Trí thức xứ Đông xưa với sự nghiệp giáo dục Thăng Long Hà Nội

Chỉ 60 năm sau khi định đô ở Thăng Long (1010), các vua nhà Lý đã cho xây dựng Văn Miếu và lập trường Quốc Tử Giám (1070) ở kinh thành làm nơi học tập cho con em quý tộc và quan lại. Trong một tấm bia ở Văn Miếu, tiến sĩ Thân Nhân Trung đã viết: “Mở khoa thi chọn kẻ sĩ là việc đầu tiên trong phép trị nước. Tô điểm cơ đồ, mở mang giáo hóa cho đời thịnh trị là nhờ ở đó. Sửa sang chính sự, sắp đặt mọi việc, giáo hóa nhân dân, gây phong tục tốt là nhờ ở đó”.

Quốc Tử Giám là trường đại học đầu tiên của Thăng Long, là nơi đào tạo nhân tài cho kinh đô và cho cả nước. Tế tửu Quốc Tử Giám là Hiệu trưởng của trường Đại học quốc gia đó. Số tiến sĩ được cử làm Tế tửu Quốc Tử Giám, người trấn Hải Dương xưa, có đủ cứ liệu xác minh, được 10 người. Trừ một người là tế tửu Quốc Tử Giám Huế, một người quê ở Tiên Lãng, một người quê ở Mỹ Hào mới cắt về Hải Phòng và Hưng Yên cuối thế kỷ XIX không tính. Vậy còn 7 người thuộc đất Hải Dương nay, đã giữ chức vụ tế tửu Quốc Tử Giám Thăng Long. Đó là các tiến sĩ:
– Nguyễn Ứng Long (Phi Khanh) người Chi Ngãi, huyện Chí Linh.
– Nguyễn Lũ người làng Tuyến Cử, huyện Bình Giang.
– Đinh Doãn Minh, người Hương Gián, huyện Bình Giang.
– Vũ Quỳnh người Mộ Trạch, huyện Bình Giang.
– Nguyễn Phong người Kiệt Đạc, huyện Chí Linh.
– Nhữ Tiến Dụng, người Hoạch Trạch, huyện Bình Giang.
– Vũ Huy Đỉnh, người Mộ Trạch, huyện Bình Giang.

Nguyễn Ứng Long (1355 – 1428) đỗ Thái học sinh (tiến sĩ) khoa Giáp Dần (1374) niên hiệu Long Khánh thứ hai song không được vua Trần thu dụng vì là con thượng dân. Khi Hồ Quý Ly lật đổ nhà Trần, ông đổi tên là Phi Khanh, ra làm quan với nhà Hồ được cử làm Học sĩ Viện Hàn lâm (1401) rồi lần lượt thăng lên Thống chương đại phu, Đại lý tự khanh kiêm Trung thư thị lang, Tư nghiệp Quốc Tử Giám.

Khi quân Minh xâm lược nước ta, ông cùng vua tôi nhà Hồ bị giặc bắt giải về Kim Lăng. Nguyễn Trãi cùng em là Phi Hùng tiễn cha đến tận ải Nam Quan. Năm Mậu Thân (1428) ông mất ở Trung Quốc. Phi Hùng đem hài cốt cha về an táng ở núi Bái Vọng thuộc huyện Chí Linh. Nay mộ vẫn còn di tích trên đỉnh núi.

Vũ Quỳnh (1452 – 1516) người làng Mộ Trạch huyện Đường An, nay thuộc xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, đỗ Hoàng giáp khoa Mậu Tuất (1478) đời Lê Thánh Tông, làm quan đến chức Thượng thư bộ Công, bộ Lễ, bộ Binh, kiêm chức Quốc Tử Giám tư nghiệp, sử quán tổng tài.

Năm Hồng Thuận thứ hai (1510) Lê Tương Dực sai ông làm bộ Việt sử. Tháng 4 năm sau (1511) bộ sử ấy làm xong lấy tên là Đại Việt thông giám thông khảo, gồm ngoại kỷ và bản kỷ tổng cộng 26 quyển. Sự việc này được ghi rõ trong Đại Việt sử ký toàn thư. Ông còn là đồng tác giả của Lĩnh Nam chích quái liệt truyện gồm 22 (hoặc 23) truyện cổ dân gian, nguyên của Trần Thế Pháp sưu tầm và biên soạn.

Đền Ngọc Sơn đầu thế kỷ XX, trụ sở của Hội Khuyến Thiện. Ảnh: Bưu ảnh cổ.

*

Song đó mới chỉ là giáo dục quốc lập. Sự đóng góp của người xứ Đông cho giáo dục ngoài quốc lập ở Thăng Long cũng rất đáng trân trọng.

