Mộ chí sĩ Đông Du Trần Đông Phong tại Nhật Bản

Trong dịp công tác ngắn ngày vào tháng 5 vừa qua tại Nhật Bản, được nghe câu chuyện hy sinh của chí sĩ phong trào Đông Du Trần Đông Phong nơi đất khách quê người này, chúng tôi không khỏi bùi ngùi xúc động. Vì vậy xin gửi đến với bạn đọc.

Theo các nhà sử học Nhật Bản, Trần Đông Phong đã cùng Phan Bội Châu sang Nhật trong phong trào Đông Du vào những năm đầu thế kỷ XX. Khi Phan Bội Châu bị trục xuất về nước bởi điều ước ký kết giữa Nhật và Pháp năm 1907 (Pháp đồng ý cho Nhật vào buôn bán ở Việt Nam, còn Nhật thì cam đoan không để cho các nhà yêu nước Việt Nam trú ngụ và hoạt động trên đất Nhật), Trần Đông Phong vì quá phẫn uất mà đã tự sát. Ông mất tại ngôi chùa và mộ của ông được đặt ở nghĩa địa gần ngôi chùa này thuộc vùng Ikebukuro phía đông thủ đô Tokyo Nhật Bản. Nhờ sự giúp đỡ của nhà sử học Fusaji Takeuchi, giáo sư Trường đại học Hoàng gia Nhật Bản, chúng tôi đã tìm đến viếng mộ ông và thăm ngôi chùa này.

Mộ nằm ở một nghĩa địa thuộc loại lớn, lâu đời và trang trọng ở Tokyo, được chia làm 66 khu khá quy củ. Nghĩa địa có sơ đồ và hồ sơ từng chủ mộ, song tiếc là trong hồ sơ này không có người Việt Nam nào tên là Trần Đông Phong. Tuy vậy khi nhờ nhân viên quản trang tìm giúp, thì liền được dẫn đến tận nơi. Đúng là mộ của Trần Đông Phong, bởi bia đá ghi rõ họ tên ông bằng chữ Hán. Chúng tôi không lường được trước, nên không thể kiếm được hương hoa dù đã chạy ra phố để tìm, đành đứng mặc niệm vái lạy linh mộ ông và chụp vài kiểu ảnh tư liệu.

Mộ của ông nằm ở vị trí số 16a, ô số 1-16 khu 45, nghĩa địa Kishibozin, vùng Ikebukuro, Nhật Bản. Phần lớn mộ ở đây là của từng dòng họ, từng gia đình, trong đó hầu hết là các dòng họ lớn, các chủ nhân là thương gia, học giả, nhà văn Nhật Bản và ngoại quốc. Trần Đông Phong là chí sĩ, tuy cũng được đề là mộ của Trần gia (gia đình họ Trần), song chỉ vẻn vẹn một nấm mồ như những ngôi mộ chưa sang cát lâu năm thường gặp ở Việt Nam. Tuy nhiên mộ chỉ được đắp cao hơn so với đường đi chừng 10 cm. Xung quanh có một hàng gạch xây bao. Trên mộ rải sỏi pha đất, nên chỉ có lớp cỏ thưa và vài bông hoa dại.

Mộ nhìn về hướng nam, phía trước trống trải xa tắp, phía sau là bia mộ. Bia đá hình trụ cao khoảng 0,80cm, đặt trên bệ bia hình hộp tam cấp. Mặt bia khắc 3 dòng chữ Hán, ở giữa trung tâm là “Đồng bào chí sĩ Trần Đông Phong chi mộ”, hai bên là hai dòng chữ Hán khắc nhỏ hơn là: “Sinh dĩ Giáp Thân niên” và “Mậu Thân niên ngũ nguyệt sơ nhị nhật tử”. Phía chân bệ bia có có một phiến đá nhỏ khắc 2 chữ Hán “Trần gia” và hai bên là hai bình hoa và bát hương.

Như vậy, bia này do các đồng chí của ông, những thanh niên Việt Nam cùng là đồng bào – anh em ruột thịt, đứng ra làm và chôn cất ông. Dòng bia mộ trên cho biết Trần Đông Phong sinh năm Giáp Thân (1884) và mất ngày 2 tháng 5 năm Mậu Thìn (1908), khi ông còn quá trẻ, mới vừa tròn 24 tuổi đời.

Bái biệt linh mộ ông, chúng tôi tìm đến ngôi chùa nơi ông mất. Tuy không xa lắm, nhưng phải mất một tiếng đồng hồ vừa đi tầu điện qua 2 trạm và vừa đi bộ vài trăm mét. Đến nơi đã hơn 6 h chiều vừa lúc nhà sư tụng kinh xong, nên không thể vào trong chùa được. Ngày nào chùa cũng tụng niệm từ 5 đến 6 h chiều (giờ địa phương) vừa đọc kinh, vừa cầu nguyện vong linh chư hồn mà phần lớn là của những người chết trong chiến tranh, trong thảm họa thiên tai, trong đó có vong linh chí sĩ Trần Đông Phong. Chùa có tên là Zochigagy, quy mô khá rộng, là nơi trước ngày các chí sĩ Đông Du thường lui tới, trú ngụ. Không hiểu nơi đây còn lưu giữ dấu tích gì của các chí sĩ Đông Du Việt Nam, cũng như của riêng Trần Đông Phong?

Về cuộc đời Trần Đông Phong, không rõ quê quán, gia đình ông thế nào? Sử sách và các tài liệu về phong trào Đông Du ở nước ta dường như chưa biết đến Trần Đông Phong, một trong những thanh niên tiêu biểu đầy nhiệt huyết và đã bất khuất hy sinh nơi hải ngoại.

Hy vọng rằng những trang sử về sau khi viết về phong trào Đông Du sẽ được bổ sung tấm gương hy sinh vì nghĩa cao cả của chí sĩ Trần Đông Phong.

Đinh Khắc Thuân