Thơ Hồ Quý Ly

Trong lịch sử mấy nghìn năm của dân tộc Việt Nam, nhân vật Hồ Quý Ly là một trong những tên tuổi có nhiều bàn cãi nhất. Nguyễn Trãi làm quan thời Hồ và sau này theo Lê Lợi chống quân Minh. Khi đi thuyền đến cửa biển Thần Phù (Thanh Hóa) ông làm đến bốn bài thơ cảm khái về công nghiệp của nhà Hồ. Trong bài “Quan hải” (Khóa cửa biển) ông viết: “Anh hùng di hận kỉ thiên niên” (Anh hùng để hận mấy nghìn năm). Trong bài “Qua Thần Phù hải khẩu” có câu: “Giang sơn như tạc anh hùng thệ/ Thiên địa vô tình sự biến đa” (Non sông trơ đó anh hùng vắng/ Trời đất lòng nào sự biến kinh). Vậy là trong tâm cảm nhà thơ, nhà chính trị Nguyễn Trãi, Hồ Quý Ly là một anh hùng.

Từ nửa sau thế kỷ XX đến nay, công nghiệp nhà Hồ đã được nhiều học giả đánh giá cao. Tôi chỉ xin trích lời nói nhận định gần đây nhất của tiến sĩ sử học Nga G.M.Maxlov: “Trước chúng ta, Hồ Quý Ly đã thể hiện như một nhà cải cách, một người yêu nước, một chiến sĩ chống chủ nghĩa bá quyền phong kiến. Ông xứng đáng có vị trí đặc biệt trong lịch sử dân tộc Việt Nam”.

Nêu qua vài nét như vậy, để chúng ta cùng nhau yên tâm gác lại mọi chuyện khác về Hồ Quý Ly, chuyên chú lượm lặt những bài thơ của ông còn lưu lại. Qua đó tìm hiểu thêm phần nào tâm trí của ông vua đầy bi tráng này.

Nói là lượm lặt, bởi thơ của ông, người ta ghi lại tản mạn, không in thành sách, phần lớn là ghi theo Đại Việt sử ký toàn thư, trong truyền thuyết, giai thoại lẻ tẻ trong các tập sách khác.

Ví dụ: Có giai thoại “Được vợ nhờ một vế đối”: Khi đi thăm Điện Thanh Thử, thấy cảnh đẹp vua Trần ứng khẩu “Thanh Thử Điện tiền thiên thụ quế” (Điện Thanh Thử mọc ngàn cây quế). Nhà vua bảo các quan đi theo đọc tiếp câu sau. Hồ Quý Ly nhanh nhảu đọc: “Quảng Hàn cung lý Nhất Chi Mai” (Cung Quảng Hàn có một cành mai).

Vua Trần giật mình vì Nhất Chi Mai tên công chúa yêu dấu nhà vua mới tặng. Quảng Hàn là nơi nhà vua sẽ đặt tên nơi ở cho công chúa. Nhà vua hỏi, Quý Ly thưa rằng:  Câu thơ ấy được nhặt trên bãi cát thuở còn hàn vi. Vua Trần cho là điều trời định, gả công chúa tên là Huy Ninh cho Quý Ly.

Hai câu thơ đích thực là của ai, có rất nhiều suy diễn nhưng có một sự thật Quý Ly thời ấy đã là tướng trong cung đình thì chuyện gì chẳng rõ. Biết đâu bài thơ hai câu ấy, Quý Ly đã viết trước đấy rồi thì sao.

Cũng như vậy, khi Quý Ly muốn dò ý Nguyên Trừng về việc truyền ngôi cho Hán Thương, ông chỉ vào cái nghiên mực, ra vế đối:

“Thử nhất quyền kì thạch, hữu thời vi vân vi vũ dĩ nhuận sinh dân”.

(Hòn đá bằng nắm tay này còn có khi làm mây làm mưa để thấm nhuần nhân dân).

Trừng đối:

“Giá tam thốn tiểu tùng, tha nhất tác đống tác lương dĩ phù xã tắc”.

(Cây thông nhỏ ba tấc ấy, sau này làm giường làm cột để chống đỡ xã tắc).

Hai vế câu đối thật là tuyệt vời. Tôi cho đấy là bài thơ hai câu rất hay. Rất có thể Quý Ly làm đưa cho Nguyên Trừng.

Với cách suy diễn và góp nhặt như vậy, tôi có thể xếp tạm hai câu đối trên là hai bài thơ của Quý Ly. Bởi lẽ khi nhà Minh trương cờ phù Trần diệt Hồ thì cái gì của nhà Hồ chúng cũng xóa sạch, đốt sạch. Phải bằng cách truyền miệng, rồi ghi lại như thế mới giữ được cho thơ nhà Hồ còn lại đời sau.

