Chuyện vãn về con lợn trong nền văn hóa Việt Nam

Bài này được viết năm 1995 nhân dịp Xuân Ất Hợi. Để tưởng nhớ đến người bạn của Xưa & Nay, đã từ biệt chúng ta vừa hơn một năm, chúng tôi xin đăng lại nhân dịp đầu Xuân này.

Văn hóa, hiểu theo nghĩa rộng nhất bao gồm Quan hệ – Tác động qua lại giữa con người với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội.

Còn hiểu theo nghĩa hẹp nhất thì văn hóa bao gồm 2 – 3 lĩnh vực: Tư tưởng – Văn chương – Nghệ thuật.

Họ lợn rừng – tên khoa học là Suidae – là tự nhiên. Con người – giới sinh học – nghiên cứu (tư duy) về nó, thì thấy có tới năm (05) giống lợn, trong đó có giống Sus bao gồm cả lợn rừng và lợn nhà.

Con người thời tiền sử (đá cũ) đã săn bắt/ bắn (bằng bẫy, bằng cung tên, bằng lao gỗ/ đá) lợn rừng. Ở di chỉ Kéo Lèng (Lạng Sơn) có niên đại 5-10 vạn năm cách ngày nay, giới khảo cổ Việt Nam đã tìm thấy, “Cái thủ (sọ) lợn” bị đập vỡ… Hẳn là để ăn!

Chế biến thức ăn đã là một nghệ thuật – văn hóa, bằng nướng, bằng luộc… Ở Đông Dương nói chung, việt Nam nói riêng, giới sinh học đã nghiên cứu thấy có 02 loài lợn rừng: lợn bạc má (SUS Vittatus) và lợn sọch dưa (Sus Cristatus).

Răng nanh lợn lòi, lợn cỏ, lợn rừng được con người – từ ngàn xưa cho đến mãi hôm nay, ở Tây Bắc, Tây Nguyên, Việt Bắc… dùng/ chế biến làm đồ trang sức (mài, cưa, đục, xuyên lỗ xâu giây… đeo trên cổ (vòng cổ), cũng còn dùng như một thứ bùa (tín ngưỡng dân gian) hay thuốc chữa bệnh. Đồ trang sức, tín ngưỡng dân gian, y dược cổ truyền đều được UNESCO xếp vào phạm trù văn hóa.

Tranh chúc tết của họa sĩ Bùi Xuân Phái

Nghệ thuật tiền sử (# 4 vạn năm cách ngày nay) – thể hiện trên vách nhiều hang động thời tiền sử – đã thấy hình ảnh lợn rừng được tả thực trong tình huống hung dữ của nó (thực ra bản tính của loài lợn nói chung là hiền lành – nhút nhát nữa cơ – nhưng khi cần đối phó với kẻ thù tấn công nó – như chó sói hổ và… con người (người săn thú) thì những con lợn độc hay lợn đầu đàn thường chống cự rất mãnh liệt). Người tiền sử thường dùng công cụ đá cứng – nhọn (đục) chạm khắc đường viền con lợn lòi trên vách hang đá vôi (mềm) rồi thổ hoàng (ocre – một loại đá son, mài hòa với nước hay mỡ động/ thực vật) vào phần hình thể con vật. Thế là đủ cả đường nét, hình khối… của nghệ thuật tạo hình nguyên thủy mà sau này nghệ thuật tạo hình dân gian kế thừa và phát huy…

Đến thời đá mới – thời đại nảy sinh và bước đầu phát triển nông nghiệp – (# 10.000 – 6000 năm cách ngày nay) thì loài người đã thuần phục (bắt lợn rừng – lợn cỏ, con bị thương nhẹ của mũi tên bắn, con lợn rừng con… -nhốt vào một hàng rào khép kín) rồi thuần dưỡng được loài lợn, biến loài lợn rừng thành lợn nhà (nuôi trong chuồng hay thả rông): Biến đổi thiên nhiên (lợn rừng) thành sản phẩm văn hóa (lợn nhà), Rồi từ lợn nhà – qua nghệ thuật nấu ăn lại làm thành các món: nướng chả (bún chả Hàng Mành Hà Nội ngon nổi tiếng), giã giò (Giò là một đặc sản độc đáo của Việt Nam đã được đại văn hào Nguyễn Tuân viết tỷ mỉ), hay ăn luộc (“con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi” của ca dao cổ), ăn tái (thịt nạc thái mỏng vắt chanh – ngâm dấm (kiểu Tày – Thái) hay nhúng dấm lẩu (kiểu Sài Gòn – Ba Tầu). vv… Thịt lợn chế biến còn làm “nhân” cho các loại bánh giò, bánh cuốn, bánh ba, bánh chưng (rất đặc trưng của Tết Việt Nam).. vv, rồi nào là bún nem, bún bò giò heo (đặc trưng văn hóa xứ Huế) chả giò (đặc trưng Sài Gòn – Nam Bộ Việt Nam) v.v… con người – văn hóa biến hóa đủ đường… và chắc đâu ta đã ở cuối đường văn hóa thịt lợn – xương lợn (gọi chung là Văn hóa Lợn): món thắng cố của đồng bào H’Mông, thịt kho Tầu, thịt nấu đông, tiết canh lòng lợn Bắc – Trung – Nam. Và ngày Tết, ít có thể thiếu được món nấu bóng bì (chế biến từ da lợn)…