Vũ Tông Phan (1800 – 1851) chính quán xã Lương Ngọc, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, đỗ tiến sĩ năm Bính Tuất (1826) thời Minh Mạng, làm quan chưa đầy 8 năm đã cáo về mở trường dạy học ở thôn Tự Tháp – phường Báo Thiên, huyện Thọ Xương, Hà Nội, thường gọi là trường ông Nghè Tự Tháp. Trường đào tạo được nhiều nhân tài cho Hà Nội vào cuối thế kỷ XIX như hoàng giáp Nguyễn Tư Giản người huyện Đông Anh, Hà Nội, hoàng giáp Lê Đình Diên người làng Mọc ngoại thành Hà Nội, các cử nhân Nguyễn Huy Đức, Ngô Văn Đặng đều là người Thọ Xương, Hà Nội.

Cách trường Tự Tháp không xa trường Phương Đình của Phó bảng Nguyễn Văn Siêu, là học quán Thận Tư của cử nhân Trần Văn Vi và ngược lên phía bắc một chút là trường của Hy Vĩnh Lê Duy Trung, Mẫn Hiên Cao Bá Quát; sau đó là trường Vũ Thạch (số 7 Tràng Thi) của Nguyễn Huy Đức, trường Kim Cổ (đầu phố Hàng Gai) của Ngô Văn Đạng và tới đầu thế kỷ XX là trường Đông Kinh nghĩa thục ở phố Hàng Đào của cử nhân Lương Văn Can. Hiệu trưởng các trường nổi tiếng ấy đều là bạn bè hoặc học trò của ông Nghè Tự Tháp Vũ Tông Phan. Có người đã nhận xét nghiêm túc rằng đây là khu Hàn Lâm của Thăng Long Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Đền Ngọc Sơn tương truyền là đài câu cá dưới thời Lê Trịnh, sau trở thành ngôi chùa của gia đình ông Tín Trai, sau đó nhượng lại cho Hội Khuyến Thiện do Vũ Tông Phan làm Hội trưởng. Từ đây Ngọc Sơn được tu sửa thành đền, là trụ sở của Hội Khuyến Thiện, một tổ chức của các sĩ phu Hà Thành lúc đó như: Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, Trần Văn Vi… và đương nhiên  có Vũ Tông Phan. Hội cũng đóng vai trò một nhà xuất bản lớn phổ biến những tác phẩm nâng cao dân trí cổ vũ lòng yêu nước. Đầu năm 1966 theo kiểm kê của Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội, số ván khắc in ở đây còn giữ được hơn một nghìn bản. Mục đích của Hội là làm rõ đức sáng của người trí thức Thăng Long, đổi mới dân sinh.

Tác phẩm của ông gồm Tô Khê tùy bút, Lỗ An di cảo thi tập, Thăng Long hoài cổ, Kiếm hồ thập vị… gồm ba, bốn trăm bài thơ. Thơ có nhiều suy ngẫm độc đáo, triết lý sâu sắc về thế sự.

Trong chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội, Vũ Tông Phan được coi là người khởi xướng chấn hưng văn hóa Thăng Long.

*

Học giả Nguyễn Văn Ngọc hiệu là Ôn Như, tự là Đông Trạch, sinh ngày 14-5-1890, nguyên quán làng Hoạch Trạch (tên nôm là làng Vạc) xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.

Thuở nhỏ, Nguyễn Văn Ngọc theo học Hán văn, nhạy cảm trước xu thế thời đại, ông chuyển sang học chữ Quốc ngữ và chữ Pháp. Năm 1905 ông vào học trường Bưởi, khóa đầu tiên (1905 – 1909). Do có quá trình học tập tốt, ông được giữ lại dạy trường Bưởi, trường Hậu bổ, trường Sư phạm… rồi làm thanh tra học chính Đông Dương phụ trách cục Tu thư, đốc học Hà Đông, Hội trưởng Hội Ái hữu các nhà giáo, thành viên Hội Khai trí tiến đức, có chân trong nhóm Cổ Kim thi xã ở Hà Nội và là cây bút chủ lực của nhóm, viết nhiều thể loại bằng Quốc ngữ, Pháp ngữ, Hán ngữ.

Ông là tác giả của các sách giáo khoa như Phổ thông độc bản (1922), Phổ thông độc bản lớp đồng ấu (1930), Luân lý giáo khoa thư  (1932), Giáo khoa văn học An Nam (1936), Đông Tây ngụ ngôn (1927).

