vương quốc Chân Lạp, chưa được viết đầy đủ. Chỉ biết bà kết hôn với quốc vương Chân Lạp về Ouđông từ năm 1620, đến năm 1628, quốc vương qua đời, bà được tôn làm thái hậu và trong những năm cuối đời bà về Sài Côn ( Tên gọi cũ của Sài Gòn) rồi lên núi chứa chan ( Biên Hoà) dựng chùa ẩn tu cho đến lúc qua đời.
Gần đây, ở khu vực hai làng Dã Lê Chánh và Dã Lê Thượng (thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên – Huế) một số tư liệu liên quan đến công nữ Ngọc Vạn được phát hiện (mồ mã, miếu thờ với sắc phong, bia mộ, bài vị…) cùng tập tục thờ cúng Tống Sơn Quận chúa Nguyễn Thị Ngọc Vạn do dân chúng hai làng bảo lưu, gìn giữ và tế lễ thường niên.
Phối kiểm tư liệu mới phát hiện kết hợp với tư liệu có từ trước, chúng ta có thể bổ sung thêm một số nét cơ bản vào bức chân dung của công nữ Ngọc Vạn chưa hoàn chỉnh. Điều này giúp chúng ta thấy rõ hơn công lao đối với dân tộc của một liệt nữ, được mệnh danh là Huyền Trân công chúa của phương Nam!
Nối kết các nguồn tư liệu
Tư liệu và nhận định có trước đây
Mối quan hệ giữa Đàng Trong và Chân Lạp qua cuộc hôn nhân Ngọc Vạn – Chey Chetta II được nhiều sử gia phương Tây và Việt Nam quan tâm:
– Christophoro Borri (trong Hồi ký Xứ Đàng Trong, năm 1621, bên cạnh mô tả cảnh đưa đón dâu, còn viết: …“Chúa Nguyễn luôn luyện tập binh sĩ và gởi quân đội giúp vua Cao Miên, tức chàng rể chồng của con chúa. Chúa viện trợ cho vua Cao Miên thuyền bè, binh lính để chống lại vua Xiêm…”(1).
– Niên giám Hoàng gia Cao Miên:
“Năm 2169, tức năm 1623 Dương lịch, một sứ giả của vua Annam dâng lên vua Cao Miên một phong thư, trong đó vua Annam ngỏ ý “mượn” của nước Cao Miên xứ Prey Nokor và xứ Kas Krobey để đặt làm nơi thâu quan thuế. Vua Chey Chetta II sau khi tham khảo ý kiến của triều thần đã chấp thuận lời yêu cầu trên và phúc thư cho vua Annam biết. Vua Annam bèn ra lịnh cho quan chức đặt sở thâu thuế tại Prey Nokor và Kas Krobey và từ đó bắt đầu thâu quan thuế” tr.369).
– Nguyễn Phước tộc thế phả (1994):
Để tỏ tình thân thiện với lân bang, năm Canh Thân (1620) Ngài (Nguyễn Phước Nguyên) gả công chúa (nữ ) Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp là Chey Chetta II. Năm Quý Hợi (1623), một phái bộ miền Nam đi sứ qua Chân Lạp xin với vua Chey Chetta II nhường lại một dinh điền ở Mô Xoài gần Bà Rịa ngày nay, vua Chân Lạp phải bằng lòng. Ngoài ra, vua còn cho người Việt đến canh tác tại vùng đó (tr.113).
– Lê Hương với Sử Cao Miên (1969) và nhiều công trình nghiên cứu của sử gia phương Tây và Việt Nam quan tâm đến vấn đề này, như G. Maspéro (1904) trong L’ Empire Khmer, Moura (1883) trong Royaume du Cambodge, Henri Russier (1914) trong Histoire sommaire du Royaume de Cambodge, A. Dauphin Meunier (1965) trong Histoire du Cambodge, Nguyễn Văn Quế (1932), trong Histoire des Pays de L’union Indochinoise, Christopher Buyers, trong The Varman Dynasty, Cl. Madroller (1926) trong L’Indochine du Sud, André Migot trong Les Khmers… hầu hết các tác giả đều có cùng nhận định như Phan Khoang trong Việt sử xứ Đàng Trong, về nguyên nhân dẫn đến cuộc hôn nhân Ngọc Vạn – Chey Chetta II và hệ lụy của nó:
“Cuộc hôn nhân này có ảnh hưởng lớn lao đến vận mạng Chân Lạp sau này. Bà hoàng hậu đem nhiều người Việt đến, có người được giữ chức hệ trọng trong triều, bà lại lập một xưởng thợ và nhiều nhà buôn gần kinh đô.