Trong Đại Việt sử ký toàn thư có ghi bài thơ của Hồ Quý Ly “Kí Nguyên Quân” và bài của Nguyễn Cẩn hai câu.

Lại nữa, có lần Quý Ly nằm mộng nghe thần nhân đọc bài thơ “Nhị nguyệt tại gia/ Tứ nguyệt loạn hoa/ Ngũ nguyệt phong ba/ Bát nguyệt sơn hà/ Thập nguyệt long xa”. Tôi cho đấy chính là thơ của Quý Ly bịa đặt ra.

Xét thêm về cuộc đời và tính cách Quý Ly là người giỏi văn chương, tư duy rất cụ thể và thiết thực. Những câu đối, những lời dạy con, phê phán, khen ngợi các quan dưới quyền mình v.v… đều là những lời lẽ ngắn gọn, rõ ràng, gắn rất cụ thể với sự việc mà ông đã định. Nên chi tất cả những bài như thế đều lộ rõ nét tính cách của ông.

Như vậy thơ Quý Ly lượm lặt được 10 bài, tôi xin gọi tên:

  1. Ứng đáp nhà vua. 2. Kí Nguyên Quân. 3. Gửi Nguyễn Cẩn. 4. Bài thơ thần nhân đọc. 5. Thử lòng Nguyên Trừng. 6. Thơ răn con. 7. Tứ trung úy Đỗ Tử Trừng. 8. Tứ thăng hoa lộ tuyên phủ sứ Nguyễn Ngạn Quang. 9. Đáp bắc nhân vấn An Nam phong tục. 10. Cảm hoài.

Với một nhân vật tài ba như Hồ Quý Ly mà người đời tìm cách lưu lại dưới nhiều hình thức để có 10 bài thơ, quả là còn quá ít. Đương thời ông làm sách Minh đạo gồm 14 thiên, tôn Chu Công là Thánh, Khổng Tử là Tiên sư; tìm mọi kẽ hở của đạo Nho mà tấn công phê phán lối ăn cắp văn người xưa, câu nệ sách vở, lý thuyết suông, không chú thực hành. Trong lúc đạo Nho thịnh hành, Quý Ly bày đặt ra lối Hoa Việt Nho học, đề cao chữ Nôm thì thật là tài tình táo bạo. Ông còn cho dịch Thi nghĩa ra chữ Nôm; viết thiên Vô dật để dạy quan gia v.v… Đấy là người có văn, văn thâm sâu, chứ không chỉ thuần võ. Nên chi vua Nghệ Tông nhận ra mệnh của nhà Trần, thấy rõ tâm trí của Quý Ly mà tặng lá cờ có tám chữ “Văn võ toàn tài, quân thần đồng đức”. Đại Việt sử ký toàn thư chú một ý là Quý Ly nghe, rồi làm bài thơ Nôm cảm tạ, nhưng không thấy ghi bài ấy lại.

Thời đầu nhà Trần, thơ ta phát triển mạnh. Lối thơ hùng tráng, bao trùm, sau dần mở ra lối thơ nhàn tản, cao siêu, cảm khái, thơ vịnh, đi sứ, thù phụng, xướng họa v.v… nhiều bài có giá trị nghệ thuật không kém gì thơ Đường, Tống. Nhưng rồi nó cũng mờ nhạt dần theo sự đổ vỡ của nhà Trần.

Đến thời nhà Hồ thì thơ Nôm đã được coi trọng và nảy nở nhiều. Thư từ, chiếu biểu là thứ văn sách lưu hành khá phổ biến. Đây là thời mà quốc gia biến động từng ngày, từng giờ. Thơ thù tạc bóng gió, nhàn tản ít đi.

Trong 10 bài thơ của Hồ Quý Ly, ta thấy rõ chiều hướng ấy. Thơ Hồ Quý Ly gắn vào sự kiện xã hội, gắn vào cuộc đời ông. Làm thơ không phải là để thù tạc, thưởng ngoạn mà để thể hiện ý mình, chí mình, nỗi lòng của mình đối với quốc gia. Để thực hiện ý mình, năm 1399, ông giao cho Nguyễn Cẩn đưa bài thơ “Kí Nguyên Quân” cho vua Thuận Tông: “Cùng một duộc vua hèn/ Hôn đức và linh đức/ Sao chẳng sớm liệu đi/ Chỉ để người nhọc sức”.

Và ông viết cho Nguyễn Cẩn “Nếu vua không chết/ Ngươi phải làm cho chết”.

