Cần phải khẳng định: Khởi nghĩa Hoan Châu nổ ra vào năm Quý Sửu – 713

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước mấy ngàn năm của dân tộc ta, Mai Thúc Loan là một anh hùng dân tộc kiệt xuất. Khoảng hơn một thế kỷ sau khi nhà Tiền Lý sụp đổ và nước ta lần thứ ba rơi vào ách Bắc thuộc, Mai Thúc Loan đã lại lãnh đạo nhân dân ta nổi dậy, mở đầu trên đất Hoan Châu, rồi trở thành một cuộc Tổng khởi nghĩa lật đổ ách cai trị của Đường Triều trên khắp cả 32 châu quận nước ta thời đó, một lần nữa lập lại chính quyền tự chủ cho Tổ quốc.

Nét đặc biệt của sự kiện lịch sử này, trước hết là ở chỗ xuất thân của lãnh tụ cuộc khởi nghĩa. Sinh ra trong một gia đình mà bố, mẹ (là ông Mai Sinh và bà Vương Thị) có quê gốc ở thôn Gò Mơ (xã Thạch Bắc, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh nay), khi đang mang thai cậu thì di cư sang làng Ngọc Trừng (xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, Nghệ An nay), và sinh cậu ở đó. Tại Ngọc Trừng, gia đình này vô cùng cơ cực, đã vậy đứa con mới được mươi, mười hai tuổi thì mẹ rồi bố lần lượt qua đời. Đó là những bất hạnh lớn, đã ập xuống đời Mai ngay từ thời thơ ấu. Nhưng rồi, có lẽ nhờ khí thiêng sông núi chung đúc lại trên mảnh linh địa Nam Đàn phù hộ, mà bẩm sinh Mai hơn người về sức khỏe, trí thông minh, sự dũng cảm, lòng thương xót nhân dân, tinh thần yêu nước căm thù giặc, óc tổ chức lãnh đạo quần chúng cùng tài năng quân sự trác việt… nên Mai đã đạp bằng mọi khó khăn, lãnh đạo nhân dân phá tan gông cùm nô lệ của kẻ ngoại xâm vốn là một nước hùng mạnh nhất thời ấy.

Nếu kể lại cả những nét đặc biệt khác như sự chuẩn bị trường kỳ đến hơn hai chục năm cho khởi nghĩa (từ khi lấy vợ đến khi hai con dựng vợ gả chồng), hoặc ý đồ chiến lược của Mai thật vô cùng thông tuệ: không chỉ lập một căn cứ chuẩn bị khởi nghĩa ở quê Hoan Châu, mà còn ở cả vùng Đường Lâm (Sơn Tây) gần thành Tống Bình – nơi đặt bộ máy đầu não của quân đô hộ. Đặc biệt, ông còn xây dựng căn cứ ở vùng duyên hải Đông Bắc Tổ quốc nơi mà 200 năm rồi 700 năm sau, Ngô Vương Quyền rồi Trần Hưng Đạo cũng dựa vào đó mà lập nên hai chiến công Bạch Đằng lịch sử. Ngoài ra ông còn đoàn kết với các vương quốc láng giềng. Với sự chi viện của hơn hai chục vạn quân đồng minh từ các lân quốc phía Nam, nghĩa quân đã nhanh chóng triển khai khắp cả nước và giành toàn thắng.

Trong hoàn cảnh đất nước bị chiếm đóng và những hạn chế về thông tin, giao thông liên lạc thời đó, vì sao một con người có hoàn cảnh xuất thân như vậy lại làm được một khối lượng công việc cực kỳ lớn lao nhường ấy – đó cũng là nét đặc biệt trong sự kiện lịch sử khởi nghĩa Hoan Châu.