Đến năm 1623, một sứ bộ của chúa Nguyễn đến Oudong yêu cầu được lập cơ sở ở Prey Kôr tức Sài Gòn ngày nay và được ở đấy một sở thu thuế hàng hóa. Vua Chey Chetta chấp thuận và triều đình Thuận Hóa khuyến khích người Việt di cư đến đấy làm ăn rồi lấy cớ để giúp chính quyền Miên gìn giữa trật tự, còn phải một tướng lĩnh đến đóng ở Prey Kôr nữa. Khi Chey Chatta mất, vùng đất từ Prey Kôr trở ra Bắc đến biên giới Chiêm Thành (tức là Sài Gòn, Bà Rịa, Biên Hòa ngày nay), đã có nhiều người Việt đến ở và khai thác đất”(2).
Như vậy, về đại thể công lao mở đất về phương Nam của công nữ Ngọc Vạn thông qua cuộc hôn nhân với Chey Chetta II là vấn đề không còn tranh luận nữa; có chăng là một số sự kiện tiểu tiết bên trong liên quan đến hành trạng của công nữ.
Về tư liệu mới phát hiện:
Ở làng Dã Lê (nay thành hai làng Dã Lê Chánh và Dã Lê Thượng) thuộc thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên – Huế), có một số tích và tài liệu liên quan đến nhân vật được tôn vinh là Tống Sơn Quận chúa Nguyễn Thị Ngọc Vạn:
– Ngôi mộ: được gọi là mộ Bà quận ở vùng núi Bằng Lãng, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy;
cách làng Dã Lê Thượng chừng 7km về phía tây bắc. Mộ vẫn giữ nguyên kiểu cách hình yên ngựa (mã liệp) đặc trưng từ thời xa xưa(3). Trên mộ bia phần chính văn ghi “Hoàng triều cáo thụ Tống Sơn Quận chúa Nguyễn Thị Ngọc Vạn quý nương Dực bảo Trung hưng tôn thần chi mộ”. Tương truyền, ngày xưa ngôi mộ ấy có khuôn viên rất lớn và được triều đình cử lính đến canh giữ.
– Sắc phong: trong tổng số 28 sắc phong hiện được lưu giữ tại làng Dã Lê Thượng thì có 2 sắc phong cho Tống Sơn Quận chúa Nguyễn Thị Ngọc Vạn: một là sắc phong riêng cho bà vào ngày 18/3 năm Khải Định thứ 2 (1917) và hai là sắc phối phong vào ngày 25/7 năm Khải Định thứ 9 (1924) cùng nhiều vị thần khác. Hai sắc phong này vẫn còn nguyên vẹn, có chiều dài 125cm, chiều rộng là 50cm, thể hiện trên giấy long đằng đặc trưng phổ biến của thời Khải Định.
Dịch nghĩa:
Sắc cho xã Dã Lê Thượng huyện Hương Thủy phủ Thừa Thiên thờ phụng Tống Sơn Quận chúa Nguyễn Thị Ngọc Vạn quý nương tôn thần phò nước giúp dân linh ứng rõ rệt. Luyến nay, trẫm kế thừa thánh nghiệp, mến nghĩ đến công đức to lớn của thần, bèn rộng phong là Trinh Uyển Dực Bảo Trung Hưng tôn thần, chuẩn cho [dân làng Dã Lê Thượng] thờ phụng. Những mong thần hãy cùng công đức tốt đẹp ấy để bảo vệ dân ta. Khâm tai!
Ngày 18 tháng 3 năm Khải Định thứ 2 (1917) [ấn son: sắc mệnh chi bảo].