Lại nữa, năm 1405, lúc nhà Minh lăm le chiếm nước ta, Quý Ly làm thơ răn dạy, nhắc nhủ Nguyên Trừng và Hán Thương. Bài thơ như một tiếng than đứt ruột “Trời ấy che/ Đất ấy chở/ Anh em hai người sao chẳng yêu nhau/ Than ôi, thương thay/ Hát buồn làm sao!”.

Khi cần phê phán ông viết:

“Tử Trừng trung úy sao mềm yếu

Kẻ sĩ không nên bỏ chí mình”

(Ban cho trung úy Đỗ Tử Trừng).

Khi cần động viên ông lại viết:

“Thông xanh năm rét người bền tiết

Tóc trắng miền tây trẫm bớt lo

……

Cần lao chớ nghĩ không người biết”

(Ban cho Nguyễn Ngạn Quang tuyên phủ sứ Thăng Hoa).

Nghĩa là bỏ bớt điển cố, bớt câu chữ mòn sáo, bộc lộ thẳng, thật ý mình, tình mình, gắn vào sự kiện thời cuộc, thơ trọng tính thực hành, thiết thực, có ích. Nhìn chung thơ Quý Ly ngắn gọn, vừa rõ ý, vừa thấu tình, vừa dứt khoát lạnh lùng, vừa nhẹ nhàng khuyên nhủ. Chất đời thực trong thơ vượt ra ngoài tư duy sách vở sáo mòn thời ấy. Hay nói cách khác những bài thơ như thế mang dấu ấn chính trị cá nhân rất rõ.

Ngay trong bài “Trả lời người phương Bắc về phong tục nước An Nam”. Ta thấy rõ tinh thần làm chủ của Hồ Quý Ly.

Chỉ bằng tám câu mỗi câu năm chữ, bài thơ giới thiệu đầy đủ các mặt từ phong tục ăn mặc đến phép tắc lễ nghi. Một An Nam bình dị, thuần khiết đứng bên cạnh Hán, Đường.

“Mỗi độ mùa xuân đến

Mận đào nở chật vườn”.

Ý tứ hình ảnh câu thơ mở ra sinh động, vẽ cảnh mà thấy người. Bài thơ vừa gợi cảm, vừa hàm súc ý nghĩa, lộ rõ tâm hồn của một người tự tin, tự hào dân tộc.

“Cảm hoài” là bài thơ Hồ Quý Ly viết vào thời ông bị bắt và nhốt ở Kim Lăng. “Cảm hoài” đã giãi bày nỗi thương nước, thương mình da diết, một lời tự phê, lời than của người anh hùng sa cơ, mong mỏi, tin vọng người đời nhận ra tấm lòng ngọc sáng mà không phỉ báng, khinh rẻ.

“Cảm hoài” đã bộc bạch chân thành, cảm động “Ngỡ chết mà sống lại”, “Cứu nước thẹn với Lí Bật tướng quốc đời Đường có tài trị nước yên dân”, “Dời đô kế vụng” không được như Bàn Canh vua thứ 12 đời Thương rời kinh đô cũ đến đất Ân, trở nên thịnh vượng. Bài thơ không có hùng khí bi tráng như của Đặng Dung:

“Quốc thù báo vị đầu tiên bạch

Kỷ độ long tuyền đái nguyệt ma”.

nhưng lại ôm cả một khối hận mất nước trong tấm lòng của người anh hùng, nhận nguyên nhân thất bại về mình, chứ không dám hận mà đổ lỗi cho khách quan. Câu “Đãi giá tu tri ngọc phỉ khinh” phải hiểu kỹ thêm là: đợi người sau, đời sau ổn định lại, nhận ra tấm lòng ngọc sáng mà không khinh rẻ. Chứ không thể suy diễn để hiểu khác đi được.

Quý Ly từ lúc làm tướng đến lúc giành lấy ngai vàng luôn hết sức hết tâm thực hiện công việc giữ và xây dựng đất nước. Ông vừa tiến hành cải cách để thúc đẩy xã hội phát triển, vừa chuẩn bị chống ngoại xâm. Ông luôn nhắc bảo các tướng lĩnh làm sao có một trăm vạn tinh binh. Các việc đúc súng, đóng tàu, đóng cọc sắt nơi cửa biển xung yếu, đắp thành Đa Bang ở Sơn Tây… là việc lo giữ đất nước. Và, suốt hơn nửa năm cha con Hồ Quý Ly cùng các tướng quyết tử chống giặc, giữ từng tấc đất, không giữ được, cùng đường cha con ông và các quan tâm phúc rút về cửa biển Đại La (Kỳ Anh – Hà Tĩnh) và họ đều bị bắt ở núi Cao Vọng. Phải hiểu thơ và người như thế chúng ta mới thấy hết khúc bi tráng của người anh hùng, một nhà cải cách táo bạo vào đầu thế kỷ XV của nước Đại Việt.