Về khảo cứu ông viết Cổ học tinh hoa (1925) tiếp thu tinh túy văn hóa Trung Quốc, Nam thi hợp tuyển (1927) (Tuyển tập thơ cổ Vệt Nam) và Đào nương ca (1932) (ngày nay gọi là hát ca trù), Truyện cổ nước Nam (1934), Ngụ ngôn (1935)…

Trong lĩnh vực sưu tầm nghiên cứu văn học dân gian, Nguyễn Văn Ngọc đã để lại những bộ sách có giá trị: Tục ngữ phong giao gồm hai tập với hơn 6.500 câu tục ngữ và 850 bài ca dao. Truyện cổ nước Nam bao gồm các loại truyện cổ tích, thần thoại, tiếu lâm, ngụ ngôn.

Trong các bộ Nam thơ hợp tuyển (Tuyển tập thơ cổ Việt Nam) Cổ học tinh hoa, sau mỗi bài thơ, mỗi mẩu chuyện đều có phần giải nghĩa những từ ngữ điển tích khó hiểu và phần lời bàn của người làm sách để hướng dẫn người đọc. Riêng bộ Cổ học tinh hoa được biên soạn xong vào năm 1925 đến nay đã trải qua hàng chục lần tái bản, điều đó nói lên giá trị nhất định của cuốn sách.

Đặc biệt, trong thập niên đầu của thế kỷ XX, Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc đã cùng người anh cả là Nguyễn Ngọc Oánh và Đỗ Thận chung tiền và cổ động thêm vốn lập rạp hát chèo Sán Nhiên Đài đầu tiên ở Hà Nội, tại phố Đào Duy Từ.

Học giả Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc đã có những thành tựu giá trị góp phần xây dựng nền giáo dục quốc ngữ ở thời kỳ đầu, cống hiến tích cực vào sự nghiệp bảo vệ nền văn hóa cổ truyền của dân tộc.

Ông qua đời ngày 26-4-1942 tại Thái Hà Ấp, nay thuộc quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Thân thế và sự nghiệp của ông đã được viết trong nhiều công trình biên khảo phổ biến. Hiện nay ở Thủ đô Hà Nội có một đường phố mang tên ông: phố Nguyễn Văn Ngọc.

*

Nhà giáo Vũ Đình Liên, quê ở Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, sinh tại Hà Nội năm 1913 trong một gia đình nhà nho nghèo. Năm 1932, sau khi đậu tú tài, ông bước vào nghề dạy học ở các trường tư thục Gia Long, Thăng Long và Hoài Đức (Hà Nội).

Năm 1936, bài thơ “Ông Đồ” của nhà giáo Vũ Đình Liên đã được đăng trên tờ Tinh hoa nhật báo, đúng lúc nền giáo dục Hán học đang bị suy tàn, đã góp phần mở màn cho phong trào thơ mới và đưa tác giả đi vào thi đàn Việt Nam như một ngôi sao sáng.

Là nhà giáo Tây học, ông đã có cái nhìn cảm thông, chia sẻ với số phận hẩm hiu của các “ông đồ”. Qua khổ thơ cuối:
Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ.

Hoài Thanh, tác giả Thi nhân Việt Nam (trang 74) nhận xét: “Theo đuổi nghề văn mà làm được một bài thơ như thế cũng đủ, nghĩa là đủ để lưu danh, đủ với nghĩa đời”.

Khoảng thập niên 60, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chỉ có các phân khoa ngoại ngữ Nga, Trung, Anh. Được Thủ tướng Phạm Văn Đồng gợi ý và đích thân trao nhiệm vụ, thầy Vũ Đình Liên đã tìm gặp một số giáo viên ở khoa Pháp văn và ông được cử làm chủ nhiệm khoa từ năm 1962 đến năm 1975.

Trong những năm khó khăn gian khổ sơ tán, ông cùng sinh viên thắp đèn dầu học tập, cùng ăn sắn, ăn khoai, chia ngọt sẻ bùi với họ. Gia đình, bạn bè biết được đức độ của thầy Liên thảy đều động viên và cảm phục tấm lòng nhân ái mênh mông của thầy.

Điều thật xúc động, khi Nhà nước phong tặng thầy danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, danh hiệu cao quý của nghề dạy học mà thầy đã gắn bó cả cuộc đời, thầy trân trọng tiếp nhận, còn mười triệu đồng tiền thưởng kèm theo, thầy tặng lại hết cho các cháu học sinh nghèo.

Hải Dương chẳng những là trấn phên giậu phía đông của Thăng Long – Hà Nội mà còn có quan hệ mật thiết với sự nghiệp giáo dục của Thăng Long – Hà Nội.

Lưu Đức Ý