– Miếu Bà: trong khuôn viên đình làng Dã Lê Chánh, với tên gọi Quận chúa miếu (郡 主 廟 là một ngôi miếu nhỏ đặt trang trọng, đồng hàng các ngôi miếu khác của những vị khai cơ, với bài vị ghi: “Phụng vi hiển linh Tống Sơn Quận chúa Nguyễn Thị Ngọc (Vạn) quý nương, thụy Từ Hoan, pháp hiệu Diệu Đức trung đẳng thần” 奉 為 顯 灵 宋山 郡 主 阮 氏 玉 萬 貴 娘 謚 慈 歡 法 号 妙 德 中 等 神”. Theo các chức sắc của làng Dã Lê Chánh, miếu thờ bà được dân làng kính trọng gọi là “Miếu Bà Vàng” (một cách kiêng gọi thẳng tên của bà Ngọc Vạn). Quý danh của bà luôn được xướng danh trong các lễ tế của làng từ xưa đến nay. Dưới thời quân chủ, mỗi lần tới lễ tế bà quận, triều đình có cấp tiền mua heo, mua nếp.
– Bảng danh mục: một loại giấy tờ liệt kê công việc của làng Dã Lê Thượng được sao lại vào năm Cảnh Hưng thứ 6 (1745), trong đó có liệt kê tờ trình của Quốc cô bà Quận (tức bà Ngọc Vạn) gởi chúa Nguyễn Phước Tần xin cho làng được lệ thuộc vào Nội phủ: “Năm Đinh Tỵ (1677), bổn thôn có công, Quốc cô bà quận Vạn đã trình (tờ) thân với Đức Triết vương (tức chúa Nguyễn Phước Tần) cho xã thôn được lệ thuộc vào Nội phủ”.
Ngoài ra bà còn được thờ ở chùa Linh Sơn với thần chủ của tôn thần Tống Sơn Quận chúa Nguyễn Thị Ngọc Vạn ở chùa Linh Sơn viết là: “Phụng vi hiển linh Tống Sơn Quận chúa Nguyễn Thị Ngọc (Vạn) quý (nương), thụy Từ Hoan, pháp hiệu Diệu Đức nhất vị kim linh”.
Qua đối chiếu, so sánh, di tích và tư liệu liên quan đến Tống Sơn Quận chúa Ngọc Vạn liệt kê ở trên, hai nhà nghiên cứu Lê Nguyễn Lưu
– Huỳnh Đình Kết khẳng định trong công trình Ấn chương Việt Nam từ thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XIX trong dân gian vùng Huế: “Bà công nữ nối gót Huyền Trân ấy, chưa ai xác định được tên cô nào trong hai cô, nhưng ta có thể biết chắc là Ngọc Vạn, vì cuối đời, bà về nước, trú tại làng Dã Lê Chánh… và sau khi qua đời (lăng mộ tại làng Bằng Lãng) do có công đức được dân làng thờ phụng tại đình làng Dã Lê Thượng và chùa làng Linh Sơn… Như thế không còn gì phải nghi ngờ”(4).
Chắp nối các nguồn tư liệu, chúng ta hoàn chỉnh thêm một bước về hành trạng của công nữ Ngọc Vạn sau khi quốc vương Chey Chetta II băng hà.
Sự tranh chấp quyền lực giữa con cháu Chey Chetta II sau khi ông băng hà và sự tác động của công nữ Ngọc Vạn vào việc triều chính của Chân Lạp trong cuối thế kỷ XVII
Sau khi Chey Chetta II mất, công nữ Ngọc Vạn sống trong cuộc tranh chấp quyền lực của triều đình Chân Lạp. Khởi đầu là cuộc tranh quyền giữa Giám quốc Préa Outey (em ruột của Chey Chetta II) với hai người em họ là Chau Ponhéa To (ở ngôi: 1618-1630) và Ponhéa Nu (ở ngôi: 1630-1640). Nhiều công trình cho rằng họ là con của công nữ Ngọc Vạn, nhưng không hợp lý, vì nhiều lý do(5).
Năm 1640, Phụ chính Outey đưa con mình lên ngôi tức Quốc vương Ang Non I. Nhưng Ang Non I cũng chỉ làm vua được hai năm (1640 – 1642) thì bị người con trai khác của Chey Chetta II là Chau Ponhea Chan (con bà hoàng hậu người Lào) giết chết hết cả gia đình Préah Outey giành lại ngôi vua, tức Nặc Ông Chân.
