Làng cổ văn vật

Kim Liên là làng cổ phía nam kinh thành Thăng Long. Làng trước đây là một khu đất sình lầy, nhiều ao, hồ xen kẽ các gò đất cao, thấp. Con sông chạy ngang cánh đồng, bao bọc phía ngoài làng tạo nên cảnh quan thơ mộng. Quần thể di tích lịch sử văn hóa nghệ thuật văn bia, đền đình chùa Kim Liên – Trung Tự thuộc phường Phương Liên (quận Đống Đa, Hà Nội) có những di vật cổ từ thế kỷ 15 như chuông đồng, các bức chạm, đồ thờ, kiệu, long đình, ngựa gỗ, gạch vồ, ngói mũi hài, bệ đá rồng lượn, bia hộp đá, mõ cá gỗ, các pho tượng, sắc phong… Đặc biệt ngoài những kiến trúc cổ mỹ thuật từ thời Lê Sơ có tấm bia đá cao 2,43 mét, rộng 1,5 mét ghi khắc công tích của Cao Sơn đại vương, một trong bốn vị thần của “Thăng Long tứ trấn” đã có công trấn giữ phía nam kinh thành Thăng Long, bài văn trên bia do nhà sử học Lê Tung soạn năm 1510.

Xa xưa, dân làng sống thành từng xóm ven các gò đất cao với nghề làm ruộng, đánh bắt và nuôi cá, trồng rau muống, thả sen lấy hoa và hạt. Nhiều đầm lầy, vì vậy ban đầu được gọi bằng cái tên mộc mạc làng Đồng Lầm (làng đồng ruộng nhiều bùn). Sau này, thời vua Lê Thần Tông (1619) làng được đổi tên thành làng Kim Hoa rồi thời vua Thiệu Trị (1841) là làng Kim Liên (sen vàng). Đình làng thờ Cao Sơn đại vương Thượng đẳng thần và chùa Kim Liên, dựa trên văn bản cổ nhất của chùa hiện đang còn lưu giữ, có niên hiệu Hồng Thuận thứ ba (1510) và nét nghệ thuật kiến trúc thời nhà Lê thì có lẽ đình dựng trên 500 năm rồi.

Theo lời các cụ ngày xưa thì đình làng trước đây to đẹp lắm, có giếng Ngọc (mắt rồng) nước trong leo lẻo, sân đình có cây đa um tùm, hốc cây hai chục người chui lọt. Cành đa cổ thụ, có thể đi từ cành này sang cành khác một cách dễ dàng. Trước đình là hồ rộng, sông dài, đồng lúa mênh mông. Đất Kim Liên giữ bền truyền thống lịch sử và những hương ước đẹp. Thuở ấy, có ông trạng về làng, qua cửa đình không hạ mã (xuống ngựa) theo lệ làng, dân làng tức giận, không nhận quan trạng là người làng mình nữa.

Dân làng Kim Liên rất tháo vát, ngược xuôi buôn bán nhưng chủ yếu vẫn là trồng sen, trồng rau muống, thả cá, nhuộm vải. Vải Đồng Lâm trước đây nổi tiếng và đã đi vào ca dao:

Đồng Lầm có vải nâu non

Có hồ cá rộng có con sông dài.

Đây là thứ vải mỏng được nhuộm từ bùn của cánh đồng làng thành vải nâu non, nâu sồng. Gái Đồng Lầm mặc yếm trắng, óng ả trong vạt áo dài đổi vai màu đồng bãi, gánh hoa, gánh rau lên phố bán lấn át cả các cô tân thời. Và dân làng từng có câu ca để nó thêm về làng nghề có tiếng không kém gì nghề nhuộm vải, trồng sen của dân làng là:

Kim Liên xanh vỏ, đỏ lòng

Đàn ông cắt tóc, đàn bà hái rau.

Tay kéo, tay dao trai làng Kim Liên thì tài hoa và điệu nghệ, cắt tóc mà cứ như múa trên đầu người. Một thời trước Cách mạng tháng Tám 1945, những tay kéo ấy bôn ba hành nghề khắp ngóc ngách phố phường Hà Nội với:

Giang sơn một tráp gương, lược, dao

Chơi ngông gọt gáy khách anh hào

Dẫu dù khanh tướng ai cũng mặc

Vít cổ vua xoay chẳng sợ nào.

Vùng đất trấn phương nam xưa tọa lạc trên gò cao, cây cối sum suê, rặng hoa đại thơm ngần, có lầu đài nhìn ra dòng sông uốn khúc, là đất chính khí, uy linh. Những đầm bát ngát sen hồng trải dài về hướng nam. Đây cũng là một làng hoa cổ riêng về sen đất kinh kỳ. Những cô gái Kim Liên một thuở mang hoa sen, hạt sen bán khắp kinh đô. Sen Kim Liên góp phần vào trà sen, chè sen, mứt sen thanh lịch Thăng Long.

Nơi đây sinh ra nhiều danh nhân văn hóa, nhiều nhà nho, nhà giáo, nhà cách mạng, nhà sư yêu nước đã được ghi danh trên bia ở Quốc Tử Giám, ghi danh ở di tích cách mạng Nhà tù trung tâm Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo, đó là: Nguyễn Hy Quang, Nguyễn Trù, Nguyễn Hữu Dụng, Nguyễn Văn Lý, Đào Gia Lựu, Mai Lập Đôn… và cụ Tuất, cụ Phó Nhường (anh Hai đầm sen), Đàm Chân, Đàm Vinh, Đàm Vân… từng là cơ sở của các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Văn Trân, Trần Sâm, Trần Vỹ và các cán bộ chiến sĩ mặt trận Hà Nội.

Làng Kim Liên – Trung Tự xưa, nay đã thay da đổi thịt hàng ngày, những ngôi nhà cao tầng đang thi nhau mọc lên. Phố hóa đã chen vào làng, với những nhịp sống sôi động của chốn thị thành. Đường làng xưa, nay đã trở thành phố Kim Hoa, chạy song song cùng đường Đào Duy Anh dần dần thắt lại, hơi uốn lượn một chút trước khi tiếp vào đường Đê La Thành liền kề với đường vành đai I (đoạn Kim Liên, Ô Chợ Dừa) to đẹp. Những ngõ ngách trong làng cũng đã được bê tông hóa. Nhưng giờ đây tới Kim Liên, Trung Tự chúng ta vẫn còn bắt gặp những nét đẹp văn hóa cổ xưa còn lưu tích lại con đê lịch sử, có đàn xã tắc cùng cây đa, giếng nước, mái đình với tình làng nghĩa xóm, như nhắc nhở các thế hệ hôm nay và mai sau về một bề dày lịch sử của làng cổ xưa.

 

Nguyễn Đình Cần