Sự kiện lịch sử này còn đặc biệt đáng chú ý ở chỗ: cả một gia đình đông đảo của lãnh tụ Mai Thúc Loan đều là những thân tướng tài ba, hết mình giúp Mai lo toan việc nước; vợ và con đầu ở mặt trận bảo vệ Tống Bình; bản thân ngài và con út thì ở mặt trận bảo vệ quốc đô Vạn An; còn hai con khác thì ở mặt trận Đông Bắc; kẻ trước người sau đều hiến dâng mạng sống mình cho Tổ quốc trong cuộc chiến chống sự tái xâm lược của nhà Đường năm 722.

Còn có thể kể nhiều nữa, nhưng chỉ ngần ấy điểm vừa nói cũng đủ cho ta thấy Mai Thúc Loan quả là một anh hùng dân tộc kiệt xuất, đáng là một tấm gương sáng chói để con cháu muôn đời tôn vinh, học tập. Tuy nhiên, việc tôn vinh này, bởi các lý do khác cho đến nay vẫn có những hạn chế như ở một số thành thị chưa có đường mang tên Mai Hắc Đế và các dũng tướng trong khởi nghĩa Hoan Châu, chưa có tượng đài Mai Hắc Đế ở các nơi cần có…

Theo tôi, cái làm hạn chế sự tôn vinh này, trước hết là ở chỗ, một vài cơ quan có trách nhiệm quảng bá về công tích danh nhân chưa có một sự nghiên cứu thấu đáo các tư liệu liên quan đến Mai Hắc Đế để giới thiệu cho mọi người được biết, mặc dù, những tư liệu đó, cho đến nay đã dần dần được các nhà nghiên cứu phát hiện và thẩm định. Có thể minh chứng như: Các đền thờ thân nhân, thân tướng ngài ở Hải Phòng, Hà Nội, Nghệ An, với thần phả ghi rõ công tích từng vị, trong mươi lăm năm qua đã lần lượt được Bộ Văn hóa – Thông tin chứng nhận là di tích lịch sử quốc gia. Hoặc các cuốn sử của ta như cuốn Việt điện u linh (viết vào đời Trần Hiển Tông cách đây gần 700 năm) và của Trung Quốc như Tân Đường Thư (thời Đường) hoặc An Nam chí lược (thời Nguyên) có ghi niên đại khởi nghĩa Hoan Châu là Quý Sửu 713, gần đây đã được dịch giới thiệu rộng, được Viện Sử học xác nhận trong sách Việt Nam những sự kiện lịch sử (từ khởi thủy đến 1858), xuất bản năm 2001, lấy đó làm tư liệu đính chính sự nhầm lẫn 722 trước đây trong cuốn Biên niên lịch sử cổ trung đại Việt Nam (xuất bản năm 1989).

Việc tôn vinh công tích Mai Hắc Đế bị hạn chế vì cho đến nay nhiều người vẫn coi công tích đó chỉ vẻn vẹn là một cuộc khởi nghĩa nặng tính bột phát từ những bức xúc tức thời, không thấy được sự chuẩn bị công phu và lâu dài, ý đồ chiến lược thiên tài, sự hy sinh cao cả của vị lãnh tụ khởi nghĩa, và nhất là rất nhiều người vẫn chưa biết đến chính quyền tự chủ do Mai Hắc Đế thành lập đã tồn tại trên 10 năm với một triều đình chọn Vạn An làm quốc đô (Nam Đàn, Nghệ An).

Gần đây, bất chấp các tư liệu đã công bố, Sở Văn hóa – Thông tin Hà Tĩnh, trong cuốn Danh nhân Hà Tĩnh (xuất bản năm 1998) và Đài Truyền hình Việt Nam, trong cuốn phim về danh nhân đất Việt, Mai Hắc Đế (VTV3 công chiếu hôm đầu xuân Đinh Hợi) vẫn nhắc lại năm 722 khởi nghĩa Hoan Châu bùng nổ! Và cũng do không công nhận 713 là năm khởi nghĩa, mà cả một triều đại tự chủ hơn 10 năm tồn tại với kinh đô là Vạn An ở Nghệ An cũng bị phủ nhận, qua cuộc thi người đẹp Kinh đô trong năm 2006 (Nghệ An không được mời tham dự).

Đinh Văn Hiến