Sau khi lên ngôi, Nặc Ông Chân cưới một công chúa người Mã Lai, theo đạo Hồi (đạo của vợ), bỏ quốc giáo, biệt đãi người Mã Lai, người Chăm (vì những người này giúp ông ta lên ngôi), đàn áp Phật giáo và người Việt… gây bất bình trong hoàng tộc và dân chúng Chân Lạp. Trước tình huống này, hoàng hậu Ngọc Vạn, đưa hai con về ẩn thân ở vùng Mô Xoài – Bà Rịa(6).
Năm 1658, Hoàng thân Ang Sur (Sô)(7) và Ang Tan con quan Phụ chính Outey dấy binh chống Nặc Ông Chân, nhưng thất bại… Nghe lời khuyên của thái hậu Ngọc Vạn, Ang Sur và Ang Tan cầu cứu chúa Nguyễn. Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần liền sai Phó tướng dinh Trấn Biên (Phú Yên) là Nguyễn Phước Yến dẫn 3.000 quân đến thành Hưng Phước (bấy giờ là Mỗi Xuy, tức Bà Rịa), phá được thành rồi tiến vào bắt Nặc Ông Chân đem về giam ở Quảng Bình.
Đến năm 1660, Nặc Ông Chân chết, chúa Nguyễn phong cho Ponhéa So, con của thái hậu Ngọc Vạn làm vua Chân Lạp, tức hiệu là Barom Reachea và cháu là Ang Non (Nặc Ông Nộn) làm Nhị vương đóng đô ở Prei Norkor(8). Sử Cao Miên viết, nhờ người Việt mới được làm vua, nên Barom Reachea ký hòa chấp nhận triều cống hàng năm cho Đàng Trong. Từ đó, lưu dân Việt đến Gia Định, Mỗi Xuy (Bà Rịa), Biên Hòa ngày càng đông khai hoang mở đất…(9).
Như vậy, qua sự can thiệp của công nữ Ngọc Vạn, người Việt chính thức xác lập chủ quyền của người Việt Nam trên xứ Thủy Chân Lạp, đồng thời bà cũng giúp vương quốc Chân Lạp không bị rơi vào tay của nước Xiêm La đang bành trướng về phía Đông.
Năm 1672, vua Barom Reachea bị con rể vừa là cháu, là Chey Chetta III giết chết; em là Nặc Ông Tân theo lời khuyên của thái hậu Ngọc Vạn, chạy sang Sài Côn nương náu. Nhưng ngay sau đó Chey Chetta III cũng bị sát hại.
Ang Chei, con trai đầu của vua Barom Reachea lên ngôi (1673-1674) tức Nặc Ông Đài. Ông Đài cho đắp thành lũy ở địa đầu Mỗi Xuy, nhờ Xiêm cứu viện để chống lại chúa Nguyễn. Quân của Ang Tan bị quân Xiêm đánh đuổi, Ang Tan cùng cháu là Ang Nan (Nặc Ông Nộn) chạy sang Sài Côn kêu cứu chúa Nguyễn. Năm 1674, chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần sai Cai cơ Nguyễn Dương Lâm và Tham mưu Nguyễn Đình Phái chia quân làm hai cánh cùng tiến lên Chân Lạp. Nặc Ông Đài bỏ thành Nam Vang chạy vào rừng, để rồi bị thuộc hạ đâm chết.
Sau khi Nặc Ông Đài mất, em là Ang Sor ra hàng. Để giải quyết tình trạng “nồi da xáo thịt” dai dẳng này, chúa Nguyễn dàn xếp, để Ang Sor lên làm Chính vương tức Nặc Ông Thu, đóng đô ở Phnôm Pênh, còn Nặc Ông Nộn tiếp tục làm Nhị vương, đóng đô ở Sài Côn (khu vực gò Cây Mai, nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh)… Tuy nhiên, hai phe vẫn không từ bỏ ý định loại trừ nhau. Nhưng cả hai đều phải triều cống xưng thần với chúa Nguyễn tại Kim Long. Phó vương Nặc Ông Nộn mất năm 1691 thì toàn quyền cai trị tại đây thuộc về chúa Nguyễn.
Năm 1674, khi Nặc Ông Nộn làm Nhị vương về đóng ở Sài Côn, bà Ngọc Vạn theo về ngụ ở đây một thời gian, sau đó bà về núi Chứa Chan (Biên Hòa) lập chùa ẩn tu trên núi Gia Lào.
