Cuốn Chí sĩ Hồ Học Lãm cuộc đời và nhân cách (Tác giả: Hoàng Thanh Đạm, Nxb Nghệ An 2005) cung cấp cho chúng ta một số tư liệu về một danh nhân đáng kính, người mà Bác Hồ có ý định mời ra làm Chủ tịch nước sau khi cách mạng thành công (theo tác giả).
Một nhân vật tầm cỡ như vậy đáng được viết kỹ lưỡng sâu sắc, nhưng tiếc thay, thông tin được đưa ra không nhiều, so với những gì đã được viết trên các sách báo. Nhân vật chính lại bị chìm khuất trong một đống sự kiện, nhân vật, nhiều khi ít liên quan. Tất nhiên, để làm rõ hành động của nhân vật chính, phải nói hoàn cảnh, thời điểm lịch sử. Nhưng tác giả đã sa đà vào đó quá mức.
Viết lịch sử (khác tiểu thuyết lịch sử) không được hư cấu. Không biết tác giả căn cứ vào tư liệu nào mà viết cụ thể ai nói gì trong cuộc đối thoại giữa Phan Bội Châu với Nguyễn Thị Thiện Thuật, Hồ Học Lãm, Phan Bá Ngọc? Tôi biết chắc chắn đoạn bà Trâm trao đổi với Hồ Thúc Linh và Hồ Bá Kiện là hoàn toàn bịa đặt.
Hành động của nhân vật, danh xưng phải hợp thời gian, không gian. Vào những năm 20 của thế kỷ trước, tác giả viết Lê Thiết Hùng “báo cáo với Hồ Chủ tịch”, “Hồ Chủ tịch chỉ thị, Bác nói”… Danh xưng Hồ Chí Minh ra đời năm 1942 và cách gọi Bác Hồ còn muộn hơn, nhưng tác giả dùng rất nhiều trước 1940.
Trong sách nhiều chỗ trước sau viết không nhất quán: Phạm Đình Trọng trước viết là Huấn đạo, sau là Đốc học, Hồ Diệc Lan trước được giới thiệu lên Thiểm Tây, sau là trốn lên… Ngay trong một đoạn ngắn cũng mâu thuẫn như: Ông Hồ Trọng Tuấn được thờ ở nhà thờ chi 5 Hồ đại tộc, làng lại thắp hương cúng ông ở nhà thờ cụ Án Thái; hai người chỉ huy làng chiến đấu năm 1885, nhưng kể tên thì 3 người…
Về nội dung, tôi không có điều kiện so sánh, đối chiếu các sách báo, chỉ nêu một số điểm viết không đúng với gia phả chi họ mà tôi có trong tay và tất nhiên vì khuôn khổ bài báo, chỉ nêu một số điểm, không thể nêu hết:
– Ông Điển làm Đốc học chứ không phải Giáo thụ (cũng như ông Phạm Đình Trọng làm Đốc học chứ không phải là Huấn đạo).
– Viết ông Điển không ra làm quan thời vua Quang Trung là sai. Ông đậu Hương cống năm 1771, được bổ làm quan triều Lê, nhưng không xuất chính. Thời Tây Sơn, ông ra làm chức Hữu quản lý ở huyện.
– Không phải các con ông Tuấn đều tập ấm (theo điều lệ triều Nguyễn các quan từ tứ phẩm trở lên chỉ được một người tập ấm).
– Tác giả viết: “ông Quản Ba non gan, hồi… đạo lên phá làng, đã mở cổng cho… cố đạo vào”… là đảo lộn thời gian, đảo ngược phải trái. Hương Biên Quỳnh Đôi chép rõ: Tháng 10, cha cố Hạ Lăng xin vào hòa đàm. Làng đồng ý cho vào. Ông Quản Ba theo lệnh làng, mở cổng cho vào. Tháng sau bọn phản động mới vào đánh phá làng.
Ông bị phạt một bò là do không chăm lo canh gác luyện tập (theo Lê Xuân Mai) chứ không phải do “non gan” mở cổng.
– Về Hồ Học Lãm: Ngoài việc bị lu mờ trong một đống sự kiện, tác giả còn viết “Bác (Hồ) chủ trương đưa Hồ Học Lãm về Quế Lâm” làm như Hồ Học Lãm là cấp dưới của Bác Hồ? (tr.119).
– Viết bà Trần Thị Trâm “e ngại ông Thuần”, ông Thúc Linh nói “không nên bàn việc với ông Thuần”, ông Bá Kiện chê ông Thuần “non gan” là bịa đặt sự nghi kỵ nhau trong gia đình.
– Tác giả còn xúc phạm: “Ông Thuần không đỗ đạt gì nhưng cũng được quan trên bổ nhiệm chức Chánh quản ở huyện” (tr.12).
Thực tế thế nào? Trong chi họ, ông Hồ Bá Ôn là tộc trưởng, nhưng đi làm quan xa và mất sớm nên ông Hồ Bá Thuần là con thứ, thay anh quán xuyến các việc trong họ. Mọi hoạt động của con em trong họ chắc chắn phải được ông đồng tình mới trót lọt. Ông Thuần theo gia phả, được làng cử làm Viên mục, mà Viên mục là người có sắc mệnh khoa mục, liêm minh công bằng (Hương biên Quỳnh Đôi), lại được bầu làm Phó quản đoàn. Chứng tỏ ông là người có uy tín trong họ, trong làng. Viết như tác giả là xúc phạm đến mấy tổ phụ làm cho con cháu trong họ không đồng tình.
Cuốn sách bị ngay Hồ Mộ La, con gái Hồ Học Lãm không đồng tình vì viết nhiều điều sai, mà vẫn được Nhà xuất bản Nghệ An cố tình in?
Hồ Văn Khuê