Bàn thêm về bức tranh “Lão Oa giảng độc”

Tạp chí Xưa & Nay số 154 (tháng 12 năm 2003) đăng bài Đôi điều về bức tranh Lão Oa giảng độc của tác giả Đặng Đức Thi. Theo ý kiến tác giả “Bức tranh này tái hiện hình ảnh một lớp học của ông đồ xưa (thầy và trò đều được thể hiện dưới dạng con cóc). Thầy ngồi trên sập đang theo dõi các học trò của mình, một học trò đang kiễng chân ngó lên chỗ thầy, ba học trò khác giúp thầy đánh đòn một trò khác (chắc là phạm lỗi không học bài…), vài đứa nhỏ chưa đi học nhưng cũng lân la đến xem các anh chị lớn học hành. Với nội dung như trên, bức tranh này còn được đề tựa là “Khai trường nhập học”.

Để thưởng thức bức tranh dân gian đặc sắc này nhất định phải lý giải vì sao người xưa lại dùng hình tượng con cóc để biểu tượng cho ông thầy đồ và việc dạy học.

Tòa soạn cũng nhất trí “Trong dòng tranh Đông Hồ, bức tranh “Lão Oa giảng độc” là một bức tranh đặc sắc được nhiều người yêu thích, nhưng nó còn có cách hiểu khác nhau về ý nghĩa của nó”.

Vốn không hiểu về hội họa, tôi không lạm bàn về giá trị bức tranh. Nhưng có điều băn khoăn về vấn đề văn bản tác phẩm, xin nêu để bạn đọc tham khảo nhân dịp xem tranh Tết dân gian.

Thứ nhất bức tranh ông Đặng Đức Thi giới thiệu, tôi không thấy có chữ “Lão Oa giảng độc” và chữ “Khai trường nhập học”. Đúng ra bức tranh chỉ có hình vẽ thầy, trò cóc mà thôi.

Thứ hai bức tranh vẽ thầy đồ cóc miệng ngậm pipe đang hút thuốc và trên bàn còn có chiếc điếu bát, thầy dùng cả thuốc lá và thuốc lào. Học trò không ngồi chiếu mà ngồi bàn.

Với những chi tiết nêu trên nếu xếp bức tranh dân gian này vào các thế kỷ XVIII và XIX, e không hợp lý.

Chắc nhiều bạn đọc còn nhớ bức tranh dân gian “Lão Oa giảng độc” thuộc dòng tranh dân gian Đông Hồ nổi tiếng. Lớp học đặt dưới gốc tùng già, thầy ngồi chễm chệ trên sập gụ. Bên cạnh là gối xếp, trước sập có án thư trên bày ống bút, nghiên son, điếu gióng, bộ đồ trà, một trò lớn đang hầu trà, một trò đang đọc bài, một trò khác đang học, một trò có ghi chữ Trưởng, một trò khác có ghi chữ Giám đang coi hai trò đánh đòn một trò khác, người đứng có ghi chữ Cán… trên cùng phía thầy ngồi có bốn chữ Nho “Lão Oa giảng độc”.

Theo thiết chế trường học chữ Nho của nước ta ngày trước, môn sinh tiểu triều đình – Trường học là một triều đình nhỏ. Học trò một trường họp thành Hội đồng môn, do thầy cử hoặc tập thể suy tôn một người làm Trưởng tràng để phụ trách, một người làm Giám tràng để giúp Trưởng tràng. Ngoài ra, tùy số lượng học trò mà cử dăm bảy người Cán tràng để giúp Trưởng, Giám lo liệu công việc của Hội đồng môn.

Xin gửi kèm bức tranh mà tôi mô tả để bạn đọc đối chiếu.

Ngô Đăng Lợi