Khoảng năm 1677, có khả năng bà trở về sống trên đất Hóa Châu, cư ngụ ở xã Dã Lê, nơi bà đã từng sống trước khi về làm dâu Chân Lạp(10) và qua đời tại đây. Biết được công lao to lớn của bà không thua gì công chúa Huyền Trân đời Trần, đã mang về cho dân tộc một vùng đất phương Nam bao la, một vựa lúa khổng lồ nuôi sống dân tộc, nên nhân dân địa phương dựng miếu thờ ở thôn Dã Lê, xã Thủy Phương được chúa Nguyễn cho “lệ thuộc vào Nội phủ”, có nghĩa là xã Thủy Phương được phủ chúa quản lý trực tiếp giống như một đơn vị hành chính trực thuộc nội phủ. Mãi đến năm Khải Định thứ 2 (1917) bà mới được phong Tống Sơn Quận chúa Ngọc Vạn.
Một chút nhận xét
Hơn 50 năm ở ngôi thái hậu, sau khi chồng là quốc vương Chey Chetta II qua đời, mặc dù không chính thức có quyền lực can dự vào công cuộc trị nước của triều đình Chân Lạp luôn biến động, nhưng trên thực tế do uy tín và ảnh hưởng cá nhân của bà đối với triều đình và thần dân Chân Lạp, sự can thiệp của thái hậu Ngọc Vạn thường đóng vai trò mang tính quyết định trong một số cuộc tranh ngôi báu giữa hoàng thân hoàng tử Cao Miên với mục tiêu củng cố mối quan hệ thân hữu hòa bình giữa hai nước. Cuối cùng chính quyền Đàng Trong được đền đáp xứng đáng bằng đất đai từ phía phe thắng thế; đồng thời giúp cho Chân Lạp thoát khỏ âm mưu Đông tiến của người Xiêm. Chính vì thế, mà sau khi bà qua đời ít lâu, năm 1698 chúa Nguyễn sai Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược, xác lập chủ quyền của người Việt với hai trấn mới Trấn Biên và Phiên Trấn đến tận bờ sông Tiền.
Và cứ theo kế sách tằm ăn dâu này, đến năm 1757 toàn bộ đất Nam bộ, một phần ba diện tích đất nước hòa nhập cương vực của Tổ quốc Việt Nam, là công lao trời biển của bao thế hệ tiền nhân; trong đó có phần góp công không nhỏ của bậc anh thư tài trí “Tống Sơn Quận chúa Ngọc Vạn” suốt cả đời quên mình hy sinh cho sự nghiệp mở mang đất nước bền vững cho dân tộc.
Có thể nói rằng, tầm nhìn chiến lược của Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” đã giúp cho Nguyễn Hoàng có được sự khởi đầu thuận lợi và với “Di ngôn chính trị” để lại cho đời sau. Chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên, người khởi đầu thực hiện di ngôn này, để “xây dựng cơ nghiệp muôn đời”. Sự dấn thân trong sự nghiệp của mình, Sãi vương đã được ái nữ Ngọc Vạn chia sẻ và đồng hành với ứng phó thông minh sáng tạo trước mọi tình huống và một đức hy sinh cao cả.
Số tư liệu mới phát hiện, mặc dù có nhiều điểm cần tiếp tục xác minh, nhưng với ngôi mộ (cũng có thể là mộ cải táng), miếu thờ với thần chủ và nhất là sắc phong với danh hiệu Tống Sơn Quận chúa, dứt khoát là dành cho công nữ Ngọc Vạn chớ không ai khác.
Tiếc thay cho đến nay trong cả nước, nhất là Nam bộ, mảnh đất do công nữ Ngọc Vạn góp phần khai mở, ngoại trừ ngôi phế tháp Phổ Đồng (ở chùa Kim Cang, xã Tân Phước, thị xã Vĩnh An, tỉnh Đồng Nai), chưa có một công trình tưởng niệm tương xứng nào khắc ghi công lao to lớn của bà, gọi là đền ơn đáp nghĩa, để hậu thế tri ân và chiêm bái.
CHÚ THÍCH:
2-a41988.html
su-cua-cong-nu-nguyen-thi-ngoc-van/.
TÀI LIÊU THAM KHẢO:
html.