Lợn đi vào Lễ nghi – Phong tục (cũng là Văn hóa): Có làng – xã nuôi lợn thờ, ngày lễ hội tế thành hoàng làng mới đem “Ông Ỷ” ra tế sinh. Phổ biến hơn, là “mâm xôi – con lợn (luộc, quay)” trong tế đám – đám giỗ, đám ma.. và đám cưới. có một tục lệ này ở người Việt ngày xưa: Nếu sau khi biết rõ cô dâu đã “mất trinh” trước/ sau khi “động phòng hoa chúc” thì cái thủ lợn (luộc/ quay) bị xẻo tai đem trả nhà dâu/ thân gia – “ngượng đến chết đi được) trước tai mắt hàng xóm láng giềng (nay tục này đã đổi)

Dân gian thường nói: “ngu như lợn”, có đúng không? Hẳn chỉ vì lợn nhà “hiền quá hóa ngu” chăng?

Dân gian lại nói: “Bẩn như lợn”, hẳn là vì tập tính của loài lợn (cả rừng và nhà) là chúng thích đầm mình trong bùn, kể cả trong nước giải và phân nhão do chính chúng “ị” ra! Nhưng ở miền núi nước ta, có nơi lợn (tương đối sạch – khô) ngủ bên cạnh người cho thêm ấm (tôi đã thấy tận mắt khi đi công tác điền dã) và ở một số nước phương Tây (tôi cũng đã thấy “tận mắt”), người ta nuôi “lợn cảnh” y như “chó cảnh”. Và ở nước Đức chẳng hạn, ngày lễ giáng sinh những hình con vật chạm khắc trên gỗ, trong đó có lợn, được coi đó là Biểu tượng của Hạnh phúc (như con dơi là biểu tượng Hạnh phúc của nghệ thuật tạo hình Hán – Việt).

Trong khi đó, tục kiêng ăn thịt lợn là một phong tục độc đáo của người theo Hồi giáo – khoa học gọi là taboo. Thật khó mà giải thích cho ổn đáng những tục lệ này, duy lý không đủ, mà còn duy tình, duy “ngai” (nghĩa) nữa cơ!

Chuyện vãn mãi về con Lợn ngày Tết… rồi cũng có lúc phải kết thúc.. để đi làm ăn!

Có hai biểu hiện độc đáo của nghệ thuật tạo hình dân tộc – dân gian Việt Nam với hình con lợn:

– Về điêu khắc: Con lợn đất nung bôi mầu (mình) đỏ – tai (xanh), với các cỡ to nhỏ khác nhau, rỗng lòng, có khía một rãnh nhỏ… để giành cho con trẻ ngày xưa bỏ xu – chinh “tiết kiệm”. Khi “Lợn đất” đầy ắp xu, hào, bèn làm một “nghi thức” “mổ lợn”, đếm tiền tiết kiệm để… tiêu, vui đáo để là vui!

– Về hội họa: Tranh tết dân gian:

Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong

Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp

(Trích thơ Hoàng Cầm)

Có ít nhất ba loại tranh Lợn làng Hồ, quê quán nhà thơ lãng mạn – hiền khô này:

– Lợn đàn (biểu tượng tín ngưỡng dân gian “sinh sôi nảy nở”).

– Lợn độc (“nhất khoảnh anh hùng”)

– Lợn ăn lá dáy (tự nhiên – hòa hợp)

Có điều nhận xét cuối cùng này: Tranh Lợn làng Hồ đều “tả thực” con lợn Ỷ (“mặt như lợn ỷ” – tức mặt to bè – lắm mỡ/ nạc). Giới sinh thái học dân gian nghiên cứu và cho biết; Giống Lợn Ỷ chỉ có ở hạ lưu vực sông Hồng do kết quả chọn lọc giống và chăn nuôi lâu đời ở đây. Hiện tại một số vườn thú thế giới nuôi lợn ỷ như một con thú lạ!

Trần Quốc Vượng