Thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Hà Nội ngày 30 tháng 10 năm 2006

Kính gửi các đồng chí:
Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và Bộ Chính trị
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết
Chủ tịch Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội  khoá XI
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng

Ngày 22-10-2006, tôi vừa gửi các đồng chí bức thư về tình trạng bị xâm hại nghiêm trọng của Khu di tích thành Cổ Loa và đề nghị các cấp có trách nhiệm và thẩm quyền cần kiểm tra và có giải pháp khẩn cấp để bảo vệ Khu tích quý giá này.

Mấy hôm nay, qua báo chí, tôi được biết Chính phủ đang chỉ đạo các ngành lập Dự án xây dựng Nhà quốc hội tại 18 Hoàng Diệu tức tại Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long mà khảo cổ học đã phát lộ từ năm 2003, để chuẩn bị trình Quốc hội khoá XI xem xét và quyết định.

Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước với nhiều Tiểu ban nghiên cứu tập hợp gần hàng trăm nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực liên quan và nhất là qua nhiều hội thảo, trong đó có hội thảo khoa học toàn quốc với gần 200 nhà khoa học cả nước tham dự, khẳng định đây là một di sản văn hoá vô giá của thủ đô và của cả dân tộc, cần được bảo tồn toàn bộ và có kế hoạch triển khai từng bước theo điều kiện và khả năng của đất nước. Hội thảo chuyên gia tư vấn quốc tế và nhiều chuyên gia của UNESCO, của Nhật Bản, Pháp và các nước, đặc biệt ông Tổng Giám đốc UNESCO, Tổng thống Pháp, Thủ tướng Nhật Bản, đều đánh giá cao giá trị của Khu di tích, không những đối với Việt Nam mà cả đối với khu vực và thế giới. Ông Tổng giám đốc UNESCO nhận xét khu di tích có đủ tiêu chí để được công nhận là Di sản văn hoá Thế giới và sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam trong nghiên cứu, bảo tồn cũng như làm thủ tục đăng ký Di sản Văn hoá Thế giới.

Các tầng lớp nhân dân trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài rất phấn khởi và xúc động trước phát hiện khảo cổ học này và đều có chung nguyện vọng mong Đảng, Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ sớm có chủ trương bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá vô giá này, nhất là trong dịp tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Tôi rất vui mừng khi biết vào tháng 6-2006, Thủ tướng Chính phủ đã có kết luận cần bảo tồn lâu dài Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu gắn với Khu thành cổ Hà Nội và các di tích cách mạng, giao cho UBND Hà Nội chủ trì phối hớp với các ngành lập hồ sơ trình Chính phủ công nhận Di tích cấp quốc gia đặc biệt và hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới. Tôi cũng biết UBND Hà Nội và Bộ văn hoá thông tin đã trình hồ sơ đăng ký với UNESCO và gần đây UNESCO đã cử ông Trưởng ban châu Á – Thái Bình Dương sang làm việc với phía Việt Nam để giúp đỡ, hướng dẫn chuẩn bị lập hồ sơ chính thức trình UNESCO. Tôi hoan nghênh chủ trương đúng đắn đó, vừa biểu thị trách nhiệm cao của Đảng và Nhà nước trước một di sản văn hoá quý giá của dân tộc, vừa hợp lòng dân, đáp ứng nguyện vọng tha thiết của giới khoa học, văn hoá và toàn dân.

Nhưng tôi rất bất ngờ và sửng sốt khi được biết, bây giờ Chính phủ lại chỉ đạo xây dựng Nhà quốc hội tại 18 Hoàng Diệu và dù với bất cứ qui mô, thiết kế nào, kiến trúc này cũng xâm hại đến khu di tích, ít ra cũng một phần của khu di tích Hoàng Thành Thăng Long.

Việc làm đó trái với kiến nghị của giới khoa học cả nước và không hợp lòng dân, kể cả cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

Việc làm đó cũng phá huỷ tính nguyên gốc và tính toàn vẹn của di tích là những yêu cầu bắt buộc đối với một di sản văn hoá thế giới và như vậy là tự từ bỏ khả năng được UNESCO công nhận Di sản văn hoá thế giới.

Tôi ủng hộ chủ trương trong khu Trung tâm chính trị Ba Đình phải có toà nhà Quốc hội, nhưng còn nhiều địa điểm khác có thể lựa chọn để xây dựng Nhà quốc hội. Tuyệt đối không nên xây dựng Nhà quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân và đại diện trung thành nhất cho quyền lợi, nguyện vọng của nhân dân trên cơ sở huỷ hoại hay ít ra xâm hại một di sản văn hoá vô giá của thủ đô và của cả dân tộc. Tôi tin rằng các đại biểu Quốc hội hiểu rõ hơn ai hết trọng trách uỷ nhiệm của nhân dân và không bao giờ  chấp nhận xây dựng Nhà quốc hội trên Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long.

Với tất cả trách nhiệm và tâm huyết của một người Cộng sản, một công dân đã 95 tuổi, tôi tha thiết đề nghị các đồng chí xem xét lại chủ trương xây dựng Nhà quốc hội tại 18 Hoàng Diệu và sớm có quyết định chính thức bảo tồn lâu dài toàn bộ khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, không chỉ trên diện tích phát lộ 19.000 m2 mà bao gồm cả thành cổ Hà Nội và toàn bộ khu trung tâm của Hoàng Thành Thăng Long tức khu Cấm Thành xưa, từ những di tích Thăng Long, Hà Nội cho đến những di tích của thời đại Hồ Chí Minh. Đó là một trọng trách của Đảng, Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ trước nhân dân và trước lịch sử. Chúng ta bảo tồn di sản đó còn để truyền lại cho muôn đời con cháu về sau.